Tổng thống Macron tái đắc cử là một vố đau với Putin

 RFI

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (P) tiếp đồng nhiệm Nga Vladimir Putin tại pháo đài Brégançon, Pháp ngày 19/08/2019.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (P) tiếp đồng nhiệm Nga Vladimir Putin tại pháo đài Brégançon, Pháp ngày 19/08/2019. AP - Gerard Julien

Đây là tựa một bài viết của David Andelman, trên trang mạng đài truyền hình Mỹ CNN ngày 24/04/2022. Kết quả cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2022, theo tác giả, cũng là một tin vui đối với phần lớn lãnh đạo các nước phương Tây. RFI xin trích dịch.

Pháp, châu Âu và thế giới tự do đã sống sót sau một thách thức đáng kể đối với cuộc sống bình yên của họ. Trong khi cách đó khoảng 1.200 dặm, tổng thống Nga Vladimir Putin đã phải chịu một vố đau khi Emmanuel Macron đánh bại lãnh đạo đảng cực hữu Marine Le Pen, một đồng minh của ông Putin, để trở thành tổng thống Pháp đầu tiên trong thế hệ của ông tái tranh cử. 

Rất khó dự đoán kết quả của cuộc đối đầu giữa hai ứng viên khi ứng viên Macron là nhà lãnh đạo trẻ nhất của Pháp kể từ thời Napoléon và ứng viên Le Pen là người đã ba lần khao khát trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Pháp. Sau một vòng đầu tiên đầy cam go giữa 12 ứng cử viên ngày 10/04, hai ứng viên về đầu đã đối mặt ở vòng hai ngày 24/04. 

Ngay sau khi phần lớn các cuộc thăm dò kết thúc trên toàn quốc, các cơ quan thăm dò dự đoán Macron sẽ chiếm 58,2% phiếu bầu so với 41,8% của Le Pen. 

Trong thời điểm đầy thử thách này, các cử tri chỉ đơn giản đã chọn một giải pháp trung dung an toàn thay vì một ứng cử viên cực hữu máu lửa, người đã hứa sẽ xé toạc nền kinh tế và xã hội và xoay trục nước Pháp tiến lại gần với Nga hơn – điều mà nước Pháp chưa bao giờ chấp nhận. Đối với những ủng hộ viên cuồng tín nhất của mình, bà Le Pen đã muốn chứng minh rằng bà có đủ tầm cỡ để làm tổng thống, nhưng bà sẽ là tổng thống của một nước Pháp mà đa số người Pháp không muốn sống ở đó. 

Khoảng cách mà ông Macron đã bỏ xa bà Le Pen (mặc dù tỷ lệ vắng mặt cao, cao nhất trong nhất hai thập kỷ qua) có thể tạo cho ông một lợi thế đáng kể đối với việc nắm đa số tại Quốc Hội trong cuộc bỏ phiếu bầu cử 577 dân biểu vào tháng Sáu. 

Điều quan trọng nhất, cuộc bầu cử hôm Chủ nhật đã giải quyết một cách hiệu quả, ít nhất là vào thời điểm này, câu hỏi lớn nhất được đặt ra trong chiến dịch tranh cử : Liệu hầu hết người dân Pháp có thực sự muốn có một sự thay đổi nhiều như thế ở đất nước của mình và đặc biệt là một dạng chính phủ đã phục vụ họ tốt như thế ở nền cộng hòa thứ năm đã tồn tại gần 3/4 thế kỷ ? Đặc biệt là bây giờ ông Macron đang ở vị trí đảm nhận vai trò lãnh đạo trên thực tế của châu Âu, lấp khoảng trống sau sự ra đi của cựu thủ tướng Đức Angela Merkel vào năm ngoái. 

Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, ông Macron đã xác định nhiệm kỳ 5 năm thứ hai và cuối cùng của mình sẽ như thế nào với niềm đam mê tương đương với như các công kích của đối thủ, bà Le Pen, người đã vẽ nước Pháp bằng một bảng màu duy nhất. Tuyên ngôn tranh cử của bà bao gồm việc sửa đổi Hiến Pháp của Pháp để hạn chế nhập cư mà bà cho là mối đe dọa đối với bản sắc của nước này. 

Tổng thống Macron đang muốn một nước Pháp đa dạng, một quốc gia dễ tiếp thu những ý tưởng mới ở trong và ngoài nước, một quốc gia thoải mái với tư cách là nhà lãnh đạo của Liên Hiệp châu Âu (EU), NATO và thế giới tự do, sẵn sàng kiên quyết đứng lên chống lại chế độ chuyên chế bằng bất cứ giá nào cả ở trong lẫn ngoài nước. 

Nước Pháp của bà Le Pen hẳn sẽ tìm kiếm một con đường hướng về nước Nga và xa lánh thế giới tự do, hướng nội và rút khỏi Liên Âu. Đồng thời, bà sẽ thực thi lệnh cấm khăn trùm đầu đối với phụ nữ theo đạo Hồi hoặc mũ Kippah đối với đàn ông và tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý để tước quyền của cơ quan lập pháp và hệ thống tư pháp mà bà ta chưa bao giờ thành công trong việc chế ngự. 

Bà đã đồng thời vạch ra một viễn cảnh hấp dẫn về việc giảm thuế và chi tiêu xã hội rộng rãi, ý tưởng rất hấp dẫn ở một quốc gia mà lạm phát đã tăng cao chưa từng thấy kể từ năm 1985. Nhưng như ông Macron đã khẳng định nhiều lần rằng cần phải tìm phương tiện để tài trợ cho tất cả những lời hứa đó. 

Một khi ăn mừng tái đắc cử xong, ông Macron sẽ có rất nhiều hồ sơ phải giải quyết và nhiều nước trên thế giới sẽ dõi theo chương trình nghị sự của ông. Tổng thống Macron vẫn còn hai tháng nữa với tư cách là lãnh đạo Liên Âu – theo cơ chế mỗi nước làm chủ tịch luân phiên trong nhiệm kỳ sáu tháng. Hy vọng rằng ông Macron sẽ sử dụng nhiệm kỳ này một cách khôn ngoan để tiếp tục đoàn kết châu lục chống lại ông Putin. 

Ngoài ra thời gian này sẽ đánh dấu nhiều thách thức và cơ hội mới : Phần Lan và cả Thụy Điển đang dường như muốn gia nhập NATO, còn Ukraina thì đang tìm những biện pháp để nhanh chóng gia nhập Liên Âu. 

Tại Pháp, ông Macron sẽ tiếp tục vật lộn với lạm phát leo thang giống như toàn châu Âu, buộc các lãnh đạo châu lục này phải tìm ra các giải pháp để hạn chế những tác động cho bản thân do các lệnh trừng phạt năng lượng mới mà EU có thể áp dụng nhắm vào Nga. 

Tiếp theo là vấn đề về dòng người di cư đang ngày càng gia tăng, khoảng 5 triệu người đã sơ tán khỏi Ukraina trong hai tháng qua. Dòng người này sẽ tiếp tục tràn vào Liên Âu, đầu tiên là vào các nước thành viên EU ở tuyến đầu như Ba Lan khi nước này đã tiếp đón 3 triệu người, cũng như Rumani và Cộng hòa Séc. Tất cả những quốc gia này đều mong muốn những nước láng giềng gánh bớt một phần gánh nặng, đặc biệt sự chú ý đang dồn về Pháp và Đức. Cho đến nay, mới chỉ có 30.000 di dân đến Pháp khi nước này đồng ý nhận 100.000 người, một con số quá nhỏ trong bối cảnh khủng hoảng mà ông Macron có thể phải giải trình. 

Ngoài châu Âu, ông Macron sẽ đóng một vai trò trọng tâm trong việc điều phối ảnh hưởng rộng rãi của Pháp trên chính trường thế giới. Ở châu Phi, gần đây đã xảy ra nhiều cuộc đảo chính từ Mali đến Chad và Burkina Faso đi kèm với việc các hành động khủng bố đã gia tăng ở các thuộc địa cũ của Pháp, ông Macron cuối cùng đã buộc phải rút các lực lượng quân sự trong năm nay sau khi nhiều binh lính bỏ mạng ở Tây Phi. Tuy nhiên, Pháp sẽ tiếp tục tìm kiếm một con đường tiến về phía trước, làm việc với các nhà lãnh đạo châu Phi có cùng chí hướng, để ngăn chặn lính đánh thuê Nga đang tận dụng lấp khoảng trống. 

Và ở Trung Đông, ông Macron đã tìm cách thiết lập lại mối quan hệ chặt chẽ với một loạt các quốc gia mà Pháp có lợi ích thương mại ngày càng tăng, đặc biệt là các quốc gia vùng Vịnh đã trở thành khách hàng lớn của thiết bị quân sự Pháp hay là Liban, thuộc địa cũ của Pháp, quốc gia đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị lớn. Tổng thống Macron đã tìm cách tạo dựng vị trí của Pháp ở Trung Đông hay những nơi khác trên thế giới như một đối tác trung thành và đáng tin cậy, ở những nơi đang tiến hành một cuộc tái liên kết với các đồng minh truyền thống, đặc biệt là Hoa Kỳ. 

Ở châu Á, ông Macron chắc chắn sẽ tìm cách đóng vai trò lãnh đạo trong việc ổn định mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa EU và Trung Quốc. Sự háo hức mở rộng thương mại của hai bên đã vấp phải tình trạng vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc và việc nước này tiếp tục ủng hộ Nga trong cuộc chiến với Ukraina. 

Cùng lúc đó, tổng thống Macron đã bị một vố đau và phẫn nộ bởi một hiệp ước quân sự của chính quyền Biden với Anh Quốc và Úc (được gọi là AUKUS), do hiệp ước này đã khiến Úc ủy hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp. Hoa Kỳ coi hiệp ước ba bên là bức tường thành mới chống lại Trung Quốc. Điều đó có thể sẽ thực sự cần thiết kể từ khi Trung Quốc ký một hiệp ước an ninh chung với quần đảo Salomon gần đó, làm dấy lên lo ngại Bắc Kinh có thể đang tìm kiếm một căn cứ hải quân lớn trong khu vực. 

Vừa chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, ông Macron vẫn tiếp tục phải đối mặt với thách thức lớn khác - cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 6 khi cử tri sẽ chọn một Quốc Hội mới. Nhiều người trong số những đối thủ của ông Macron trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua sẽ tìm cách giảm bớt số ghế của phe đa số hiện nay của ông tại Quốc Hội. 

Trên nhiều khía cạnh, về lâu dài, so với cuộc bầu chọn tổng thống vừa qua, thì cuộc bầu cử Quốc Hội có thể sẽ quan trọng hơn đối với ông Macron, đối với nước Pháp và vị thế của nước Pháp trên thế giới. 

Tuy nhiên, hiện tại, phương Tây vẫn có một đồng minh trung thành và đồng minh này vẫn trung thành với những khát vọng và nguyên tắc dân chủ để đóng vai trò then chốt trong tương lai của châu Âu, một đồng minh mà Nhà Trắng chắc chắn sẽ cảm thấy yên tâm, trái với những lo lắng của chính quyền Biden khi đã từng nghĩ đến giả thuyết bà Le Pen có thể được bầu vào điện Elysée. 

Vì vậy, Hoa Kỳ trân trọng chiến thắng này của Macron.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?