Sổ Tay Ký Thiệt kỳ 453 : Hôm nay, ngày 30 tháng 4
Phải chăng những hiện tượng trên đây là dấu hiệu đầu tiên đưa đến sự sụp đổ của đảng CSVN do chính những người trong chăn “đốt lò” như kịch bản đã đưa đến cái chết mau lẹ của Liên-bang Sô-viết vào năm 1991, sau khi gây bao tai ương, khổ đau cho nhân loại trong gần suốt chiều dài của Thế kỷ 20 với hơn 100 triệu người vô tội bị sát hại?
Sổ Tay Ký Thiệt kỳ 453 (Đời Nay ra ngày 30.4.2021)
Hôm nay, ngày 30 tháng 4
Số báo này ra vào ngày 30 tháng 4 năm 2021, 46 năm sau cái chết của Việt Nam Cộng Hòa.
Một thời gian dài, gần nửa thế kỷ đã trôi qua, trên mặt quả địa cầu biết bao đổi thay đã diễn ra, trong đó có sự biến mất của “Liên-Xô vĩ đại”, “cha đẻ” của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, nhưng Việt Nam, nhìn từ con mắt của một người Việt tị nạn từ thế giới bên ngoài, thì dường như cuộc chiến chưa chấm dứt sau khi những người nhân danh “Giải phóng” chiếm được toàn cõi Việt Nam bằng xe tăng, đại pháo của Nga Tàu, trong lúc đồng minh Hoa Kỳ của VNCH tháo chạy.
Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là tên nước mới nhưng vẫn cai trị bằng bạo lực và lừa dối. Sau 46 năm, vẫn có “các thế lực thù địch nhằm kích động chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc và phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta.” (báo “đảng” ngày 2.4.2021), và trong các nhà tù lúc nào cũng không thiếu “các thế lực thù địch” mà hiện nay có những người nổi tiếng như Phạm Chí Dũng, Phạm Đoan Trang, Lê Hữu Minh Tuấn, Cấn Thị Thêu, Trần Đức Thạch, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Đinh Thị Thu Thủy và Nguyễn Tường Thụy, vân vân ...
Còn những “thế lực thù địch” của CHXHCNVN không nổi tiếng đang ở trong tù là bao nhiêu thì không ai biết. Người mới bị bắt gần đây nhất, ngày 7 tháng 4, 2021, là bà Nguyễn Thúy Hạnh, 58 tuổi, vợ của ông Huỳnh Ngọc Chênh, cũng bị ghép tội “thế lực thù địch”.
Một người khác nổi tiếng bị bắt trước bà Hạnh một tháng là Bác sĩ Nguyễn Duy Hướng, sinh năm 1987, dĩ nhiên là không thể liên lệ gì đến “ngụy quân, ngụy quyền”, trái lại, có thể là đảng viên.
Một người khác nổi tiếng bị bắt trước bà Hạnh một tháng là Bác sĩ Nguyễn Duy Hướng, sinh năm 1987, dĩ nhiên là không thể liên lệ gì đến “ngụy quân, ngụy quyền”, trái lại, có thể là đảng viên.
Theo tin từ “báo chí chính thống” tại VN thì khoảng 10 sáng ngày 22 tháng 3, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Bác sĩ Nguyễn Duy Hướng (sinh năm 1987, trú tại huyện Yên Thành, Nghệ An) để điều tra về hành vi “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo điều 117 Bộ luật Hình sự. Cũng theo nguồn tin này, Bác sĩ Nguyễn Duy Hướng sử dụng tài khoản facebook có tên “Bảo Kiếm” để đăng tải nhiều nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân từ năm 2018 cho đến nay.
Cùng ngày, cơ quan An ninh điều tra đã phối hợp với Công an huyện Yên Thành tổ chức khám xét khẩn cấp nơi cư ngụ của Bs Hướng, tại xã Sơn Thành, huyện Yên Thành và phòng khám Duy Nhi tại xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, thu giữ 01 máy tính bảng, 01 điện thoại di động.
Cơ quan Công an tỉnh Nghệ An đang tiếp tục điều tra, mở rộng. Được biết Bác si Nguyễn Duy Hướng làm việc tại bệnh viện Đa Khoa tỉnh Nghệ An và sau đó là Bệnh viện đa khoa thành phố Vinh sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội. Sau đó vì không hài lòng cách làm việc với giám đốc bệnh viện, Bác sĩ Nguyễn Duy Hướng đã xin nghỉ ra mở phòng khám Duy Nhi ở Yên Thành-Nghệ an.
Sau sự kiện Đồng Tâm xảy ra, Bác sĩ Nguyễn Duy Hướng đã gửi thư ra văn phòng Trung ương đảng, để thể hiện ý kiến về việc này.
Dưới đây là một bài của BS. Nguyễn Duy Hướng viết trên Facebooker Bảo Kiếm ngày 20-02-2021:
TẠI SAO PHẢI CÔNG KÍCH ÔNG NGUYỄN PHÚ TRỌNG?
Mấy ngày gần đây tôi có đăng bài để sỉ nhục ông Nguyễn Phú Trọng và “đồng bọn”! Qua bài đã đăng tôi nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều khác nhau, có người ủng hộ, có người phản đối, song hầu hết mọi người không hiểu được nội tình ra sao? Vậy hôm nay tôi viết bài này để lý giải về điều đó, để mọi người có cái nhìn khách quan hơn và hiểu hơn về vấn đề đó.
Như chúng ta đã biết, những năm gần đây, ông Nguyễn Phú Trọng nổi lên như là một nhân vật kiệt xuất của Đảng, của Đất Nước, có được uy tín rất lớn trong Đảng cũng như trong dân. Ông có được sự ủng hộ đó là do ông có thành tích trong phong trào chống tham nhũng. Ông đã đánh trúng vào niềm mong mỏi và “cơn khát” của nhân dân. Song cái lỗi của người dân chúng ta là chỉ biết nhìn ở hiện tượng trước mắt mà không biết bản chất thật sự bên trong. Chúng ta bị cái hào nhoáng bề ngoài đánh lừa. Do ánh hào nhoáng bề ngoài và sự cả tin đó mà chúng ta xem ông Nguyễn Phú Trọng như “thánh sống”. Bản thân tôi đi ngược lại với cách nhìn của mọi người là bởi vì tôi thấu tỏ được những vấn đề sâu xa hơn. Chính vì những triết lý sâu xa hơn đó mà tôi có thể hiên ngang công kích ông Nguyễn Phú Trọng cũng như mấy ông kia.
Như chúng ta đã biết, sự suy thoái trong Đảng là hoàn toàn hiện hữu, nó có thật và tình trạng rất nghiêm trọng, nó có thể gây nguy hiểm cho an nguy của Đất Nước. Tôi mường tượng ra được vấn đề đó từ khi còn là sinh viên đại học, đến khi ra trường về bệnh viện HNĐK Nghệ An công tác tôi lại nhận diện ra nó được rõ hơn. Mấy năm nay tôi bỏ việc, bỏ cả gia đình để đi thực tế ở các vùng miền đất nước cũng là vì vấn đề này. Tôi chọn cách ra đi vì những đóng góp của tôi dành cho Đảng, cho Đất Nước không được xem trọng. Trước sự thờ ơ đó bản thân tôi hiểu là “tiên trách kỷ hậu trách nhân”, tôi nghĩ mình còn quá trẻ, quá non nớt hay quá cục bộ nên không bao quát hết được tất cả chăng? Vì thế nên tôi ra đi để mở mang tầm mắt và thấy được hết sự bao quát đó.
Qua thời gian bản thân tôi càng trưởng thành hơn, tầm nhìn bao quát của tôi càng lớn hơn. Chính sự trưởng thành và tầm nhìn bao quát đó cho tôi hiểu ra một vấn đề là cần phải cải cách Đảng, cần phải cụ thể hoá sự làm chủ của nhân dân hơn nữa. Vì thế mà những bài viết để đóng góp của tôi, tôi đều âm thầm gửi về cho các cơ quan Đảng. Song ông Nguyễn Phú Trọng và các Đảng Viên TƯ đều chọn cách làm gian dối, họ không dám cải cách vì họ sợ mất chức mất quyền, thay vào đó họ tìm cách khui, diệt một vài thành viên lớn lấy tiếng.
Mang tiếng là chống tham nhũng vì lợi ích của nhân dân của đất nước song thực tế là loại bỏ kẻ mất lòng để đánh bóng cho cá nhân, lòe nhân dân để cả hội giữ chức giữ ghế. Những vụ án tham nhũng làm nức lòng dân như ông Đinh La Thăng, ông Trịnh Huy Hoàng, Vũ Nhôm... có thể có mùi của tham nhũng nhưng thực tế là các ông ấy không hề nhận tội mà bị xử giống như là bị ép tội, song cái đó chúng ta cứ coi như là xử đúng. Còn những cái chết như Chủ tịch Nước Trần Đại Quang, của ông Nguyễn Bá Thanh thì chúng ta lý giải ra sao? Đây chẳng phải là sự thanh trừng phe nhóm khốc liệt hay sao?
Chúng ta bị mắc lừa bởi chúng ta thấy họ làm được một vài điều tốt là nghĩ họ tốt. Song không phải! Điều đó giống như đường dây buôn bán ma túy vậy. Cả hệ thống có hàng trăm hàng nghìn thằng ăn rơ lợi nhuận với nhau, móc nối quyền lợi nhuận với nhau rất chặt chẽ. Khi đường dây bị lộ, thì lộ ở mắt xích nào thì đổ lỗi chỉ mắt xích đó. Kẻ đó giống như một con tốt thí thân, sẵn sàng hy sinh vì tổ chức, họ có thể bị tử hình, bị cầm tù song gia đình con cái của họ luôn được tổ chức lo lót cho no đủ.
Tương tự, Đảng ta suy thoái không phải chỉ ở một vài cá nhân mà là cả một hệ thống, xã suy thoái ở xã, huyện suy thoái ở huyện… mọi cấp bậc đều có những kẻ suy thoái biến chất bọc lót cho nhau, họ thay nhau cầm quyền và giữ chức. Để bảo vệ tập đoàn tội phạm đó, để bảo vệ tổ chức đó ông Nguyễn Phú Trọng chọn cách “thằn lằn cắt đuôi” để loè dân.
Có thể mọi người sẽ cho rằng những lời nói như trên của tôi vu khống, vô căn cứ. Song cách làm việc của Đảng thật sự đang có rất nhiều vấn đề. Vấn đề thứ nhất là suy thoái và bao che cho nhau là hoàn toàn có. Vấn đề thứ hai là cách làm việc “tập thể lãnh đạo cái nhân phụ trách”. Do lãnh đạo tập thể cho nên khi lãnh đạo sai thì chẳng có ông nào đứng ra chịu trách nhiệm cả! Bắt cái nhân phụ trách chịu trách nhiệm ư? Ông ấy bảo: “tôi làm theo sự lãnh đạo của Đảng, Đảng chỉ đạo sao tôi làm vậy chứ có phải tự ý của tôi đâu?”
Đến lượt Đảng thì Đảng là một tập thể nên ông nào cũng làm thinh. Khi lãnh đạo thì mạnh thằng nào thì ùa theo thằng đó, còn khi chịu trách nhiệm thì thằng nào cũng làm thinh nên hoà cả làng. Rồi rút ra bài ca muôn thưở Rút Kinh Nghiệm. Ví như Vụ Bán đất 70 năm ở Formosa Hà Tĩnh chẳng hạn. Ai cho phép bán đất? Đảng chứ ai? Vậy có ai chịu trách nhiệm ở vụ đó không? Mặc nhiên là không thấy ai cả! Bán khi nào và bán như thế nào? Người dân chúng ta không hề biết, đến khi sự việc vỡ lở ra thì mọi sự đã rồi. Qua đó ta thấy sự giám sát của nhân dân của đất nước đối với Đảng rất hời hợt nếu không muốn nói là “trời ơi đất hỡi”!
Thành quả của Đảng dành cho đất nước trước đây là không thể chối cãi, nhưng ở hiện tại Đảng là một vũng lầy, là một gánh nặng của Đất Nước. Việc mà tôi làm, tôi hi sinh cả gia đình cả công việc ổn định chính là để thay đổi Đảng, thay đổi đất nước. Tôi nguyện hiến dâng cả tính mạng của mình cho điều đó. Phải cải cách để cho nhân dân làm chủ, phải cải cách để Đảng trong sạch, cải cách để đất nước tiến lên phía trước.
Còn cách làm như Nguyễn Phú Trọng và tầng lớp chóp bu chỉ là những kẻ nguỵ quân tử, diệt một vài con sâu để bảo vệ cho cả bầy sâu, múc một gáo bùn mà sạch được cả đầm lầy là việc không có. Chúng ta phải tỉnh táo về điều đó, để nhận diện cho được chân giả trong cuộc sống.
Trên đây mới chỉ một vài điều sơ lược trước mắt, nó dễ hiểu và gần gũi với nhân dân nên tôi đưa tạm ra đây để giải thích sơ bộ cho những việc làm của mình mà thôi. Còn về đường lối, sách lược, đối nội đối ngoại, vân vân và vân vân… thì nó còn nhiều vô kể. Không thể một hai lời mà xong. Nhưng mọi người cũng phải hiểu rằng ông Nguyễn Phú Trọng chính là Nhạc Bất Quần thời hiện đại, là một kẻ nguỵ quân tử xảo quyệt thời nay. Chính vì sự gian xảo đó mà ông ta và cả đám kia không dám làm gì tôi. (ngưng trích)
BS. Nguyễn Duy Hướng đã quá chủ quan, hay là quá tin vào phe đảng của mình đủ mạnh để che chở mình nên đúng một tháng sau, ngày 22 tháng ba, ông bác sĩ bạo mồm đã bị các đồng chí hốt.
Và, đúng hai tuần sau, ngày 4 tháng 4, ông Trần Khải Minh “nào đó” đã viết một bài vạch trần tất cả “thâm cung bí sử” của đảng Cộng sản Việt Nam, tựa đề là: “Những cao vọng từ một tân Thủ tướng đa mưu”.
Trần Khải Minh có vẻ như là một con rận trong chăn các đồng chí lớn trong đảng CSVN và đã viết bài này để dằn mặt các anh hai trong đảng, đồng thời cứu nguy BS. Nguyễn Duy Hướng.
Bài này có những phần đáng chú ý như sau:
Đa mưu có lẽ là một căn tính nổi trội ở Phạm Minh Chính, người sẽ ngồi vào ghế Thủ tướng CHXHCNVN vào ngày 5 tháng 4 tới đây, mặc dầu có một số ý kiến phản đối từ các bô lão trong đảng.
Kể từ khi “sếp” trực tiếp của Chính là tướng công an Hoàng Ngọc Nhất bị phế truất năm 2002, quá trình tiến thân từ một anh thư ký Văn phòng để trở thành một Thủ tướng, Phạm Minh Chính chỉ vỏn vẹn có 19 năm.
Chừng ấy thời gian lăn lộn trong chính trường Ba Đình – từ việc cóp nhặt tin tức hàng ngày để bẩm báo, cho đến khi đứng đầu chính phủ – là cả một sự lao tâm, khổ trí nhiều khi vượt quá sức tưởng tượng. Nói tướng tình báo Phạm Minh Chính “đa mưu” là đánh giá cả quá trình ấy.
Cải cách hay độc tài?
Dư luận trong và ngoài Việt Nam đều ghi nhận, trong Ban bí thư, trừ ông Trọng ra, không ai kết nối với Trung Quốc tốt bằng ông Chính. Đáng ngạc nhiên hơn, Phạm Minh Chính lại có thể từ Ban bí thư nhảy ngang qua Chính phủ, đánh bại 2 ứng viên nặng ký là Trương Hòa Bình và Vương Đình Huệ. Nhảy trái tuyến mà đánh bại 2 kẻ đi đúng tuyến thì ắt phải đủ mưu và được trợ lực rất lớn.
Các nhà viết sử tương lai sẽ kiểm chứng và nhận diện xem ai đã “chống lưng” cho Phạm Minh Chính? Là trong đảng hay từ ngoại bang? Thật sự đó là những câu hỏi mà vào thời điểm hiện nay khó có câu trả lời thỏa đáng. Tình hình thời sự nóng bỏng của Việt Nam giờ này chưa phải là lúc “trà dư tửu hậu” để bàn sâu câu chuyện theo hướng ấy.
Điều dư luận trong nước cũng như quốc tế quan tâm hiện nay, đó là Phạm Minh Chính sẽ là nhà cải cách hay một chính khách độc tài? Nghị trình thời gian tới đây của vị tân Thủ tướng này sẽ bao gồm những ưu tiên nào? Dự đoán trong nội bộ cho thấy, ông Chính sẽ không “nổ” như ông Phúc. Ông Chính sẽ có 5 Phó Thủ tướng giúp việc và một dàn Bộ trưởng để chia sẻ trách nhiệm.
Nhưng chưa rõ tân Thủ tướng có dám bỏ qua những công việc sự vụ để lo chuyện lớn trong thiên hạ? Không biết ông Chính có bớt xuất hiện trên truyền thông, dành thời gian cùng bộ hạ tính chuyện đại sự? Và một câu hỏi tế nhị hơn đang được dư luận đặt ra: Liệu tân Thủ tướng có dừng lại ở ghế “Tể tướng” hay ông có tham vọng trở thành một “Hoàng đế” như Tập Cận Bình bên Tàu?
Cái ghế Tổng bí thư (TBT)
Câu hỏi nhiều hơn câu trả lời là đương nhiên đối với một chính khách không xa lạ trên chính trường nước Việt, nhưng lại vẫn còn nhiều phần bí hiểm và nguy hiểm như con người Phạm Minh Chính.
Nói bí hiểm và nguy hiểm là vì, chưa biết tới đây ông Chính sẽ dừng chân ở “nhà ga” nào? Nếu tham vọng của ông chỉ đơn thuần là quyền lực kinh tế, thì ông sẽ thi thố năng lực trên cương vị Thủ tướng thời hội nhập sâu rộng. Mà đã là kinh tế tức là thị trường, không còn mấy làn ranh tư bản hay cộng sản, dù chỉ là trên danh nghĩa.
Nhưng nếu ông Chính chỉ chọn ghế Thủ tướng như một giai đoạn chuyển tiếp để đạt được tham vọng cao hơn về quyền lực chính trị, thì đương nhiên ông sẽ hướng tới cái ghế TBT. Không gian tư duy và hành động lúc này sẽ không chỉ là vấn đề thị trường, ở đây sẽ là xu hướng ngả theo Mỹ hay Trung Quốc, tức là chọn giữa dân chủ hay độc tài? Định hướng phát triển của đất nước sẽ được thiết kế theo các giá trị phổ quát hay đi theo mô thức toàn trị?
Trước mắt, ưu tiên của mọi ưu tiên đối với ông Chính có thể là tái cấu trúc lại tương quan quyền lực của “Bộ Tứ”. Việc tái cấu trúc này không chỉ phục vụ cho khung khổ vận hành nhánh “hành pháp” do ông cầm chịch, mà còn hướng đến một tình huống tuy không bất định những vẫn chứa nhiều ẩn số. Đó là liệu trong một tương lai không xa, Bộ Chính trị sẽ đồng thuận ai là “ứng viên” cho chiếc ghế Tổng bí thư (TBT)?
Tính toán thay Đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng khi dư âm Đại hội 13 “vô tiền khoáng hậu” vẫn còn đó, dễ bị khép vào tội “khi quân”. Nhưng với tướng tình báo Phạm Minh Chính, lo xa chuyện ấy như một đòi hỏi nghiệp vụ thì lại phải được coi là hợp lý.
Bởi vì có nhiều chỉ dấu cho thấy, “ngai vàng” của Nguyễn Phú Trọng nhìn bề ngoài tưởng vững như bàn thạch, thậm chí trông như “vô đối”, nhưng trên thực tế không hẳn là như vậy. Chiếc ghế TBT của ông Trọng đang bộc lộ nhiều điểm yếu. Có khiếm khuyết lộ diện khá rõ, nhưng nhiều cái lại tiềm ẩn. Trong đó dễ thấy nhất là vấn đề sức khoẻ.
Trạng thái sức khoẻ của TBT hiện là điều cực kỳ tế nhị và gây bức xúc đối với cả những người ủng hộ lẫn phản đối ông. Đối với các “fan” của ông, người ta thảng thốt hỏi nhau: chẳng may TBT “về trời” bất chợt, Đảng sẽ thế nào? Đất nước sẽ ra sao? Ai sẽ là người “đốt lò” tiếp?…
Phạm Minh Chính cũng bị tai tiếng là “đại ca”, vì từng cùng hội cùng thuyền với Nhàn “AIC”, Thái Minh “Ba Vàng”… nhưng chiến dịch “đốt lò” của Nguyễn Phú Trọng không hề đụng chạm gì đến các “sân sau” ấy của Chính.
Đúng như Bác sĩ Nguyễn Duy Hướng, từ Nghệ An tố cáo “đốt lò” chỉ là hành động loè dân, đánh bóng cá nhân, kiếm cớ để “nhốt quyền lực” vào cái lồng riêng của TBT. Trong bối cảnh ấy, Trọng đành chấp nhận để Phạm Minh Chính cùng Vương Đình Huệ vào “Bộ Tứ” nhằm cân bằng giữa các phe phái. (ngưng trích)
Phải chăng những hiện tượng trên đây là dấu hiệu đầu tiên đưa đến sự sụp đổ của đảng CSVN do chính những người trong chăn “đốt lò” như kịch bản đã đưa đến cái chết mau lẹ của Liên-bang Sô-viết vào năm 1991, sau khi gây bao tai ương, khổ đau cho nhân loại trong gần suốt chiều dài của Thế kỷ 20 với hơn 100 triệu người vô tội bị sát hại?
Ký Thiệt
"Cha đẻ" của đảng Cộng sản Việt Nam, Mạc-tư-khoa 1991
BS. Nguyễn Duy Hướng
Nhận xét
Đăng nhận xét