[TRỰC TIẾP] Cập nhật tình hình Nga-Ukraine

 

Dưới đây là bản tin cập nhật trực tiếp diễn biến của cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine từ ngày 29/04/2022, với tin mới nhất ở phần trên cùng.

Mời quý vị theo dõi bản tin diễn biến từ ngày 24-26/04/2022 tại đây, và xem toàn bộ các bản tin cập nhật trực tiếp về tình hình cuộc chiến tại đây.


Hỏa tiễn tấn công Kyiv trong chuyến thăm của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc

Nga đã bắn hai hỏa tiễn vào thủ đô Kyiv của Ukraine hôm thứ Năm (28/04) trong chuyến thăm của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, các quan chức Ukraine cho biết.

Các quan chức Ukraine cho biết, các hỏa tiễn đã làm rung chuyển quận trung tâm Shevchenko của thành phố và một quả tấn công các tầng dưới của một tòa nhà dân cư 25 tầng, khiến ít nhất 10 người bị thương.

Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov và Ngoại trưởng Dmytro Kuleba đều cho biết các vụ nổ là do hỏa tiễn Nga gây ra.

Vụ nổ xảy ra sau khi người đứng đầu Liên Hiệp Quốc Guterres hoàn tất cuộc đàm phán với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, tập trung vào nỗ lực di tản dân thường khỏi cảng Mariupol phía nam bị Nga bao vây.

Ông Guterres nói với đài truyền hình Bồ Đào Nha RTP khi được hỏi về vụ nổ: “Có một vụ tấn công vào Kyiv… nó khiến tôi bị sốc, không phải vì tôi ở đây mà vì Kyiv là một thành phố thiêng liêng đối với người Ukraine cũng như người Nga.”


Quốc hội Hoa Kỳ hồi sinh chương trình Cho Vay-Cho Thuê thời Đệ nhị Thế chiến  cho Ukraine

Các quân nhân của Lực lượng vũ trang Ukraine bắn một hỏa tiễn chống tăng Javelin trong cuộc tập trận tại một bãi tập ở một địa điểm không xác định ở Ukraine, trong một bức ảnh được công bố hôm 18/02/2022. (Ảnh: Dịch vụ Báo chí về Chiến dịch Liên hợp của Lực lượng Ukraine/Tài liệu phát qua Reuters)

Hôm thứ Năm (28/04), Hạ viện Hoa Kỳ đã ủng hộ áp đảo đạo luật giúp cho việc xuất cảng khí tài quân sự sang Ukraine được dễ dàng hơn, hồi sinh “Đạo luật Cho Vay-Cho Thuê” đã giúp đánh bại Hitler trong Đệ nhị Thế chiến.

Hạ viện đã thông qua “Đạo luật Cho Vay-Cho Thuê Phòng Thủ Dân Chủ Ukraine 2022”  với số phiếu 417:10, ba tuần sau khi đạo luật này được thông qua tại Thượng viện với sự ủng hộ nhất trí. Sau đó, đạo luật sẽ được chuyển đến Tòa Bạch Ốc để Tổng thống Joe Biden ký ban hành.

Biện pháp này làm hồi sinh một chương trình có từ thời Đệ nhị Thế chiến cho phép Hoa Thịnh Đốn cho các đồng minh của Hoa Kỳ vay hoặc thuê thiết bị quân sự. Trong trường hợp này, đạo luật sẽ giúp các nước bị ảnh hưởng bởi cuộc xâm lược của Nga, chẳng hạn như Ba Lan và các nước Đông Âu khác cũng như Ukraine.


Tổng thống Biden: Ý tưởng về chiến tranh ủy nhiệm lớn hơn là ‘không đúng’

Tổng thống Joe Biden đã bác bỏ ý kiến ​​cho rằng cuộc chiến của Nga ở Ukraine có thể phát triển thành một cuộc xung đột ủy nhiệm lớn hơn giữa Moscow với Hoa Kỳ và các đồng minh NATO, thậm chí có thể đưa thế giới đến gần hơn đến một cuộc đối đầu hạt nhân.

Hôm thứ Năm (28/04), tại một sự kiện ở Tòa Bạch Ốc, nơi ông Biden yêu cầu Quốc hội viện trợ thêm 33 tỷ USD cho Ukraine, tổng thống cho biết ý tưởng về một cuộc chiến tranh ủy nhiệm lớn hơn là đáng lo ngại nhưng “không đúng”.

Ông quy cho các nhà chức trách Nga là phóng đại những suy đoán như vậy, nói rằng “điều đó cho thấy sự tuyệt vọng mà Nga đang cảm thấy về sự thất bại nặng nề của họ” trong cuộc xâm lược Ukraine.

Ông nói thêm rằng “không ai nên đưa ra những bình luận vu vơ về việc sử dụng vũ khí hạt nhân” và gọi việc làm đó là “vô trách nhiệm”.


Điện Kremlin cáo buộc Anh ‘đe dọa’ an ninh Âu Châu

Moscow cảnh báo London rằng bằng cách “bơm” vũ khí cho Ukraine, Anh đang phá hoại an ninh Âu Châu. Nhận xét trên được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Anh hối thúc các đồng minh cung cấp cho Ukraine “vũ khí hạng nặng, xe tăng, phi cơ”, đồng thời củng cố khả năng phòng thủ của Moldova và Georgia.

Trình bày với các phóng viên qua điện thoại hôm thứ Năm (28/04), phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết “chính xu hướng bơm vũ khí, bao gồm cả vũ khí hạng nặng, vào Ukraine và các quốc gia khác là điều đe dọa an ninh của lục địa và khơi mào bất ổn.”

Ngoại trưởng Anh Liz Truss đã có bài diễn văn quan trọng của mình hôm thứ Tư (27/04).

Bà phản bác lại quan điểm ​​cho rằng “chúng ta không nên cung cấp vũ khí hạng nặng kẻo lại khiêu khích khơi ra điều gì đó tồi tệ hơn,” đồng thời nhấn mạnh rằng “không hành động sẽ là hành động khiêu khích lớn nhất” trong hoàn cảnh hiện nay.


NATO cho biết sẵn sàng hỗ trợ lâu dài cho Kyiv trong cuộc chiến chống Nga

NATO sẵn sàng duy trì sự ủng hộ của mình đối với Ukraine trong cuộc chiến chống Nga trong nhiều năm, bao gồm cả việc giúp Kyiv chuyển đổi  vũ khí thời Liên Xô sang vũ khí và hệ thống hiện đại của phương Tây, Tổng thư ký Jens Stoltenberg cho biết hôm thứ Năm (28/04).

Ông trình bày sau khi Điện Kremlin cảnh báo rằng việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine, bao gồm cả vũ khí hạng nặng, gây ra mối đe dọa đối với an ninh của lục địa Âu Châu “và khơi mào bất ổn”.

Tổng thư ký Stoltenberg đã trình bày tại hội nghị thượng đỉnh thanh niên ở Brussels: “Chúng ta cần chuẩn bị cho dài hạn. Hoàn toàn có khả năng cuộc chiến này sẽ kéo dài và kéo dài nhiều tháng, nhiều năm.”

Người đứng đầu NATO cho biết phương Tây sẽ tiếp tục gây áp lực tối đa lên Tổng thống Nga Vladimir Putin để chấm dứt cuộc xâm lược Ukraine, mà Moscow gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”, qua các biện pháp trừng phạt và viện trợ kinh tế cũng như quân sự cho Kyiv.

“Các đồng minh NATO đang chuẩn bị cung cấp sự hỗ trợ lâu dài và giúp Ukraine chuyển đổi từ các thiết bị cũ có từ thời Liên Xô sang các loại vũ khí và hệ thống hiện đại hơn theo tiêu chuẩn của NATO và các hệ thống này cũng sẽ đòi hỏi phải huấn luyện nhiều hơn,” ông Stoltenberg nói.

Hầu hết vũ khí hạng nặng mà các nước NATO gửi đến Ukraine cho đến nay là vũ khí do Liên Xô chế tạo vẫn còn trong kho của các quốc gia thành viên NATO ở Đông Âu, nhưng Hoa Kỳ và một số đồng minh khác đã bắt đầu cung cấp cho Kyiv các loại pháo phương Tây.

Hôm thứ Ba (26/04), Đức thông báo về lô hàng xe tăng Gepard trang bị súng phòng không cho Ukraine, đây là lần đầu tiên Berlin chấp thuận chuyển giao vũ khí hạng nặng cho Kyiv.

Những lời thỉnh cầu của Ukraine đối với vũ khí hạng nặng ngày càng gia tăng kể từ khi Moscow chuyển hướng tấn công sang Donbas, một khu vực phía đông với phần lớn là địa hình rộng rãi, bằng phẳng được coi là phù hợp hơn cho các trận đánh xe tăng so với các khu vực phía bắc xung quanh thủ đô Kyiv, nơi phần lớn các cuộc giao tranh trước đây đã diễn ra. 


Nhân chứng nghe thấy hai vụ nổ lớn ở thành phố Nga gần biên giới Ukraine

Hai nhân chứng nói với Reuters hôm thứ Năm (28/04) rằng họ đã nghe thấy hai vụ nổ mạnh tại thành phố Belgorod của Nga, gần biên giới với Ukraine.

Tiếng nổ đã được nghe thấy ở khu vực phía nam của thành phố. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra các vụ nổ này và liệu có thương vong hay thiệt hại nào hay không.

Những ngày gần đây Nga đã báo cáo những gì họ nói là một loạt các cuộc tấn công của lực lượng Ukraine ở Belgorod và các khu vực phía nam khác giáp biên giới với Ukraine, đồng thời cảnh báo rằng các cuộc tấn công như vậy có nguy cơ gây ra leo thang đáng kể.

Ukraine đã không trực tiếp nhận trách nhiệm nhưng đã mô tả các vụ việc là sự trả đũa đối với Nga.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm thứ Năm (28/04) đã cáo buộc phương Tây công khai kêu gọi Kyiv tấn công Nga, đồng thời cảnh báo họ “đừng thử thách lòng kiên nhẫn của chúng tôi nữa.”


Tổng thống Biden yêu cầu thêm 33 tỷ USD cho Ukraine

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã yêu cầu Quốc hội tài trợ thêm 33 tỷ USD để hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột đang diễn ra với Nga. Một phần lớn của gói viện trợ lớn này được dành cho viện trợ quân sự và an ninh bổ sung, trong khi phần còn lại sẽ được sử dụng cho hỗ trợ kinh tế và nhân đạo.

“Chính phủ đang yêu cầu 20.4 tỷ USD hỗ trợ quân sự và an ninh bổ sung cho Ukraine và cho các nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm tăng cường an ninh Âu Châu với sự hợp tác của các đồng minh NATO của chúng tôi và các đối tác khác trong khu vực,” Tòa Bạch Ốc cho biết trong một tuyên bố.

Tiết lộ về gói hỗ trợ này trong bài diễn văn của mình tại Tòa Bạch Ốc, ông Biden nói rằng việc các nhà lập pháp thông qua chương trình này là “rất quan trọng”. Ông nói: “Chúng ta cần dự luật này để hỗ trợ Ukraine và cuộc chiến giành tự do của nước này,” đồng thời thừa nhận cái giá phải trả không hề “rẻ”. Ông nhấn mạnh, “Nhưng nhượng bộ trước sự hiếu chiến sẽ phải trả giá đắt hơn nếu chúng ta cho phép điều đó xảy ra.”


Điện Kremlin: Elon Musk có thể thất bại trong sứ mệnh Twitter

Doanh nhân tỷ phú và chủ sở hữu mới của Twitter, ông Elon Musk không có khả năng mang “tự do ngôn luận” mà ông đã hứa đến với nền tảng này, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, đồng thời bày tỏ nghi ngờ liệu một “bảng màu đầy đủ” của ý kiến ​​có thể được trình bày trên bất kỳ phương tiện truyền thông xã hội phương Tây nào hay không.

Hôm thứ Năm (28/04), ông Peskov tuyên bố rằng, “Thái độ của Nga đối với công ty này dựa trên các hành động của công ty, về việc kiểm duyệt, về các hành động đàn áp có chọn lọc đối với các khách hàng của công ty, về việc bóp méo và thao túng thông tin.” 

“Hãy xem điều gì sẽ xảy ra dưới thời chủ sở hữu mới. Bây giờ, vì đây là một công ty toàn cầu, chúng tôi đã nghe thấy những tiếng nói chính thức từ Âu Châu rằng họ sẽ không cho phép tự do tuyệt đối ở đó nữa,” ông Peskov nói thêm, dường như ám chỉ cảnh báo của Ủy viên thị trường nội bộ EU Thierry Breton đối với ông Musk.

Quan chức cao cấp của EU này cảnh báo tỷ phú không nên quá lỏng lẻo trong việc kiểm duyệt nội dung, gợi ý rằng nền tảng này có thể phải đối mặt với lệnh cấm của lục địa nếu không tuân thủ các quy tắc của khối. Gần đây EU đã thông qua cái gọi là ‘Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số’, một gói quy định được thiết kế để buộc các nền tảng mạng xã hội phải kiểm soát nội dung mạnh mẽ hơn nhiều và hợp tác chặt chẽ hơn với các cơ quan quản lý.

“Chúng tôi chào đón tất cả mọi người. Chúng tôi cởi mở nhưng phải theo cách của chúng tôi. Ít nhất chúng tôi biết phải nói gì với ông ấy: ‘Ông Elon, có những quy tắc. Ông được chào đón nhưng đây là những quy tắc của chúng tôi. Các quy tắc của ông sẽ không áp dụng ở đây,” ông Breton nói với The Financial Times.

Ông Elon Musk đã mua lại nền tảng truyền thông xã hội với giá ngất ngưởng 44 tỷ USD hôm thứ Hai (25/04), tự nhận mình là “người theo chủ nghĩa tự do ngôn luận tuyệt đối” và cam kết đưa Twitter trở lại gốc rễ của mình — “cánh tự do ngôn luận của đảng tự do ngôn luận.”

“Tự do ngôn luận là nền tảng của một nền dân chủ đang hoạt động và Twitter là quảng trường kỹ thuật số, nơi mà các vấn đề quan trọng đối với tương lai của nhân loại được tranh luận,” ông Musk nói trong một tuyên bố thông báo về thương vụ mua lại.


Ukraine chào mừng 33 binh sĩ và 12 dân thường trở lại trong cuộc trao đổi tù nhân với Nga

Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết hôm thứ Năm (28/04) rằng Nga đã giao 33 binh sĩ Ukraine, trong đó có 13 sĩ quan, trong một cuộc trao đổi tù nhân chiến tranh với Ukraine.

Bà Vereshchuk viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram: “Chúng tôi cũng đang đưa 12 thường dân về nước. Bà nói năm trong số các binh sĩ được trao đổi hôm thứ Năm đã bị thương.

Bà Vereshchuk không cho biết có bao nhiêu người Nga tham gia vào cuộc trao đổi này.


Thủ tướng Thụy Điển từ chối trưng cầu dân ý về khả năng trở thành thành viên NATO

Hôm thứ Sáu (29/04), Thủ tướng Magdalena Andersson cho biết rằng chính phủ Thụy Điển không có kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý nếu nghị viện quyết định tiến hành nộp đơn xin gia nhập NATO.

Việc Nga xâm lược Ukraine đã buộc cả Thụy Điển và Phần Lan phải xem xét lại niềm tin lâu nay rằng trung lập về quân sự là phương án tốt nhất để bảo đảm an ninh quốc gia, và cả hai quốc gia ​​dự kiến sẽ đưa ra quyết định trong vài tuần tới.

Bà Andersson nói rằng một cuộc trưng cầu dân ý là một “ý tưởng tồi.”

Bà nói với các phóng viên rằng: “Tôi không nghĩ đó là một vấn đề phù hợp cho một cuộc trưng cầu dân ý.”

“Có rất nhiều thông tin về an ninh quốc gia là bảo mật, vì vậy trong một cuộc trưng cầu dân ý kiểu này có những vấn đề quan trọng không thể đưa ra thảo luận và những dữ kiện quan trọng không thể đặt lên bàn cân.”

Nghị viện Thụy Điển đang xem xét lại chính sách an ninh bằng một báo cáo dự kiến ​​sẽ có vào giữa tháng Năm. Riêng đảng của bà Andersson, Đảng Dân Chủ Xã Hội, đang xem xét liệu có nên bỏ phản đối việc trở thành thành viên NATO hay không.

Với đa số trong nghị viện ủng hộ tư cách thành viên, Đảng Dân Chủ Xã Hội cầm quyền được coi là trở ngại lớn nhất đối với việc Thụy Điển xin gia nhập liên minh 30 quốc gia này.

Lãnh đạo của Đảng Ôn Hòa, đảng đối lập lớn nhất, cũng đã bác bỏ lời kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề này.


Gazprom: Ba Lan vẫn mua khí đốt của Nga

Đại tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cho biết hôm thứ Năm (28/04) rằng Ba Lan tiếp tục mua khí đốt tự nhiên của Nga từ Đức thông qua dòng chảy ngược, sau khi nguồn cung cấp trực tiếp của họ bị đình chỉ do không thanh toán bằng đồng rúp. 

Đại diện chính thức của Gazprom, ông Sergey Kupriyanov cho biết: “Tuần này, Ba Lan đã từ chối thanh toán khí đốt của Nga theo các điều khoản mới, tính bằng đồng rúp. Nước này tuyên bố hùng hồn rằng họ không cần khí đốt của Nga và sẽ không mua nữa. Nhưng trên thực tế, Ba Lan vẫn tiếp tục mua khí đốt của Nga sau khi nguồn cung cấp trực tiếp bị ngừng lại. Hiện nước này mua khí đốt từ Đức, và nó quay trở lại Ba Lan theo dòng ngược lại qua đường ống Yamal-Âu Châu.” 

Dữ liệu từ nhà điều hành mạng lưới truyền tải khí Gascade của Đức cho thấy Ba Lan đã Ba Lan đã tăng nhu cầu đối với nguồn cung khí đốt ngược từ Đức lên gấp năm lần hôm thứ Tư (27/04).


Quân đội Ukraine cho biết Nga đang tăng tốc tấn công ở ‘hầu hết các hướng’

Các quân nhân của quân đội thân Nga trên đỉnh một chiếc xe tăng trong cuộc xung đột Ukraine-Nga ở ngoại ô thành phố cảng phía nam Mariupol, Ukraine, hôm 20/03/2022. (Ảnh: Alexander Ermochenko/Reuters)

Hôm 28/04, quân đội Ukraine đã cảnh báo người dân rằng Nga đang tăng tốc các cuộc tấn công trên khắp cả nước ở “hầu hết các hướng.”

Trong một tuyên bố, Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết Nga đang đẩy mạnh cuộc tấn công quân sự lớn nhất ở miền đông đất nước này.

“Quân địch đang tăng tốc chiến dịch tấn công. Lực lượng chiếm đóng của Nga đang nã đạn dữ dội ở hầu hết các hướng,” quân đội Ukraine cho biết hôm 28/04.

Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.


Tổng thống Biden muốn có các quyền hạn mới để thu giữ tài sản Nga

Tổng thống Joe Biden đang yêu cầu Quốc hội cấp các quyền hạn mới để thu giữ và tái sử dụng tài sản của các nhà tài phiệt Nga như một phần của một đề nghị tài trợ mới nhằm viện trợ Ukraine trong việc phòng thủ chống lại cuộc xâm lược của Nga.

Trình bày tại Tòa Bạch Ốc vào sáng thứ Năm (28/04), Tổng thống Biden sẽ chính thức yêu cầu hàng tỷ USD chi tiêu bổ sung của Hoa Kỳ dành cho việc cung cấp cho quân đội, củng cố nền kinh tế, và hỗ trợ hàng triệu người tị nạn Ukraine chạy khỏi cuộc xâm lược của Nga hai tháng trước. Tòa Bạch Ốc cho biết ông cũng sẽ tìm kiếm các quyền hạn mới từ Quốc hội để tăng cường các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ đối với chính phủ Nga và những người thu lợi từ họ.

Ông Biden đang yêu cầu các nhà lập pháp hình sự hóa việc “cố ý hoặc chủ tâm hưởng lợi trực tiếp từ các giao dịch tham nhũng với chính phủ Nga,” đồng thời tăng gấp đôi thời hiệu đối với tội rửa tiền cho ngoại quốc lên 10 năm và mở rộng định nghĩa của “hoạt động kinh doanh, kiếm tiền bất hợp pháp” theo luật Hoa Kỳ để thêm vào việc cố gắng trốn tránh các lệnh trừng phạt.


Nga cảnh báo phương Tây: Đừng thử thách lòng kiên nhẫn của chúng tôi

Nga hôm thứ Năm (28/04) cảnh báo phương Tây rằng sẽ có phản ứng quân sự cứng rắn đối với bất kỳ cuộc tấn công nào nữa vào lãnh thổ Nga, cáo buộc Hoa Kỳ và các đồng minh Âu Châu công khai kích động Ukraine tấn công Nga.

Hai tháng kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, những ngày gần đây, Nga đã báo cáo những gì họ nói là một loạt các cuộc tấn công của quân đội Ukraine vào các khu vực của Nga tiếp giáp biên giới với Ukraine, và cảnh báo rằng các cuộc tấn công như vậy có nguy cơ gây ra leo thang đáng kể.

Ukraine đã không trực tiếp nhận trách nhiệm nhưng nói rằng các vụ việc là sự trả đũa đối với Nga, trong khi Nga tức giận trước những tuyên bố từ Anh — một thành viên NATO — rằng việc Ukraine tấn công hậu cần Nga là hợp pháp.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói với các phóng viên tại Moscow: “Ở phương Tây, họ đang công khai kêu gọi Kyiv tấn công Nga, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí nhận được từ các nước NATO.”

“Tôi khuyên quý vị đừng thử thách lòng kiên nhẫn của chúng tôi nữa.”

Bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm thứ Ba (26/04) rằng nếu các cuộc tấn công như vậy tiếp tục thì Moscow sẽ nhắm vào các trung tâm ra quyết định ở Ukraine, bao gồm cả những nơi mà họ cho rằng có các cố vấn phương Tây đang giúp đỡ Kyiv.

“Các thủ đô của Kyiv và của phương Tây nên nghiêm túc xem xét tuyên bố của Bộ Quốc phòng rằng việc tiếp tục kích động Ukraine tấn công lãnh thổ Nga chắc chắn sẽ dẫn đến phản ứng cứng rắn từ Nga,” bà Zakharova nói.

Bà Zakharova đã xem Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky như một con rối của phương Tây, người đang bị Hoa Kỳ lợi dụng để đe dọa Nga.

Hoa Kỳ đã loại trừ việc cử lực lượng của mình hoặc của NATO tới Ukraine nhưng Hoa Thịnh Đốn và các đồng minh Âu Châu đã cung cấp vũ khí cho Kyiv, chẳng hạn như phi cơ không người lái, lựu pháo hạng nặng, hỏa tiễn phòng không Stinger và hỏa tiễn chống tăng Javelin.


Thủ tướng Đức biện minh cho việc vẫn mua khí đốt 

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang biện minh cho việc mua khí đốt và các nhiên liệu hóa thạch khác của nước ông từ Nga.

Trình bày trong chuyến thăm Nhật Bản hôm thứ Năm (28/04), ông Scholz nói rằng “đó là một thách thức khi nhiều quốc gia Âu Châu, trong đó có Đức, đang phụ thuộc vào nhập cảng tài nguyên hóa thạch từ Nga.”

Ông Scholz cho biết chính phủ ông đặt mục tiêu chấm dứt nhập cảng than và dầu từ Nga trong năm nay. Ông nói rằng “điều tương tự cũng sẽ xảy ra đối với khí đốt, nhưng đó là một quá trình cần nhiều thời gian hơn.”

Khi được hỏi liệu ông có lo ngại Nga có thể ngừng vận chuyển khí đốt đến Đức như đã làm trong tuần này đối với Ba Lan và Bulgaria hay không, ông Scholz thừa nhận rằng “bất kỳ sự gián đoạn nào cũng sẽ gây ra hậu quả cho tình hình kinh tế.”

Ông cho biết đây cũng là lý do tại sao cho đến nay vẫn chưa có biện pháp trừng phạt nào được áp dụng đối với nguồn cung cấp năng lượng từ Nga, thêm vào đó điều này đã được quyết định “với sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác của chúng tôi, những nước mà bản thân họ là các nhà xuất cảng năng lượng và do đó ở một xuất phát điểm khác, chẳng hạn như Hoa Kỳ.”

Ông Scholz nói: “Liệu chính phủ Nga có đưa ra quyết định gì trong vấn đề này hay không và quyết định đó sẽ là như thế nào, người ta chỉ có thể suy đoán, nhưng làm như vậy rất không hợp lý.”


Tổng thống Erdogan kêu gọi ‘hòa bình, đối thoại, và hợp tác’ trong cuộc điện đàm với Tổng thống Putin

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Các nhà lãnh đạo cũng thảo luận về một cuộc trao đổi tù nhân giữa Hoa Kỳ và Nga diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ Tư (27/04). Văn phòng của ông Erdogan cho biết ông đã nói với ông Putin hôm thứ Năm (28/04) rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ đứng ra làm trung gian trong cuộc trao đổi này là một dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của Ankara đối với “hòa bình, đối thoại, và hợp tác.”

Ông nhắc lại sự sẵn lòng của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine và mong muốn thiết lập hòa bình trong khu vực “thông qua gia tăng động lực” tạo ra trong các cuộc đàm phán trực tiếp được tổ chức giữa phái đoàn hai nước ở Istanbul vào cuối tháng trước.

Đây là cuộc điện đàm thứ hai giữa hai tổng thống trong tuần này. Hôm thứ Ba (26/04), ông Erdogan thúc giục ông Putin đồng ý đàm phán trực tiếp với người đồng cấp Ukraine.


Tổng thống Biden bị thúc giục tịch thu tài sản Nga

Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua một dự luật không ràng buộc vào hôm thứ Tư (27/04), kêu gọi Tổng thống Joe Biden tịch thu tài sản của các cá nhân giàu có người Nga được cho là có liên hệ với Điện Kremlin. Theo kế hoạch, số vốn bị tịch thu sẽ được chuyển sang hỗ trợ Ukraine.

Được đặt tên là Đạo luật Thu giữ Tài sản để Tái thiết Ukraine, dự luật được 417 nhà lập pháp ủng hộ, và 8 người bỏ phiếu chống.

Dự luật kêu gọi Tổng thống Hoa Kỳ “tịch thu bất kỳ tài sản hoặc tài khoản nào thuộc quyền tài phán của Hoa Kỳ, có giá trị trên 2,000,000 USD và thuộc về các công ty năng lượng của Nga hoặc của những cá nhân ngoại quốc mà của cải có được một phần thông qua tham nhũng liên quan đến hoặc hỗ trợ chính trị cho chế độ Tổng thống Nga Vladimir Putin.”


Trùm gián điệp Nga tiết lộ kế hoạch của Ba Lan đối với việc chia tách Ukraine

Thông tin tình báo mà Nga thu được cho thấy Ba Lan và Hoa Kỳ đang thực hiện kế hoạch để Warsaw giành lại quyền kiểm soát các khu vực của Ukraine mà Warsaw coi là “thuộc quyền sở hữu mang tính lịch sử” của nước này, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Nước ngoài (SVR) Sergey Naryshkin cho biết.

Theo kế hoạch bị cáo buộc, giai đoạn đầu tiên của việc “thống nhất” này sẽ chứng kiến “lực lượng gìn giữ hòa bình” Ba Lan khai triển ở miền tây Ukraine với lý do “bảo vệ khỏi sự xâm lược của Nga”, ông Naryshkin tiết lộ trong một tuyên bố hôm thứ Năm (28/04).

Ông tuyên bố rằng, các chi tiết của hoạt động này đang được thảo luận giữa Warsaw và chính phủ Tổng thống Biden, đồng thời cho biết thêm rằng kế hoạch sẽ được thực hiện mà không có sự ủy quyền của NATO, chỉ có các nước tình nguyện tham gia.

Cho đến nay Warsaw vẫn chưa thể tìm thấy bất kỳ quốc gia nào khác tham gia mục tiêu của nước này, ông nói thêm. Nhưng các nhà chức trách Ba Lan không bận tâm đến tất cả điều đó vì bản thân họ muốn có ít “nhân chứng không cần thiết” cho hành động của mình, ông Naryshkin tuyên bố.


Hoa Kỳ: Quyết định tấn công Nga hay không là ‘tùy Ukraine’

Quyết định liệu có mở rộng cuộc xung đột với Nga ra ngoài biên giới của họ hay không là tùy vào Ukraine, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói trước Thượng viện hôm thứ Tư (27/04). Bình luận của ông được đưa ra sau khi Moscow lên án một quan chức cao cấp của Anh, người nói rằng việc ông Kyiv sử dụng vũ khí do NATO cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga là “hợp pháp”.

“Chúng tôi quyết tâm mang đến cho họ những gì họ cần để đối phó với cuộc xâm lược của Nga và đuổi người Nga ra khỏi đất nước này. Một vấn đề khác là liệu người Ukraine có nên thực hiện các hành động vượt ra ngoài biên giới của họ hay không,”  ông Blinken cho biết vào chiều thứ Tư, tại phiên điều trần xem xét ngân sách năm 2023 của Bộ Ngoại giao trước Ủy ban Phân bổ Thượng viện.


Quan chức địa phương: 4 người thiệt mạng ở vùng Luhansk 

Ông Serhiy Haidai, thống đốc vùng Luhansk, cho biết hôm thứ Năm (28/04) rằng bốn  thường dân trong vùng đã thiệt mạng trong 24 giờ qua và bốn người khác bị thương.

Ông Haidai cho biết trong ứng dụng nhắn tin Telegram, trận pháo kích của Nga cũng đã phá hủy 10 ngôi nhà ở thành phố Popasna.


Người đứng đầu Liên Hiệp Quốc đến thăm các vùng bị thiệt hại bên ngoài Kyiv

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã đến thăm các khu vực bên ngoài thủ đô Ukraine bị thiệt hại trong cuộc tiến công của Nga.

Trình bày trước các ký giả hôm thứ Năm (28/04), ông Guterres nói rằng “thường dân luôn phải trả giá cao nhất” trong bất kỳ cuộc chiến nào.


Anh: Hải quân Nga vẫn có khả năng tấn công Ukraine

Bộ quốc phòng Anh cho biết hải quân Nga vẫn có khả năng tấn công các mục tiêu ven biển ở Ukraine, ngay cả sau khi hai chiến hạm bị đánh chìm.

Trong một bản tin cập nhật tình báo được công bố vào sáng thứ Năm (28/4), bộ cho biết khoảng 20 tàu hải quân Nga, bao gồm cả các tàu ngầm, hiện đang hoạt động trong khu vực hoạt động của Biển Đen.

Tuy nhiên, bộ cho biết Nga không thể thay thế tuần dương hạm Moskva bị chìm hồi đầu tháng ở Biển Đen, vì eo biển Bosporus vẫn đóng cửa với tất cả các chiến hạm không phải của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nga cũng mất tàu đổ bộ Saratov, bị phá hủy bởi các vụ nổ và hỏa hoạn hôm 24/3.


Ba Lan cho biết các quốc gia trả tiền cho khí đốt của Nga bằng đồng rúp nên bị  trừng phạt

Liên minh Âu Châu nên trừng phạt các quốc gia sử dụng đồng rúp để thanh toán khí đốt của Nga, Bộ trưởng Khí hậu Ba Lan cho biết, sau quyết định của Moscow cắt nguồn cung cấp cho Ba Lan và Bulgary vì hai nước này từ chối làm vậy.

Các quốc gia thành viên Liên minh Âu Châu tỏ ra chia rẽ về cách họ có thể tiếp tục trả tiền mua khí đốt mà không vi phạm các lệnh trừng phạt của Âu Châu áp đặt đối với cuộc xâm lược Ukraine ngày 24/02 của Nga. Nhiều quốc gia ở Âu Châu vẫn phụ thuộc nhiều vào năng lượng nhập cảng từ Nga.

Ba Lan, một trong những quốc gia EU ủng hộ nhiệt tình nhất các biện pháp trừng phạt nhắm vào Moscow, nói rằng khối này nên cấm hoàn toàn việc mua khí đốt của Nga.

“Ngày nay điều còn thiếu là các biện pháp trừng phạt hoàn toàn đối với khí đốt, điều đó sẽ giải quyết được vấn đề với Gazprom, vấn đề với việc tuân theo các lệnh trừng phạt 100%. Chúng tôi mong đợi những biện pháp trừng phạt này,” bà Anna Moskwa nói với đài truyền hình tư nhân Polsat News vào cuối ngày thứ Tư (27/04).

Bà nói thêm, các nước thành viên chính của EU tuyên bố chống lại các biện pháp trừng phạt khí đốt cứng rắn hơn đối với Nga là Áo, Đức, và Hungary.

“Chúng tôi đang tính đến việc có những hậu quả đối với những nước này (những nước trả bằng đồng rúp) và kết quả là họ sẽ ngừng thanh toán bằng đồng rúp.”

Bà không nói rõ Ba Lan muốn thấy hậu quả gì.

Hệ thống thanh toán khí đốt mới của Nga, liên quan đến việc mở tài khoản tại ngân hàng Gazprombank, nơi các khoản thanh toán bằng đồng euro hoặc USD sẽ được chuyển đổi sang đồng rúp, cung cấp không gian tự do để có thể chứng kiến ​​một số quốc gia tiếp tục mua khí đốt của Nga, phá vỡ mặt trận thống nhất chống lại Moscow của khối này.

Công ty điện lực Đức Uniper nói với tờ báo Rheinische Post hôm thứ Năm (28/04) rằng họ sẽ chuyển các khoản thanh toán khí đốt của Nga cho một ngân hàng Nga và không còn cho một ngân hàng có trụ sở tại Âu Châu.


Nghị viện Đức phê chuẩn đề nghị chuyển giao vũ khí hạng nặng cho Ukraine

Hạ viện Đức hôm thứ Năm (28/04) đã chấp thuận một cách áp đảo một kiến ​​nghị cung cấp vũ khí để hỗ trợ Ukraine bao gồm vũ khí hạng nặng để giúp nước này chống lại các cuộc tấn công của Nga.

“Bên cạnh sự cô lập về kinh tế sâu rộng và tách Nga khỏi thị trường quốc tế, biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất để ngăn chặn cuộc xâm lược của Nga là tăng cường và đẩy nhanh việc cung cấp vũ khí hiệu quả và các hệ thống phức tạp bao gồm vũ khí hạng nặng,” bản kiến ​​nghị viết.

Theo Phó Chủ tịch Nghị viện Liên bang Đức Wolfgang Kubicki, bản kiến ​​nghị đã được cả ba đảng trong liên minh cầm quyền cũng như phái bảo tồn truyền thống đối lập ủng hộ, thông qua với 586 phiếu thuận, 100 phiếu chống và 7 phiếu trắng.


Moldova từ chối các đề nghị của Kyiv về Transnistria

Moldova đã từ chối “đề nghị” của Kyiv về việc đánh chiếm khu vực ly khai của họ ở Transnistria bằng vũ trang, tuyên bố rằng họ chỉ tìm cách tái hòa nhập nước cộng hòa tự xưng này thông qua các biện pháp chính trị.

“Việc giải quyết vấn đề Transnistria có thể đạt được bằng các biện pháp chính trị và chỉ trên cơ sở một giải pháp hòa bình, loại trừ các hoạt động quân sự và cưỡng bức khác, cũng như trên cơ sở các nguyên tắc dân chủ hóa và phi quân sự hóa khu vực, [và] tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Moldova,” văn phòng về việc tái hòa nhập của nước này nói với RIA Novosti hôm thứ Tư (27/04).

Tuyên bố trên được đưa ra nhằm đáp lại nhận xét của ông Alexey Arestovich, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Vị quan chức này gợi ý rằng Ukraine có khả năng “chiếm” Transnistria nếu Chisinau chính thức yêu cầu sự trợ giúp từ Kyiv trong việc chinh phục khu vực ly khai.


Nước thứ ba thuộc EU từ chối ‘thanh toán bằng đồng rúp’ cho khí đốt

Helsinki đã từ chối kế hoạch thanh toán bằng đồng rúp của Moscow cho khí đốt, truyền thông địa phương đưa tin hôm thứ Tư (27/04). Tháng trước, Nga đã áp đặt cơ chế thanh toán này đối với các quốc gia đã đặt lệnh trừng phạt đối với Nga nhưng vẫn tiếp tục nhập cảng khí đốt của nước này.

“Chúng tôi đã đưa ra quyết định trong ủy ban chính sách kinh tế của chính phủ rằng Phần Lan sẽ không đồng ý thanh toán bằng đồng rúp. Quyết định này đã được đưa ra vào đầu tháng Tư,” Bộ trưởng đặc trách Các vấn đề về Âu Châu và Quyền sở hữu của Phần Lan Tytti Tuppurainen nói với tờ báo Helsingin Sanomat. Bà nói rằng cơ chế thanh toán này có thể được coi là một hành động tống tiền và là một phần của “các nỗ lực địa chính trị của Nga”.

Nga đã phủ nhận việc sử dụng xuất cảng khí đốt tự nhiên như một công cụ để “tống tiền” Âu Châu, một cáo buộc cũng được Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen đưa ra.


Anh kêu gọi một ‘NATO toàn cầu’

Ngoại trưởng Anh Liz Truss nói trong Tiệc Phục Sinh tại Mansion House ở London hôm 27/04/2022. (Ảnh: Victoria Jones/PA Media)

Trật tự thế giới được tạo ra sau Đệ nhị Thế chiến và Chiến Tranh Lạnh không còn hoạt động nữa, vì vậy phương Tây cần “một NATO toàn cầu” để theo đuổi địa chính trị mới, Ngoại trưởng Anh Liz Truss lập luận trong một bài diễn thuyết về chính sách ngoại giao quan trọng hôm thứ Tư (27/04). Bà Truss cũng kêu gọi khối do Hoa Kỳ đứng đầu gửi thêm “vũ khí hạng nặng, xe tăng” và phi cơ tới Ukraine, đồng thời cho biết Trung Quốc sẽ phải đối mặt với sự đối đãi tương tự như Nga nếu nước này không “chơi đúng luật”.

“Tầm nhìn của tôi là một thế giới nơi các quốc gia tự do quyết đoán và phát triển vượt bậc. Nơi tự do và dân chủ được củng cố thông qua mạng lưới quan hệ đối tác kinh tế và an ninh,” bà Truss nói trong bài diễn văn tại một bữa tiệc ở Mansion House của London.

Đặt tên cho thỏa thuận này là “Mạng Lưới của Tự Do”, bà Truss cho rằng thỏa thuận này là cần thiết vì các cấu trúc kinh tế và an ninh được phát triển sau năm 1945 — chẳng hạn như Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc — “cho đến nay đã méo mó, họ chỉ cho phép hơn là kiềm chế sự xâm lược.”

Ngoài ra, NATO phải bảo đảm rằng “các nước Tây Balkan và các quốc gia như Moldova và Georgia có khả năng phục hồi và khả năng duy trì chủ quyền và tự do của họ,” đồng thời duy trì chính sách mở cửa “bất khả xâm phạm”, bà Truss nói.

Tuy nhiên, tham vọng của bà đã vượt ra ngoài Âu Châu khi bà Truss tố cáo “sự lựa chọn sai lầm giữa an ninh cho Âu Châu-Đại Tây Dương và an ninh cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”

“Trong thế giới hiện đại, chúng ta cần cả hai. Chúng ta cần một NATO toàn cầu,” bà cho biết. “Và chúng ta phải bảo đảm rằng các nền dân chủ như Đài Loan có thể tự bảo vệ mình.”


Tình hình đang tiến triển, vui lòng truy cập lại bản tin thường xuyên để cập nhật các diễn biến mới nhất.

Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press và Reuters.
Nhóm phụ trách Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt biên dịch

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?