30/04: 'Người Mỹ gốc Việt cần thoát quá khứ để không bị bỏ lại'
- Jeff Le
- Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Washington DC, Hoa Kỳ
Mọi người Mỹ gốc Việt đều biết về ngày 30 tháng Tư.
Từ khi còn nhỏ, chúng ta đã được dạy về những gì xảy ra ngày hôm đó: Siêu cường Hoa Kỳ bị bại trận, chế độ Cộng sản miền Bắc độc tài trỗi dậy, và sự kết thúc của Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng hiếm khi chúng ta được nghe kể những câu chuyện cá nhân. Nỗi sợ hãi. Cảm xúc. Sự nguy hiểm. Những điều này được ám chỉ, nói quanh. Mọi người được cho là đã hiểu ngầm: Hãy nhớ những gì đã xảy ra, nhưng đừng nói về quá khứ.
Đối với thế hệ cha mẹ tôi, những người bỏ hết mà đi, lên một chiếc bè hay con thuyền để tìm đường sống, kinh nghiệm này được chôn kín. Khi mẹ và cha tôi đến California sau nhiều năm lăn lộn ở các trại tị nạn, họ bám lấy Giấc mơ Mỹ như một sự cứu rỗi.
Họ cắm cúi làm việc và tìm an ủi trong niềm hy vọng rằng con cái sẽ có được những cơ hội mà họ đã mất đi khi Chính phủ miền Nam Việt Nam sụp đổ.
Lần tôi thấy ba bật khóc
Đó là ngày 30 tháng 4 năm 1995 và tôi hôm ấy muộn giờ đi học. Tôi đang học lớp bảy - một khoảng thời gian rất lúng túng với tôi (và có lẽ cho tất cả mọi người cùng tuổi). Hôm đó khác mọi ngày vì ba tôi đang ở giữa hai ca làm, với nghề làm vườn của ông. Ba nói sẽ đưa tôi đến trường.
Chúng tôi leo lên chiếc xe tải khổng lồ của ba, một chiếc xe chứa đầy bùn đất, máy móc, vật tư, lớp mùn phủ đất và rác.
Xe của ba không phù hợp chút nào với vùng ngoại ô California giàu có. Nó tương phản rõ rệt với những chiếc xe thể thao của gia đình các bạn bè khá giả của tôi. Tôi cố gắng che giấu sự xấu hổ. Nhưng tôi lúc đó là một anh chàng tuổi teen, thích nổi loạn và làm người khác nhức đầu.
Ba không phải là người nói nhiều. Khi còn nhỏ, tôi không nhớ ba có bao giờ hỏi tôi là ở trường hôm đó ra sao, hay có bao giờ cùng tôi tham dự bất kỳ trận đấu quần vợt, độc tấu vĩ cầm hay hội chợ khoa học nào.
Thật ra, khi lớn lên, tôi ít khi thấy ba. Ông lúc nào cũng vắng nhà - lao động chân tay 18 giờ mỗi ngày, bảy ngày một tuần. Giống những con tàu thoáng gặp nhau trên biển, tôi nghe thấy tiếng báo thức của ba vào sáng sớm và nghe tiếng động cơ xe tải diesel của ông tắt đi giữa đêm khuya. Về nhiều mặt, ba vừa là người xả thân ra nuôi tôi vừa là một bóng ma - đắm mình trong cuộc phấn đấu của những người nhập cư để chỉ được sống còn.
Khi xe đang lao đến trường, ba bật radio, một đài phát thanh tiếng Việt mà ba hay nghe để biết tin tức. Nhưng không giống như sự im lặng thường thấy giữa chúng tôi, khi gần đến nơi thả tôi xuống, ba bật khóc không không kìm được và hét lên, "Chúng ta đã mất hết tất cả".
Hình ảnh người cha thường ngày câm nín, với cách cư xử vững như bàn thạch tan chảy trước mắt. Tôi hoàn toàn bị sốc. Không nói nên lời. Bối rối. Sợ hãi.
Nhưng sau đó nghe chương trình phát thanh, tôi hiểu hôm đó là kỷ niệm 20 năm ngày ba nước mất nhà tan. Khởi đầu cho một hành trình khắc nghiệt, sự xung đột của một bản sắc kép. Ba luôn là người Việt. Nhưng hộ chiếu của ba nói ba là người Mỹ. Ba luôn biết mình sẽ không bao giờ Mỹ đủ. Ba vẫn khao khát được sống lại khoảng thời gian chỉ tồn tại trong ký ức.
Hôm đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi thấy ba khóc.
Ba là người cứng rắn nhất mà tôi biết. Nhưng giống như nhiều người sống sót sau cuộc xung đột, ba tự làm cho mình rắn lại và tất bật làm việc. Sống sót. Quên đi quá khứ. Tất cả chỉ cho Giấc mơ Mỹ.
Đây không chỉ là kinh nghiệm của người Mỹ gốc Việt. Mà là kinh nghiệm của tất cả những người Mỹ mới đến đây nhập cư từ nhiều nước khác.
Nhưng câm nín và chôn vùi quá khứ không xóa được nỗi mất mát mà họ cảm thấy khi phải rời bỏ quê hương và làm lại từ đầu.
Nhiều người Mỹ gốc Việt vẫn sống với nỗi mất mát đó. Kẹt trong quá khứ, họ khao khát một cuộc sống khác và những gì lẽ ra họ đã đạt được - cam chịu ôn lại những vết thương quá khứ trong cuộc sống hàng ngày. Và đáng buồn thay, điều đó làm tương lai họ bị lu mờ.
Bóng ma quá khứ
Kỷ niệm 30/4 gợi cho tôi một sự xấu hổ sâu sắc.
Tôi đã chủ động chối bỏ di sản Việt Nam của mình. Tôi thôi đến trường học tiếng Việt vào ngày Chủ Nhật sau chưa đầy một năm. Tôi không chịu nói tiếng mẹ đẻ. Tôi thậm chí tìm cách tránh những chuyến đi cùng gia đình về thăm Việt Nam.
Giống như ba, tôi biết mình không thể hòa nhập được. Tôi tìm cách tập trung vào danh tính Mỹ của mình hơn. Nhưng sự thật là ba và tôi cùng gặp khó khăn như nhau. Chúng tôi không thể vượt qua quá khứ hoặc danh tính của mình. Cả hai đều quá bướng bỉnh hoặc xấu hổ để nói về điều đó.
Quá khứ bi thảm và đau thương đó - dù phần lớn không được nói ra - là bóng ma ẩn khuất hướng dẫn, ảnh hưởng và định hình bản sắc chính trị và hệ tư tưởng của rất nhiều người Mỹ gốc Việt.
Tôi đã tận mắt chứng kiến và phấn đấu với điều này trong đời sống cá nhân và nghề nghiệp - lớn lên trong một gia đình người Mỹ gốc Việt và làm việc trong chính sách công ở cấp tiểu bang, quốc gia và quốc tế.
Nhưng tôi biết đại dịch toàn cầu và chu kỳ chính trị năm 2020 cho chúng ta một lối thoát khác.
Mặc dù phải đối mặt với rất nhiều thách thức, người Mỹ gốc Việt có một cơ hội tuyệt vời để biến sức mạnh của mình thành động lực tạo thay đổi - nếu chúng ta có thể thoát khỏi ám ảnh của quá khứ.
Người Mỹ gốc Việt là cộng đồng đồng cảm nhất với đảng Cộng hòa so với bất kỳ nhóm người Mỹ gốc Á nào. Tôi thấy có nhiều lý do cho điều này.
Bên cạnh sự hấp dẫn của các luận điệu chống cộng, các thế hệ lớn tuổi cũng đáp ứng lập trường cứng rắn chống Trung Quốc, với chủ nghĩa thực dân ngày xưa và các xung đột địa chính trị hiện tại về biên giới và chủ quyền trên biển.
Những luận điệu chống Trung Quốc của Tổng thống Trump - như "cúm kung" và "virus Trung Quốc" - dù tạo môi trường thuận lợi cho sự gia tăng tội ác thù ghét người gốc Á trong đại dịch, cũng hấp dẫn chủ nghĩa dân tộc trong giới người Mỹ gốc Việt lớn tuổi.
Thông tin sai lệch và thiếu giáo dục công dân cũng có tác động lớn. Bị rào cản về ngôn ngữ và công nghệ, chỉ truy cập được vào các nguồn tin tức bằng tiếng mẹ đẻ, người Mỹ gốc Việt chuyển sang các diễn đàn Facebook và các kênh YouTube cực hữu chuyên đưa tin sai lệch về chính trị.
Những nỗ lực như của The Interpreter và VietFactCheck, cung cấp cho người gốc Việt "phân tích và phản bác đã được kiểm chứng, xác minh nguồn gốc bằng tiếng Anh và tiếng Việt, để chống lại sự tấn công của thông tin sai lệch", đang góp phần vào việc lật ngược tình thế này. Nhưng chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa, kể cả những cuộc nói chuyện khó khăn trong gia đình để giúp nhau phân biệt được giữa tin thật và tin giả.
Đáng buồn thay, niềm tin vào những nguồn tin thất thiệt này không chỉ ảnh hưởng đến kết quả các cuộc bầu cử, mà còn tạo ra tranh cãi và sự công kích nhau trong cộng đồng, làm rạn nứt nhiều tình thân.
Đã có lúc tôi bị một số người gốc Việt dọa giết vì những gì tôi viết. Tin giả cũng là lý do tại sao cha mẹ tôi bị tấn công vì quan điểm của họ, bị những lời bình trên mạng xã hội cho rằng họ theo chủ Cộng sản xấu xa chỉ vì họ ủng hộ đảng Dân chủ.
Không chỉ những người lạ tấn công cha mẹ tôi, mà còn cả những người bạn. Một vài người quen biết họ từ khi rời khỏi Việt Nam. Điều này cho thấy cảm nhận và nhận thức ăn sâu vào tâm não chúng ta bền chặt như thế nào.
Sau khi tranh luận một cách vô vọng và không mang lại kết quả, cha mẹ tôi buộc phải làm điều mình không muốn, chặn một số tài khoản, thậm chí chấm dứt một số tình bạn kéo dài hàng thập kỷ.
Gia đình tôi hiểu rằng cộng đồng có một cách hành xử nhất định. Cha mẹ tôi định cư tại Quận Cam, California năm 1981. Quận Cam - khi đó có biệt danh là 'Bức màn Cam', vì nó ngăn cách các thành phố bảo thủ có số người da trắng áp đảo khỏi quận Los Angeles cấp tiến, đa dạng ở phía bắc - và nhanh chóng trở thành khu tái định cư lớn nhất cho người Mỹ gốc Việt.
Khởi đầu từ một ít nhà hàng và doanh nghiệp nhỏ trong các trung tâm thương mại, Little Saigon đã biến thành một cộng đồng 200.000 người - 1/5 dân số của quận ngày nay và còn đang tăng lên.
Người Việt chống Cộng và phe bảo thủ ở Quận Cam có một quan hệ đối tác tự nhiên. Sức mạnh của họ ngày càng tăng. Ảnh hưởng lớn của cử tri Mỹ gốc Việt - ủng hộ mãnh liệt các ứng cử viên có cùng họ, tên trên lá phiếu - tạo ra một loạt chính trị gia gốc Việt thuộc Đảng Cộng hòa, những dân cử cấp địa phương và tiểu bang.
Theo Dữ liệu của AAPI, cử tri gốc Việt là nhóm AAPI duy nhất có tỷ lệ ủng hộ Donald Trump cao hơn Joe Biden. Trung bình, chỉ 30% cử tri AAPI ủng hộ ông Trump, thấp hơn nhiều so với 48% của người Mỹ gốc Việt.
Nắm lấy tương lai
Dựa trên chêch lệch mỏng như lưỡi dao giữa hai đảng tại Quốc hội và một đất nước đang bị chia rẽ sâu sắc, cơ hội tạo được ảnh hưởng lớn về chính trị và xã hội trong năm 2021 và 2022, của người Mỹ gốc Việt, và cộng đồng người Mỹ gốc Á nói chung, chưa bao giờ lớn hơn bây giờ.
Các cộng đồng người Mỹ gốc Á đang xích lại gần nhau hơn. Với những hành vi thù ghét nhắm vào họ ngày càng tăng, họ không có giải pháp nào khác hơn là lên tiếng và tranh đấu.
Các nhà lãnh đạo AAPI trong không gian sáng tạo, Hollywood, kinh doanh và luật pháp đã hết sức tìm cách nâng cao nhận thức, gây quỹ và cung cấp các dịch vụ miễn phí cho cộng đồng để chống lại sự phân biệt đối xử và thù hận trong thời điểm cần thiết này.
Các tổ chức dân sự AAPI đã liên minh với các nhóm của cộng đồng Da đen để tạo đồng minh mạnh mẽ hơn giữa làn sóng bạo lực năm 2021, đặc biệt là sau cái chết của George Floyd. Sau vụ xả súng ở Atlanta tháng trước - nhằm vào ba doanh nghiệp nhỏ do người châu Á làm chủ và giết chết tám người (trong đó có sáu phụ nữ gốc Á), vụ cảnh sát giết Daunte Wright vào tháng này chỉ càng làm tăng thêm tình đoàn kết giữa họ.
Theo tôi, những yếu tố này đã thúc đẩy một cơn bão lửa AAPI trước bối cảnh những tiếng nói này trước kia ít được cất lên vì văn hóa tránh tham gia của người Á châu.
Trong 47 tiểu bang và khu vực DC có dữ liệu đi bầu của AAPI, số người gốc Á đi bầu tăng 47% so với năm 2016, so với gia tăng 12% của dân số nói chung. Với cộng đồng AAPI - 6% cử tri Mỹ - đang phát triển nhanh hơn bất kỳ nhóm nào khác ở các tiểu bang chiến trường quan trọng, như Georgia, North Carolina, Nevada và Texas, khối cử tri này có thể là biên độ quan trọng giữa chiến thắng, hay chiến bại.
Hiểu được phép toán của bầu cử và nhận thấy cấu trúc dân số thay đổi nhanh chóng ở các quận hạt và tiểu bang chiến trường, các nhà lãnh đạo cộng đồng và giới tinh hoa chính trị đã phản ứng.
Sau khi các Thượng nghị sĩ Tammy Duckworth (D-IL) và Mazie Hirono (D-HI) kêu gọi có sự đại diện chính trị nhiều hơn ở các cấp cao nhất trong chính phủ liên bang, chính quyền Biden đã đồng ý bổ nhiệm một quan chức AAPI cấp cao trong Nhà Trắng.
Trong thời đại phân chia đảng phái sâu sắc, chủ nghĩa hoài nghi và bế tắc, dự luật chống tội thù hận COVID-19 của lưỡng đảng đã được Thượng viện Hoa Kỳ thông qua với số phiếu 94-1.
Điều này sẽ không xảy ra nếu không có sự thức tỉnh chính trị tập thể, ngay cả khi nó đi ngược lại bản năng văn hóa là luôn phải nhu mì và khuynh hướng vâng lời người lớn của chúng ta.
Nhưng liệu người Mỹ gốc Việt có phải là một phần của liên minh đang nổi lên để khai thác sức mạnh mới hình thành này không?
Và làm sao để người Mỹ gốc Việt cuối cùng nhìn về phía trước và vạch ra con đường cho tương lai?
Muốn được vậy cần đòi hỏi giáo dục công dân và hiểu biết về truyền thông. Cần đòi hỏi phải đấu tranh với sự tuyên truyền, thông tin sai lệch và tin giả. Cần yêu cầu trường học phải giảng dạy về lịch sử người Mỹ gốc Á.
Cần đòi hỏi các chính sách công toàn diện hơn - thu thập dữ liệu tốt hơn để hiểu rõ hơn về cộng đồng và những thách thức của họ. Cần đòi hỏi phải giảm bớt các rào cản về văn hóa và ngôn ngữ với các dịch vụ của chính phủ.
Những điều nói trên quan trọng, nhưng rào cản lớn nhất của sự thay đổi còn khó hơn: Giới trẻ gốc Việt phải học hỏi từ các cộng đồng khác, và có những lần nói chuyện khó khăn với gia đình, ngay cả xung đột trực tiếp với một số người lớn tuổi hoặc người thân, trong một nền văn hóa bắt chúng ta phải tôn trọng hệ thống tôn ti trật tự.
Nhưng để phát huy tiềm năng, thế hệ trẻ và những nhà lãnh đạo mới của người Mỹ gốc Việt phải thoát khỏi quá khứ, vạch ra con đường và mạnh tiến - hoặc sẽ bị bỏ lại phía sau.
Bài thể hiện quan điểm của ông Jeff Le, một đối tác chính trị của Dự án An ninh Quốc gia Truman. Ông từng là Phó Giám đốc Đối ngoại và Quốc tế, cũng từng là Phó Thư ký Nội các cho cựu Thống đốc California Jerry Brown từ năm 2014-2019.
Xem thêm:
Nhận xét
Đăng nhận xét