30/4 dấu mốc không thể quên đối với người Việt bất cứ nơi nào trên thế giới
Xe tăng của Bắc Việt ủi sập cổng Dinh Độc Lập tại Sài Gòn ngày 30/4/1975.
Mỗi năm, cứ đến cuối tháng Tư là người Việt Nam ở hải ngoại đều tưởng nhớ đến một cơn đại hồng thủy, một cơn lốc xoáy kinh hoàng làm thay đổi lịch sử mà dấu mốc chính là ngày 30/4/1975, khi Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa, Đại tướng Dương Văn Minh, lên tiếng đầu hàng Cộng Sản Bắc Việt.
Cuộc chiến tranh Việt Nam có lẽ là cuộc chiến gây nhiều tranh cãi nhất với ý nghĩa lịch sử của nó.
“Đối với cộng sản Bắc Việt, dù được ngụy trang dưới tên gọi là giải phóng miền Nam, sự thật là xâm lược miền Nam theo chỉ thị và viện trợ dồi dào của Liên Xô, Trung cộng, nhằm bành trướng chủ nghĩa cộng sản ở vùng Đông Nam Á. Đối với Việt Nam Cộng hòa, đây là cuộc chiến đầy chính nghĩa với nhiều hy sinh gian khổ của toàn thể quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa nhằm bảo vệ lý tưởng tự do dân chủ cho miền Nam,” ông Lê Văn Quan, cựu Trưởng ty Hành chánh tỉnh Gò Công từng bị tù ‘cải tạo’ gần 6 năm và là một người tị nạn cộng sản tại Hoa Kỳ, nói về ngày 30/4.
46 năm trôi qua, người Việt tị nạn sinh sống tại Mỹ vẫn truyền tay, truyền khẩu những câu chuyện về ngày 30/4, những câu chuyện từ người thật việc thật, từ trải nghiệm của các gia đình miền Nam phải bỏ nước ra đi, những mảnh ghép chân thực của lịch sử mà không sử sách nào có thể mô tả đầy đủ để thế hệ tiếp nối hiểu đúng về lịch sử và chiến tranh Việt Nam, về làn sóng người Việt lưu vong.
“Chỉ có cha mẹ mới nói để con cái hiểu rõ ra. Ngoài ra, cũng có số đã nhận thức được thực chất của cuộc chiến. Họ sẽ nói cho các bạn bè khác về thực chất cuộc chiến của chúng ta,” ông Quan nói.
Đối với ông Đặng Văn Âu, bút danh Bằng Phong, cựu Thiếu tá Không quân Quân lực Việt Nam Cộng hòa, thì truyền đạt cho con cháu về lịch sử nguồn cội còn là để khuyến khích thế hệ trẻ đóng góp cho một đất nước Việt Nam tự do-dân chủ thực thụ.
“Mình ươm trồng những mầm non cho con cái mình để cho nó không quên được các nghĩa vụ đối với non sông. Giống như người Do Thái, họ lưu lạc bao năm nhưng họ vẫn trở về bởi vì họ truyền thụ lại tất cả những tư tưởng trở về cố hương của những người đi trước,” ông Âu diễn giải.
Được hỏi về kỳ vọng đối với thế hệ hậu 75 tại Việt Nam, những người sinh trưởng và được đào tạo theo chủ nghĩa cộng sản, ông Quan chia sẻ:
“Đối với thế hệ trẻ của Việt Nam hiện nay, tôi không bi quan lắm vì chúng ta thấy rằng hiện nay những tâm lý bài xích Trung Cộng của người dân Việt Nam rất cao. Người dân Việt Nam vẫn chưa quên được mối hận ngàn năm Bắc thuộc. Và hiện nay trong xã hội cộng sản Việt Nam, dù đã dùng bạo lực để thống trị người dân, nhưng vẫn có những cá nhân, những đoàn thể xã hội mạnh mẽ lên tiếng chống đối lại chủ nghĩa cộng sản hiện nay của Việt Nam và sự chống đối này, tôi tin rằng đã được người dân đồng ý. Đối với tôi, tâm lý chống đối cộng sản Việt Nam của người dân rất cao. Tuy nhiên, đa số hãy còn bị nỗi sợ hãi ám ảnh nên họ vẫn lặng yên chưa có phát biểu một cách mạnh mẽ.”
Hòa hợp và hòa giải dân tộc là một vấn đề thường được nhà cầm quyền Việt Nam nhắc đến bằng chính sách này, nghị quyết kia, nhưng từ bao năm nay vẫn không tiến triển. Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có nhận xét “Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh, khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu.”
Ông Bằng Phong-Đặng Văn Âu e rằng ông Kiệt chỉ là một cá nhân riêng rẽ.
“Ông Võ Văn Kiệt cũng có những động thái như là mời các trí thức ở hải ngoại về để mà bàn, thôi anh em mình hòa giải, nhưng đó là cá nhân ông Võ Văn Kiệt. Khi ông viết bản tường trình để gởi cho Quốc hội và cho Bộ chính trị thì ông bị Bộ chính trị khiền liền, là ông gặp khó khăn. Thậm chí ông Hà Sĩ Phu là người giữ bản báo cáo đó…ông Hà Sĩ Phu chỉ giữ trong cặp của mình bản báo cáo, bản đề nghị đó thì bị công an bắt và cáo buộc Hà Sĩ Phu là người lưu trữ tài liệu nguy hại đến an ninh quốc gia.”
Ngày 30/4 năm nay do đại dịch COVID nên việc kỷ niệm, tưởng niệm với những ý nghĩa khác nhau không được tổ chức rầm rộ cả trong lẫn ngoài nước. Dẫu vậy, đây vẫn là một ngày lịch sử không thể nào quên được đối với người Việt ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
Nhận xét
Đăng nhận xét