Thu lại về và thi sĩ Cung Trầm Tưởng vĩnh viễn ra đi !

Chân dung TS Cung Trầm Tưởng (1932-2022)

 
 Bài TRỊNH THANH THỦY
Được tin Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng mất, tôi bỗng chợt thấy như mình vừa mất một cái gì thật quý báu, như ..."Chực rớt cái gì dường thủy tinh..." (thơ Cung Trầm Tưởng). Có một cái gì đang lóng lánh chợt tắt ngấm vào không gian. Thật vậy, chúng ta vừa mất đi một nhà thơ lớn, một vóc dáng thơ thật thân quen trong thế giới thơ ca mà tôi và nhiều người hằng yêu mến.
Cung Trầm Tưởng cuối cùng rồi cũng giã từ nỗi buồn phố xá. Thôi không còn nghe tiếng bi ai, tiếng guốc gõ nhịp đêm hạ, tiếng xe lăn ngoài tha ma mà tìm về ánh lửa ấm cúng chập chờn nào đó ở phía bên kia bờ bỉ ngạn. Mơ hồ đâu đó là tiếng rạn nứt trong như pha lê của một đêm say, tôi cảm được phút chia biệt phải đến, đành nói câu giã từ, ngừng giây bịn rịn. Ừ, ông phải lên đường, phải rời tay rồi, sương thu có rơi, heo may có lạnh, thì ánh đèn của gã dẫn đường cũng chấp chới đưa ông ra khỏi lòng phố thị để đi về nẻo ngoại ô, phía bên kia trời rồi.
Xin thắp nén hương lòng tiễn ông đi về miền phương ngoại thật thong dong...
Mùa thu Paris đã im hơi, rượu đỏ đã đổ xuống, người em mắt nâu giờ xa ngái, trái sầu cũng rụng theo chiếc lá công viên ngoài kia theo tác giả bài thơ "Mùa Thu Paris" bất hủ. Phạm Duy đã đưa "Mùa Thu Paris" và "Tương Phản- Bên Ni, Bên Nớ" của Cung Trầm Tưởng vào lòng muôn triệu người Việt, giờ ông đã có dịp gặp lại người nhả tơ lòng mình lên khuôn nhạc của ông, ở một cõi tịnh xa xôi nào đó.
Tình cờ làm sao, ông lại ra đi vào mùa thu, để lá vàng cùng ào ạt đổ xuống tiễn chân ông. Tôi nhớ những đêm mưa buồn nằm nghe Khánh Ly thổn thức bài "Bên Ni, Bên Nớ" mà thấy lòng mình chùng xuống hoang liêu đến vô cùng. Hình ảnh, âm thanh, ngôn từ, ngữ nghĩa của bài thơ tự do khó phổ này đã được Phạm Duy phổ nhạc, tôi thấy phải nói là hay tuyệt vời. Giọng hát Khánh Ly thật cao vút trong âm thanh của dàn nhạc thâu âm trước 1975 ngày ấy, đã thăng hoa được toàn vẹn bài thơ phổ nhạc rất sâu sắc và khó hát này. Có lẽ ít người nghe, biết bài hát này như bài "Mùa Thu Paris," nhưng với tôi đây là bài hát gây cho tôi nhiều ấn tượng.
Tương Phản
 Đêm chớm, ngày tàn
Theo tiếng xe lăn về viễn phố
Em ơi!
Sương rơi
Ngoài song đêm hạ
Ôi buồn phố xá...
Hoang liêu về chết tha ma
Tiếng chân gõ guốc: người xa vắng người
Em có nghe dồn giã
Bước ai vất vả
Bóng ai chập chờn
Hồn ai cô đơn
Say sưa tìm về ấm cúng
Em có nghe bi ai
Tình ai ấp úng
Thương ai lạc loài
Ăn mày sáng lạn một ngày mai
Đêm nay say đất lở
Em có nghe rạn vỡ
Ra muôn mảnh ly rơi
Pha lê vạn chuỗi cười
Bên nớ dạ thành khoe tráng lệ
Trơ trẽn giai nhân phô loã thể
Bên ni phố vãng lòng ngoại ô
Em có nghe mơ hồ
Bước ai thao thức
Gõ nhịp hẹn hò
In dài ngõ cụt
Bóng ai giang hồ
Bên nớ bên ni đêm lạnh cả
Lạnh đêm mà chẳng lạnh vuông phòng
Em ơi bên trong
Dù chia ly đôi phút
Đồng mang nhớ đèo mong
Hai tâm hồn giam kín
Bốn mắt xanh bịn rịn
Anh ngồi làm thơ
Anh ngồi bấm đốt con thơ ra đời
Bên ngoài liếp ngỏ sương rơi
Bên trong kín gió ấm ơi là tình!...
 
 
 
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài hát "Bên Ni, Bên Nớ."
Nói về mình, Cung Trầm Tưởng đã có lần tâm sự, "Tôi sinh ra để làm thơ, mà là thơ buồn, nên tôi chọn tên mình là "Cung Trầm Tưởng". Ông dùng nhiều thể thơ khác nhau để làm thơ nhưng có lẽ nhiều nhất là lục bát. Những bài thơ ông làm sau 1975, về quê hương, chiến tranh và tù đày trong thời gian 10 năm tù cải tạo, phần lớn là lục bát. Tuy nhiên những bài thơ làm cho ông nổi tiếng lại những bài thơ tự do hay 4, 5, 7 chữ trong tập "Tình Ca" mà ông làm trước 1975. Trong thơ tình ông tụng ca thiên chức của người nữ, trân quý, âu yếm, dịu ngọt và cảm thông.
Thai Nghén
Da em thai nghén trái ươm xanh
Xót vị me chua đến ngái mình.
Qua chăm chút mớm giâm mầm mạ
Chực rớt cái gì dường thủy tinh.
Trái hút nhựa san cành uốn trĩu
Lay e có thể sẩy nhân giòn.
Dẫu ân cần dựng công trình đỡ,
Sợ đổ dập vùi hồn nhú non.
Anh cúi hôn tay dài nõn ngón,
Mắt hiền diệu ẩn ánh tà hôn.
Anh ôm vóc dáng em mềm lụa,
Gió thổi bay lên tóc ải bồng.
Anh giấu em trong cánh tay ngăn,
Rào em cách biệt một không gian.
Quanh em chỉ có hồ êm lặng,
Không thác và không nước lũ ngàn.
Mắt anh đèn bão thắp đêm thâu.
Em ạ, ngực đây em gối đầu.
Vai đây chỗ tựa hồn nao núng
Rồi lặng lẽ chờ phút trở đau.
Cứ ngủ đi em yên thấm mộng.
Đắp trên bụng mẹ yếu và thiêng
Tình anh che chở làm mền ấm.
Mang nặng đẻ đau ôi ! đức mẹ hiền.
Ấm ủ trong em huyền diệu lý
Âm dương giao hưởng, máu chan hoà.
Nay nằm ngậm rễ rau liền ruột,
Mai mở miệng chào tiếng khóc oa.
Mai nõn nà tươi phơi ánh sáng
Thiên nhiên kiến trúc một mô hình,
Một kỳ tích viết lên da dẻ
Sức sống bừng bừng nét hiển vinh.
— 1951
Là một người từng học trường Tây và du học tại Pháp, ông đọc thơ Charles Baudelaire và cảm phục người nữ Baudelairien để cảm tác mấy vần tụng ca như sau:
Em ướp trầm hương ngan ngát thánh
Ngồi trong đời cũng ngự ngôi trên
Em gần gũi cũng thiêng khôn kể
Dạy dỗ thi ca ý niệm đền
Bát quái thu trong lồng ngực nõn
Ngũ hành tụ lại bàn tay thon
Rốn em trái đất bày phương trận
Vũ trụ trồng ươm mô thức tròn
Là khởi sự cùng là kết thúc,
Đầu nguồn mạch nước, cuối dòng sông,
Em sinh sôi những áng cầu vồng
Trước Sách Ước đến sau cùng Lịch Sử.
Thơ tù ca nói về tù đày, chiến tranh và thân phận con người, ông viết rất nhiều và may mắn được bạn tù yêu thơ ông đã bảo mật, thuộc lòng hay dấu và mang giúp thơ ông ra hải ngoại. Nếu không, công an phát giác,  ông chỉ còn là một nắm xương khô nằm ở một nơi đèo heo hút gió nào đó của Hoàng Liên Sơn.
Bóng mẹ chiều thu
- Kính dâng Mẹ
Mẹ gầy guộc đến thăm con hấp tấp,
Quảy gánh về chiều sập ở non Tây.
Mưa gió quất lưng tre cong phần phật,
Bóng mẹ mờ lần khuất giữa mù mây.
Đất lầy lội, đường quê trơn khấp khểnh,
Mẹ long đong lận đận dáng lưng gù.
Mảnh trời xám kẽm gai rào bấu nát,
Mẹ đi rồi xao xác cả trời thu.
Mẹ là mẹ chú em nào hình sự ?
Dáng lưng gù làm nhớ đến mẹ tôi,
Mẹ nẻo xa mưa nắng ắt bồi hồi,
Ai đỡ mẹ đi nghiêng sầu goá bụa ?
Mưa gió quất lưng tre còng vất vả,
Vóc mai kia na ná nét hao mòn
Của mẹ ruột quằn đau cho tiếng khóc
Đến cuối đời lại chong bóng chờ con.
 
Con của mẹ giờ nằm trong ngục thất,
Vận nước nghèo lại gặp phải thời xui,
Bao thanh xuân hảo vọng bị chôn vùi,
Đồng lúa mới chết non từng nhánh mạ
 
Trời Nam ấy huyên rơi vàng mấy lá ?
Chiều nơi đây trời giá phủ sương đầy.
Xin thử hỏi lòng con như tấc cỏ
Sao báo đền tình mẹ ngất toà mây.
 
Con xin hứa, lại một lần nữa hứa
Nợ ơn đời sẽ trả trọn nay mai,
Đỡ mẹ đi thư thái nốt đường dài
Để có một lần vì con mẹ ngẩng mặt.
- Trại tù Hoà Bình
1978
Trong chặng đường dài 90 năm tại thế, ông để lại rất nhiều sáng tác nhất là sau năm 1975. Ông đã gom tất cả lại trong cuốn "Một Hành Trình Thơ 1948-2018," gồm 7 thi tập. Bạn đọc yêu thơ ông có thể tìm đọc cuốn sách này trên trang web của Việt Tide.
Hình kỷ niệm cùng bằng hữu ngày 12 tháng 9, 2014. Hàng đứng từ trái: NAG Nguyễn Văn Liêm, NAG Nick Út, Trịnh Thanh Thủy, NB Ông Như Ngọc, NAG Thái Đắc Nhã; Hàng ngồi: MC Trần Quốc Bảo, TS Cung Trầm Tưởng, Khách mời, NB Vũ Phương Dung.
 
 
Tiểu sử ngắn
Cung Trầm Tưởng, tên thật là Cung Thức Cần, sinh tại Hà Nội năm 1932, mất tại Quận Cam, California Chủ Nhật, ngày 9 tháng 10, 2022. Năm 15 tuổi bắt đầu làm thơ, và có tập thơ đầu tay tên là Sóng đầu dòng. Học Trung học tại trường Chasseloup Laubat. Du học tại Pháp, Trường Kỹ sư không quân ở Salon-de-Provence. Tốt nghiệp trở về nước làm trong ngành không quân của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, với cấp bậc cuối cùng là Trung Tá. Dưới chế độ cộng sản, ông bị bắt đưa đi cải tạo 10 năm trong 8 trại giam và thả về với thêm 3 năm quản chế. Định cư tại Hoa Kỳ, tốt nghiệp Cao Học Khí Tượng tại Saint Louis University, Hoa Kỳ và Quản Trị An Ninh Quốc GiaVà Tài Nguyên Quốc Phòng Hoa Kỳ- hậu đại học.
Hai bài thơ của ông là "Mùa Thu Paris" và "Vô Đề" (thơ trường thiên) xuất hiện trong tuyển tập Đất Đứng của nhóm Quan Điểm (gồm Mặc Đỗ, Vũ Khắc Khoan, Nghiêm Xuân Hồng) đã làm người đọc chú ý. Ông chủ trương tờ Văn nghệ mới và cộng tác thường xuyên cho các tạp chí Sáng Tạo, Hiện Đại, Nghệ Thuật, Văn, Khởi Hành...
Phạm Duy đã phổ nhạc một số bài thơ của ông, đó là những bài "Mùa Thu Paris", "Chưa Bao Giờ Buồn Thế" (Phạm Duy gộp lại và lấy tên là "Tiễn Em"), "Bên Ni bên Nớ", "Khoác Kín" (Phạm Duy lấy tên "Chiều Đông"), "Kiếp Sau", "Về Đây"...[1] Tổng cộng trong 13 bài thơ trong tập Tình ca của ông thì 6 bài Phạm Duy chọn phổ nhạc.[2]
Tác phẩm của Cung Trầm Tưởng đã in:
• Tình ca (Sài Gòn: Công đàn, 1959)
• Lục bát Cung Trầm Tưởng (Sài Gòn: Con đuông, 1970)
• Lời viết hai tay thơ tù cải tạo (Bonn: Imn, 1994)
• Bài ca níu quan tài thơ tù cải tạo (tác giả tự xuất bản, Minnesota, Hoa Kỳ, 2001)
• Một hành trình thơ (Falls Church, Virginia: Tiếng Quê Hương, 2012).   

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?