Ấn Độ bị chao đảo vì Covid-19 liệu có lợi cho Trung Quốc?

 RFI

Một phụ nữ ôm xác một người thân chết vì Covid-19 bên ngoài một lò thiêu ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 24/04/2021.
Một phụ nữ ôm xác một người thân chết vì Covid-19 bên ngoài một lò thiêu ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 24/04/2021. REUTERS - ADNAN ABIDI

Ấn Độ đang lao vào một trận chiến khốc liệt chống virus corona. Kịch bản khiến cả thế giới lo ngại là liệu sự bất lực của Ấn Độ và cả thế giới trước đại dịch Covid-19 có phá hỏng chiến lược của Mỹ lôi kéo Ấn Độ thành lập liên minh đối phó với Trung Quốc hay không ? Phải chăng siêu vi corona đang làm tiêu tan tham vọng kinh tế của Ấn Độ bắt kịp Trung Quốc ?

Báo chí Ấn Độ nói đến một « đợt sóng thần » đang ập vào quốc gia với gần 1,4 tỷ dân. Mới chỉ hơn một tháng trước đây, thủ tướng Narendra Modi tự hào đã « khống chế » được virus corona và thậm chí ông đã nói đến « mô hình chống dịch của Ấn Độ để thế giới noi gương ».

Nhưng các cuộc tập họp đông đảo mang tính tôn giáo, chính trị, các lễ hội mùa xuân quy tụ hàng trăm ngàn, thậm chí là cả triệu người, suốt dọc con sông Hằng, đã buộc Ấn Độ phải trở về với thực tế. Chính quyền New Delhi phải cầu viện quốc tế, trong lúc các lò thiêu xác người được dựng lên ngoài trời hoạt động ngày đêm, còn bệnh nhân nằm la liệt trên vỉa hè chờ được tiếp ô-xy. Virus corona len lỏi đến cả các vùng nông thôn hẻo lánh và nghèo nàn.

Dù được mệnh danh là « nhà thuốc của thế giới », Ấn Độ không đủ vac-xin, nguyên liệu để sản xuất thuốc tiêm ngừa Covid-19. Đến những ngày cuối tháng 4/2021, theo như tiết lộ của báo The Wire, Pakistan, kẻ thù « không đội trời chung » của Ấn Độ, đã tuyên bố sẵn sàng « trợ giúp khẩn cấp » New Delhi. Một số quốc gia Hồi Giáo, từ Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đến Ả Rập Xê Út, cùng đề nghị viện trợ bình dưỡng khí cho các bệnh nhân Covid-19 của Ấn Độ. Đây là một vố đau đối với một nhà lãnh đạo như ông Narendra Modi, luôn khai thác niềm tự hào của người Ấn Độ Giáo để kiếm phiếu.

Vỡ mộng thoát khỏi cái bóng Trung Quốc

Trong cuộc « đọ sức » với Trung Quốc, có lẽ Ấn Độ còn đau đớn hơn : Bị virus corona đẩy vào đường cùng, chính quyền New Delhi đã phải thương thuyết với Nga và Trung Quốc để nhập khẩu trang thiết bị y tế. Khủng hoảng y tế lần này làm lộ rõ nhược điểm của « mô hình Ấn Độ » trong lúc mà chính quyền Modi ấp ủ giấc mơ trở thành một « siêu cường » của châu Á, thoát khỏi cái bóng của Trung Quốc về kinh tế, quân sự và ngoại giao.


Trong lúc Trung Quốc « ung dung » vượt qua làn sóng dịch Covid-19 khởi phát từ cuối 2019, thì bộ Tài Chính của Ấn Độ dự trù « tư hữu hóa một số các công ty Nhà nước để thu về 20 tỷ đô la từ nay đến cuối 2022 để đối phó với hậu quả đại dịch ». Một quan chức cao cấp trong bộ này, được báo La Tribune của Pháp trích dẫn, nói thẳng :  Ngân sách Nhà nước đang cạn kiệt, hàng loạt công ty bị phá sản, thất nghiệp tăng đến mức chóng mặt , tiêu thụ nội địa « hoàn toàn sụp đổ ».

Nhìn đến cuộc cạnh tranh về hình ảnh, trong lúc Trung Quốc khi thì xuất khẩu, lúc thì viện trợ vac-xin cho hàng chục quốc gia trên thế giới, thì Ấn Độ, « xưởng thuốc của thế giới » lại phải cầu viện từ chất dược phẩm để chế tạo thuốc tiêm đến máy trợ thở … Trên đài RFI chuyên gia kinh tế Jean-Joseph Boillot ghi nhận, sự đối chọi nói trên cho thấy « Ấn Độ chưa thể là một siêu cường », cho dù đấy là một lập luận mà các phe nhóm chính trị có khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa tại quốc gia này luôn khai thác để « ru ngủ công luận »

Rạn nứt trong liên minh Mỹ- Ấn Độ vì Covid-19 ?

Thêm một yếu tố nữa có thể khiến Bắc Kinh hài lòng trong lúc New Delhi đang khốn khổ vì virus corona : Khi Ấn Độ lên tiếng cầu cứu, bản thân phương Tây, vẫn chưa được Covid-19 buông tha, đã chậm chạp phản ứng. Vào lúc Ấn Độ chạy đua với thời gian, thì viện trợ y tế của Anh và Liên Âu mới bắt đầu lên đường. Về phía Mỹ, phản ứng ban đầu của chính quyền Biden đã khá vụng về, khi Nhà Trắng từ chối cho xuất khẩu một số hóa chất cần thiết trong khâu bào chế vac-xin và giải thích « ưu tiên của chính quyền Biden là đáp ứng nhu cầu về vac-xin để phục vụ người Mỹ ».

ay mắn là Washington đã đổi ý vì nhận thấy rằng không thể làm ngơ trước lời cầu cứu của một đối tác mà Hoa Kỳ coi là mắt xích không thể thiếu để làm đối trọng với Trung Quốc. Bắc Kinh đã không bỏ lỡ cơ hội để khai thác sự do dự đó của chính quyền Biden. Hoàn Cầu Thời Báo số ra ngày 27/04/2021 cho rằng, công luận có thể « hoài nghi về sự thành thật của Mỹ khi Washington cấp vac-xin ngừa Covid-19 cho những quốc gia khác. Tại sao chỉ xuất khẩu thuốc AstraZeneca mà không phải là vac-xin của hãng Pfizer ? ».

Trong mọi trường hợp, đành là đang có tranh chấp ở đường biên giới Ấn-Trung, New Delhi đang củng cố quan hệ với chính quyền Biden ở Nhà Trắng vì những mục tiêu địa chính trị, đặc biệt là trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương, nhưng liệu tính toán đó vững chắc đến cỡ nào, khi mà virus corona buộc chính quyền của thủ tướng Modi phải nhận viện trợ y tế, hay phải tăng tốc nhập khẩu trang thiết bị của Trung Quốc hoặc của Nga, để cứu hàng trăm ngàn sinh mạng mỗi ngày, trong lúc quốc gia đông dân thứ nhì trên hành tinh đang lún sâu vào khủng hoảng y tế ?

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?