Vụ án Trương Mỹ Lan: Bộ Công an Việt Nam nói về 'bị can đột tử'
9 giờ trước
Lần đầu tiên Bộ Công an Việt Nam đề cập tới việc có "bị can và một số người liên quan" tới vụ án Trương Mỹ Lan qua đời mà họ mô tả là do "đột tử".
Tuy nhiên Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an, không giải thích hoàn cảnh tử vong, địa điểm cũng như danh tính những người này.
Tướng Xô được truyền thông Việt Nam dẫn lời mô tả vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông và bị can là bà Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm là "vụ án rất khó với lực lượng thực thi pháp luật".
"Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng thống nhất đây là vụ án khó. Khó nhưng mà phải làm. Càng khó càng quyết tâm làm. Thành viên tham gia Ban Chuyên án là những cán bộ bản lĩnh, dạn dày kinh nghiệm trận mạc, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Bộ Công an," Tướng Xô trả lời các phóng viên tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 29/10 khi được hỏi về kết quả điều tra bước đầu.
"Trong quá trình tố tụng có bị can và một số người liên quan qua đời do đột tử. Điều này tất nhiên sẽ gây thêm khó khăn cho quá trình điều tra. Tuy nhiên, với quyết tâm của lực lượng thực thi pháp luật, điều này không gây ảnh hưởng, vụ việc chắc chắn sẽ được làm rõ, làm đúng pháp luật, đảm bảo đúng người đúng tội," Người phát ngôn Bộ Công an giải thích.
Vào ngày 8/10, Bộ Công an cho biết ngày 7/10, đã ra quyết định khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và "các tổ chức, đơn vị có liên quan" và đồng thời, bắt tạm giam bốn bị can trong đó có bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Một trong ba bị can bị bắt giam còn lại có bà Nguyễn Phương Hồng (sinh năm 1984), trợ lý Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, thành viên Hội đồng quản trị của Ngân hàng SCB.
Đồng loạt xoá tin
Tối ngày 10/10, các trang Pháp luật TP HCM, Vietnamnet, Vietstock, Viez,.. đưa tin về cái chết của bà Phương Hồng nhưng không nói rõ nguyên nhân hoặc địa điểm bà qua đời.
Nhưng vài giờ sau các báo này đồng loạt xoá tin về cái chết của bà Hồng, bị can bị bắt cùng với bà Trương Mỹ Lan vào ngày 7/10.
Trước đó, hôm 7/10, báo Tuổi Trẻ đưa tin ông Nguyễn Tiến Thành - chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Tân Việt, thành viên HĐQT độc lập tại Ngân hàng SCB "vừa qua đời do đột quỵ".
Ông Thành là chồng của bà Tống Thị Thanh Hoàng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Mạng xã hội vào ngày 14-15/10 chia sẻ hình chụp bản cáo phó của ông Nguyễn Ngọc Dương, giám đốc công ty Sài Gòn Penninsula, và là cựu tổng giám đốc công ty Vạn Phát Hưng, được cho là có liên quan tới Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Một người đại diện của nhà tang lễ Vãng Sanh Đường, chùa Vĩnh Nghiêm, quận 3, Sài Gòn, xác nhận với báo Người Việt tại California qua điện thoại ngày 17/10 rằng đám tang ông Nguyễn Ngọc Dương đã được tổ chức tại đây.
Phạm Nhật Vượng 'không bị cấm xuất cảnh'
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 29/10, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết mới đây, để phục vụ công tác điều tra, xác minh, Công an TPHCM đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường TP rà soát, xác định và cung cấp thông tin các quyền sử dụng đất liên quan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có nguồn gốc (hoặc không có nguồn gốc) Nhà nước mà theo danh sách đính kèm, 156 thửa đất này tập trung ở quận 1, 3, 5, 7, huyện Bình Chánh và TP Thủ Đức.
Tướng Xô vào ngày 29/10 cũng cho biết thêm mục tiêu của quyết định khởi tố vụ án này [Trương Mỹ Lan] là nhằm đảm bảo thượng tôn pháp luật, đảm bảo cho thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán, thị trường tài chính ngân hàng lành mạnh, ổn định, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư và "hoàn toàn không có yếu tố hình sự hoá quan hệ kinh tế xã hội".
Người phát ngôn Bộ Công an cũng nhấn mạnh về việc xuất hiện điều ông gọi là "các thông tin sai sự thật làm ảnh hưởng rất lớn đối với các doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật".
"Tôi xin khẳng định cho tới thời điểm này ông Phạm Nhật Vượng không nằm trong danh sách cấm xuất cảnh và hoạt động của Vingroup rất bình thường," Tướng Xô nói.
Khoảng một tuần trước đó Tướng Xô khẳng định về điều ông gọi là "thông tin của các thế lực thù địch, phần tử xấu" cho rằng một số tập đoàn, doanh nghiệp kinh tế lớn sẽ tiếp tục bị xử lý là "thông tin giả, sai sự thật".
Người phát ngôn Bộ Công an đề nghị "người dân không tin, không nghe, không lan truyền các thông tin thất thiệt và chỉ tiếp nhận các thông tin chính thống từ cơ quan chức năng có thẩm quyền".
Không đẩy nóng dư luận'
Liên tục trong những ngày sau khi ra quyết định khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" đã có sự chỉ đạo nghiêm ngặt với các cơ quan truyền thông Việt Nam về hoạt động đăng tải tin tức liên quan tới SCB và "vụ án Trương Mỹ Lan".
Chỉ đạo từ cơ quan quản lý báo chí được cho là Ban Tuyên giáo Trung ương mà BBC xem được viết:
"Liên quan đến việc NHNN nước thực hiện nghiệp vụ kiểm soát đặc biệt với SCB, đề nghị báo chí hạn chế thông tin, không mở rộng vấn đề, không đặt tiêu đề đẩy nóng dư luận. Nếu đã đăng thì đưa đầy đủ theo thông tin chính thức từ NHNN.
"Không để hiển thị trên nổi bật trang chủ đối với báo điện tử, nhất báo in, không đăng trên nền tảng mạng xã hội; kiểm soát bình luận, tránh ảnh hưởng đến niềm tin của người dân, đến ổn định hệ thống ngân hàng," một điện thư viết.
Một điện thư khác thông báo rằng "Liên quan đến hoạt động điều tra mở rộng vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty An Đông và các doanh nghiệp, tổ chức, bị can Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm, người liên quan, ca tử vong..., đề nghị báo chí chấp hành nghiêm kỷ luật thông tin".
"Chỉ đăng thông tin chính thức của Bộ Công an. Tuyệt đối không đăng phát những tin gây đồn đoán, tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình điều tra, xử lý của cơ quan có thẩm quyền".
Nhận xét
Đăng nhận xét