Bản tin ngày 28-4-2021

 BTV Tiếng Dân

Báo Người Việt có bài: Bắc Kinh khen Hà Nội ‘không theo nước khác chống Trung Quốc’. Bài báo đề cập hai bài viết trên Hoàn Cầu Thời Báo, một bài của BTV tờ báo, một bài của ông Li Kaisheng (Lý Khải Sinh), học giả quan hệ quốc tế, thuộc Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải.

Cả hai bài đều dùng chính lời nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Hà Nội “nhấn mạnh rằng Việt Nam sẽ không bao giờ theo chân các nước khác chống lại Trung Quốc”. Có thể thấy, lãnh đạo CSVN đã thể hiện sự thuần phục, khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, rồi Tổng Bí thư và Chủ tịch nước thi nhau tay bắt mặt mừng với Ngụy Phương Hòa, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng TQ, trong khi Bắc Kinh đang chiếm đóng lãnh hải, lãnh thổ của VN trên biển.

VOA có bài: Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc cam kết ‘không theo nước khác chống Trung Quốc’? Báo chí Trung Quốc đưa tin, ông Phúc khẳng định “sẽ không theo các nước khác chống lại Trung Quốc”, gây chú ý cả trong nước và quốc tế, trong lúc hàng trăm tàu cá Trung Quốc đang hiện diện ở Đá Ba Đầu, thuộc quần đảo Trường Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Ông Phúc có nói hay không, vẫn không rõ vì phía VN không trả lời câu hỏi của VOA.

Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tiếp Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại Hà Nội vào ngày 26/4/2021. Nguồn: VOA

Cậu cả Nghị lên sóng

Báo Xây Dựng, cơ quan ngôn luận của Bộ Xây dựng và các báo “lề phải” cùng đưa tin về sự kiện: Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị lần đầu tiên chủ trì Hội nghị triển khai công tác Bộ Xây dựng. Đó là sự kiện Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị kiểm điểm, đánh giá công tác chỉ đạo điều hành Quý I, triển khai thực hiện công tác Quý II năm 2021, diễn ra vào ngày 22/4. Điều lạ là, phải 6 ngày sau sự kiện này, các báo “lề phải” mới đồng loạt đưa tin.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị lần đầu tiên chỉ đạo triển khai công tác ngành Xây dựng trên cương vị Bộ trưởng. Ảnh: XD

Báo Tiền Phong dẫn lời Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị: Sẽ xây dựng mới chiến lược nhà ở quốc gia. Bộ trưởng trẻ tuổi nhất trong lịch sử chế độ đảng trị đặt ra kế hoạch khá tham vọng: Xây dựng mới Chiến lược nhà ở quốc gia, “thay đổi căn bản tư duy về đề xuất pháp luật, cơ chế chính sách, các giải pháp về phát triển nhà ở và thị trường bất động sản”, nhất là tìm cách tháo gỡ khó khăn cho chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhà thương mại có giá phù hợp với người thu nhập trung bình và thấp.

Người tiền nhiệm của cậu cả nhà Ba Dũng là ông Phạm Hồng Hà, đã trải qua nhiệm kỳ Bộ trưởng Bộ Xây dựng 2016 – 2021 khá êm đềm, nếu không muốn nói là tĩnh lặng đến nhàm chán. Các chương trình nhà ở chính sách xã hội không có tiến triển gì, người lao động nghèo vẫn phải loay hoay với bài toán tìm chỗ ở. Ông Hà mờ nhạt từ vai trò Bộ trưởng đến cả mấy màn chất vấn và trả lời chất vấn ở nghị trường QH.

Đến lượt con cả của cựu Thủ tướng VN lên nắm quyền, trong hội nghị cấp bộ đầu tiên, tân Bộ trưởng Xây dựng nêu loạt chính sách nhằm bình ổn thị trường bất động sản, VTC đưa tin. Các kế hoạch của Bộ trưởng Nghị xoay quanh 3 vấn đề: Kiểm soát vấn nạn “sốt” đất, giảm giá nhà ở và thực hiện thanh tra nhưng không sách nhiễu doanh nghiệp. Chỉ riêng vụ “sốt” đất, 4 thế hệ tiền nhiệm của Bộ trưởng Nghị đều thất bại trước vấn nạn này, góp phần làm nên “bong bóng kinh tế” của chế độ.

Vấn đề là: Hội nghị của Bộ Xây dựng diễn ra từ thứ Năm tuần trước 22/4, đến hôm nay là thứ Tư 28/4, các báo “lề đảng” mới cùng có bài viết về sự kiện. Không tờ báo nào giải thích lý do tại sao họ phải đợi gần một tuần mới dám đưa tin về vụ này, đến khi đưa tin thì đồng loạt, khiến “cậu cả” Nghị gần như “chiếm sóng” trên các báo “lề phải” hôm nay.

Trang VnEconomy dẫn lời Bộ trưởng Bộ Xây dựng: “Dành nguồn lực thích đáng để xây dựng và hoàn thiện thể chế”. Danh sách 12 Bộ trưởng trong nội các Thủ tướng Phạm Minh Chính được thông qua ngày 8/4. Chỉ 14 ngày sau, “cậu cả” Nghị đã muốn xây dựng hình ảnh một Bộ trưởng năng động, dân túy: “Phải hết sức cầu thị, lắng nghe, tôn trọng các ý kiến phản biện, góp ý của người dân, doanh nghiệp và tổ chức, đi đôi với kiên trì tuyên truyền, thuyết phục, triển khai thực hiện những vấn đề phù hợp, có cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn”.

Có ý kiến nhận định, khả năng các báo “lề phải” phải đợi gần một tuần mới dám tung hô “cậu cả” nhà 3X, vì họ muốn chắc chắn “thái tử” Nghị đã hoàn toàn “miễn nhiễm” trước “lò củi” của “bác Cả Trọng”. Sau 6 ngày chờ đợi, hiện tượng các báo “lề phải” cùng nhau viết về Bộ trưởng Nghị cho thấy, triều đại Nguyễn Tấn Dũng chưa chắc đã tái khởi, nhưng “rễ độc” của nó để lại, giờ đây an toàn để tiếp tục phát triển, có khả năng vượt khỏi tầm kiểm soát của bác Cả.

Mời đọc thêm: Kỳ họp thứ nhất, Quốc Hội khóa XV: Dành 6 ngày xem xét, quyết định công tác nhân sự (TP). – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị chỉ đạo quan điểm, định hướng, nguyên tắc làm việc trong nhiệm kỳ 2021 – 2025 (XD). – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Tăng thanh tra, giám sát nhưng tránh gây khó người dân, doanh nghiệp (BNews). – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Ưu tiên phát triển nhà vừa túi tiền (Zing).  – Vừa lên nắm Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Thanh Nghị đã kêu gọi chống tham nhũng (Sputnik).

Màn trình diễn của Quốc hội

RFA đặt câu hỏi: Vì sao ba tháng nữa Quốc hội lại bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội? Nhà báo Võ Văn Tạo bình luận: “Chúng ta cũng đều biết cách đây ít hôm, Quốc hội cũng đã bầu bán xong xuôi hết rồi, kể cả Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và một số Bộ trưởng đã đưa ra rồi. Giờ lại bảo ba tháng nữa bầu, tôi nghĩ chuyện đó buồn cười, nó giống như là màn kịch vụng về vậy thôi”.

Nhà hoạt động Trần Bang ở Sài Gòn phân tích: “Việc Quốc hội bầu thật ra là lừa thế giới và lừa dân thôi, Đại hội Đảng sắp đặt hết, có điều bây giờ họ huỵch toẹt ra. Hồi xưa họ đóng kịch, đợi bầu cử khóa mới, sau đó Quốc hội khóa mới bầu các chức danh lãnh đạo Nhà nước. Bây giờ họ làm luôn, lừa huỵch toẹt ra luôn. Quốc hội chẳng qua là Đại hội Đảng mở rộng, chứ Quốc hội khóa mới hay cũ cũng do Đảng quyết định hết”.

Thông Tấn Xã VN có đồ họa: Cơ cấu 203 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV ở Trung ương

Thông Tấn Xã VN có đồ họa: Cơ cấu 665 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV ở địa phương

Mời đọc thêm: Tổng Bí thư ứng cử ĐBQH tại Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng (PLTP). – Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ứng cử Đại biểu Quốc hội tại TP.HCM (NNVN). – Thủ tướng Phạm Minh Chính ứng cử tại đơn vị bầu cử số 1, TP Cần Thơ (VOV). – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Thường trực UB Kinh tế (TTXVN). –  101 Ủy viên Trung ương ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV (VNN). – Có 868 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV (TĐ). – Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Nhất trí một số phương án sử dụng ngân sách năm 2020 (TBTC).

Tháng Tư Đen

Chỉ còn 2 ngày nữa là đến dịp tưởng niệm ngày Sài Gòn rơi vào tay quân Bắc Việt, BBC có bài: Vì sao chính quyền Việt Nam e ngại các biểu tượng VNCH? Đến nay, lá cờ vàng ba sọc đỏ của chính quyền VN Cộng Hòa vẫn còn là nỗi ám ảnh của chế độ đảng trị, bất kỳ người dân nào thể hiện sự tôn trọng với biểu tượng này đều bị sách nhiễu, thậm chí bị bắt và kết án tù.

Một nhà báo từng là thư ký tòa soạn kỳ cựu ở Sài Gòn chia sẻ với BBC, vụ tòa soạn của ông từng bị Bộ 4T khiển trách do “để lọt” hình ảnh cờ vàng. Người này cho biết: “Đó chỉ là một tấm ảnh bà con Việt kiều ở Mỹ… Nội dung không liên quan đến VNCH, nhưng xui rủi thế nào trong đám đông bà con ở chợ lại có người mang cờ ba sọc. Một lá cờ nhỏ, biên tập viên không phát hiện, nhưng đã không qua khỏi mắt của cơ quan quản lý”.

RFA đặt câu hỏi: Vì sao con đường hòa hợp – hòa giải dân tộc vẫn xa vời? PGS. TS Mạc Văn Trang cho biết: “Muốn hòa hợp dân tộc thì trước hết phải hòa giải với dân oan mất đất mất nhà. Người ta khiếu kiện mà không hòa giải, mà cứ cưỡng chế xong rồi còn bắt người ta đi tù, gọi người ta là thế lực thù địch. Những người bất đồng chính kiến, chỉ phản biện và đấu tranh ôn hòa thôi, cũng vu cho người ta tội tuyên truyền chống phá Nhà Nước, bắt đi tù thậm chí 10, 15 năm trong chế độ nhà tù hết sức ác nghiệt”.

Mời đọc thêm: Ngày 30/4 nên là ngày hướng về tương lai (BBC). – Dù dịch bệnh, người Việt ở Mỹ vẫn trang trọng tưởng niệm ngày 30/4 (VOA). – 30/4: Trang sử thuyền nhân và nghĩa trang Galang — Có những ngày 30/04 trước năm 1975 ‘không nhuốm màu chiến trận’ (BBC).

Tin giáo dục

Vụ con cái của bốn quan chức tỉnh Quảng Ngãi đi du học bằng tiền ngân sách nhưng học xong không về, bị báo chí “lề phải” phanh phui từ tuần đầu tháng 5/2020. Bốn người đó là:

1- Huỳnh Thị Lan Viên, con của GĐ Sở Tài chính Quảng Ngãi, đã trả 410 triệu đồng trong 2,05 tỉ đồng; 2- Nguyễn Lê Ngọc Hà, con của cựu trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ngãi, đã trả 120 triệu đồng trong số 2,4 tỉ đồng; 3- Phạm Thị Mỹ Hạnh, con cựu trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi, đã trả 170 triệu đồng trong tổng số 3,5 tỉ đồng; 4- Phạm Thành Việt, con của chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi, đã trả 400 triệu đồng trong số 1,9 tỉ đồng.

Báo cáo của Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi về số tiền đã hoàn trả của 4 trường hợp đi học nước ngoài không về tỉnh phục vụ. Ảnh: Trần Mai/TT

Diễn biến mới vụ con 4 quan chức du học không về: Nhùng nhằng hoàn tiền gần chục tỷ đồng, VietNamNet đưa tin. Sáng nay, ông Đoàn Dụng, Giám đốc Sở Nội Vụ tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Sở đã 2 lần gửi văn bản hối thúc 4 người hoàn trả kinh phí du học thạc sĩ ở nước ngoài, nhưng không quay về tỉnh làm việc như đã cam kết.

Một trong số 4 quyết định yêu cầu bồi hoàn lại tiền đối với con của quan chức tỉnh Quảng Ngãi đi du học bằng ngân sách nhưng học xong không về. Ảnh: VNN

Ông Dụng nói thêm, đến cuối năm nay, nếu 4 người này không trả đủ số tiền theo quy định thì Sở Nội vụ sẽ xem xét, tham mưu UBND tỉnh Quảng Ngãi khởi kiện. Đòi nợ gần đúng một năm, các “hạt giống đỏ” không chịu hoàn trả tiền ngân sách, nhưng các quan chức tỉnh Quảng Ngãi vẫn loay hoay với thủ tục đòi tiền, thậm chí phải tính đến trường hợp đến cuối năm nay không đòi được thì dựa vào UBND tỉnh khởi kiện.

VTC đặt câu hỏi về hiện tượng thạc sĩ, cử nhân chạy xe ôm công nghệ: Lãng phí chất xám? Một tài xế xe ôm công nghệ có bằng cử nhân ở Hà Nội, chia sẻ: “Nhiều người rất giỏi, tốt nghiệp trường đại học lớn nhưng không xin được việc nên chuyển sang làm xe ôm công nghệ. Tôi có biết một anh tốt nghiệp đại học sư phạm, nói tiếng Anh trôi chảy, sau 3 năm dạy hợp đồng, không xin được việc nên đã chuyển hướng làm xe ôm công nghệ”.

Lý do chính khiến không ít thanh niên có trình độ cử nhân, thạc sĩ phải chạy xe ôm là một nền giáo dục chìm trong lý thuyết, khiến người học ít va chạm thực tế: “Hồi mới ra trường, tôi cũng đã có ý định về quê xin việc vì nghĩ rằng ở quê chỉ cần có bằng cấp, chuyên môn tốt sẽ được nhận. Nhưng thực tế không phải vậy. Gia đình em đã hỏi han khắp nơi thậm chí mất tiền xin việc nhưng cũng chỉ đổi lại được lời hứa hẹn”

Mời đọc thêm: Con của nguyên 4 cán bộ lãnh đạo ở Quảng Ngãi nhùng nhằng trả tiền du học (NLĐ). – Đi du học không về, con 4 cựu lãnh đạo Quảng Ngãi ‘nhùng nhằng’ hoàn tiền đào tạo (TP). – Bốn con quan chức du học không về tỉnh: ‘Sẽ trả hết’ (ĐV). – Vụ 4 học sinh dùng điếu cày hút ma túy ở Hải Dương: Làm sao bảo vệ con trước cạm bẫy rình rập? (Infonet). – Đào tạo “song bằng” ở trường phổ thông công lập sẽ nảy sinh nhiều bất cập (GDVN). – Có quyền hiệu trưởng, bao giờ ĐH Tôn Đức Thắng cấp bằng tốt nghiệp cho sinh viên? (VNN). 

***

Thêm một số tin: Hoa Kỳ giúp Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu (VOA). – TT Mỹ Biden phát biểu trước Quốc Hội, đánh dấu 100 ngày đầu của nhiệm kỳ (RFI). – Những thầy bói mù hăng tiết vịt và căn tính của người Việt (LK). – Lại xả súng hàng loạt “kinh hoàng” ở bang Virginia, 5 phụ nữ thương vong (NLĐ). – Ấn Độ vượt ngưỡng 200.000 người chết vì Covid-19 — Ấn Độ bị chao đảo vì Covid-19 liệu có lợi cho Trung Quốc? (RFI). – Phát biểu trước LHQ, Phó TT Hoa Kỳ nhắc các nước chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo (VOA). – Covid-19: Mỹ nới lỏng quy định đeo khẩu trang cho người đã chích ngừa (RFI).

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?