Đọc báo Pháp – 28/02/2020
Bài học virus corona :
Cơ hội phi « Trung Quốc hóa » kinh tế toàn cầu
Tú Anh
Siêu vi Corona chủng mới đã lan khắp địa cầu. Thị trường tài chính hốt hoảng, nhiều lãnh vực kinh tế tê liệt vì lệ thuộc vào công xưởng Trung Quốc. Giới doanh nhân, y tế, chính trị ráo riết đối phó ra sao ? Đâu là những biện pháp cần làm ? Đâu là những ngộ nhận? Với góc nhìn kinh tế, Le Figaro xem đại họa corona là cơ hội để phương Tây « thoát Trung ».
Siêu vi Corona : Biến đại họa thành cơ hội cân bằng thương mại
Với các tựa « Kinh tế thế giới dưới cơn sốc Coronavirus », « Hàng loạt lãnh vực công nghiệp sắp bị tê liệt » « Corona lan rộng làm tăng nguy cơ khủng hoảng thế giới » « Các xí nghiệp chuẩn bị các biện pháp thích ứng với tình thế », Le Figaro phác họa một bức tranh ảm đạm với hai kết luận : Chúng ta đã lệ thuộc vào Trung Quốc đến mức báo động. Đây là cơ hội để tái cân bằng hiện tượng toàn cầu hóa kinh tế.
Ngay trang nhất, xã luận « bài học con siêu vi » xác quyết : Lẽ ra trong một nền kinh tế toàn cầu hóa, trao đổi hàng ngày từ giải trí cho đến công nghệ, từ giao thông cho đến xây dựng, các xí nghiệp của Pháp phải được nhãn hiệu « Made in France » bảo đảm thành công.
Tuy nhiên vì trong mấy thập niên nay, Pháp đã dời sản xuất qua Trung Quốc cho nên đừng ngạc nhiên khi thấy nước Pháp bị thiếu thuốc, thiếu linh kiện. Thế nhưng, không phải vì dịch Corona mà nghe theo xu hướng bảo hộ mậu dịch. Trái lại, đây là cơ hội để tuân thủ một nguyên tắc cơ bản của kinh tế : phải đa dạng hóa các nguồn cung cấp để không lệ thuộc vào bất kỳ ai.
Bất kỳ ai mới được ? Trang ý kiến của Le Figaro trả lời : Dịch Corona là cơ hội để các quốc tây phương ý thức rõ bị lệ thuộc quá nhiều vào các nhà cung cấp Trung Quốc. Còn giới tài chính, đây có thể là cơ may để điều chỉnh tình trạng bất cân bằng trong xu hướng toàn cầu hóa.
Chuyên gia nghiên cứu tài chính vĩ mô ở Luân Đôn Nicolas Goetzmann dẫn chứng : Toàn cầu hóa thực tế là Trung Quốc hóa gần như toàn bộ kinh tế thế giới. Trong vòng 10 năm, từ 2000 đến 2018, Trung Quốc tăng từ 3% GDP thế giới lên 18%. Trong khi đó, không một nước nào lên tới 4%. Năm 2015, Trung Quốc sản xuất 80% máy điều hòa không khí, 70% máy điện thoại, 60% giày dép tiêu thụ trên thế giới. Chiến tranh thương mại trong hai năm qua càng làm lộ rõ thế yếu của phương Tây.
Cách thức Bắc Kinh quản lý khủng hoảng corona, mà không hiểu vì sao có người khen ngợi trong khi người khác chỉ trích là giống Liên Xô giấu giếm thảm họa hạt nhân Tchernobyl, càng làm công luận thêm nghi ngờ Trung Quốc.
Thông tin về chính sách nhốt tù hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương , vụ khủng hoảng Hồng Kông, cáo buộc Hoa Vi làm gián điệp… đánh thức lương tâm người dân phương Tây khiến cho « giấc mơ Trung Quốc » của Tập Cận Bình đụng vào cản lực.
Theo tác giả, Châu Âu có nhiều lá chủ bài trong tay để giảm bớt lệ thuộc vào Trung Quốc. Châu Âu cần hàng Trung Quốc nhưng Trung Quốc cũng lệ thuộc nhiều hơn vào mức cầu của Châu Âu.
Châu Âu phải ra khỏi chiếc bẫy do mình tạo ra : mua hàng giá rẻ của một chế độ độc tài nhất hành tinh, gây ô nhiễm nhất hành tinh, và ngày càng phô trương tham vọng bá quyền.
Thuốc giải của các nền dân chủ phương Tây là vừa giảm bớt lệ thuộc vào thị trường nước ngoài, vừa ưu tiên cho tăng trưởng trong nước tức là tài trợ tạo công ăn việc làm, sản xuất nội địa, nâng cao sức mua của người dân. Nói rõ hơn, đó là một chính sách kinh tế quân bình có sự can thiệp của nhà nước để vừa có thể phục vụ xã hội, củng cố tăng trưởng trong một nền dân chủ tự do. Chính sách đó sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của nền kinh tế toàn cầu hóa rộng mở.
Vì sao không nên cô lập nước Ý ?
Cũng cùng nhận định, Les Echos cho biết thêm các xí nghiệp ngoại quốc tại Hoa lục đang bị tác hại mạnh. Còn tại Nhật, thủ tướng Shinzo Abe ra lệnh đóng cửa tất cả trường học cho đến đầu tháng Tư.
Một câu hỏi then chốt cũng đang được đặt ra tại Châu Âu là có cần đóng cửa biên giới « cô lập » ổ dịch nước Ý hay không ? Les Echos dứt khoát trả lời không. Theo nhật báo kinh tế, mỗi lần đất nước có vấn đề nghiêm trọng thì luôn luôn có những kẻ tự cho là khôn ngoan hơn người. Trong vụ Covid-19, không thể chê trách cách quản lý của chính phủ Pháp, thận trọng không nghe theo chủ trương cách ly triệt để theo kiểu Bắc Kinh. Đúng là dân chúng lo sợ vì không ai biết nguồn cội siêu vi, giới khoa học cũng chưa có cách đối phó. Nhưng nếu cấm 3.000 ủng hộ viên đội banh Ý Turino sang đấu ở Lyon chỉ càng làm tăng thêm tâm lý sợ hãi.
Trước hết, phải thấy chính Trung Quốc đã gây ra tình trạng hỗn loạn này khi từ đầu đã chối là không có dịch, giấu không được thì huy động các biện pháp thô bạo để trấn áp một hiện tượng mà ban lãnh đạo đảng cho là đe dọa ổn định xã hội. Chính các biện pháp thô bạo của Bắc Kinh đã gây ra tâm lý sợ hãi và lan khắp địa cầu. Nói tóm lại, để đối phó hiệu quả với Covid-19 thì cần có sự hợp tác khắp thế giới, tức là giới chuyên gia phải có quyền tự do đi lại. Bảo hộ, cách ly y tế không phải là toa thuốc tốt.
Ký ninh gây tranh cãi
Thuốc trị sốt rét Chloroquine (ký ninh) được Trung Quốc loan báo là có hiệu quả để chống siêu vi Covid-19. Tin này được một chuyên gia phương Tây là giáo sư Didier Raoult đồng tình tán thưởng. Le Monde đánh dấu hỏi hoài nghi.
Nhật báo độc lập cho biết thêm là thông báo của giáo sư Didier Raoult thật ra là dựa vào « bức thư thật ngắn » của ba nhà nghiên cứu Trung Quốc gửi cho tạp chí y khoa Trung Quốc, lấy lại toàn văn của thông báo của chính phủ Trung Quốc hôm 17/02 và được Tân Hoa Xã phổ biến cùng ngày, theo đó Chloroquine được sử dụng chữa trị lành cho một vài bệnh nhân. Vấn đề là số người bệnh sử dụng thuốc rất ít, báo cáo cũng không cho biết danh sách người uống thuốc khác để có thể so sánh và kết luận.
Bruno Canard, một chuyên gia Pháp thuộc trung tâm nghiên cứu sinh hóa Aix-Marseille thận trọng : cần phải có thêm xác minh khoa học. Ngay Tổ Chức Y Tế Thế Giới cũng chưa liệt kê « ký ninh » vào danh sách ưu tiên dùng chữa trị siêu vi Covid-19, Le Monde nhắc khéo độc giả.
Trump, Modi, Tập Cận Bình, Putin
có điểm nào giống nhau ?
Với tựa « Nhà nước pháp trị và nhóm tứ nhân bang », bài bình luận của Le Monde chỉ đích danh bốn thủ phạm chà đạp hai niềm hy vọng của nhân loại từ khi chiến tranh lạnh kết thúc : đó là một trật tự thế giới dân chủ và những chế độ biết thượng tôn pháp luật.
Để trả lời câu hỏi trên, nhà báo Alain Frachon đặt thêm nhiều câu hỏi khác : Vì sao gần một triệu thường dân Syria ở Idleb trốn về biên giới Thổ Nhĩ Kỳ mà không chạy về phía quân đội Damas và quân đội Nga ? Tại sao tại Hội Đồng Bảo An, với sự ủng hộ của Trung Quốc, Nga bác bỏ mọi đề nghị trợ giúp nhân đạo cho người dân Syria như là muốn cho cuộc chạy loạn này diễn ra trong điều kiện càng tồi tệ càng tốt ?
Theo tác giả, thế kỷ 21 này đã bắt đầu với những đòn chí tử đánh vào ước mơ một trật tự thế giới mới. Cuộc tấn công thống trị Irak năm 2003. Tiếp theo đó là xuất hiện những sự kiện xác định xu thế chủ trương dùng sức mạnh áp đặt chuyện đã rồi : bình thường hóa chính sách sáp nhập lãnh thổ không phải của mình. Với Modi, với Putin, với Tập, sửa đổi biên giới bằng vũ lực, nguyên tắc thương mại của WTO bị Trump xem thường.
Tập và Putin được bảo đảm lãnh đạo trọn đời. Điểm khác biệt là Trump bị giới hạn trong hai nhiệm kỳ, nhưng khắp thế giới, xu hướng độc đoán thắng thế, các nền dân chủ tự do bị yếu đi. Thổ Nhĩ Kỳ hay Hungari có thể không gây ngạc nhiên, nhưng ở Washington, chiếc nôi của nền dân chủ thì không thể hiểu được. Đối thủ hay đồng minh của Mỹ đều bị ông Donald Trump mắng nhiếc như kẻ thù hay kẻ phản bội.
Cách nay ba năm, nhà bình luận Anh Martin Wolf đã viết về Donald Trump như sau : « Trump là hạng người mà những vị sáng lập Hiệp Chủng Quốc rất sợ. Alexander Hamilton (thế kỷ 18) cho rằng trong số những nhà lãnh đạo của chế độ Cộng hoà có công kích các quyền tự do, hầu hết là những người bắt đầu sự nghiệp chính trị bằng thái độ khúm núm trước người dân. Họ khởi nghiệp bằng mị dân để cuối cùng trở thành bạo chúa ».
« Ngục Văn Tự »
Cũng trong hồ sơ nhân quyền, Le Monde giới thiệu quyển nhật ký trong tù của Hoàng Chi Phong, một trong những lãnh tụ sinh viên Hồng Kông, tham gia phong trào dân chủ từ năm 2010, lúc mới 14 tuổi, khi chính quyền Hồng Kông bắt buộc đưa vào học đường chương trình giáo dục yêu Trung Quốc.
« Ngục Văn Tự », ấn bản tiếng Pháp là « Parole enchainée » được người thanh niên này ghi lại từng ngày trong nhà tù Pik Up, năm 2017.
Trong phần giới thiệu, Le Monde lưu ý : Hoàng Chi Phong chào đời 9 tháng trước khi Hồng Kông được Anh trao trả cho Trung Quốc vào thời điểm kinh tế Hoa lục phất phới tự hào.
Cho nên không thể nói cậu bé này ý thức thế nào là niềm hãnh diện làm thần dân của Vương quốc Anh. Cha mẹ cậu bé cũng không thuộc thành phần lo âu sợ mất tự do cho nên vẫn ở lại Hồng Kông. Chính những sự kiện xảy ra sau đó, những cảm nhận, sợ hãi mất tự do quý báu mà cậu bé học sinh này trở thành nhà tranh đấu.
Quan tâm và theo dõi rất sớm về sinh hoạt ở Viện Lập pháp nơi mà đại đa số ghế giành riêng cho các đại gia tuân phục Bắc Kinh, Hoàng Chi Phong nhanh chóng mở trang Facebook để tường trình, báo động cho bạn bè cùng tuổi và phụ huynh học sinh những điều mà cậu nhận thấy là sai trái.
Cuối cùng, thời sự điện ảnh là tiêu điểm của Libération : Lễ trao giải thưởng Cesar khai mạc vào đêm nay 28/02/2020 tại Paris trong bầu không khí căng thẳng. Với tựa « đại gia đình ly tán », nhật báo thiên tả kể ra một loạt vụ việc không thể lạc quan trong ban tổ chức : xung khắc nội bộ, thiếu bình đẳng nam nữ, cáo buộc sách nhiễu tình dục…
Tin tổng hợp
(Reuters) – Tập đoàn Hoa Vi – Trung Quốc sẽ xây dựng tại Pháp nhà máy lớn đầu tiên ngoài lãnh thổ.
Chủ tịch Hoa Vi ngày 27/02/2020, thông báo tin trên. Ông Lương Hoa (Liang Hua) cho biết là nhà máy này sẽ cung cấp các thiết bị cho các trạm tiếp sóng điện thoại di động mạng 5G, cho toàn châu Âu. Hiện tại, chưa có thông tin chính thức gì từ phía phủ tổng thống Pháp về dự án này. Paris khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Pháp, nhưng đồng thời cảnh giác trước các đe dọa về an ninh quốc gia, từ Trung Quốc. Chính phủ Pháp sẽ phải đưa ra, trong những ngày tới, các quyết định đầu tiên về yêu cầu của các nhà mạng, đang phân vân giữa thiết bị của Hoa Vi, hay các nhà sản xuất châu Âu khác, là Nokia và Ericsson.
(AFP) – Luxembourg : Quốc gia đầu tiên giao thông công cộng hoàn toàn miễn phí.
Kể từ ngày mai, 01/03/2020, hành khách đi xe điện ngầm, xe buýt…, tại Luxembourg, sẽ hoàn toàn không phải trả tiền. Biện pháp này liên quan trực tiếp đến khoảng 40% người dân nước sở tại, thường xuyên sử dụng phương tiện công cộng. Mỗi gia đình sẽ tiết kiệm được khoảng 100 euro, một năm. Cho đến nay, giao thông công cộng tại tiểu quốc châu Âu này đã miễn phí một phần.
(Reuters) - Hồng Kông : Cảnh sát câu lưu và truy tố ba nhân vật ủng hộ dân chủ.
Nhà tài phiệt ủng hộ dân chủ Lê Trí Anh (Jimmy Lai) sáng lập viên báo Apple Daily, rất phê phán với giới lãnh đạo Hồng Kông và Bắc Kinh đã bị bắt ngày 28/02/2020 với tội danh tụ tập trái phép và hăm dọa người khác. Tội danh tụ tập trái phép liên quan tới một cuộc tuần hành chống chính phủ hôm 31/08/2019, không được cho phép. Ông Lê Trí Anh bị cáo buộc là đã tham dự sự kiện này. Hai nhân vật ủng hộ dân chủ khác, chính khách Lý Trác Nhân (Lee Cheuk-yan) và Dương Sâm (Yeung Sum), cũng bị bắt hôm thứ Sáu, và bị buộc cùng tội danh.
(AFP) – Covid-19 : Liên Hiệp Quốc sẵn sàng có biện pháp nhân đạo để giúp Bắc Triều Tiên.
Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hôm 27/02/2020, thông báo sẵn sàng miễn trừ trừng phạt liên quan đến nhân đạo đối với Bình Nhưỡng trong thời kỳ dịch Covid-19 hoành hành. Đại sứ Đức bên cạnh Liên Hiệp Quốc, Christoph Heusquen, cho biết là virus corona đã được đề cập đến trong cuộc họp kín hôm qua về Bắc Triều Tiên, và đây cũng là lần đầu tiên Covid-19 được gợi lên, và Ủy Ban đặc trách trừng phạt đã được bật đèn xanh để cho phép xuất trang thiết bị chống dịch bệnh sang Bắc Triều Tiên.
(AFP) – Brexit : Luân Đôn cứng rắn với Châu Âu về đàm phán thương mại.
Trong tài liệu thương lượng với Châu Âu, đưa ra vào hôm qua, 27/02/2020, Luân Đôn đã từ chối không theo quy tắc chung của Châu Âu, như Bruxelles mong muốn, để đạt thỏa thuận tự do mậu dịch rất hời cho Anh Quốc sau Brexit. Luân Đôn khẳng định “sẽ không thương lượng bất kỳ dàn xếp nào không cho phép Anh Quốc nắm quyền kiểm soát luật lệ và đời sống chính trị của mình”. Luân Đôn còn đe dọa rút khỏi các cuộc thương lượng vào tháng 6 nếu không diễn ra đúng ý mình.
Điểm tin thế giới sáng 28/2:
WHO cảnh báo bất cứ nước nào
cũng có thể xuất hiện dịch COVID-19
Lục Du
Sáng nay, thứ Sáu (28/2), Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả phần tóm lược những tin thế giới nổi bật đêm qua:
WHO cảnh báo bất cứ nước nào cũng có thể xuất hiện dịch COVID-19
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm thứ Năm (27/2) cảnh báo tất cả các quốc gia cần chuẩn bị để đối phó với dịch COVID-19.
“Tất cả các quốc gia không nên cho rằng nước mình sẽ không có trường hợp nhiễm COVID-19, đây là một sai lầm nghiêm trọng”, Tổng Giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu.
Trong bối cảnh số ca nhiễm mới nCoV được báo cáo trên khắp thế giới hiện đang vượt qua cả Trung Quốc, nơi bùng phát dịch COVID-19, ông cho ngay cả các quốc gia giàu có cũng nên chuẩn bị.
Mặc dù vậy, trong một phát biểu trước báo giới ở Geneva ít ngày trước, ông Tedros lại cho rằng còn quá sớm để khẳng định COVID-19 là một đại dịch.
Nghị viện châu Âu có thể họp từ xa để tránh COVID-19
Lo ngại COVID-19, Nghị viện châu Âu (EP) đang cân nhắc việc tổ chức phiên họp toàn thể từ xa thay vì tập trung như trước kia, một phát ngôn viên của EP cho hay, theo bản tin hôm thứ Năm (27/2) của Reuters.
“Việc này đang được xem xét nghiêm túc. Chúng ta sẽ biết nhiều thông tin hơn trong vài ngày tới”, người phát ngôn EP nói.
COVID-19 đang lây lan nhanh bên ngoài Trung Quốc, và châu Âu đang đứng trước nguy cơ lớn khi thành viên Ý đã trở thành một trong những quốc gia có số người lây nhiễm và tử vong vì SARS-CoV-2 cao nhất thế giới. Theo cập nhật của Worldometers, tới nay, Ý có 17 người tử vong và 655 người nhiễm bệnh.
Ông Pence: Mức đe dọa từ nCoV với người Mỹ vẫn còn thấp
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence nói hôm thứ Năm (27/2) rằng mối đe dọa từ nCoV đối với người Mỹ vẫn còn ở mức thấp và Nhà Trắng đã bắt đầu thảo luận với các nhà lãnh đạo của Nghị viện Hoa Kỳ về dự luật chi tiêu bổ sung để chống lại sự lây lan của căn bệnh truyền nhiễm chết người này.
“Các đánh giá tốt nhất của chúng tôi cho thấy mối đe dọa [từ nCoV] đối với công chúng Mỹ vẫn ở mức thấp”, Reuters dẫn phát biểu của ông Pence. “Trong những ngày sắp tới, chúng tôi sẽ đảm bảo rằng toàn bộ nguồn lực của chính phủ liên bang sẽ tiếp tục được huy động để đối đầu với nCoV”.
Phó Tổng thống Pence cũng nói rằng, ông đang lãnh đạo một nhóm công tác của Nhà Trắng để đối phó với dịch COVID-19.
Theo Worldometers, tính tới hết ngày 27/2, Hoa Kỳ có 60 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 6 người đã hồi phục, không có ca nào ở trạng thái nghiêm trọng và chưa có trường hợp tử vong.
Phát hiện vụ nổ siêu lớn trong vũ trụ
Các nhà thiên văn học đã phát hiện ra vụ nổ lớn nhất quan sát được trong vũ trụ, gấp 5 lần vụ nỗ lớn nhất được ghi nhận trước đây. Theo AP, vụ nổ này bắt nguồn từ một lỗ đen siêu lớn.
Các nhà khoa học hôm thứ Năm (27/2) cho biết, vụ nổ xuất phát từ một lỗ đen trong một cụm thiên hà cách xa chúng ta tới 390 triệu năm ánh sáng.
Theo nhà khoa học Simona Giacintucci, thuộc Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Hải quân ở Washington, tác giả chính của báo cáo khoa học này, vụ nổ lớn đến nỗi nó đã tạo ra một miệng hố trong khí nóng có thể chứa 15 dải Ngân hà.
Tình báo: Xã hội đen ẩn nấp trong những đoàn lữ hành tới Mỹ
Các thành viên băng đảng xã hội đen từ El Salvador, Guatemala và Honduras đã trà trộn trong các đoàn lữ hành di cư tới Hoa Kỳ và trên đường đi chúng đã phạm tội ở Mexico, Fox News hôm thứ Năm (27/2) dẫn tin từ các quan chức cho biết.
Theo El Universal, bà Gissell Pérez Artiga, một đại diện của Tổ chức Tình báo Biên giới đã quốc gia có trụ sở tại EL Salvador, đã đưa ra khẳng định này trong một hội nghị an ninh đang diễn ra ở Mexico City.
“Chúng tôi có thỏa thuận hợp tác với Hoa Kỳ, Guatemala và Honduras, và có thể xác định những người này ở biên giới, họ ngụy trang trong số những nạn nhân của nạn buôn người, người di cư, để họ có thể tiếp tục phạm tội ở Hoa Kỳ và hiện tại là ở Mexico”, bà Gissell nói, và cho biết thêm rằng các thành viên băng đảng MS-13 và 18th Street đã ẩn nấp trong hai chục đoàn lữ hành xuất phát từ Trung Mỹ kể từ năm 2018.
Điểm tin thế giới chiều 28/2:
Tổng thống Mông Cổ bị cách ly
sau chuyến thăm Trung Quốc
Triệu Hằng
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Sáu (28/2) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Tổng thống Mông Cổ bị cách ly sau chuyến thăm Trung Quốc
Tổng thống Khaltmaagiin Battulga và các quan chức chính phủ khác đã bị cách ly y tế 14 ngày, sau khi họ về nước kết thúc chuyến thăm Trung Quốc, hãng thông tấn Montsame báo cáo hôm nay.
Ông Battulga là nguyên thủ quốc gia đầu tiên thăm Trung Quốc kể từ khi nước này bắt đầu thực hiện các biện pháp đặc biệt nhằm kiềm chế tình hình bùng phát dịch Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra vào tháng Một.
Ông Battulga đã tới Bắc Kinh cùng Bộ trưởng Ngoại giao Damdin Tsogtbaatar và các quan chức chính phủ cấp cao khác vào hôm qua (27/2). Chuyến thăm bao gồm các cuộc họp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường.
Trong chuyến thăm, ông Battulga đã trao tặng Trung Quốc 30.000 con cừu.
Belarus công bố trường hợp đầu tiên nhiễm nCoV
Belarus đã vào sổ trường hợp nhiễm virus corona đầu tiên ở nước này, Reuters ngày 28/2 dẫn tin từ thông tấn TASS báo cáo hôm nay, trích dẫn Bộ y tế Belarus.
“Chúng tôi xin thông báo rằng các xét nghiệm được tiến hành ngày 27/2 tại Trung tâm dịch tễ học và vi trùng học Belarus cho thấy sự hiện diện của virus corona ở một trong những sinh viên đến từ Iran”, TASS trích thông báo của Bộ.
Venezuela: Ông Guaido được trao quyền kiểm soát 80 triệu đô la tài sản bị phong tỏa
Quốc hội do phe đối lập Venezuela kiểm soát trong hôm thứ Năm (27/2) đã ủy quyền cho lãnh đạo hiện tại là Juan Guaido kiểm soát khoảng 80 triệu USD tài sản bị đóng băng bên ngoài đất nước do các lệnh trừng phạt nhắm vào Tổng thống Nicolas Maduro, theo hãng tin AFP.
Ông Guaido có thể thành lập một liên minh, chịu sự giám sát của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) kiểm soát các tài khoản của Venezuela bị phong tỏa ở Mỹ và thuộc về các nhân vật hàng đầu trong chế độ Maduro, và tài sản của hãng dầu khí quốc gia, nhà lập pháp Alfonso Marquina thông tin cho AFP.
Quốc hội nước này khẳng định, nguồn tiền sẽ được chi trả cho các chi phí xã hội ở Venezuela, nơi đang trong thời kỳ suy thoái kéo dài 5 năm và đã chứng kiến hàng triệu người Venezuela bị thiếu hụt nhu yếu phẩm cơ bản, khiến hơn 4 triệu dân rời bỏ đất nước. Quyết định này cũng nhằm mục đích “tăng cường các mối quan hệ quốc tế” và hỗ trợ một “chính phủ chuyển tiếp” do ông Guaido lãnh đạo.
Nga điều tàu chiến đến Syria, đổ lỗi Ankara sát hại binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ
Nga hôm thứ Sáu cho biết, họ đã điều hai tàu chiến trang bị tên lửa hành trình đến vùng biển ngoài khơi Syria và đổ lỗi cho Ankara về việc sát hại 33 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực Idlib của Syria vào ngày hôm trước, theo hãng tin Reuters ngày 28/2.
Vụ sát hại binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra hôm thứ Năm, khiến 32 người khác bị thương, nâng số người tử trận của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực lên 54 trong tháng này.
Thổ Nhĩ Kỳ đã điều hàng ngàn binh sĩ và khí tài quân sự hạng nặng vào Syria; Tổng thống Erdogan cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến hành tấn công toàn diện đẩy lùi lực lượng Syria trừ khi họ rút khỏi các trạm quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực.
Canada ngừng bảo đảm an ninh cho Harry – Meghan
Hãng tin Reuters thông tin, chính phủ Canada hôm thứ 27/2 tuyên bố không tiếp tục bảo vệ an ninh cho vợ chồng Hoàng tử Harry và vợ Meghan Markle, kể từ sau ngày 31/3, do sự thay đổi vị thế của hai người.
Thông báo cho biết, cảnh sát Hoàng gia Canada (RMCP) có nghĩa vụ cung cấp sự hỗ trợ an ninh cho Harry và Meghan khi họ đến Canada từ tháng 11/2019, vì hai vợ chồng được coi là “Người được bảo vệ quốc tế”.
Đầu tháng này, Harry và Meghan xác nhận việc họ chính thức rút khỏi các vị trí cấp cao trong hoàng gia Anh. Vợ chồng Harry cũng không được phép dùng thương hiệu “Sussex Royal” sau khi rời khỏi hoàng gia để bắt đầu cuộc sống độc lập.
Nhận xét
Đăng nhận xét