Sau 47 năm, các biểu tượng VNCH vẫn là điều cấm kỵ với Hà Nội
Theo RFA
Trước ngày 30/4 năm nay, như thường lệ, báo chí Nhà nước Việt Nam lại đăng hàng loạt bài viết ca ngợi sự kiên được gọi với cái tên “Đại thắng mùa xuân”. Cùng lúc, các quan chức trong các bài phát biểu của mình cũng không quên nhắc đi nhắc lại chủ trương xuyên suốt của Đảng CSVN từ hàng chục năm qua đó là chính sách “hoà hợp, hoà giải” dân tộc.
Tránh và “dẹp” biểu tượng VNCH
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều nhà quan sát, bình luận tình hình kinh tế, chính trị Việt Nam cho rằng, sau 47 năm, ngay đến những biểu tượng của chính thể Việt Nam Cộng Hoà như cờ vàng ba sọc, trang phục Quân lực Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) hay những tác phẩm nghệ thuật của miền Nam ngày xưa, tưởng chừng như vô hại, nhưng đến nay vẫn bị Chính quyền Hà Nội cấm đoán, tìm cách “triệt tiêu”, thì nói gì tới chuyện thật lòng hoà giải.
Điển hình một vài sự kiện xảy ra gần đây đã phần nào minh chứng cho lập luận trên. Cụ thể, Đài truyền hình VTV đã phát trễ đến 10 phút trận bóng đá giữa đội tuyển bóng đá Việt Nam và Úc hôm 27/1/2022, vì lý do được truyền thông nhà nước đưa ra là do lo ngại về an ninh quốc gia.
Trên thực tế, việc tiếp sóng trễ 10 phút được một người Úc gốc Việt nói với RFA rằng là do VTV phải xử lý, không để hình ảnh cờ vàng xuất hiện trên sóng.
Một vụ việc tương tự cũng đã xảy ra tại hiệp hai trận bóng đá nam giữa hai đội tuyển Việt Nam - Nhật Bản ở vòng loại cuối của World Cup 2022 khu vực Châu Á diễn ra vào tối 29/3/2022 chỉ vì trên khán đài xuất hiện lá cờ vàng ba sọc đỏ.
Một quán cà phê tên Army, ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã bị cơ quan chức năng đóng cửa hồi tháng 4/2021 do cách bài trí có nhiều hình ảnh, vật dụng của Quân lực VNCH.
Ông Nguyễn Vũ Bình, từng làm việc hơn 10 năm tại Tạp chí Cộng Sản cho rằng những sự việc như vừa nêu, thể hiện rằng lãnh đạo Việt Nam vẫn chưa thật lòng trong câu chuyện “hoà giải dân tộc”:
“Đối với những biểu tượng có tính chất là thiêng liêng, ví dụ như lá cờ thì có những thời kỳ người ta cũng không gắt gao lắm. Ví dụ như biểu tình cá chết hồi năm 2016 ở miền Trung, người ta còn mang cờ vàng ba sọc đỏ đi. Nhưng sau đó thì bị siết lại, bây giờ họ (Nhà nước VN - PV) đối xử rất là khắt nghiệt đối với những biểu tượng thiêng liêng như là lá cờ.
Còn lại những biểu tượng khác của Việt Nam Cộng hòa như nghĩa trang Biên Hòa thì lúc mở lúc thắt, nhưng mà không có chuyện là bình thường hóa. Người ta vẫn phân biệt đối xử những người thương phế binh. Mồm thì nói là “hòa giải hòa hợp” nhưng vẫn phân biệt đối xử.
Đáng ra, đó là những cái đã thuộc về quá khứ, thuộc về kỷ niệm thì cái chuyện mà người ta phục dựng lại, trang trí lại có vấn đề gì đâu.
Còn việc lá cờ ở các trận bóng đá thì là họ sợ đến cái mức độ như thế. Họ sợ lan truyền ảnh hưởng, trên nền tinh thần là đàn áp trong những năm vừa rồi rất khốc liệt.”
Ông Hoàng Ngọc Diêu, từ nước Úc cho rằng, các hành động của Chính phủ Hà Nội cho thấy một chính thể yếu ớt, không tự tin và muốn khoả lấp quá khứ:
“Tôi cho rằng đó là hành động ngây ngô và con nít của một chính phủ không trưởng thành và không tự tin. Nếu một chế độ mạnh mẽ, vững vàng và được người dân tin yêu một lòng đứng dưới cờ Đảng như cách mấy ông lãnh đạo thường nói thì mắc mớ gì phải sợ lá cờ vàng.
Cái đó là biểu hiện không những của sự yếu ớt của chế độ, mà đó là sự cố tình muốn khỏa lấp quá khứ, che đậy quá khứ.”
“Hoà hợp hoà giải - một chính sách giả tạo”
Ông Vũ Quang Hiển, Giảng viên khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội trả lời mạng báo VOV nhân 47 năm ngày kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam, rằng (xin trích lại nguyên văn):
“Vẫn còn những thái độ hằn học, thù địch, hiểu không đúng về sự kiện lịch sử này… Đó chỉ là một bộ phận rất nhỏ. Đã là người Việt Nam thì dù họ ở phía nào, nhưng khi đất nước đã thống nhất, đã hòa bình thì nên có thái độ cầu thị.
Rất nhiều đồng bào Việt Nam vì nhiều lý do khác nhau đã ra đi sau chiến thắng 30/4, nhưng nay đã có cái nhìn khác về đất nước trong một tiến trình đổi mới và hội nhập. Tôi tin rằng, nếu kiên trì thì chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc của chúng ta sẽ thành công.”
Bình luận về phát ngôn trên của ông Hiển, ông Nguyễn Vũ Bình cho rằng: “Cho nên “hòa hợp, hòa giải” đối với họ (Nhà nước VN - PV) là tuyên truyền, giải thích, vận động cho những người đã hiểu sai như thế hiểu đúng lại theo quan điểm của họ, thì đó là cái cách mà họ triển khai chính sách hòa hợp hòa giải dân tộc. Từ trước đến giờ họ luôn luôn làm như vậy.
Còn các quan điểm mà tôi cho là đúng là đáng ra phải mở ra cho người dân được tự do dân chủ thì tự khắc là sẽ hòa giải hòa hợp được. Chỉ khi nào Đảng và Nhà nước trả lại tự do dân chủ cho người dân cho đất nước khi lúc đó mới nói đến chuyện hòa giải và hòa hợp được.”
Mạng báo Quốc phòng Thủ đô trong một bài viết vào tháng 5/2021 cho biết “hoà hợp, hoà giải” dân tộc là chủ trương nhất quán của Bộ Chính trị từ nhiều năm nay, được thể hiện cụ thể qua Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”, được ban hành từ năm 2004.
Ông Hoàng Ngọc Diêu, một thuyền nhân, đã từng nhiều lần vượt biên rời khỏi Việt Nam sau năm 1975 nhưng mãi đến năm 1988 mới đến được nước Úc, nói với RFA rằng Nghị quyết 36, cũng như “khúc ruột ngàn dặm”, hay “hòa hợp hòa giải” chỉ là một chính sách què quặt, khiếm khuyết và không thành thật của Nhà nước Việt Nam:
“Chuyện hòa hợp hòa giải chỉ mang tính hình thức. Bản chất thì nó vẫn cần chất xám và tiền bạc của những người ở hải ngoại với danh nghĩa là đóng góp về để xây dựng đất nước.
Nhưng mà xây dựng đất nước thì nó đâu chỉ có vấn đề là chất xám và tiền bạc. Nó còn có những tiêu chuẩn đạo đức và những tiêu chuẩn cần thiết cho một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh thật sự.
Những cái đó thì Đảng và Nhà nước họ hoàn toàn nghiêm cấm, không cho bất kỳ một hình thức phản đối hay phê bình nào thì làm sao để hòa hợp hòa giải.
Không bao giờ tôi đóng góp, bởi vì nó chỉ mang tính hình thức và không có trung thực. Làm sao mình có thể đóng góp cho những chuyện không trung thực, điều đó hoàn toàn đi ngược lại các nguyên tắc của tôi.”
Làm sao “xếp lại” câu chuyện quá khứ?
Chia sẻ thêm về câu chuyện của mình, ông Diêu nói ông không coi ngày 30/4 là “ngày Quốc hận” hay “Tháng tư đen” mà đó là một ngày lịch sử làm thay đổi vận mệnh của toàn bộ dân tộc Việt Nam:
“Tôi bỏ nước ra đi năm 1988. Tôi sống dưới chế độ đó 13 năm. Đối với tôi, những chuyện kinh hoàng của một biến cố từ sau 30/4, có những chuyện đã ghi sâu vào ký ức mà mình không bao giờ quên được. Lúc đó là tuổi mình đang lớn nên tạo thêm những ấn tượng rất sâu đậm mà mình không bao giờ quên được.
Bản thân tôi không gọi biến cố đó là “ngày quốc hận” hay “tháng tư đen”. Đối với tôi, nó đơn giản là một ngày biến chuyển định mệnh của cả một dân tộc Việt Nam, và nó tạo ra một sự chia rẽ vô cùng sâu sắc mà cho đến ngày giờ này không thể nào hàn gắn lại được. Một bên gọi là “bên thắng cuộc” và một “bên thua cuộc” nó cứ dùng dằn, kéo mãi suốt 47 năm mà không phai nhạt một chút nào hết.”
Đối với ông, để xếp lại câu chuyện quá khứ thì những chuyện gì đã xảy ra, đã là lịch sử phải được đặt để lại đúng vị trí của nó. Những ai làm sai điều gì phải công nhận là mình sai và xin lỗi, chứ không phải chỉ nói bằng lý thuyết trong Nghị quyết 36 rằng phải gạt bỏ quá khứ, hướng tới tương lai là xong chuyện.
Ngoài ra, theo ông Diêu, một đất nước Việt Nam có tự do, dân chủ thực sự, không còn cảnh bắt bớ, bỏ tù những người phản biện, cũng là lý do để cộng đồng người Việt hải ngoại như ông bỏ qua mọi chuyện cũ:
“Tôi không ưa cái chế độ, cũng như không ưa Chính phủ do Đảng Cộng Sản cầm quyền, nhưng điều đó không có nghĩa rằng tôi không còn tình yêu quê hương đất nước. Tôi vẫn thương đất nước Việt Nam và con người Việt Nam. Tôi vẫn trăn trở cho đất nước Việt Nam.
Việt Nam là con người là quê hương chứ không phải là chế độ. Cái chế độ chỉ là một cái thực thể nó đang kiểm soát đất nước con người và nó làm cho đất nước bị lụn bại không phát triển được:
Đối với bản thân tôi, nếu như đất nước Việt Nam ngày giờ này nó thực sự dân chủ, phồn thịnh, tốt đẹp thì có lẽ mọi chuyện tôi sẽ xếp lại.”
Nhận xét
Đăng nhận xét