Việt Nam đưa một nghị quyết "vô thưởng, vô phạt" ra Hội đồng Bảo an
2021-04-28
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết đầu tiên do Việt Nam đề xuất về vấn đề Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân.
Với 15/15 phiếu thuận, nghị quyết vừa nêu đã được thông qua trong cuộc thảo luận kết hợp trực tiếp và trực tuyến diễn ra tối ngày 27/4, theo giờ Việt Nam.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho hay sau khi nhiều cuộc xung đột diễn ra, việc phá hủy cơ sở hạ tầng thiết yếu đã để lại hậu quả nghiêm trọng và kéo dài đối với người dân.
Vì vậy, người đại diện cho Việt Nam đã khẳng định rằng việc ‘bảo vệ các cơ sở thiết yếu cho sự sống của người dân chính là nền tảng để xây dựng hòa bình bền vững’. Ngoài ra cần phải chú trọng giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột như nghèo đói, bất công, chính trị cường quyền.
Nhận xét về nghị quyết đầu tiên của Việt Nam được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua, ông Vũ Minh Trí, cựu cán bộ của Tổng Cục 2, tình báo quốc phòng nói với RFA tối 28/4 như sau:
“Tôi nghĩ trong tình hình hiện nay thì nghị quyết đó rất vô thưởng vô phạt, có nghĩa là nói về mặt chung chung và về mặt đạo đức nói chung có vẻ phù hợp và dễ được mọi người chấp nhận, trong khi tình hình trên thế giới có rất nhiều vấn đề phải được ra nghị quyết cụ thể và kịp thời hơn. Nói chung là nó không có giá trị thiết thực nên dễ được mọi người chấp nhận.”
Tôi nghĩ trong tình hình hiện nay thì nghị quyết đó rất vô thưởng vô phạt, có nghĩa là nói về mặt chung chung và về mặt đạo đức nói chung có vẻ phù hợp và dễ được mọi người chấp nhận. - ông Vũ Minh Trí
Từ Sài Gòn, Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già lại có cách nhìn nhận khác, ông nói:
“Nghị quyết của ông Bùi Thanh Sơn đại diện cho Việt Nam vừa được Liên Hiệp Quốc thông qua tôi cho rằng cái này chỉ nhằm mục đích để nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có căn cứ và có được tiếng vang để nhằm nhận thêm viện trợ quốc tế, trong tình hình ngân sách của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam nói như bà Nguyễn Thị Kim Ngân là ‘ngân sách như một dòng sông đã khô cạn’. Tôi cho rằng mục đích chính là như vậy.”
Giải thích vì sao lại đưa ra lập luận như vừa nêu, nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng nghèo đói, bất công và chính trị cường quyền là ám ảnh cho toàn thế giới và Việt Nam cũng ở trong tình trạng đó. Tuy nhiên, theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, ba yếu tố này tại Việt Nam hiện nay không có gì thay đổi suốt 46 năm qua tính từ năm 1975 và ngày càng trầm trọng hơn. Ông đưa ra dẫn chứng:
“Bằng chứng là nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vừa cấp 1.000 tấn gạo cứu đói cho hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn mới vào hôm 27/4/2021.
Bằng chứng thứ hai là hiện nay Việt Nam làm mất mỗi năm 2.500 hecta rừng. Tình trạng phá hoại môi trường sống, họ bạt núi, phá rừng, sông ngòi, biển cả vô cùng nghiêm trọng.”
Dưới góc nhìn cá nhân, ông Vũ Minh Trí đưa ra nhận xét về thực trạng hiện nay của cơ sở hạ tầng thiết yếu tại Việt Nam:
“Hệ thống cơ sở vật chất của Việt Nam ngày càng được hoàn thiện, đặc biệt về hạ tầng giao thông, viễn thông, hệ thống điện… tương đối tốt. Tất nhiên có tình trạng chưa được ưng ý hoặc những tiếng nói phản đối về mặt ô nhiễm môi trường… Nhưng việc bảo đảm năng lượng đặc biệt về mặt điện cho sinh hoạt, sản xuất của người dân cũng phải ghi nhận đó là thành tích rất lớn của ngành điện lực.”
Với tình hình bất ổn xảy ra tại nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay, việc phá hủy, phá hoại các cơ sở hạ tầng thiết yếu như trạm điện, trạm bơm nước, các cơ sở xử lý nước thải, cơ sở sản xuất lương thực… là vấn đề đang được quan tâm trong tất cả các cuộc xung đột.
Theo ông Vũ Đình Trí, chuyện các bên phá hủy những cơ sở hạ tầng phục vụ người dân nhưng đồng thời cũng phục vụ cho quân đội, tóm lại là tạo sức mạnh quân sự cho phía bên kia là chuyện dễ hiểu nếu trong trường hợp chiến tranh xảy ra.
Phát biểu tại buổi thảo luận ngày 27/4, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng khẳng định rằng việc ngăn ngừa xung đột là cách tốt nhất để bảo vệ người dân, trong đó cần chú trọng giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột như nghèo đói, bất công, chính trị cường quyền’.
Từ thực tế xã hội tại Việt Nam, nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng xung đột từ ba nguyên nhân gốc rễ vừa nêu sẽ không thể xảy ra. Ông lý giải:
“Thông thường, nghèo đói, bất công và chính trị cường quyền dễ gây ra xung đột giữa tần lớp thống trị và bị trị mà người quan sát đều thấy được trên thế giới. Riêng với chế độ độc đảng toàn trị như nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thì tôi cho rằng khả năng này rất thấp bởi vì toàn bộ công cụ bạo lực đều nằm trong tay nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.
Ví dụ hiện nay người dân mất đất rất nhiều nhưng mà không thể nào có những xung đột lớn xảy ra, chỉ là những xung đột lẻ tẻ do một nhóm người dân, đa số người ta vẫn cứ lê lết từ Hà Nội vô Sài Gòn, từ Sài Gòn ngược ra Hà Nội để đòi mảnh đất của họ.”
Thông thường, nghèo đói, bất công và chính trị cường quyền dễ gây ra xung đột giữa tần lớp thống trị và bị trị mà người quan sát đều thấy được trên thế giới. Riêng với chế độ độc đảng toàn trị như nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thì tôi cho rằng khả năng này rất thấp bởi vì toàn bộ công cụ bạo lực đều nằm trong tay nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. - Nhà báo Nguyễn Ngọc Già
Vẫn theo quan điểm của nhà báo Nguyễn Ngọc Già, ông không thấy có tia sáng nào cho người Việt trong việc chống lại ba yếu tố nói trên.
Còn theo Ông Vũ Minh Trí, xung đột hay chiến tranh là điều tạm thời khó có thể xảy ra ở Việt Nam do hai nguyên nhân về nghèo đói và bất công trong xã hội:
“Thực tế Việt Nam hiện nay tôi nghĩ mối đe dọa lớn nhất đối với độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam cũng như nguy cơ chiến tranh lớn nhất của Việt Nam không phải từ nghèo đói và bất công mà từ nền chính trị cường quyền của các nước lớn mà cụ thể nhất là Trung Quốc.”
Nội dung về các loại cơ sở hạ tầng riêng lẻ như trường học, bệnh viện, cơ sở hạ tầng phục vụ viện trợ nhân đạo đã được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thảo luận từ nhiều năm nay.
Tuy nhiên, theo truyền thông nhà nước Việt Nam, đến ngày 27/4 vừa qua mới là lần đầu được thảo luận một cách tổng thể và thông qua nghị quyết về vấn đề này.
Nhận xét
Đăng nhận xét