[TRỰC TIẾP] Cập nhật tình hình Nga-Ukraine
[TRỰC TIẾP] Cập nhật tình hình Nga-Ukraine
Dưới đây là bản tin cập nhật trực tiếp diễn biến của cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine từ ngày 27/04/2022, với tin mới nhất ở phần trên cùng.
Mời quý vị theo dõi bản tin diễn biến từ ngày 24-26/04/2022 tại đây, và xem toàn bộ các bản tin cập nhật trực tiếp về tình hình cuộc chiến tại đây.
Anh: Ukraine có thể tấn công hậu cần Nga
Hôm thứ Năm (28/04), Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết rằng việc các lực lượng Ukraine nhắm mục tiêu vào hậu cần của Nga để làm tê liệt nguồn cung cấp thực phẩm, nhiên liệu, và đạn dược của họ là hợp pháp, nhưng họ ít có khả năng sử dụng vũ khí của Anh để làm điều đó.
Căng thẳng giữa Anh và Nga gia tăng trong tuần này khi Moscow cáo buộc London kích động Ukraine tấn công các mục tiêu bên trong Nga, đồng thời tuyên bố sẽ có “phản ứng tương xứng” ngay lập tức nếu Anh tiếp tục làm vậy.
Ông Wallace cho biết theo luật pháp quốc tế, Ukraine có mọi quyền để tự vệ.
“Một phần của việc tự vệ trong cuộc xâm lược kiểu này rõ ràng là Ukraine sẽ nhắm đến đường tiếp tế của quân đội Nga bởi vì không có nhiên liệu, lương thực, và đạn dược, quân đội Nga sẽ dừng lại và không thể tiếp tục cuộc xâm lược của họ,” ông nói với BBC.
Ông Wallace cho biết Anh đã gửi pháo tới Ukraine vốn đang được sử dụng trong Ukraine để chống lại quân đội Nga, nhưng ông tuyên bố rằng nước này không gửi và ít có khả năng gửi bất kỳ vũ khí nào có thể được sử dụng cho các cuộc tấn công tầm xa hơn.
Ông nói rằng không rõ liệu các cuộc tấn công được thấy ở Nga trong những tuần gần đây có phải đến từ chính phủ Ukraine hay không. Ông khẳng định rằng Ukraine không có vũ khí nào của Anh có khả năng làm được điều đó.
Ông nói, quân đội Ukraine có xu hướng sử dụng các bệ phóng di động trong khi quân đội Anh sẽ cung cấp chúng từ trên không hoặc trên biển.
Ông Wallace cũng bác bỏ thông tin cho rằng NATO đang vướng vào một cuộc chiến tranh ủy nhiệm với Nga nhưng cho biết phương Tây sẽ hỗ trợ ngày càng nhiều cho Ukraine nếu các cuộc tấn công của Nga tiếp tục. “Đôi khi điều đó sẽ bao gồm cả phi cơ và xe tăng,” ông nói với Times Radio.
Hôm thứ Tư (27/04) Nga đưa tin về một loạt vụ nổ ở miền nam nước này và một vụ hỏa hoạn tại một kho đạn dược.
Phản ứng trước một tuyên bố tương tự của Anh hôm thứ Ba (26/04), trong đó nói rằng các mục tiêu quân sự của Nga bên trong Nga là mục tiêu hợp pháp đối với Ukraine, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova gợi ý rằng logic của Anh có nghĩa là về mặt lý thuyết, Nga cũng có quyền tấn công các mục tiêu ở các nước NATO như Anh nếu họ có liên quan đến việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Thủ tướng Đức Scholz: Ông Putin bám vào ý tưởng ‘hòa bình cưỡng bức’ ở Ukraine
Thủ tướng Olaf Scholz nói rằng cần phải có một quân đội Đức mạnh để ngăn chặn một cuộc tấn công của Nga và chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bám vào ý tưởng về một trạng thái “hòa bình cưỡng bức” ở Ukraine, mà ông nói sẽ không hoạt động được.
Trình bày tại Tokyo hôm thứ Năm (28/04), ông Scholz cho biết Đức đang tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với các quốc gia chia sẻ các giá trị của mình, đề cập đến Nhật Bản và Ấn Độ trong số các quốc gia khác.
Cựu thủy quân lục chiến Mỹ hạ cánh tại Hoa Kỳ sau khi hoán đổi tù nhân với Nga
Cựu thủy quân lục chiến Hoa Kỳ Trevor Reed, người bị giam giữ ở Nga và được thả trong một cuộc hoán đổi tù nhân giữa Nga và Hoa Kỳ, đã hạ cánh ở quê nhà, phát ngôn viên của Reed cho biết hôm thứ Năm (28/04) .
Hiện vẫn chưa rõ ông Reed hạ cánh ở đâu.
Quân đội Nga giải tán cuộc biểu tình ủng hộ Ukraine và thắt chặt kiểm soát ở thành phố bị chiếm đóng Kherson
Tổng công tố Ukraine cho biết, quân đội Nga đã sử dụng hơi cay và lựu đạn gây choáng để giải tán một cuộc biểu tình ủng hộ Ukraine tại thành phố bị chiếm đóng Kherson hôm thứ Tư (27/04), trong bối cảnh Moscow siết chặt kiểm soát đối với khu vực phía nam.
Các nhà chức trách địa phương cho biết Nga đã bổ nhiệm thị trưởng của riêng mình ở Kherson hôm thứ Ba sau khi quân đội của họ nắm quyền kiểm soát trụ sở chính phủ ở thủ phủ của khu vực, trung tâm đô thị lớn đầu tiên bị chiếm giữ sau cuộc xâm lược ngày 24/02.
Một số người dân thỉnh thoảng tổ chức các cuộc biểu tình chống lại sự chiếm đóng và đám đông đã tụ tập trở lại trung tâm vào hôm thứ Tư (27/04), khi Kyiv thông báo rằng Nga có kế hoạch tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để tạo ra một khu vực ly khai giống như các khu vực ở miền đông Ukraine.
“Trong một cuộc biểu tình ôn hòa ủng hộ Ukraine tại Quảng trường Tự Do ở thành phố Kherson, các quân nhân của Lực lượng Vũ trang Nga đã sử dụng hơi cay và lựu đạn gây choáng lên thường dân,” văn phòng tổng công tố Ukraine cho biết trong một tuyên bố.
Họ cho biết họ đang điều tra vụ việc và có ít nhất bốn người bị thương.
Nga chưa đưa ra bình luận ngay lập tức về vụ việc này.
Hôm thứ Ba (26/04), Nga cho biết họ đã giành được toàn quyền kiểm soát khu vực Kherson, khu vực có tầm quan trọng chiến lược vì cung cấp một phần liên kết trên bộ giữa bán đảo Crimea đã sáp nhập và các khu vực ly khai do Nga hậu thuẫn ở phía đông.
Nga cáo buộc OSCE cung cấp thông tin cho tình báo phương Tây
Hôm thứ Năm (28/04), Nga cáo buộc Tổ chức An ninh và Hợp tác Âu Châu (OSCE) đã chuyển giao thông tin về vị trí của quân đội Nga và các lực lượng thân Nga cho tình báo phương Tây và Ukraine.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đưa ra cáo buộc trong cuộc họp báo với các phóng viên nhưng không cung cấp bằng chứng. Bà cho biết các nhà điều tra từ Cộng hòa Nhân dân Donetsk ly khai sẽ cung cấp thêm bằng chứng.
OSCE có một sứ mệnh giám sát ở miền đông Ukraine, nơi quân ly khai do Nga hậu thuẫn và quân đội Ukraine đã chiến đấu kể từ năm 2014.
EU tạm hoãn thuế quan đối với hàng nhập cảng từ Ukraine trong 1 năm, Kyiv bày tỏ lòng biết ơn
Hôm thứ Tư (27/04), Ủy ban Âu Châu đã đề nghị đình chỉ thuế nhập cảng trong một năm đối với tất cả các sản phẩm của Ukraine không nằm trong hiệp định thương mại tự do hiện có nhằm giúp đỡ nền kinh tế nước này trong thời kỳ chiến tranh với Nga.
Các biện pháp này sẽ được áp dụng cụ thể đối với trái cây và rau quả, với các yêu cầu về giá tối thiểu, các sản phẩm nông nghiệp phải đối mặt với hạn ngạch, và một số mặt hàng công nghiệp nhất định, thuế quan sẽ chỉ được loại bỏ vào cuối năm 2022.
Việc loại bỏ đó, được đặt ra trong hiệp định thương mại tự do EU-Ukraine năm 2016, áp dụng cho phân bón, sản phẩm nhôm, và xe hơi.
Liên minh Âu Châu cũng sẽ miễn trừ cho Ukraine các biện pháp bảo hộ hạn chế nhập cảng thép và dỡ bỏ thuế chống bán phá giá mà EU hiện đang áp dụng đối với ống thép, sản phẩm thép dẹt cán nóng, và sắt của Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông đã thảo luận về đề nghị này với Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen hôm thứ Tư (27/04) và bày tỏ lòng biết ơn.
“Ngay bây giờ, điều này sẽ cho phép chúng tôi duy trì hoạt động kinh tế ở Ukraine, sản xuất quốc gia của chúng tôi, càng nhiều càng tốt. Nhưng quyết định này cần được xem xét không chỉ trong bối cảnh Ukraine,” ông nói trong một bài diễn văn vào đêm khuya.
Đề nghị này hiện sẽ cần được Nghị viện Âu Châu và các chính phủ EU đồng ý để có hiệu lực.
Ủy ban Âu Châu, cơ quan giám sát chính sách thương mại của 27 quốc gia EU, cho biết các biện pháp chưa từng có này được đưa ra nhằm giảm bớt khó khăn cho các nhà sản xuất và xuất cảng của Ukraine trước sự xâm lược của Nga.
Năm ngoái (2021), thương mại song phương EU-Ukraine đạt hơn 52 tỷ euro (55 tỷ USD), gấp đôi mức trước khi có thỏa thuận thương mại tự do năm 2016.
Với việc hoạt động vận chuyển hàng hóa của Ukraine qua Biển Đen hiện bị hải quân Nga cắt đứt, EU cũng đã chuyển sang hỗ trợ vận chuyển hàng hóa trên đất liền của Ukraine, chẳng hạn bằng cách nới lỏng điều kiện nhập cảnh cho các tài xế xe tải Ukraine.
Các vụ nổ xảy ra ở thành phố Kherson của Ukraine
Tại thành phố Kherson thuộc miền nam Ukraine, một loạt vụ nổ đã xảy ra gần tháp truyền hình vào đêm hôm thứ Tư (27/04) và ít nhất là tạm thời gián đoạn các kênh truyền hình của Nga, các hãng thông tấn Ukraine và Nga đưa tin.
Hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti cho biết hỏa tiễn và rocket đã được bắn vào thành phố từ hướng của quân đội Ukraine về phía tây bắc.
Kherson đã bị quân Nga chiếm đóng từ đầu cuộc chiến.
Ukrayinska Pravda, một tờ báo trực tuyến, cho biết các cuộc không kích đã gây ra hỏa hoạn và đánh sập các kênh truyền hình Nga.
RIA Novosti cho biết chương trình phát sóng sau đó đã được nối lại. Họ cho biết các kênh của Nga đã bắt đầu phát sóng từ Kherson vào tuần trước (18-24/04).
Nga quyết tâm tăng cường kiểm soát thành phố nhưng người dân vẫn tiếp tục xuống đường phản đối việc chiếm đóng.
Tổng thống Biden dự kiến tham quan cơ sở chế tạo vũ khí chiến tranh
Tòa Bạch Ốc cho biết Tổng thống Joe Biden sẽ thăm một cơ sở Lockheed Martin sản xuất các hệ thống vũ khí, chẳng hạn như hỏa tiễn chống tăng Javelin, mà chính phủ đang cung cấp tới Ukraine để phòng thủ trước cuộc xâm lược kéo dài hai tháng của Nga.
Tổng thống Biden dự kiến thăm cơ sở ở Alabama vào ngày 03/05 tới.
Javelin là một hỏa tiễn chống tăng dẫn đường tầm xa có thể được mang bởi một người. Hoa Kỳ cho biết họ đã cung cấp vài ngàn hệ thống này cho Ukraine.
Đức là quốc gia mua năng lượng của Nga nhiều nhất
Một nhóm nghiên cứu độc lập cho biết Đức là quốc gia mua năng lượng nhiều nhất của Nga trong hai tháng đầu tiên kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine.
Một nghiên cứu được công bố bởi Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch tính toán rằng Nga đã thu được 66.5 tỷ USD từ xuất cảng nhiên liệu hóa thạch kể từ khi quân đội Nga tấn công Ukraine vào ngày 24/02.
Sử dụng dữ liệu về chuyển động của tàu, theo dõi thời gian thực của dòng khí đốt qua các đường ống, và ước tính dựa trên giao dịch hàng tháng trong lịch sử, các nhà nghiên cứu tính toán rằng Đức đã trả cho Nga khoảng 9.1 tỷ euro để cung cấp nhiên liệu hóa thạch trong hai tháng đầu tiên của cuộc chiến.
Chính phủ Đức cho biết họ không thể bình luận về các ước tính và từ chối cung cấp bất kỳ số liệu nào của riêng mình.
Tổng thống Putin cảnh báo sẽ đáp trả ‘nhanh như chớp’ nếu phương Tây can thiệp vào Ukraine
Hôm thứ Tư (27/04), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo Moscow sẽ tiến hành đáp trả nhanh chóng nếu các lực lượng phương Tây can thiệp vào cuộc xâm lược Ukraine kéo dài hai tháng của nước này.
Nói với các nhà lập pháp tại một địa điểm công cộng, ông Putin cho biết “nếu bất kỳ ai tiến hành can thiệp vào các sự kiện hiện nay từ bên ngoài và tạo ra những mối đe dọa không thể chấp nhận được mang tính chiến lược về bản chất cho chúng ta, họ nên biết rằng sự đáp trả của chúng ta… sẽ nhanh như chớp,” theo một bản chuyển ngữ.
“Chúng ta có tất cả các công cụ cho việc này. Những công cụ mà không ai khác ngoại trừ chúng ta có thể khoe khoang. Nhưng chúng ta sẽ không khoe khoang. Chúng ta sẽ sử dụng chúng, nếu cần thiết,” tổng thống nói, mà không chỉ rõ công cụ nào có thể được khai triển.
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Ngũ Giác Đài cảnh báo về việc thay thế hỏa tiễn được gửi tới Ukraine
Giám đốc điều hành của Raytheon cảnh báo hôm thứ Ba (26/04) rằng công ty sẽ không thể bổ sung kho dự trữ của Ngũ Giác Đài trong ít nhất vài năm, với lý do thiếu hụt các linh kiện điện tử.
“Chúng tôi sẽ phải ngừng lại và thiết kế lại một số thiết bị điện tử của hỏa tiễn và đầu dò,” Giám đốc điều hành Raytheon Technologies Greg Hayes nói với các nhà phân tích đầu tư trong cuộc họp báo thu nhập hàng quý của công ty, theo Defense One. “Điều đó sẽ khiến chúng tôi mất một chút thời gian.”
Ông Hayes đang đề cập cụ thể đến FIM-92 Stinger, loại hỏa tiễn phòng không cơ động mà Ngũ Giác Đài đang cung cấp cho quân đội Ukraine. Hỏa tiễn chống tăng FGM-148 Javelin mà Hoa Kỳ cũng đã gửi đến Kyiv được sản xuất chung với Lockheed Martin. Các quan chức Ukraine hồi tháng trước nói với Hoa Kỳ rằng họ cần 500 hỏa tiễn Stinger và Javelin mỗi ngày.
Công ty Raytheon đã không chế tạo Stinger cho quân đội Hoa Kỳ trong gần 20 năm và những chiếc được gửi đến Ukraine được lấy từ kho dự trữ của Ngũ Giác Đài. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Kathleen Hicks cho biết Raytheon có “nguồn nguyên liệu rất hạn chế để sản xuất Stinger” và Ngũ Giác Đài “đang tích cực cố gắng cung cấp một số nguyên liệu,” cũng theo thông tin từ Defense One.
Ông Hayes cho biết ông không hy vọng Ngũ Giác Đài sẽ đặt hàng “số lượng lớn” bổ sung cho một trong hai hỏa tiễn cho đến năm 2023 hoặc 2024.
Nga rút khỏi Tổ chức Du lịch Liên Hiệp Quốc
Nga đã tuyên bố hôm thứ Tư (27/04) rằng nước này đang rút khỏi Tổ chức Du lịch Liên Hiệp Quốc (UNWTO) chỉ vài giờ trước khi cơ quan này bỏ phiếu để tạm thời đình chỉ tư cách thành viên của Nga vì cuộc xâm lược Ukraine, các quan chức cho biết.
Tổng thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili đã đưa ra thông báo trên tài khoản Twitter chính thức của mình. Ông cho biết UNWTO là cơ quan Liên Hiệp Quốc đầu tiên đề cập đến tư cách thành viên của Nga.
Tổ chức này đã dẫn đầu và chấp thuận việc đình chỉ tại một cuộc họp đặc biệt ở Madrid hôm thứ Tư, nơi tổ chức này có trụ sở chính.
Nghị quyết của cuộc họp bao gồm một điều khoản nói rằng việc đình chỉ có thể được đảo ngược nếu ghi nhận một sự thay đổi trong chính trị của Liên bang Nga.
Tây Ban Nha là một trong 22 quốc gia Âu Châu đã thúc đẩy kiến nghị này.
Thành viên NATO cam kết ngăn chặn việc ứng cử của Thụy Điển và Phần lan
Việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO là “hành vi rất nguy hiểm” và có thể kích động Nga, Tổng thống Croatia Zoran Milanovic cho biết hôm thứ Ba (26/04). Ông Zagreb sẽ từ chối phê chuẩn tư cách thành viên của họ cho đến khi Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu gây áp lực buộc nước láng giềng Bosnia-Herzegovina bảo đảm quyền bỏ phiếu căn bản của người Croatia, ông Milanovic nói thêm.
Ông Milanovic nói với các phóng viên tại Zagreb hôm thứ Ba (26/04): “Theo tôi, họ có thể gia nhập NATO, họ có thể dùng bút chọc vào mắt con gấu dại.”
“Tuy nhiên, cho đến khi vấn đề luật bầu cử ở Bosnia-Herzegovina được giải quyết, cho đến khi người Mỹ, người Anh, người Đức — nếu họ có thể và muốn — buộc Sarajevo và Bakir Izetbegovic cập nhật luật bầu cử trong sáu tháng tới và cấp cho người Croatia quyền căn bản của họ, Sabor không được phê chuẩn việc gia nhập NATO của bất kỳ quốc gia nào,” ông nói thêm, đề cập đến nghị viện Croatia.
Ông Milanovic chỉ ra rằng NATO không thể kết nạp các thành viên mới nếu không có sự chấp thuận của những thành viên hiện tại, đồng thời cho biết thêm rằng ông coi vai trò của Croatia vào thời điểm này là “một phương án giải quyết tức thời mang tính lịch sử.”
“Hãy để tổng thống hoặc ngoại trưởng Hoa Kỳ nghe điều này ngay bây giờ. Hãy xem họ có thể làm gì cho Croatia. Tôi đã chịu đủ việc họ phớt lờ và bỏ qua một thành viên NATO và Liên minh Âu Châu, và gạt Croatia ra,” ông Milanovic nói và cho biết thêm rằng nếu Hoa Kỳ và các nước đồng minh Tây Âu muốn hai nước Scandinavia vào NATO, “họ sẽ phải lắng nghe Croatia.”
Ông Putin thề các mục tiêu ở Ukraine sẽ đạt được
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cam kết trước Nghị viện Nga rằng các mục tiêu của chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine sẽ đạt được.
Ông Putin nói trong một bài diễn văn hôm thứ Tư (27/04) trước cả hai viện của nghị viện: “Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng tất cả các nhiệm vụ của chiến dịch quân sự đặc biệt mà chúng ta đang tiến hành ở Donbas và Ukraine, bắt đầu vào ngày 24/02, sẽ được hoàn thành vô điều kiện.”
Theo ông, điều đó sẽ “bảo đảm an ninh cho cư dân” của các khu vực ly khai ở miền đông Ukraine mà Nga đã công nhận là độc lập ngay trước khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, cũng như Crimea “và toàn bộ đất nước của chúng ta theo quan điểm lịch sử.”
EU cáo buộc Nga dùng khí đốt ‘tống tiền’
Người đứng đầu Ủy ban điều hành Liên minh Âu Châu cho biết việc các công ty năng lượng trong khối 27 quốc gia này đồng ý với các yêu cầu của Moscow về việc trả tiền giao khí đốt bằng đồng rúp sẽ vi phạm các lệnh trừng phạt đã áp đặt vì cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Bà Ursula von der Leyen trình bày sau khi các quan chức Ba Lan và Bulgaria cho biết Moscow đang cắt vận chuyển khí đốt tự nhiên đến các quốc gia này do họ từ chối thanh toán bằng đồng rúp, một yêu cầu của Tổng thống Vladimir Putin sau khi các lệnh trừng phạt được áp dụng đối với quốc gia của ông.
Bà von der Leyen cho biết hôm thứ Tư (27/04) rằng “hướng dẫn của chúng ta ở đây là rất rõ ràng.”
Bà nói rằng “thanh toán bằng đồng rúp, nếu điều này không được báo trước trong hợp đồng, là vi phạm các lệnh trừng phạt của chúng ta. Chúng ta có tổng cộng khoảng 97% hợp đồng quy định rõ ràng các khoản thanh toán bằng euro hoặc dollar, vì vậy nó rất rõ ràng. Và việc phía Nga yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp là quyết định đơn phương và không theo các hợp đồng.”
Bà von der Leyen cho biết quyết định của Nga về việc cắt nguồn cung cấp cho Ba Lan và Bulgaria là một “sự khiêu khích khác từ Điện Kremlin” và là một nỗ lực “tống tiền” Liên minh Âu Châu.
Bà nói rằng, sau một cuộc họp khẩn cấp của các quốc gia thành viên, cả Ba Lan và Bulgaria hiện đang nhận khí đốt từ các nước láng giềng EU của họ.
Nga trừng phạt 287 nghị sĩ Anh, trục xuất 3 nhà ngoại giao Na Uy
Bộ Ngoại giao Nga đã công bố các lệnh trừng phạt đối với 287 nhà lập pháp Anh để đáp trả việc Anh trừng phạt 368 thành viên Hạ viện Nga.
Hôm thứ Tư (27/04), bộ này đã công bố danh sách gồm cả các nhà lập pháp chính phủ và phe đối lập, và một số nhà lập pháp tiền nhiệm. Hiện họ bị cấm nhập cảnh vào Nga vì “tham gia tích cực nhất vào việc thiết lập các công cụ trừng phạt chống Nga ở London (và) góp phần khiến sự cuồng loạn bài Nga bùng phát vô căn cứ ở Anh.”
Tuyên bố của bộ cho biết “những lời lẽ thù địch và những lời cáo buộc xa vời phát ra từ miệng của các nghị sĩ Anh không chỉ dung túng cho hành động thù địch của London nhằm mục đích tàn phá và cô lập quốc tế đối với đất nước chúng ta, mà còn được sử dụng bởi những người chống đối việc đối thoại tôn trọng giữa đôi bên với Nga để phá hoại nền tảng của việc hợp tác song phương.”
Nga cũng đã trục xuất ba nhà ngoại giao Na Uy sau khi ba nhà ngoại giao Nga bị trục xuất khỏi Na Uy hồi đầu tháng.
Điện Kremlin: Các nước khác có thể chứng kiến khí đốt bị cắt giảm
Điện Kremlin nói rằng Nga có thể ngừng cung cấp khí đốt cho các khách hàng Âu Châu khác sau khi cắt giảm khí đốt cho Ba Lan và Bulgary nếu họ cũng từ chối chuyển sang thanh toán bằng đồng rúp.
Phát ngôn viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov, cho rằng yêu cầu của Nga chuyển sang đồng rúp trong việc thanh toán cho khí đốt là do hành động của phương Tây nhằm phong tỏa các tài sản đồng tiền mạnh của Nga. Ông nói rằng những thứ đó đã bị phương Tây “đánh cắp” một cách hiệu quả trong một “hành động thiếu thân thiện chưa từng có.”
Trình bày trong cuộc họp báo với các phóng viên hôm thứ Tư (27/04), ông Peskov cảnh báo rằng các khách hàng Âu Châu khác có thể thấy vòi khí ga bị tắt nếu họ từ chối thanh toán cho khí đốt bằng đồng rúp vào thời điểm đến hạn thanh toán. Ông Peskov cho rằng việc từ chối chuyển sang đồng rúp phản ánh mong muốn của phương Tây là “trừng phạt Nga bằng bất cứ giá nào gây thiệt hại cho người tiêu dùng, người nộp thuế và nhà sản xuất của chính họ.”
Ông bác bỏ mô tả của EU về việc Nga ngừng cung cấp cho Bulgaria và Ba Lan bắt đầu từ thứ Tư (27/04) là hành động tống tiền, nhấn mạnh rằng “Nga vẫn là nhà cung cấp các nguồn năng lượng đáng tin cậy” và tuân thủ các nghĩa vụ hợp đồng của mình.
Ông Peskov lập luận rằng nhu cầu thanh toán bằng đồng rúp hoàn toàn là về mặt kỹ thuật và không thay đổi giá cả hoặc các điều kiện hợp đồng khác đối với bên tiêu dùng.
Thủ tướng Ba Lan lên án việc Nga ‘tống tiền bằng khí đốt’
Thủ tướng Ba Lan đã chỉ trích Nga vì cố gắng “tống tiền” đất nước ông bằng việc cắt nguồn cung cấp khí đốt đột ngột. Ông cho biết, ông tin rằng hành động này là sự trả thù cho các lệnh trừng phạt mới mà Warsaw áp đặt trong tuần này chống lại Nga.
Các lệnh trừng phạt được công bố hôm thứ Ba (26/04) nhắm vào 50 công ty và nhà tài phiệt Nga, bao gồm cả Gazprom. Vài giờ sau, Ba Lan cho biết họ đã nhận được thông báo rằng Gazprom đang cắt nguồn cung cấp cho Ba Lan vì không tuân thủ các yêu cầu mới về thanh toán bằng đồng rúp của Nga.
Trình bày trước Nghị viện Ba Lan, Thủ tướng Mateusz Morawiecki cam kết rằng Ba Lan sẽ không chùn bước trước việc cắt khí đốt. Ông cho biết Ba Lan vẫn an toàn nhờ nhiều năm nỗ lực nhằm bảo đảm khí đốt từ các quốc gia khác.
Nga cung cấp khoảng 45% tổng lượng tiêu thụ khí đốt của Ba Lan cho đến đợt ngừng cung cấp này. Tuy nhiên, Ba Lan phụ thuộc nhiều hơn vào than đá để sưởi ấm cho các gia đình và cung cấp nhiên liệu cho công nghiệp, với khí đốt chỉ chiếm 9% tổng cơ cấu năng lượng của đất nước.
Ngoại trưởng Anh Liz Truss: Phương Tây nên cung cấp chiến đấu cơ
Nhà ngoại giao hàng đầu của Anh nói rằng phương Tây nên gửi các phi cơ đến Ukraine để hỗ trợ cuộc chiến chống lại sự xâm lược của Nga.
Ngoại trưởng Liz Truss tuyên bố “số phận của Ukraine vẫn đang nguy cấp,” và đang kêu gọi các quốc gia phương Tây tăng cường hỗ trợ quân sự cho Kyiv.
Trong một bài diễn văn ở London hôm thứ Tư (27/04), bà Truss sẽ nói: “Vũ khí hạng nặng, xe tăng, phi cơ — đào sâu vào kho hàng tồn của chúng ta, tăng cường sản xuất.”
Bà Truss cũng kêu gọi các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn hơn đối với Nga, nói rằng phương Tây phải cắt đứt việc nhập cảng dầu và khí đốt của Nga “một lần và mãi mãi.”
Các trích đoạn của bài diễn văn đã được Văn phòng Ngoại giao công bố trước đó.
Các quốc gia NATO đã cung cấp cho Ukraine các thiết bị quân sự bao gồm hỏa tiễn và xe bọc thép, nhưng đã chần chừ trong việc gửi chiến đấu cơ vì lo ngại leo thang xung đột.
Moscow đổi cựu thủy quân lục chiến Mỹ bị bỏ tù lấy phi công Nga Yaroshenko
Ông Trevor Reed, quốc tịch Hoa Kỳ, bị kết án 9 năm tù tại Nga vào năm 2020, đã được hoán đổi với phi công Nga Konstantin Yaroshenko, người đang thụ án 20 năm tù tại một nhà tù Hoa Kỳ kể từ năm 2010, Bộ Ngoại giao Nga thông báo hôm thứ Tư (27/04).
Các nhà ngoại giao Nga nói với các ký giả rằng việc hoán đổi là kết quả của một “quá trình đàm phán kéo dài.”
Tổng thống Putin nói với người đứng đầu Liên Hiệp Quốc: Kosovo tạo tiền lệ cho Donbas
Thủ tướng Vladimir Putin đã tiếp Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres tại Điện Kremlin hôm thứ Ba (26/04) để đàm phán xoay quanh cuộc khủng hoảng Ukraine. Hai người đã thảo luận về tình hình tại thực địa, trong đó ông Putin giải thích với người đứng đầu Liên Hiệp Quốc về lý do Nga phát động chiến dịch quân sự chống lại quốc gia láng giềng vào cuối tháng Hai.
Ông Putin nói với ông Guterres, hành động công nhận hai nước cộng hòa ly khai Donetsk và Lugansk của Moscow dựa trên tiền lệ ở Kosovo, được thiết lập bởi một tòa án do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn. Các nước cộng hòa nổi lên sau khi người dân sống ở miền đông Ukraine từ chối công nhận phong trào Maidan 2014 do phương Tây hậu thuẫn, ông giải thích.
Ông Putin nói thêm rằng chính phủ Kyiv sau cuộc đảo chính đã lựa chọn một giải pháp quân sự dẫn đến bế tắc tám năm ở Donbas.
“Tôi nhớ rất rõ quyết định của Tòa án Công lý Quốc tế, trong đó tuyên bố rằng khi thực hiện quyền tự quyết, một lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào không có nghĩa vụ phải xin phép tuyên bố chủ quyền của mình với các cơ quan trung ương của quốc gia,” ông Putin nói.
Ông Guterres chỉ ra rằng bản thân Liên Hiệp Quốc vẫn chưa công nhận Kosovo là một quốc gia độc lập, coi đây là một phần của Serbia. Tuy nhiên, ông Putin phản đối rằng tiền lệ hợp pháp vẫn tồn tại, vì Kosovo đã nhận được sự công nhận rộng rãi ở phương Tây.
Các phát súng và phi cơ không người lái từ Ukraine được báo cáo gần kho vũ khí khổng lồ ở Transnistria
Một số phát súng đã được bắn từ bên kia biên giới của Ukraine với Transnistria vào lãnh thổ của nước cộng hòa tự xưng này và hướng tới một kho vũ khí lớn, Bộ Nội vụ nước này cho biết hôm thứ Tư (27/04). Hai phi cơ không người lái cũng được nhìn thấy trong khu vực.
“Vào lúc 8 giờ 45 phút sáng ngày 27/04, các phát súng đã được bắn từ lãnh thổ Ukraine theo hướng làng Kolbasna,” theo tuyên bố của bộ này. Các quan chức Transnistria nói rằng kết quả không có thương vong nào được báo cáo.
Trong một vụ việc khác trước vụ nổ súng được cho là xảy ra hôm thứ Tư (27/04), “một số phi cơ không người lái đã được phát hiện ở làng Kolbasna” trong đêm, theo Bộ Nội vụ. Các nhà chức trách Transnistria cũng tuyên bố rằng các phi cơ không người lái “đã bay vào lãnh thổ Transnistria từ Ukraine.”
Nga: Phá hủy một lô vũ khí lớn do phương Tây cung cấp ở Ukraine
Bộ Quốc phòng Nga cho biết một lô lớn vũ khí và đạn dược do các quốc gia phương Tây vận chuyển đến Kyiv hôm thứ Tư (27/04) đã bị phá hủy ở miền đông nam Ukraine.
Một nhà kho quân sự được xây dựng trên lãnh thổ của nhà máy nhôm công nghiệp ở Zaporizhia đã bị hỏa tiễn Kalibr tấn công, bắn từ tàu Hải quân Nga ở Biển Đen.
Bộ Quốc Phòng cho biết cơ sở này chứa “một lô vũ khí và đạn dược lớn của ngoại quốc, do Mỹ và các nước Âu Châu cung cấp cho quân đội Ukraine.”
Bộ cho biết thêm, các chiến đấu cơ của Nga đã tấn công 59 mục tiêu quân sự Ukraine trong đêm, đồng thời pháo binh thực hiện 573 cuộc tấn công chống lại quân đội Kyiv; 18 phi cơ không người lái cũng bị bắn hạ.
Hôm thứ Hai (25/04), Moscow tuyên bố phá hủy sáu trung tâm đường sắt ở miền tây Ukraine, nói rằng chúng được sử dụng để cung cấp “vũ khí và khí tài quân sự ngoại quốc cho quân đội Ukraine.”
Ông Blinken và ông Paul xung đột về việc ủng hộ Ukraine trong NATO
Ngoại trưởng Antony Blinken bảo vệ sự ủng hộ của chính phủ Tổng thống Biden đối với việc Ukraine gia nhập NATO, sau khi Thượng nghị sĩ Cộng Hòa đến từ Kentucky Rand Paul nói rằng việc ủng hộ, ít nhất là một phần, đã dẫn đến việc Nga xâm lược Ukraine.
Trong cuộc trao đổi sôi nổi trong phiên điều trần của Ủy ban Ngoại giao Thượng viện hôm thứ Ba (26/04), ông Paul cáo buộc chính phủ Tổng thống Biden đã “gióng trống để đưa Ukraine vào NATO” mặc dù đó là một lập trường mà Nga “cực độ căm ghét và nói là lằn ranh đỏ.”
Ông Blinken trả lời rằng vấn đề này “thuộc về trọng tâm của hệ thống quốc tế và trật tự quốc tế.”
Ông nói: “Và một phần của việc đó là nguyên tắc căn bản rằng một quốc gia không thể ra lệnh cho quốc gia khác về những lựa chọn mà quốc gia đó quyết định về đồng minh của mình, về các chính sách đối ngoại của quốc gia đó.”
Ông Blinken cho biết Tòa Bạch Ốc sẽ cởi mở cho một thỏa thuận cuối cùng giữa Nga và Ukraine dẫn đến việc Ukraine trở thành “một quốc gia trung lập, không liên kết.”
“Thưa Thượng nghị sĩ, chúng ta sẽ không làm người Ukraine thay cho người Ukraine. Đây là những quyết định mà họ phải tự quyết,” ông Blinken nói với ông Paul.
Ông nói: “Mục đích của chúng ta là bảo đảm rằng họ có trong tay khả năng đẩy lùi sự xâm lược của Nga và thực sự củng cố vị thế của mình tại bàn đàm phán cuối cùng.”
Ông Blinken đã xuất hiện trước ủy ban để thúc giục các nhà lập pháp tài trợ đầy đủ ngân sách đề nghị của chính phủ Tổng thống Biden cho Bộ Ngoại giao, nói với ủy ban rằng chi tiêu là rất quan trọng để bảo đảm rằng cuộc chiến ở Ukraine là một “thất bại chiến lược” đối với Nga và một thông điệp cho các quốc gia khác có khả năng muốn xâm lược quốc gia láng giềng của họ.
Nga báo cáo các vụ nổ ở miền nam, Ukraine gọi đó là trả đũa cho cuộc xâm lược
Nga đã báo cáo một loạt vụ nổ ở miền nam quốc gia này và vụ hỏa hoạn tại một kho đạn hôm thứ Tư (27/04), đây là sự cố mới nhất trong một loạt các sự cố mà một quan chức hàng đầu của Ukraine cho là trả đũa và “nghiệp báo” cho cuộc xâm lược của Moscow.
Không thừa nhận trực tiếp rằng Ukraine phải chịu trách nhiệm, cố vấn tổng thống Mykhailo Podolyak cho biết điều tự nhiên là các khu vực Nga lưu trữ nhiên liệu và vũ khí đang học về “phi quân sự hóa.”
Việc sử dụng từ đó là ám chỉ mục tiêu nói rõ từ trước của Moscow đối với cuộc chiến kéo dài đã chín tuần ở Ukraine, mà nước này gọi là một “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm phi quân sự hóa và “phi phát xít hóa” quốc gia láng giềng.
Các vụ nổ hôm thứ Tư (27/04) xảy ra sau vụ hỏa hoạn lớn trong tuần này tại một cơ sở lưu trữ dầu của Nga ở vùng Bryansk gần biên giới.
Đầu tháng này, Nga cáo buộc Ukraine tấn công một kho nhiên liệu ở Belgorod bằng trực thăng, điều mà một quan chức an ninh hàng đầu của Kyiv phủ nhận, đồng thời nổ súng vào một số ngôi làng trong tỉnh.
Trong những vụ việc mới nhất, thống đốc vùng Belgorod, ông Vyacheslav Gladkov, cho biết hỏa hoạn tại một kho đạn dược đã được dập tắt và không có dân thường nào bị thương.
Sau đó, ông nói rằng một phi cơ không người lái của Ukraine đã bị chặn trên bầu trời khu vực Kursk, và nói thêm rằng không có thương vong hoặc thiệt hại nào xảy ra.
Tại Voronezh, trung tâm hành chính của một tỉnh phía nam khác, hãng thông tấn TASS dẫn lời một quan chức Bộ Tình trạng Khẩn cấp cho biết hai vụ nổ đã được nghe thấy và các nhà chức trách đang tiến hành điều tra.
Vào buổi sáng thống đốc khu vực Alexander Gusev cho biết một hệ thống phòng không đã phát hiện và phá hủy một trinh sát cơ không người lái nhỏ.
Nga cho biết họ đang cử các nhà điều tra tới các khu vực Kursk và Voronezh để ghi lại những gì mà họ gọi là “các hành động bất hợp pháp của quân đội Ukraine.”
Tổng thống Putin đồng ý để Liên Hiệp Quốc, Hội Chữ Thập Đỏ giúp đỡ di tản dân thường khỏi nhà máy thép Mariupol
Hôm thứ Ba (26/04), Liên Hiệp Quốc cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý “về nguyên tắc” để Liên Hiệp Quốc và Ủy ban Chữ Thập Đỏ Quốc tế (ICRC) tham gia di tản dân thường khỏi nhà máy thép bị bao vây tại thành phố Mariupol, miền nam Ukraine.
Trong cuộc gặp ở Moscow, ông Putin và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã thảo luận về tình hình tại nhà máy thép Azovstal khổng lồ, nơi những người lính cuối cùng bảo vệ Mariupol của Ukraine cố thủ sau nhiều tháng bị Nga bao vây và bắn phá.
Phát ngôn viên của Liên Hiệp Quốc Stephane Dujarric cho biết trong một tuyên bố sau cuộc họp rằng, “Các cuộc thảo luận tiếp theo sẽ được thực hiện với Văn phòng Điều phối các Vấn đề Nhân đạo của Liên Hiệp Quốc và Bộ Quốc phòng Nga.”
Trước đó, hôm thứ Ba (26/04), ông Putin đã nói với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan rằng không có hoạt động quân sự nào đang diễn ra ở Mariupol và Kyiv nên “chịu trách nhiệm” về những người đang lưu lại bên trong nhà máy thép Azovstal.
Hôm thứ Hai (25/04), Ukraine đã kêu gọi Liên Hiệp Quốc và ICRC tham gia vào việc di tản dân thường khỏi Azovstal. Ông Guterres dự kiến sẽ gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kyiv vào thứ Năm (28/04).
Trong cuộc họp báo với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, ông Guterres cho biết ông đã đề nghị một “Nhóm Liên Lạc Nhân Đạo” gồm Nga, Ukraine, và các quan chức Liên Hiệp Quốc “để tìm kiếm cơ hội mở các hành lang an toàn, chấm dứt các hành vi thù địch tại địa phương và để bảo đảm rằng các hành lang thực sự hiệu quả.”
Brussels: EU và Nga nên xây dựng lại mối quan hệ
Người đứng đầu về chính sách ngoại giao của EU Josep Borrell đã viết trên blog của mình hôm thứ Ba (26/04) rằng việc xây dựng lại mối quan hệ giữa EU và Nga sẽ là một “quá trình rất khó khăn và lâu dài,” nhưng nó phải được thực hiện.
Cho đến khi Brussels có thể “tái tổ chức” mối quan hệ đó “và đồng ý về các bảo đảm an ninh và cơ chế cho phép chung sống hòa bình được duy trì một lần nữa,” thì EU sẽ hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến chống lại Moscow, Đại diện Cao cấp về Chính sách An ninh và Ngoại giao nói tiếp.
Nhấn mạnh rằng EU, Hoa Kỳ, và NATO đã “cẩn trọng phúc đáp các hiệp ước và thư từ do Nga đề nghị,” ông Borrell lập luận rằng khối của ông luôn “sẵn sàng thảo luận về mọi phương diện an ninh.” Tuy nhiên, nhiều tháng đối thoại giữa hai bên đã không đi đến thỏa thuận, với việc Hoa Kỳ và các đồng minh Âu Châu không sẵn lòng hứa loại Ukraine ra khỏi các triển vọng của NATO hoặc cung cấp các bảo đảm an ninh khác liên quan đến việc đặt hỏa tiễn ở Đông Âu.
Ba Lan gia tăng nguồn cung cấp khí đốt ngược từ Đức
Dữ liệu từ nhà điều hành mạng lưới truyền tải khí Gascade của Đức cho thấy hôm thứ Tư (27/04), Ba Lan đã tăng đáng kể nhu cầu đối với nguồn cung cấp khí đốt ngược từ Đức sau khi Nga ngừng giao hàng do Warsaw từ chối thanh toán hàng hóa bằng đồng rúp.
(Dịch giả: Nguồn cung cấp khí đốt ngược có nghĩa là khí đốt chảy từ Nga sang Đức được Đức chuyển ngược dòng trở lại cho Ba Lan qua đường ống Yamal-Europe, vốn chuyển khí đốt từ Nga qua Belarus tới Ba Lan rồi mới sang Đức).
Theo công ty, giá thầu hôm 27/04 là 1,232 triệu mét khối một giờ, trong khi một ngày trước đó chỉ là 237,000 mét khối.
Nhu cầu khí đốt tăng gấp năm lần sau khi tập đoàn năng lượng quốc doanh lớn của Nga và nhà xuất khẩu khí đốt lớn Gazprom thông báo ngừng hoàn toàn việc xuất cảng khí đốt sang Ba Lan do Warsaw không thanh toán nhiên liệu bằng đồng rúp theo cơ chế thanh toán mới được đưa ra hồi đầu tháng.
Theo Gazprom, nguồn cung sẽ không tiếp tục cung cấp cho đến khi Warsaw tuân thủ các điều khoản mới. Việc giao hàng tới Bulgaria cũng bị tạm dừng vì lý do tương tự.
Ngũ Giác Đài: Hoa Kỳ không muốn xung đột ở Ukraine ‘tràn sang’ Moldova
Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết hôm thứ Ba (26/04) tại một hội nghị ở Đức về việc cung cấp vũ khí và thiết bị cho Kyiv rằng Hoa Kỳ vẫn đang phân tích những sự cố gần đây ở khu vực ly khai Transnistria và không muốn thấy xung đột ở Ukraine “tràn sang” khu vực này.
Ông Austin nói với các phóng viên tại căn cứ quân sự Ramstein ở Đức: “Chúng tôi vẫn đang xem xét nguyên nhân của việc đó, vẫn đang phân tích ở đó, vì vậy không thực sự chắc chắn về việc đó, nhưng đó là điều chúng tôi sẽ tập trung vào.”
“Chắc chắn, chúng tôi không muốn thấy bất kỳ sự tràn sang nào, và một lần nữa, điều quan trọng là phải bảo đảm rằng chúng ta làm mọi thứ có thể để bảo đảm rằng Ukraine thành công,” ông nói thêm.
Ông Austin đang ở Đức để tổ chức cho khoảng 40 đồng minh của Hoa Kỳ gửi vũ khí đến Ukraine, hứa hẹn “làm hết nước hết cái” để giúp Kyiv “thắng” trong cuộc xung đột với Nga.
Những bình luận của ông được đưa ra khi chính phủ ở Chisinau triệu tập một cuộc họp khẩn cấp về tình hình ở Transnistria, một khu vực ly khai của Moldova, nơi đã diễn ra hàng loạt vụ tấn công trong hai ngày qua.
Áo sẽ thanh toán bằng đồng rúp cho khí đốt của Nga
Hôm thứ Tư (27/04), Thủ tướng Karl Nehammer thông báo rằng Áo chính thức chấp nhận cơ chế thanh toán khí đốt bằng đồng rúp mới do Nga giới thiệu hồi đầu tháng và sẽ tuân theo cơ chế này.
“Như chính phủ Đức, chúng tôi, tức [công ty năng lượng nhà nước] OMV, đã chấp nhận các điều khoản thanh toán. Chúng [các điều khoản] được cho là phù hợp với các điều khoản của các lệnh trừng phạt. Đối với chúng tôi, điều này rất quan trọng,” ông Nehammer nói trong một cuộc họp báo.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng Áo vẫn ủng hộ các lệnh trừng phạt chống Nga liên quan đến Ukraine.
Theo quan chức này, công ty dầu khí OMV của Áo đã mở một tài khoản thích hợp với một ngân hàng của Nga để chuyển các khoản thanh toán. Ông Nehammer lưu ý rằng trong chuyến công du gần đây tới Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giải thích về cơ chế thanh toán mới và bảo đảm với ông về nguồn cung cấp khí đốt đầy đủ hơn nữa.
Thụy Sĩ thông qua thỏa thuận về trao đổi thông tin tuyệt mật với NATO
Hôm thứ Tư (27/04), chính phủ Thụy Sĩ cho biết chính phủ đã thông qua một thỏa thuận tạo cơ sở cho việc trao đổi thông tin nhạy cảm với NATO.
Các thỏa thuận như vậy giúp các công ty Thụy Sĩ có thể đấu thầu các hợp đồng có nội dung tuyệt mật được liên minh quốc phòng NATO quảng bá.
Tổng thống Putin hy vọng đàm phán với Ukraine sẽ mang lại kết quả tích cực
Hôm thứ Ba (26/04), Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga và Ukraine đang tiếp tục đàm phán dưới hình thức trực tuyến.
Khi bắt đầu cuộc gặp với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres tại Moscow, ông Putin cũng cho biết ông hy vọng cuộc hội đàm sẽ mang lại kết quả tích cực.
Anh: Ukraine kiểm soát phần lớn không phận
Hôm thứ Tư (27/04), Bộ Quốc phòng Anh cho biết Ukraine vẫn giữ quyền kiểm soát phần lớn không phận của mình, đồng thời tuyên bố rằng Nga đã thất bại trong việc phá hủy hiệu quả lực lượng không quân của quốc gia này hoặc trấn áp hệ thống phòng không của họ.
Thông báo trên Twitter cho biết: “Nga có quyền tiếp cận đường không rất hạn chế đến phía bắc và phía tây của Ukraine, khiến các hành động tấn công bị hạn cuộc vào việc tấn công sâu bằng vũ khí dẫn đường có độ chính xác cao sử dụng ở ngoài tầm tác chiến phòng không của đối phương (standoff weapon).”
Bộ này tuyên bố trong một bản tin thường kỳ rằng, “Hoạt động không quân của Nga chủ yếu tập trung vào miền nam và miền đông Ukraine, cung cấp hỗ trợ cho các lực lượng lục quân Nga.”
Tình báo quân đội Anh cho biết trong bản cập nhật rằng Nga đang tiếp tục nhắm vào các khí tài quân sự và cơ sở hạ tầng hậu cần của Ukraine trên toàn quốc.
Reuters không thể xác minh ngay thông tin này.
EU bắt đầu đàm phán khí đốt khẩn cấp, cho rằng việc Nga ngừng cung cấp khí đốt là ‘không chính đáng’
Theo quan chức hàng đầu của khối, các quan chức Liên minh Âu Châu đang tổ chức các cuộc đàm phán về khí đốt khẩn cấp sau khi Nga quyết định cắt nguồn cung cấp cho Ba Lan và Bulgaria.
Hôm thứ Tư (27/04), Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen cho biết, thông báo của đại tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga về việc ngừng cung cấp cho một số khách hàng Âu Châu là “không chính đáng và không thể chấp nhận được.” Thêm vào đó, EU đang nỗ lực phối hợp để đối phó với sự leo thang của Moscow.
Hôm thứ Tư, Gazprom cho biết họ đã ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria vì không trả tiền khí đốt bằng đồng rúp, phản ứng cứng rắn nhất của Moscow trước các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Bà von der Leyen cho biết trong một tuyên bố, “Việc Gazprom tuyên bố đơn phương ngừng cung cấp khí đốt cho các khách hàng ở Âu Châu là một nỗ lực khác của Nga nhằm sử dụng khí đốt như một công cụ tống tiền.”
“Điều này là không chính đáng và không thể chấp nhận được. Và điều này lại một lần nữa cho thấy sự không đáng tin cậy của Nga với tư cách là một nhà cung cấp khí đốt,” bà nói.
Bà von der Leyen tuyên bố EU đã chuẩn bị cho kịch bản này và sẽ tiếp tục làm việc để bảo đảm nguồn cung cấp khí đốt thay thế và bảo đảm kho chứa khí đốt được lấp đầy. Các quy định của EU yêu cầu tất cả các quốc gia phải có phương án dự phòng để đối phó với một cú sốc nguồn cung khí đốt.
Bà von der Leyen cho biết EU đang phối hợp đối phó với sự leo thang của Nga và “nhóm điều phối khí đốt” của họ gồm đại diện từ chính phủ các quốc gia và ngành công nghiệp khí đốt đã họp vào sáng thứ Tư (27/04).
Kho khí đốt của EU hiện đã đầy 32%. Các nước EU đang đàm phán về các quy định khẩn cấp yêu cầu họ phải lấp đầy 80% kho dự trữ vào tháng 11 năm nay, để tạo thành một nguồn cung cấp dự phòng kịp thời cho mùa đông, khi nhu cầu sưởi ấm bằng khí đốt lên đến đỉnh điểm.
Nga cắt giảm khí đốt, giá ở Âu Châu tăng vọt
Giá khí đốt ở Âu Châu đã tăng vọt tới 24% sau tuyên bố của Gazprom rằng họ sẽ tạm ngừng giao hàng đến Ba Lan và Bulgaria bắt đầu từ thứ Tư (27/04) vì không nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào từ các quốc gia này kể từ 01/04. Giá khí đốt giao sau tiêu chuẩn tại một thời điểm đã lên tới khoảng 125 euro/MWh.
Ông Fatih Birol, giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng Quốc tế có trụ sở tại Paris, đã đăng một tweet vào sáng thứ Tư rằng tổ chức của ông “vững vàng đứng về phía Ba Lan.”
Ông viết: “Việc Gazprom cắt hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt cho Ba Lan là một dấu hiệu khác cho thấy việc Nga chính trị hóa các thỏa thuận hiện hữu và sẽ chỉ đẩy nhanh các nỗ lực của Âu Châu nhằm tách khỏi nguồn cung cấp năng lượng của Nga.”
Sự gia tăng giá đột biến xảy ra ngay cả khi thời tiết trở nên ấm hơn ở Âu Châu, làm giảm nhu cầu về khí đốt tự nhiên để sưởi ấm cho các ngôi nhà và cơ sở kinh doanh.
Thống đốc: Các vụ nổ xảy ra ở Belgorod của Nga, kho đạn gần đó bốc cháy
Thống đốc khu vực Vyacheslav Gladkov cho biết một loạt vụ nổ đã được nghe thấy vào sáng sớm hôm thứ Tư (27/04) tại thành phố Belgorod của Nga gần biên giới Ukraine, và một kho đạn ở tỉnh này đã bốc cháy.
Ông Gladkov cho biết không có dân thường nào bị thương do hỏa hoạn bùng phát tại một cơ sở gần làng Staraya Nelidovka. Nga cáo buộc Ukraine tấn công một kho nhiên liệu ở Belgorod bằng trực thăng và nổ súng vào một số ngôi làng trong tỉnh trong tháng này.
Tỉnh Belgorod giáp với các vùng Luhansk, Sumy và Kharkiv của Ukraine, tất cả đều đã chứng kiến các cuộc giao tranh khốc liệt kể từ khi Nga xâm lược Ukraine hai tháng trước.
Kyiv kéo đổ tượng đài thời Liên Xô tượng trưng cho tình hữu nghị Nga-Ukraine
Thị trưởng thành phố cho biết hôm thứ Ba (26/04), các nhà chức trách Ukraine đã tháo dỡ một tượng đài khổng lồ từ thời Liên Xô ở trung tâm Kyiv tượng trưng cho tình hữu nghị giữa Nga và Ukraine, một phản ứng trước sự xâm lược của Moscow.
Bức tượng đồng cao 8 mét (27 foot) mô tả một công nhân Ukraine và Nga trên một chiếc bệ, cùng nhau giương cao một huân chương hữu nghị của Liên Xô. Bức tượng được đặt bên dưới “Vòm Hữu Nghị Nhân Dân” khổng lồ bằng titan, được dựng lên hồi năm 1982 để kỷ niệm 60 năm thành lập Liên Xô.
Thị trưởng Kyiv Vitaly Klitschko nói, “Giờ thì chúng ta đã thấy ‘tình hữu nghị’ này là gì — tàn phá các thành phố của Ukraine… sát hại hàng chục ngàn người dân hiền lành. Tôi tin rằng một tượng đài như vậy giờ đã có một ý nghĩa hoàn toàn khác rồi.”
Những người thợ bắt đầu tháo một trong hai chiếc đầu bằng đồng rơi xuống đất với một tiếng boong chát chúa.
Khi một chiếc cần cẩu nâng tượng đài khỏi dây neo và dần dần hạ xuống mặt đất, một đám đông khoảng 100 người đã hò reo và hô vang “Vinh quang cho Ukraine” và các khẩu hiệu khác.
“Nga xâm lược Ukraine… Chúng tôi có thể làm bạn với Nga không? Quý vị nghĩ sao? Đây là kẻ thù tồi tệ nhất của chúng tôi, đó là lý do tại sao tượng đài tình hữu nghị Nga-Ukraine không còn ý nghĩa nữa,” ông Serhiy Myrhorodsky, một trong những nhà thiết kế, cho biết.
“Chúng tôi không nên có bất kỳ quan hệ nào với quốc gia của những kẻ xâm lược… không có tình hữu nghị nào cả, không có mối quan hệ nào cả, không có gì hết,” cô Diana, một phụ nữ trẻ, người không cho biết tên đầy đủ của mình, nói.
Ông Klitschko cho biết, cổng vòm sẽ được giữ nguyên nhưng được đổi tên thành Cổng Tự do của Nhân dân Ukraine.
Quan chức Điện Kremlin cho biết Ukraine có thể bị chia cắt thành nhiều phần
Một quan chức cao cấp của Điện Kremlin nói rằng Ukraine có thể bị chia cắt thành nhiều phần.
Ông Nikolai Patrushev, thư ký Hội đồng An ninh Nga, cho biết trong một nhận xét được công bố hôm thứ Ba (26/04) rằng “các chính sách của phương Tây và chế độ Kyiv do phương Tây kiểm soát sẽ chỉ dẫn đến việc chia cắt Ukraine thành nhiều quốc gia.”
Tuyên bố trên được đưa ra khi Nga cho biết họ đang tập trung vào việc mở rộng quyền kiểm soát đối với trung tâm công nghiệp phía đông của Ukraine tên là Donbas.
Tuần trước (18-24/04), một sĩ quan cao cấp của quân đội Nga cho biết cùng với việc giành quyền kiểm soát Donbas, Nga cũng muốn đánh chiếm miền nam Ukraine, đồng thời cho rằng một hành động như vậy cũng sẽ mở ra một hành lang trên bộ nối liền giữa Nga và khu vực ly khai Transnistria của Moldova.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ: Năng lực của Nga đang suy yếu
Ông Lloyd Austin nói rằng cuộc chiến ở Ukraine đã làm suy yếu khả năng quân sự của Nga.
Ông Austin cho biết sau cuộc gặp với các đồng minh và đối tác tại Căn cứ Không quân Ramstein của Hoa Kỳ ở Đức hôm thứ Ba (26/04) rằng, kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược, các lực lượng lục quân của họ đã chịu thương vong “khá đáng kể,” cũng như mất nhiều thiết bị và sử dụng nhiều bom, đạn được dẫn đường chính xác.
Ông nói rằng “thực tế là về năng lực quân sự, họ yếu hơn so với hồi họ bắt đầu, và… họ sẽ khó thay thế một số khả năng này khi họ tiến lên vì các lệnh trừng phạt và các hạn chế thương mại áp đặt lên họ.”
Ông Austin nhắc lại rằng “một lần nữa chúng tôi muốn bảo đảm rằng họ không có khả năng bắt nạt các láng giềng của họ như chúng ta đã thấy ngay từ đầu cuộc xung đột này.”
Ông chỉ trích lời cảnh báo của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov rằng “không nên đánh giá thấp nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân.”
Ông Austin nói rằng “thật vô ích và nguy hiểm khi công khai đe dọa và suy đoán về việc sử dụng vũ khí hạt nhân.”
Ngoại trưởng Blinken kêu gọi tiếp tục hỗ trợ Ukraine tại phiên điều trần Thượng viện
Ngoại trưởng Antony Blinken đang thúc giục Quốc hội tài trợ đầy đủ cho ngân sách đề nghị của chính phủ Tổng thống Biden dành cho Bộ Ngoại giao, nói với các nhà lập pháp rằng chi tiêu rất quan trọng để bảo đảm rằng cuộc chiến ở Ukraine là một “thất bại chiến lược” cho Nga và gửi một thông điệp tới các quốc gia khác có thể xâm lược các nước láng giềng của họ.
Ông Blinken nói với Ủy ban Ngoại giao Thượng viện hôm thứ Ba (25/04) rằng phản ứng toàn cầu do Hoa Kỳ dẫn đầu đối với cuộc xâm lược của Nga đã “nhấn mạnh sức mạnh và mục đích của chính sách ngoại giao Hoa Kỳ.” Ông nói rằng đề nghị ngân sách 60.4 tỷ USD cho năm tài chính tiếp theo là cần thiết để tiếp tục tập hợp các đối tác và đồng minh tham gia vấn đề này.
“Chúng tôi sẽ, chúng tôi phải tiếp tục thúc đẩy chính sách ngoại giao đó để nắm bắt những gì tôi tin là cơ hội chiến lược và giải quyết những rủi ro do cuộc xâm lược của Nga, khi các quốc gia xem xét lại các chính sách, ưu tiên, và mối quan hệ của họ,” ông Blinken cho biết. “Yêu cầu ngân sách trước mặt quý vị đã có trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng này, nhưng trong nhận định của tôi việc tài trợ đầy đủ cho nó là rất quan trọng để bảo đảm cuộc chiến của Nga ở Ukraine là một thất bại chiến lược đối với Điện Kremlin và là một bài học mạnh mẽ cho những ai có thể cân nhắc đi theo con đường của Nga.”
Ông Blinken không nêu tên các quốc gia khác mà có thể đang xem xét tiếp bước Nga nhưng bình luận của ông được coi là ám chỉ đến Trung Quốc, quốc gia đã đứng về phía Nga trong cuộc xung đột Ukraine và không giấu giếm mong muốn thống nhất hòn đảo Đài Loan với đại lục.
Xuất cảng dầu thô đường biển của Nga gia tăng, đẩy doanh thu của Điện Kremlin tăng thêm 25%
Xuất cảng dầu thô đường biển của Nga đã tăng trong tuần từ ngày 16 đến ngày 22/04, có khả năng thúc đẩy thêm cuộc xâm lược của Tổng thống Vladimir Putin vào Ukraine.
Theo dữ liệu theo dõi tàu và báo cáo của đại lý cảng do Bloomberg thu thập và phân tích, 40 tàu chở dầu đã chở khoảng 28 triệu thùng dầu từ các cảng xuất cảng của Nga trong tuần đó.
Điều đó có nghĩa là lưu lượng dầu thô đường biển trung bình là 4 triệu thùng/ngày, đánh dấu mức tăng 25% so với tuần kết thúc hôm 15/04.
Bloomberg đưa tin cho biết ⅕ khối lượng vận chuyển từ các cảng trên Biển Đen và các bờ biển Baltic và Bắc Cực là trên các tàu chở dầu không hiển thị điểm đến cuối cùng, mặc dù phần lớn dự kiến sẽ được chuyển đến Á Châu.
Nga cảnh báo Anh vì kích động Ukraine
Hôm thứ Ba (26/04), Nga cảnh báo Anh rằng nếu nước này tiếp tục kích động Ukraine tấn công các mục tiêu ở Nga thì ngay lập tức sẽ có “phản ứng tương xứng.”
Bộ Quốc phòng Nga trích dẫn tuyên bố từ Bộ trưởng Lực lượng Vũ trang Anh James Heappey, người nói với BBC rằng việc Ukraine săn lùng các mục tiêu ở sâu bên trong lãnh thổ Nga để làm gián đoạn các đường tiếp tế và hậu cần là hoàn toàn hợp pháp.
“Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng việc London trực tiếp kích động chế độ Kyiv làm ra những hành động như vậy, nếu những hành động đó được thực hiện, thì sẽ ngay lập tức dẫn đến phản ứng tương xứng của chúng tôi,” Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
“Như chúng tôi đã cảnh báo, Lực lượng Vũ trang Nga luôn sẵn sàng thực hiện các cuộc tấn công trả đũa bằng vũ khí tầm xa có độ chính xác cao vào các trung tâm ra quyết định ở Kyiv.”
Bộ Quốc phòng cũng cho biết nếu Nga thực hiện các cuộc tấn công như vậy thì sẽ không có vấn đề gì nếu có đại diện của một quốc gia phương Tây nào đó ở trong các trung tâm ra quyết định của Ukraine.
Ông Heappey của Anh cho biết việc Ukraine tấn công các tuyến hậu cần và nguồn cung cấp nhiên liệu của Nga là hoàn toàn hợp pháp và ông thừa nhận các vũ khí mà cộng đồng quốc tế đang cung cấp cho Ukraine có phạm vi sử dụng đến được Nga.
Điện Kremlin cho biết Gazprom đang làm việc để khai triển chương trình thanh toán khí đốt bằng đồng rúp
Hôm thứ Ba (26/04), khi được hỏi về hướng dẫn của Ủy ban Âu Châu về kế hoạch của Nga, Điện Kremlin cho biết Gazprom đang thực hiện sắc lệnh của tổng thống về việc thực thi thanh toán bằng đồng rúp cho nguồn cung cấp khí đốt mà không giải thích thêm.
Ủy ban Âu Châu đã nói rằng các công ty Âu Châu sẽ cần phải thực hiện các yêu cầu bổ sung, chẳng hạn như một tuyên bố nói rằng họ coi là nghĩa vụ hợp đồng của họ đã hoàn thành khi họ đã thanh toán bằng tiền tệ không phải của Nga.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov trình bày trong cuộc họp báo thường nhật với các phóng viên: “Tất cả các liên hệ với các bên mua khí đốt đều được thực hiện thông qua Gazprom, vì vậy Gazprom sẽ công bố thông tin về kết quả của các cuộc đàm phán.”
Gazprom từ chối đưa ra bình luận.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu các quốc gia mà ông cho là “không thân thiện” đồng ý thực hiện kế hoạch. Theo đó họ sẽ mở tài khoản tại ngân hàng Gazprombank và thực hiện thanh toán bằng đồng euro hoặc đồng dollar mà sẽ được chuyển đổi thành đồng rúp.
Ông Peskov cho biết các khoản thanh toán cho các chuyến hàng diễn ra sau khi sắc lệnh của ông Putin có hiệu lực dự kiến sẽ diễn ra vào tháng Năm.
Nga công bố kế hoạch này sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/02, khiến phương Tây trừng phạt Nga, bao gồm cả việc phong tỏa một số dự trữ vàng và ngoại hối của nước này.
Hầu hết những quốc gia mua khí đốt của Nga ở Âu Châu ban đầu từ chối kế hoạch thanh toán bằng đồng rúp.
Tuy nhiên, Moscow cảnh báo Âu Châu rằng họ có nguy cơ bị cắt nguồn cung cấp khí đốt trừ khi họ thanh toán bằng đồng rúp và kể từ đó một số quốc gia mua khí đốt của Nga cho biết họ có thể chấp nhận yêu cầu của Moscow.
Uniper, nhà nhập cảng khí đốt Nga chính của Đức, cho biết hôm thứ Hai (25/04) rằng có thể thanh toán cho nguồn cung cấp trong tương lai mà không vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên minh Âu Châu.
Hungary cho biết họ dự định thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng euro thông qua ngân hàng Gazprombank, ngân hàng này sẽ chuyển khoản thanh toán thành đồng rúp để đáp ứng yêu cầu mới.
Điện Kremlin phản ứng trước ‘các cuộc tấn công khủng bố’ ở Transnistria
Điện Kremlin cho biết làn sóng tấn công gần đây ở Transnistria, giáp biên giới với Ukraine, là “đáng lo ngại”. Các mục tiêu bao gồm một địa điểm quân sự và một cơ sở phát thanh truyền hình.
Phát ngôn viên Dmitry Peskov cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi tình hình rất chặt chẽ.”
Transnistria, chính thức được biết đến với tên gọi là Cộng hòa Moldova Pridnestrovian (PMR), đã được đặt trong tình trạng báo động khủng bố vào thứ Ba (26/04) sau một số vụ tấn công.
Các quan chức địa phương cho biết hôm thứ Hai rằng, một tòa nhà chính phủ ở thủ phủ Tiraspol của vùng đã bị súng phóng lựu chống tăng (RPG) bắn trúng. Một cuộc tấn công khác đã nhắm vào một địa điểm quân sự ở Parkany. Không có thương vong.
Sáng hôm thứ Ba (26/04), hai vụ nổ đã xảy ra tại một trung tâm phát thanh ở làng Mayak.
Có phần lớn dân số nói tiếng Nga, Transnistria đã tuyên bố độc lập khỏi Moldova trong thời kỳ Liên Xô tan rã nhưng hầu như không được cộng đồng quốc tế công nhận kể từ đó.
Ông Peskov cho biết Tổng thống Vladimir Putin không có kế hoạch gặp người đồng cấp Moldova Maia Sandu vào thời điểm này.
Quân đội Nga tấn công cây cầu quan trọng ở Ukraine
Các quan chức Ukraine cho biết quân đội Nga đã đánh trúng một cây cầu chiến lược nối khu vực miền nam Odesa với nước láng giềng Romania.
Ông Oleksandr Kamyshin, người đứng đầu Công ty Đường sắt Quốc gia Ukraine, cho biết cây cầu bắc qua cửa sông Dniester nơi sông Dniester chảy vào Biển Đen đã bị hư hại trong cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của quân đội Nga hôm thứ Ba (26/04). Ông cho biết không có thương vong.
Cuộc tấn công đã cắt đứt liên kết đường sắt với các khu vực của vùng Odesa ở phía tây cửa sông và Romania.
EU sẽ cắt giảm nhập cảng dầu và khí đốt của Nga xuống mức 0 vào năm 2027
Hôm thứ Ba (26/04), một quan chức cấp cao của Liên minh Âu Châu cho biết khối này có kế hoạch cắt giảm nhập cảng dầu và khí đốt của Nga xuống 0 vào cuối năm 2027. Nhận xét của ông được đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo EU tiếp tục cân nhắc các biện pháp nhằm đẩy nhanh việc giảm sự phụ thuộc của khu vực vào năng lượng của Nga.
Ủy viên Kinh tế EU Paolo Gentiloni nói với nhật báo Ý Il Messprisro trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm thứ Ba rằng Liên minh Âu Châu đặt mục tiêu giảm ⅔ sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga vào cuối năm nay và loại bỏ hoàn toàn vào cuối năm 2027.
Nhận xét của ông Gentiloni cung cấp thêm thông tin rõ ràng về mốc thời gian để các quốc gia thành viên EU cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, với các tuyên bố trước đây của EU về việc loại bỏ dần các nhiên liệu hóa thạch của Nga thể hiện một mục tiêu “trước năm 2030”.
Nhận xét của ông cũng được đưa ra một ngày sau khi người đứng đầu về chính sách ngoại giao của EU, ông Josep Borrell, nói rằng vẫn chưa có đủ sự ủng hộ từ các quốc gia thành viên của khối để áp đặt một lệnh cấm vận hoàn toàn đối với nhập cảng dầu và khí đốt của Nga.
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói chuyện với Tổng thống Putin, thúc giục đối thoại trực tiếp với Tổng thống Zelensky
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã hối thúc Tổng thống Nga Vladimir Putin chấp nhận các cuộc đàm phán trực tiếp với người đồng cấp Ukraine.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Ba (26/04) rằng ông đã đề nghị đưa “tiến trình Istanbul lên cấp lãnh đạo, một ngưỡng quan trọng trong các cuộc đàm phán Nga-Ukraine.” Quốc gia này tìm cách tiếp tục “tiến triển tích cực của các cuộc đàm phán Istanbul” hướng tới hòa bình.
Ankara, quốc gia duy trì quan hệ chặt chẽ với cả Kyiv và Moscow, đã tự thể hiện mình là một nước trung gian trong nỗ lực chấm dứt giao tranh.
Ba Lan trừng phạt 50 tổ chức và cá nhân Nga
Chính phủ Ba Lan cho biết họ đang áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 50 tổ chức và cá nhân Nga liên quan đến cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine.
Hôm thứ Ba (26/04), Bộ trưởng Nội vụ Mariusz Kaminski cho biết các biện pháp của Ba Lan thêm vào các lệnh trừng phạt của Liên minh Âu Châu và nhằm vào nhiều cá nhân và công ty Nga kinh doanh tại Ba Lan.
Ông Kaminski cho biết các công ty bị nhắm mục tiêu sẽ bị phong tỏa tài sản và bị loại tư cách tham gia đấu thầu công khai, trong khi các nhà tài phiệt Nga trong danh sách sẽ bị cấm nhập cảnh vào Ba Lan.
Đại tập đoàn khí đốt Gazprom và Moshe Kantor, sở hữu cổ phần của tập đoàn hóa chất quốc doanh Azoty của Ba Lan, nằm trong danh sách mới.
Nga trục xuất các nhà ngoại giao Thụy Điển
Ngoại trưởng Thụy Điển đã chỉ trích quyết định trục xuất một số nhà ngoại giao Thụy Điển của chính phủ Nga, gọi đó là “không hợp lý và bất cân xứng.”
Bà Ann Linde tuyên bố trong một bài đăng trên mạng xã hội rằng Thụy Điển sẽ đáp trả “thích đáng” trước việc Moscow tuyên bố trục xuất bốn nhà ngoại giao Thụy Điển hôm thứ Ba (26/04). Riêng Bộ Ngoại giao Nga cho biết ba nhà ngoại giao “từ Đại sứ quán Thụy Điển tại Nga” sẽ bị trục xuất.
Hãng thông tấn Thụy Điển TT đưa tin rằng ba người trong số các nhà ngoại giao cư trú ở Moscow, nơi đặt đại sứ quán, và một người ở St. Petersburg.
Đầu tháng này, Thụy Điển đã trục xuất ba nhà ngoại giao Nga.
Các quan chức Ukraine: Số người thiệt mạng tăng trong cuộc tấn công của Nga
Các quan chức Ukraine cho biết thêm nhiều dân thường thiệt mạng ở nhiều vùng khác nhau của miền đông Ukraine khi quân đội Nga tăng cường các cuộc tấn công vào hôm thứ Ba (26/04).
Thống đốc Luhansk Serhiy Haidai cho biết ba người đã thiệt mạng sau khi đạn pháo của Nga bắn trúng một tòa nhà dân cư ở thành phố Popasna, nơi mà các lực lượng Nga đang cố gắng đánh chiếm.
Thống đốc Pavlo Kyrylenko của vùng Donetsk lân cận cho biết hai người đã thiệt mạng và sáu người khác bị thương trong khu vực của ông.
Ở phía bắc Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, thống đốc khu vực Oleh Synehubov cho biết các cuộc pháo kích vào các khu vực dân sự khiến ba người thiệt mạng và bảy người khác bị thương.
Và xa hơn về phía nam, chính phủ khu vực ở Zaporizhzhia cho biết một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn đã làm thiệt mạng ít nhất một người và làm bị thương một người khác. Quân đội Nga đã bắn một số hỏa tiễn nhằm vào một trong những nhà máy ở thành phố Zaporizhzhia, họ cho biết.
Hôm Thứ Ba (26/04), Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho biết họ đã thống kê được 2,729 người thiệt mạng và 3,111 người bị thương trong các cuộc giao tranh kể từ khi quân đội Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/02.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ tuyên bố Ukraine có thể chiến thắng trong cuộc chiến với Nga
Hôm thứ Ba (26/04), Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã bắt đầu các cuộc đàm phán quốc phòng với hơn 40 quốc gia. Ông bày tỏ lòng tin rằng Ukraine có thể chiến thắng Nga trong cuộc xung đột kéo dài đã hai tháng này.
“Sự phản kháng của các vị đã mang lại nguồn cảm hứng cho thế giới tự do,” ông Austin nói, khi ông lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, gọi đó là “không thể chối cãi.”
“Ukraine rõ ràng tin rằng họ có thể giành chiến thắng, và tất cả mọi người ở đây cũng vậy.”
Ông Austin cũng cam kết rằng các đồng minh của Ukraine sẽ “làm hết thảy mọi thứ” để thực hiện các yêu cầu quốc phòng của Kyiv khi cuộc chiến bước sang một giai đoạn mới.
Ông cho biết “cuộc họp này phản ánh sự đồng lòng của thế giới” kể từ cuộc xâm lược của Nga, với hơn 30 đồng minh và đối tác tham gia cùng Hoa Kỳ trong việc gửi hỗ trợ an ninh cho Ukraine và hơn 5 tỷ USD trang thiết bị đã cam kết.
Ông Austin cảnh báo rằng “chúng ta còn nhiều việc phải làm: Ukraine cần sự giúp đỡ của chúng ta để giành chiến thắng ngày hôm nay, và họ vẫn sẽ cần sự giúp đỡ của chúng ta khi chiến tranh kết thúc.”
Ông nói về Ukraine: “Chúng tôi biết, và quý vị nên biết rằng tất cả chúng ta đều có động lực từ quý vị và đó là lý do tại sao chúng tôi ở đây ngày hôm nay — để củng cố kho vũ khí của nền dân chủ Ukraine.”
Căn cứ quân sự bị tấn công bởi ‘cuộc tấn công khủng bố’ ở khu vực ly khai gần Ukraine
Bắt đầu từ thứ Hai (25/04), một loạt các cuộc tấn công khủng bố đã tấn công khu vực ly khai Transnistria, chính thức được biết đến với tên gọi là Cộng hòa Moldova Pridnestrovian (PMR), giáp biên giới với Ukraine, lãnh đạo nước này cho biết hôm thứ Ba (26/03). Tổng thống Vadim Krasnoselsky đã đặt khu vực vào tình trạng báo động khủng bố, trang RIA Novosti đưa tin, trích dẫn đến trang web của tổng thống.
Bộ Nội vụ khu vực cho biết hai vụ nổ liên tiếp đã làm rung chuyển một trung tâm phát sóng ở làng Mayak vào sáng thứ Ba (26/04). Ông nói thêm rằng không có ai bị thương, nhưng hai ăng-ten lớn nhất, truyền các đài phát thanh của Nga, đã bị vô hiệu hóa.
Một sự cố khác đã xảy ra tại một địa điểm quân sự gần làng Parkany. Các báo cáo xuất hiện trên mạng xã hội hôm thứ Hai (25/04) cho biết đã có hai vụ nổ.
Theo Bộ Nội vụ, cũng trong ngày thứ Hai, tòa nhà của Bộ An ninh Quốc gia ở thủ đô Tiraspol của khu vực đã bị súng phóng lựu chống tăng (RPG) bắn trúng, nhưng cũng không có thương vong.
Trong khi đó, tổng thống Moldova cũng đã triệu tập một cuộc họp an ninh khẩn cấp vào thứ Ba sau khi hai vụ nổ làm hư hỏng trung tâm phát sóng ở khu vực ly khai Transnistria.
Chính phủ Moldova cho biết các vụ nổ ở Tiraspol là nhằm tạo ra căng thẳng trong khu vực mà họ không kiểm soát được.
Người đứng đầu Liên Hiệp Quốc kêu gọi ngừng bắn trong chuyến thăm Moscow
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres đã kêu gọi ngừng bắn ở Ukraine tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.
Ông Guterres đang thăm Moscow và sau đó dự kiến sẽ tới thủ đô Kyiv của Ukraine trong tuần này.
“Chúng tôi vô cùng quan tâm đến việc tìm cách tạo điều kiện cho đối thoại hiệu quả, tạo điều kiện cho ngừng bắn càng sớm càng tốt, tạo điều kiện cho một giải pháp hòa bình,” ông Guterres nói trong các bình luận trên truyền hình khi bắt đầu cuộc họp.
Ông Guterres cũng cho biết ông muốn giảm tác động của cuộc chiến ở Ukraine đối với an ninh lương thực ở các khu vực khác trên thế giới. Ngoại trưởng Lavrov cho biết họ sẽ thảo luận về “tình hình xung quanh vấn đề Ukraine đóng vai trò như một chất xúc tác cho một số lượng lớn các vấn đề vốn đã chồng chất trong những thập niên gần đây ở khu vực Âu Châu-Đại Tây Dương.”
Ông Guterres cũng dự kiến sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào cuối ngày thứ Ba (26/04).
Anh: Thành phố Kreminna của Ukraine thất thủ trước Nga
Bộ Quốc phòng Anh cho biết các lực lượng Nga đã chiếm được thành phố Kreminna của Ukraine.
Giao tranh trên các đường phố đã diễn ra trong nhiều ngày tại thành phố ở vùng Luhansk của Ukraine, với việc di tản dân thường ở đó là bất khả thi do chiến tranh.
Trong một dòng tweet vào sáng sớm ngày thứ Ba (26/04), quân đội Anh cho biết: “Thành phố Kreminna được cho là đã thất thủ và giao tranh dữ dội được báo cáo ở phía nam Izium khi các lực lượng Nga cố gắng tiến về các thành phố Sloviansk và Kramatorsk từ phía bắc và phía đông.”
Không có phản hồi ngay lập tức từ chính phủ Ukraine. Nga tuyên bố nhiều ngày trước đó rằng đã chiếm thành phố.
Kreminna nằm cách thủ đô Kyiv của Ukraine khoảng 575 km (355 dặm) về phía đông nam.
Ukraine muốn 2 tỷ USD mỗi tháng từ Hoa Kỳ
Bộ trưởng tài chính Ukraine Sergey Marchenko đã kêu gọi viện trợ kinh tế khẩn cấp ít nhất 2 tỷ USD mỗi tháng từ chính phủ ông Biden. Vị quan chức này cũng tiết lộ rằng Kyiv hy vọng sẽ huy động được thêm 3 tỷ USD mỗi tháng từ các nguồn khác.
Nói với Washington Post, ông Marchenko cho biết rằng Ukraine cần “lấp đầy khoảng trống này ngay bây giờ để thu hút nguồn tài chính cần thiết và giành chiến thắng trong cuộc chiến này.”
Trong chuyến thăm tới Hoa Thịnh Đốn hồi tuần trước (18-24/04), ông Marchenko đã gặp một số quan chức cao cấp của Mỹ, cảnh báo họ rằng nếu không có hỗ trợ tài chính như được yêu cầu, Ukraine có khả năng sẽ không thể đối phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo do cuộc tấn công quân sự của Nga gây ra. Bộ trưởng giải thích tổng cộng 5 tỷ USD mỗi tháng là cần thiết để trang trải các nhu cầu tức thời của Ukraine trong tháng Tư, Năm, và Sáu. Ngoài ra, Kyiv dự kiến sẽ yêu cầu một đợt khác để giúp Ukraine khắc phục tất cả các thiệt hại phát sinh.
Moscow đổ lỗi cho phương Tây vì các cuộc đàm phán ở Ukraine bị đình trệ
Moscow tin rằng Hoa Thịnh Đốn, London, và các thủ đô phương Tây khác — không phải Kyiv — mới là những người đưa ra quyết định thực sự khi nói đến vấn đề Ukraine, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov giải thích hôm thứ Hai (25/04). Ông nói rằng, theo lời khuyên từ Hoa Kỳ và Anh, các nhà đàm phán của Kyiv đã dựa trên sự hiểu biết thực tế đạt được vào tháng trước tại Istanbul.
Các nhà đàm phán Ukraine và Nga đã gặp mặt trực tiếp tại Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tháng Ba. Sau đó, Nga lấy bản phác thảo của Ukraine, tập hợp lại theo định dạng “hợp đồng” và gửi đến Kyiv, chỉ để nhận lại những ý tưởng “hoàn toàn khác biệt” trong một “bước lùi lớn”, ông Lavrov nói trong cuộc phỏng vấn với “The Great Game”, một chương trình trò chuyện chính trị trên Channel One của Nga.
“Chúng tôi biết chắc rằng cả Hoa Kỳ và Anh — đang cố gắng bằng mọi cách có thể để bù đắp cho tình trạng cô đơn hiện tại sau khi rời Liên minh Âu Châu — đều không khuyên [như Tổng thống Ukraine Volodymyr] Zelensky đã nói về việc đẩy nhanh các cuộc đàm phán, mà hãy kiên định lập trường của mình hơn mỗi lần như vậy,” ông Lavrov nói. Ông cho biết thêm, việc quay trở lại sau Istanbul, “được thực hiện theo lời khuyên của các đồng nghiệp Hoa Kỳ và Anh của chúng tôi. Có thể người Ba Lan và người Baltic đã đóng một vai trò nào đó ở đây.”
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo phương Tây chẳng hạn như Thủ tướng Anh Boris Johnson và người đứng đầu chính sách ngoại giao của Liên minh Âu Châu Josep Borrell — đã đưa ra các tuyên bố rằng Nga “phải bị đánh bại” và xung đột cần được giải quyết “trên chiến trường”, trong khi gửi vũ khí cho Kyiv, ông Lavrov lưu ý.
Ngoại trưởng cho biết: “Những vũ khí này sẽ là mục tiêu hợp pháp cho Lực lượng Vũ trang Nga. “Các nhà kho, bao gồm ở phía tây Ukraine, đã hơn một lần trở thành mục tiêu như vậy. Biết làm sao đây? Về căn bản, NATO sẽ gây chiến với Nga thông qua một bên ủy nhiệm và trang bị cho bên ủy nhiệm đó. Trong chiến tranh, mọi thứ cũng phải hành xử như trong chiến tranh.”
Trong khi “tung hỏa mù” chống lại Đệ tam Thế chiến, phương Tây đang thúc đẩy cuộc xung đột bằng vũ trang và hy vọng Ukraine sẽ “chiến đấu với Nga đến người lính cuối cùng” để làm Moscow đổ máu, ông Lavrov cho biết.
“Quý vị biết đấy, thiện chí không phải là không có giới hạn,” ông nói thêm. “Nếu nó không được đáp lại, thì điều này không góp phần vào quá trình đàm phán. Như trước đây, nhiều người trong chúng ta đã bị thuyết phục — như tôi đã đề cập — rằng lập trường thực sự của Ukraine được xác định ở Hoa Thịnh Đốn, London, và các thủ đô phương Tây khác,” ông nói, lưu ý rằng một số nhà khoa học chính trị đã nói rằng nên tổ chức các cuộc đàm phán với NATO chứ không phải với Tổng thống Zelensky.
Ngoại trưởng Lavrov cũng dự đoán xung đột sẽ kết thúc như thế nào. “Như trong bất kỳ tình huống nào mà lực lượng vũ trang được sử dụng, mọi thứ sẽ kết thúc bằng một hiệp ước,” ông nói. “Nhưng các điều khoản của hiệp ước sẽ được xác định bởi giai đoạn chiến tranh mà tại đó hiệp ước này trở thành sự thực.”
Moscow: Mũ Trắng đã được cử tới Ukraine
Hôm thứ Hai (25/04), Phó đại diện thường trực của Nga tại Liên Hiệp Quốc Dmitry Polyansky cho biết, chính phủ Ukraine và “những kẻ thao túng” ngoại quốc của họ đang lên kế hoạch tấn công cờ giả liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD). Với mục đích đó, các hướng dẫn viên của nhóm Mũ Trắng khét tiếng tại Syria (Lực lượng Phòng vệ Dân sự Syria) đã được khai triển tới Ukraine, vị quan chức này nói với các phóng viên.
Nhà ngoại giao này đã nhắc lại một cách hiệu quả những cáo buộc được đưa ra vào cuối tuần bởi người đứng đầu Lực lượng Bảo vệ Bức xạ, Hóa học, và Sinh học Nga, Trung tướng Igor Kirillov, người cho biết các kế hoạch được cho là do chính phủ Kyiv ấp ủ bao gồm “ba tình huống”, từ một vụ tấn công cờ giả vào dân thường, tới việc sử dụng WMD “chiến thuật” ở quy mô nhỏ và việc công khai khai triển vũ khí như vậy trên chiến trường.
Để tạo điều kiện cho cuộc tấn công cờ giả được cho là sắp xảy ra, “những kẻ thao túng” ở ngoại quốc của chính phủ Kyiv đã cử “các hướng dẫn viên” của nhóm Mũ Trắng khét tiếng đến Ukraine, ông Polyansky tuyên bố.
“Có một mô hình nổi tiếng theo đó những hành động khiêu khích [liên quan đến vũ khí hóa học] như vậy được sử dụng ở những nơi khác trên thế giới. Đầu tiên, một cái gọi là sự cố hóa chất được dàn dựng. Sau đó, các tổ chức phi chính phủ thân phương Tây, đặc biệt là Mũ Trắng khét tiếng, đóng ở gần đó, nhanh chóng đến hiện trường và thu thập ‘bằng chứng’ đáng ngờ về việc vi phạm tất cả các tiêu chuẩn của cơ chế không phổ biến [vũ khí hủy diệt hàng loạt], sau đó đưa câu chuyện này lên các phương tiện truyền thông phương Tây. Tất cả chúng ta đều biết kỹ thuật này,” ông Polyansky nói.
Nhóm Mũ Trắng, được đồng sáng lập bởi lính đánh thuê người Anh quá cố được cho là cựu sĩ quan tình báo James Le Mesurier, đã nổi danh toàn thế giới trong bối cảnh cuộc xung đột kéo dài nhiều năm ở Syria.
Nga: Các đường tiếp tế của phương Tây tại Ukraine đã bị phá hủy
Quân đội Nga đã phá hủy sáu trạm biến áp lực kéo — các đơn vị cung cấp năng lượng cho đường sắt — đang được sử dụng để giao “vũ khí và khí tài ngoại quốc cho lực lượng Ukraine ở Donbass,” phát ngôn viên Bộ Quốc phòng, Thiếu tá Igor Konashenkov thông báo hôm thứ Hai (25/04).
Ông nói thêm rằng các trạm này được đặt tại các trung tâm đường sắt Krasnoye, Zdolbunov, Zhmerinka, Berdichev, Kovel và Korosten, tất cả đều ở miền tây Ukraine.
Theo ông Konashenkov, các cuộc không kích cũng đã phá hủy 27 mục tiêu quân sự, trong đó có bốn trung tâm chỉ huy.
Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cho biết việc đẩy lùi quân đội Ukraine khỏi lãnh thổ của các nước cộng hòa Donbas đã trở thành ưu tiên hàng đầu của Moscow trong giai đoạn này của chiến dịch.
Nga: Hành lang nhân đạo cho dân thường từ Mariupol bị Kyiv phá hoại
Một nỗ lực mới nhằm thiết lập một hành lang nhân đạo để di tản dân thường bị cho là mắc kẹt tại nhà máy thép Azovstal bị bao vây ở Mariupol đã thất bại, quân đội Nga thừa nhận vào cuối ngày thứ Hai (25/04). Moscow và Kyiv đã đổ lỗi cho nhau vì nỗ lực di tản không mang lại kết quả.
“Bất chấp sáng kiến vô cùng nhân đạo của Liên bang Nga nhằm di tản dân thường khỏi lãnh thổ của nhà máy luyện kim Azovstal, các nhà chức trách Kyiv hôm nay lại một lần nữa làm gián đoạn hoạt động nhân đạo này. Tính đến 8 giờ tối (giờ Moscow) ngày 25/04/2022, chưa có ai sử dụng hành lang nhân đạo được đề nghị,” Thượng tướng Mikhail Mizintsev, người đứng đầu Trung tâm Quản lý Quốc phòng Quốc gia Nga, cho biết trong một tuyên bố.
Ông nhấn mạnh: “Hành vi hoàn toàn không hợp lý và không nhất quán như vậy của các nhà chức trách Kyiv một lần nữa khẳng định sự thờ ơ trắng trợn của họ đối với số phận của mỗi người dân — đối với các công dân đất nước họ.”
Đức cung cấp hệ thống phòng không Gepard cho Ukraine
Đức sẽ chính thức chấp thuận việc chuyển giao hệ thống phòng không Gepard cho Ukraine, một nhà lập pháp cao cấp của một trong các đảng liên minh cầm quyền cho biết hôm thứ Ba (26/04).
Ông Johannes Vogel, thuộc Đảng Dân Chủ Tự Do, đã xác nhận một bản tin trên nhật báo Sueddeutsche Zeitung rằng Bộ trưởng Quốc phòng Christine Lambrecht sẽ cung cấp vũ khí tại cuộc họp hôm thứ Ba với các nước đồng minh tại Căn cứ Không quân Ramstein của Hoa Kỳ ở Đức.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz, người đã phải đối mặt với những lời chỉ trích trong và ngoài nước vì chính phủ của ông không giao vũ khí hạng nặng cho Ukraine, đã cam kết chuyển giao vũ khí chống tăng và phòng không từ kho dự trữ của quân đội Đức, mà theo ông mô tả là “vũ khí phòng thủ.”
Anh: Nga đang cố gắng bao vây các vị trí của Ukraine ở phía đông
Nga có lẽ đang cố gắng bao vây các vị trí rất kiên cố của Ukraine ở phía đông nước này, quân đội Anh cho biết trong một bản tin cập nhật nhật hôm thứ Ba (26/04).
Các bản tin cho biết thành phố Kreminna đã thất thủ, với giao tranh ác liệt ở phía nam thành phố Izium, khi quân đội Nga cố gắng tiến về các thành phố Sloviansk và Kramatorsk, Bộ Quốc phòng Anh cho biết trên Twitter.
“Quân đội Ukraine đã đang sẵn sàng phòng thủ ở Zaporizhzhia để chuẩn bị cho một cuộc tấn công tiềm ẩn của Nga từ phía nam,” bản tin thường kỳ này cập nhật thêm.
Lãnh đạo phe ly khai: Nga nên khởi động giai đoạn tiếp theo của chiến dịch Ukraine
Lãnh đạo phe ly khai được Nga hậu thuẫn ở vùng ly khai Donetsk của Ukraine cho biết hôm thứ Ba (26/04) rằng Moscow nên khởi động giai đoạn tiếp theo của chiến dịch quân sự ở Ukraine sau khi tiếp cận biên giới của khu vực này.
Ông Denis Pushilin, lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk, cho biết trên một chương trình trò chuyện của Nga được phát trực tuyến rằng giai đoạn can thiệp quân sự tiếp theo của Nga là rất quan trọng sau các sự cố an ninh bên ngoài khu vực.
Ông trích dẫn các vụ nổ đã tấn công khu vực ly khai Transnistria của Moldova, giáp biên giới với Ukraine hôm thứ Hai (25/04), cũng như cáo buộc của Nga về việc các lực lượng Ukraine pháo kích vào các khu vực biên giới của nước này.
Hãng thông tấn RIA dẫn lời ông Pushilin cho biết: “Tốc độ mà chiến dịch (quân sự) tiến tới biên giới của chúng tôi là quan trọng đối với chúng tôi để khởi động giai đoạn tiếp theo, cần thiết sau những gì chúng tôi chứng kiến ở Transdniestria (Transnistria) và các vùng biên giới của Nga.”
Na Uy phân bổ 44 triệu USD cho mua sắm vũ khí cho Ukraine do Anh đứng đầu
Na Uy sẽ phân bổ 400 triệu krone (43.7 triệu USD) cho một sáng kiến do Anh dẫn đầu để mua vũ khí cho Ukraine, thủ tướng Na Uy cho biết hôm thứ Ba (27/04).
Ông Jonas Gahr Støre nói với nghị viện rằng Na Uy cũng có thể gửi thêm các chuyến hàng vũ khí trực tiếp nữa cho Ukraine, ngoài những gì nước này đã thực hiện.
Điện Elysee: Tổng thống Biden và Tổng thống Macron đồng ý kêu gọi nhanh chóng tổ chức thảo luận chi tiết về chiến tranh Ukraine
Điện Elysee cho biết, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người được bầu lại vào Chủ Nhật (24/04), cùng người đồng cấp của ông là Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden — đã đồng ý trong một cuộc điện đàm chúc mừng vào thứ Hai (25/04) để “nhanh chóng” tổ chức các cuộc thảo luận chi tiết hơn về các vấn đề toàn cầu, bao gồm cuộc chiến ở Ukraine.
Theo thông báo sau cuộc gọi, ông Macron và ông Biden đã đồng ý tăng cường đối thoại về “các vấn đề toàn cầu chính… Và đặc biệt là về các vấn đề toàn cầu liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine như an ninh lương thực.”
“Ông Biden đã bày tỏ sự sẵn sàng tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Tổng thống Macron về các ưu tiên chung toàn cầu của chúng tôi,” Tòa Bạch Ốc cho biết trong một tuyên bố riêng.
Anh bác bỏ ‘kiểu ra vẻ bạo gan’ của ông Lavrov, nói không có mối đe dọa leo thang sắp xảy ra ở Ukraine
Bộ trưởng Lực lượng Vũ trang Anh đã bác bỏ bình luận của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, cho rằng những lời này là “ra vẻ bạo gan.”
Trước đó, Ngoại trưởng Lavrov đã nói với thế giới không xem nhẹ những rủi ro đáng kể của xung đột hạt nhân, và nói rằng việc NATO cung cấp vũ khí cho Ukraine “về bản chất” đồng nghĩa với việc liên minh phương Tây này đang tham gia vào một cuộc chiến ủy nhiệm với Nga.
“Thương hiệu của ông Lavrov trong suốt 15 năm hoặc lâu hơn khi ông ấy giữ chức ngoại trưởng Nga là một kiểu ra vẻ bạo gan như vậy. Tôi không nghĩ rằng ngay bây giờ có một mối đe dọa leo thang sắp xảy ra,” ông James Heappey nói với Đài truyền hình BBC.
“Những gì phương Tây đang làm để hỗ trợ các nước đồng minh của mình ở Ukraine đã được kiểm chứng rất kỹ lưỡng.”
Khi được hỏi về khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, ông Heappey khẳng định ông nghĩ rằng có một khả năng “rất nhỏ” của loại leo thang đó. Ông tuyên bố rằng mặc dù NATO đang củng cố sườn phía đông của mình nhưng NATO lại không viện trợ quân sự.
Ông Heappey cho biết việc Ukraine tấn công các tuyến hậu cần và nguồn cung cấp nhiên liệu của Nga là hoàn toàn hợp pháp và ông thừa nhận các loại vũ khí mà cộng đồng quốc tế đang cung cấp có phạm vi sử dụng chạm đến Nga.
Mời quý vị xem bài viết liên quan tại đây.
Tình hình đang tiến triển, vui lòng truy cập lại bản tin thường xuyên để cập nhật các diễn biến mới nhất.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press và Reuters.
Nhóm phụ trách Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt biên dịch
Nhận xét
Đăng nhận xét