Cuộc sống hàng ngày của dân Trung Quốc dưới sự giám sát của “Anh Cả”
RFI
Đăng ngày:
Ủy Ban Châu Âu ngày 21/04/2021 đã loan báo dự án thiết lập các chuẩn mực trong việc dùng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), những quy tắc mà nếu doanh nghiệp nào vi phạm sẽ bi phạt rất nặng. Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, dự án này sẽ cho phép cấm sử dụng công nghệ trí thông minh nhân tạo vào việc chấm điểm người dân, thiết lập một hệ thống tín dụng xã hội và giám sát hàng loạt.
Dù không nói ra, nhưng rõ ràng là cơ chế mà Liên Hiệp Châu Âu đề ra là một biện pháp nhằm ngăn ngừa việc thành lập tại châu Âu một kiểu hệ thống giám sát người dân một cách đại trà và đánh giá công dân dựa trên hành vi và tính cách mà Trung Quốc đang áp dụng trên đất nước họ.
Trong một phóng sự ngày 22/04 vừa qua mang tựa đề: “Cuộc sống hàng ngày của dân Trung Quốc dưới sự giám sát của ‘Anh Cả’”, nhật báo Pháp Le Figaro đã nêu bật việc chế độ Bắc Kinh đã sử dụng trí tuệ nhân tạo như thế nào vào việc theo dõi người dân, dưới vỏ bọc cải thiện đời sống và bảo đảm an ninh xã hội.
Hình tượng “Anh Cả”, hay “Lão Đại Ca” - tiếng Anh gọi là “Big Brother” mà báo Le Figaro sử dụng không phải là ngẫu nhiên, vì đây là một nhân vật biểu tượng trong tiểu thuyết “Nineteen Eighty-Four (1984)” của nhà văn Anh George Orwell, nói về một chế độ toàn trị trong đó tất cả người dân đều bị giám sát liên tục.
Bài báo mở đầu bằng việc mô tả một cảnh tượng ở sân bay mới cực kỳ hiện đại của Bắc Kinh, với các hành khách làm thủ tục trong nháy mắt bằng cách nhìn thẳng vào một ống kính máy ảnh. Họ không cần xuất trình bất kỳ giấy tờ tùy thân nào trước khi lên máy bay từ sân bay Đại Hưng.
Đây là một kỳ tích được báo chí chính thức nêu bật và có thể thực hiện được nhờ công nghệ nhận diện khuôn mặt do SenseTime, công ty đi đầu trong cuộc cách mạng thông minh nhân tạo (AI) của Trung Quốc, phát triển.
Ngành AI Trung Quốc tiến mạnh nhờ hợp đồng an ninh béo bở
Công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Bắc Kinh này là hiện thân của hai động cơ đã thúc đẩy ngành AI của Trung Quốc phát triển: Sự gia tăng của các ứng dụng tạo điều kiện thuận lợi cho sự vận hành của thị trường trực tuyến hàng đầu thế giới, và các đơn đặt hàng khổng lồ từ một chế độ chính trị độc tài luôn mong muốn kiểm soát chặt chẽ dân chúng của mình.
Ở Trung Quốc, tính năng nhận dạng khuôn mặt có thể cho phép rút tiền mặt từ máy ATM, lên tàu mà không cần lấy vé, hoặc xác minh trong tích tắc danh tính của một khách bộ hành, kể cả khi người đó đeo khẩu trang. Các trường học ở Hàng Châu đã triển khai camera để giám sát sự chuyên cần của học sinh trong lớp, điều đã bị một số phụ huynh phản đối trong lúc một số khác thì lại vỗ tay hoan nghênh.
Đằng sau Sense Time, một loạt công ty khởi nghiệp khác cũng đã thành công, chẳng hạn như Y Đồ (Yitu) hoặc Face ++, cũng là những doanh nghiệp âm thầm ký kết hợp đồng “an ninh công cộng” với chính quyền địa phương. Các tập đoàn công nghệ khổng lồ cũng không chịu thua kém, dẫn đầu là Tencent, Alibaba hay công cụ tìm kiếm Baidu.
Theo Le Figaro, ngay từ năm 2018, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố: “Đẩy nhanh sự phát triển của AI là một vấn đề chiến lược” vàkhẳng định rằng Trung Quốc phải nắm giữ các công nghệ quan trọng đó. Bắc Kinh đã vạch ra một lộ trình đầy tham vọng, với dự kiến rằng lĩnh vực AI sẽ trị giá 61 tỷ đô la vào năm 2025. Theo các chiến lược gia Trung Quốc, đến năm 2030, AI “sẽ phải được tích hợp sâu vào mọi khía cạnh của sản xuất, đời sống và quản trị”, với trọng lượng lên đến hơn 1.500 tỷ đô la.
Tuy nhiên, tờ báo Pháp rất hoài nghi, cho rằng các dự báo kể trên cần phải được xem xét một cách thận trọng trong một hệ thống ‘nghiện’ các kế hoạch năm năm, mà thực tế thường không khớp với các chỉ tiêu mà các quan chức tuyên bố.
Cản lực đến từ Hoa Kỳ và phản ứng bất bình của người dân
Giới lãnh đạo Bắc Kinh xem AI là một lĩnh vực thuận lợi cho phép bắt kịp sự lạc hậu về công nghệ của Trung Quốc so với Mỹ bằng cách dựa vào một lợi thế vô song: Quy mô thị trường của Trung Quốc, cung cấp một khối lượng lớn dữ liệu quý giá từ hàng trăm triệu người.
Thế nhưng căng thẳng địa chính trị đang làm lu mờ triển vọng đó. Các công ty như SenseTime hoặc Hikvision, một doanh nghiệp chuyên về camera giám sát thông minh, đã bị vướng vào lệnh trừng phạt của Washington vì dính líu đến chính sách giám sát hàng loạt ở Tân Cương. Điều này đã hạn chế phạm vi hoạt động quốc tế của các công ty Trung Quốc.
Tác hại cũng có thể đến từ bên trong, với những lời chỉ trích ngày càng tăng đến từ chính người dânTrung Quốc, lo lắng trước việc đời tư của họ bị xâm phạm, trong lúc việc bảo vệ dữ liệu cá nhân lại thiếu đảm bảo về mặt pháp lý.
Các camera nhận dạng khuôn mặt đang được lắp đặt tại lối vào các tòa nhà ở Bắc Kinh hoặc Thiên Tân, nhưng nhiều người dân đang phản đối việc hệ thống kiểm soát đã đầy rẫy ở các nơi công cộng. Một nữ giáo sư luật ở Đại Học Thanh Hoa đã viết vào tháng 10 trên mạng Wechat: “Tôi ngày càng cảm thấy hoang mang trước những khoản đầu tư vô hạn vào việc kiểm tra an ninh. Lúc đầu, tôi nghĩ đó là để bảo vệ bản thân tôi, nhưng với các biện pháp áp dụng càng lúc càng nhiều, này, tôi càng cảm thấy rõ ràng rằng chính tôi mới là mục tiêu của sự kiểm soát”. Bài đăng này đã được nhiều người lấy lại trước khi bị kiểm duyệt.
Le Figaro kết luận: Nhận thức được phản ứng kháng cự, chính quyền Trung Quốc bắt đầu đi từng bước thận trong hơn, nhưng vẫn giữ hướng tiến tới “giấc mơ Trung Hoa” về một xã hội được điều hòa bằng một hệ thống tín dụng xã hội cho phép chấm điểm từng công dân. Họ muốn sử dụng biện pháp cây gậy và củ cà rốt kỹ thuật số để duy trì ổn định xã hội, nỗi ám ảnh của một đảng độc nhất mà năm nay sẽ mừng một trăm tuổi đầu tiên.
Nhận xét
Đăng nhận xét