Cựu Đại sứ Ted Osius bàn về hòa giải và an nghỉ người đã khuất trong chiến tranh

 RFA

2022.10.31
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp
Cựu Đại sứ Ted Osius bàn về hòa giải và an nghỉ người đã khuất trong chiến tranhNgài Ted Osius, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam
 U.S. Embassy Hanoi

Như RFA đã đưa tin, tại hội nghị “Đối thoại về những di sản chiến tranh và hòa bình ở Việt Nam, Lào và Campuchia”, các học giả nghiên cứu ở các trường đại học, các nhà hoạt động xã hội dân sự và các quan chức chính phủ hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ đã trao đổi với nhau về vấn đề hòa giải và hàn gắn vết thương chiến tranh. Đây là hội nghị do Viện Hòa Bình Hoa Kỳ (United States Institute of Peace - USIP) của Chính phủ Mỹ tổ chức trong hai ngày 11 và 12 tháng 10 / 2022. Nhân dịp này, RFA phỏng vấn cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ngài Ted Osius, về những nỗ lực đã qua của hai nước và những vấn đề cần tiếp tục quan tâm. 

  1. Động lực của hòa giải: không phải là kinh tế mà là lịch sử 

RFA: Xin ông đánh giá tổng quan về chiến lược của Hoa Kỳ đối với Việt Nam từ khi bình thường hóa quan hệ gần 30 năm qua. Tại sao Hoa Kỳ muốn bình thường hóa quan hệ với Việt Nam từ thời điểm đó? 

Cựu Đại sứ Ted Osius: Ở thời điểm khởi đầu, khi nước Mỹ đưa ra quyết định bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, chúng tôi cho rằng ý tưởng hòa giải với Việt Nam sẽ tốt cho nước Mỹ. Đó là lợi ích của nước Mỹ, bởi vì sẽ rất tốt cho Mỹ khi hàn gắn vết thương chiến tranh, khi có thể mang về nhà càng nhiều người thiệt mạng và mất tích trong chiến tranh càng tốt, và về cơ bản là để vượt qua một giai đoạn khó khăn trong lịch sử Hoa Kỳ. 

Những người như Thượng nghị sĩ McCain cũng cho rằng có mối quan hệ tốt đẹp với một quốc gia ở vị trí chiến lược như Việt Nam cũng là lợi ích của Hoa Kỳ, và mối quan hệ đó là có thể phát triển được. Đối với nước Mỹ khi đó, xét về chiến lược lâu dài thì bình thường hóa quan hệ với Việt Nam là lợi ích của Mỹ. 

Tôi nghĩ hồi đó Việt Nam tương đối nghèo, nên quyết định đó không có nhiều yếu tố thương mại. Động lực của quyết định đó nằm ở vấn đề lịch sử, chính trị và vị trí chiến lược của Việt Nam.

Điều đáng ngạc nhiên đối với tôi bây giờ là sự thay đổi vị thế của Việt Nam. Tôi đã ở Việt Nam gần 30 năm trước khi hai nước chúng tôi hầu như không có thương mại và Việt Nam là một trong những quốc gia nghèo nhất ở châu Á. Bây giờ, Việt Nam đang phát triển nhanh chóng. Các bạn biết đấy, Việt Nam có mối quan hệ thương mại đang phát triển nhanh chóng với Hoa Kỳ. Tổng kim ngạch thương mại hai nước là 112 tỷ năm ngoái. Chắc chắn sẽ nhiều hơn trong năm nay. Vì vậy, bây giờ trong mối quan hệ của hai nước còn có thành tố kinh tế nữa. 

Nhưng xét về mặt lịch sử, quan hệ kinh tế là yếu tố nổi lên tương đối gần đây. Ở thời điểm khởi đầu gần 30 năm trước, động lực chính là để vượt lên quá khứ và tạo ra một mối quan hệ chiến lược có lợi cho cả hai nước.

  1. Điểm thiếu sót trong chính sách hòa giải: lãng quên những người không còn tiếng nói 

RFA: Như ngài đã biết, trong hội thảo “Đối thoại về những di sản chiến tranh và hòa bình ở Việt Nam, Lào và Campuchia” tại Viện Hòa Bình Hoa Kỳ, đã có nhiều tiếng nói nhận xét rằng Chính phủ hai nước ngày nay tìm cách hàn gắn vết thương chiến tranh của hai phía Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong chiến tranh, nhưng hai chính phủ không quan tâm đến nỗi đau thời chiến và hậu chiến mà những người Việt Nam Cộng Hòa đã phải chịu đựng. Họ không có tiếng nói.  

Cựu Đại sứ Ted Osius: Có quan tâm. Thực sự là có.

RFA: Ý ngài nói là Chính phủ Hoa Kỳ có quan tâm? 

Cựu Đại sứ Ted Osius: Tôi muốn nói là Chính phủ Việt Nam cũng quan tâm theo một cách nào đó. Tôi nói vậy bởi vì khi tôi còn là đại sứ, tôi đã được các tổ chức phi chính phủ Hoa Kỳ yêu cầu nêu vấn đề Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa, nơi an nghỉ của nhiều chiến sĩ Miền Nam. Và tôi đã đặt vấn đề với Hà Nội. Tôi đã đặt vấn đề này trong những điều khoản hành động rất thực tế. 

Chúng tôi không đặt vấn đề về hệ tư tưởng hay màu cờ. Chúng tôi chỉ đặt vấn đề con người, rằng “nghĩa tử là nghĩa tận”, đó là những người đã chết và chúng ta nên đảm bảo rằng những người đã khuất được an nghỉ ở đó một cách tử tế. 

RFA: Và Chính phủ Việt Nam đã hồi đáp ra sao? 

Cựu Đại sứ Ted Osius: Tất nhiên không có phản hồi ngay lập tức mà là vài tháng sau khi tôi nêu vấn đề ra. Tổ chức Vietnamese American Foundation (Quỹ Người Mỹ gốc Việt) được phép vào Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa để dọn dẹp, tu bổ và đào mương cho nước chảy ra khỏi mộ khi trời mưa to. Họ được chặt rễ cây để mồ mả không bị rễ cây phá hỏng. Mặc dù điều này không được truyền thông báo chí chú ý nhiều nhưng Chính phủ Việt Nam vẫn đồng ý cho phép thực hiện những điều đó vì lợi ích của sự hòa giải. 

Tôi tin rằng điều đó cho thấy Chính phủ Việt Nam cũng nghĩ rằng việc quan tâm đến Cộng đồng người Mỹ gốc Việt cũng là một phần của hòa giải, rằng hòa giải không chỉ là việc của hai chính phủ mà người dân cũng phải được tham gia.

Đây là một vấn đề khó. Vấn đề này nhạy cảm vì cuộc chiến đó vừa là một cuộc nội chiến, và như các bạn biết đấy, cũng vừa là một cuộc chiến tranh quốc tế. Các bạn hãy nhìn xem nước Mỹ đã mất bao lâu để phục hồi và hòa giải sau cuộc nội chiến của chúng tôi. Chúng tôi cần thời gian rất dài. Vì vậy, đối với Việt Nam, cũng cần một thời gian để hồi phục sau nỗi đau và vượt lên những di sản khủng khiếp của cuộc chiến đó.

Lo-C5-b.jpg
Hình ảnh tu bổ Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa do Vietnamese American Foundation thực hiện năm 2018. (Bản quyền ảnh: Vietnamese American Foundation)

  1. Tiếp tục cuộc hành trình  

RFA: Chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam đã làm việc cật lực để giải quyết vấn đề MIA (người Mỹ mất tích trong chiến tranh). Chính phủ Mỹ đã làm hết sức mình để đưa hài cốt binh sỹ Hoa Kỳ còn nằm lại ở Việt Nam về nhà, đồng thời cũng giúp Chính phủ Việt Nam tìm hài cốt Liệt sỹ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bị mất tích. 

Cựu Đại sứ Ted Osius:Vâng, đúng như vậy. 

RFA: Thế còn các Tử sĩ của Việt Nam Cộng Hòa thì sao? Còn rất nhiều Tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa bị mất tích trong chiến tranh, hoặc chết trong các trại cải tạo sau 1975 nhưng gia đình chưa được nhận thi thể họ. Như PGS. Alex Thái Võ đã nói, hai chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ biết tương đối rõ có bao nhiêu binh sỹ Hoa Kỳ và binh sỹ Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa mất tích trong chiến tranh, nhưng không ai biết có bao nhiêu Tử sỹ Việt Nam Cộng Hòa đã mất mà thi thể còn vùi lấp đâu đó trong rừng sâu. Cả Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa đều từng là kẻ thù của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong quá khứ, nhưng Việt Nam ngày nay chỉ hòa giải với Hoa Kỳ, giúp tìm kiếm binh sỹ Hoa Kỳ mất tích, trong khi Việt Nam Cộng Hòa còn là đồng bào của họ thì họ không giúp tìm kiếm đồng bào mình mất tích trong chiến tranh. Đây là một nghịch lý. Vậy Chính phủ Hoa Kỳ có thể làm gì để giúp Chính phủ Việt Nam trở nên cởi mở hơn? 

Cựu Đại sứ Ted Osius: Điều đó đã thay đổi nhiều trong những năm gần đây so với những năm đầu sau khi bình thường hóa quan hệ hai nước. 

Ngay trước khi bình thường hóa quan hệ hai nước, tất cả các mối quan tâm đều tập trung vào việc tìm kiếm thông tin đầy đủ nhất có thể về những người Mỹ đã mất tích trong chiến tranh. Trên thực tế, trong những năm đầu của mối quan hệ mới này, có một sự tập trung rất ít vào những người Mỹ đã mất tích. Nhưng trong những năm gần đây, một phần là do các cựu chiến binh của cả hai bên đã tích cực hoạt động, nên đã có một nỗ lực chung để xác định hài cốt của những người Việt Nam bị mất tích trong chiến tranh. Và tôi nói người Việt Nam không phải nói người Việt Nam miền Bắc hay người Việt Nam miền Nam. Tôi đang nói đến “người Việt”, những người đã mất trong chiến tranh. 

Nỗ lực hợp tác đã được nâng cao nhờ các chuyến đi gần đây của Phó Tổng thống Kamala Harris và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin. Vì vậy, có thông tin được chia sẻ từ các cơ quan lưu trữ của Hoa Kỳ với người Việt Nam để tìm những người đã mất và chúng tôi cũng chia sẻ cả công nghệ nữa. Đó là công nghệ giám định để xác định bộ hài cốt tìm được là người nước nào thông qua xét nghiệm DNA. 

Chúng tôi thực hiện điều đó với người Việt Nam, không quan trọng người Việt Nam đó là “Việt Minh,” “Việt Cộng”, các bạn biết đấy, là những người lính miền Nam hay lính miền Bắc. Chúng tôi chỉ quan tâm đó là những người Việt bị mất tích.

RFA: Đó là những gì Chính phủ Hoa Kỳ đã làm phải không? Còn Chính phủ Việt Nam thì sao? Chính phủ Việt Nam xử lý những thông tin mà Chính phủ Mỹ cung cấp như thế nào? 

Cựu Đại sứ Ted Osius: Tôi không còn ở trong chính phủ nữa nên tôi không biết chính xác những gì đang xảy ra hiện nay. Nhưng tôi biết rằng sự hợp tác giữa hai Chính phủ về vấn đề này là lành mạnh, tốt đẹp. 

Sự hợp tác này là thực sự quan trọng, không chỉ đối với người Mỹ mà còn vì đó là văn hóa Việt Nam. Và một lần nữa, tôi nhấn mạnh, đây không phải là vấn đề người miền Bắc hay miền Nam mà đó là văn hóa Việt Nam. Văn hóa Việt Nam muốn chôn cất những người đã mất một cách tử tế với sự kính trọng. Và thực sự dù các bạn là “Việt Cộng” (RFA chú thích: chữ dùng của cựu Đại sứ) ở đồng bằng phía Bắc, hay các bạn là ai ở bất cứ đâu, các bạn biết đấy, dù là ai ở bất cứ đâu, việc chôn cất người đã mất một cách tử tế là điều rất quan trọng. Đó cũng là văn hóa Việt Nam. Vâng, nó nằm ở vị trí trung tâm trong văn hóa Việt Nam.

RFA xin trân trọng cảm ơn cựu Đại sứ Ted Osius đã dành cho độc giả của chúng tôi cuộc phỏng vấn này. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?