Tin Tổng Hợp – 28/10/22: Mỹ tấn công hạt nhân nếu lợi ích bị xâm phạm; TC vẫn là mối đe dọa hàng đầu của Mỹ; Hàng triệu người bị phong tỏa khi Bắc Kinh gia tăng hạn chế Covid

 Tin Tổng Hợp – 28/10/22: Mỹ tấn công hạt nhân nếu lợi ích bị xâm phạm; TC vẫn là mối đe dọa hàng đầu của Mỹ; Hàng triệu người bị phong tỏa khi Bắc Kinh gia tăng hạn chế Covid

Mỹ sẽ tấn công hạt nhân, nếu ‘‘lợi ích sống còn’’ của Hoa Kỳ và đồng minh bị xâm phạm

28/10/2022 – Trọng Thành – Hai tuần sau khi tổng thống Mỹ công bố chiến lược an ninh quốc gia, hôm qua, 27/10/2022, Lầu Năm Góc công bố chiến lược quốc phòng. Washington sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu ‘‘các lợi ích sống còn’’ của Mỹ và các đồng minh, đối tác, bị xâm phạm. Nga được xác định là ‘‘mối đe dọa cấp bách’’. Trung Quốc là thách thức duy nhất ‘‘mang tính hệ thống’’.  

Đây là lần thứ hai trong vòng hơn 10 năm, chính quyền Mỹ cập nhật chiến lược quốc phòng. Lần gần nhất trước đó là vào đầu năm 2018, dưới thời tổng thống Donald Trump. Hãng tin Pháp AFP nhấn mạnh đây là ‘‘lần đầu tiên’’ chính quyền Mỹ cập nhật cùng lúc chiến lược quốc phòng và chiến lược liên quan đến vũ khí hạt nhân. Nâng cao uy lực răn đe hạt nhân để tự vệ và bảo vệ các đồng minh, đối tác là mục tiêu căn bản của chiến lược hạt nhân nói trên.

Đối tượng nhắm đến trước hết của Mỹ là chính quyền Nga. Trong văn bản tóm tắt về chiến lược hạt nhân dài khoảng 20 trang được công bố, bộ Quốc Phòng Mỹ nhận định: ‘‘Nga đã tiến hành cuộc xâm lăng chống Ukraina cùng lúc với đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, với các tuyên bố vô trách nhiệm, các cuộc diễn tập hạt nhân được tiến hành một cách thất thường và những lời lẽ dối trá liên quan đến khả năng dùng đến các vũ khí hủy diệt hàng loạt’’, bao gồm hạt nhân và các vũ khí khác.  

Trả lời báo giới, một quan chức cao cấp của bộ Quốc Phòng Mỹ giải thích rõ về lập trường mới về răn đe hạt nhân của Mỹ nhằm ‘‘gây khó khăn hơn cho quyết định của đối thủ’’ về việc sử dụng các vũ khí hủy diệt hàng loạt. Quan chức nói trên nhấn mạnh: vũ khí hạt nhân của Mỹ sẽ được sử dụng để chống lại việc đối phương tiến hành ‘‘các cuộc tấn công rất quan trọng có ý nghĩa chiến lược, bất kể với sức công phá ra sao, kể cả với các vũ khí phi hạt nhân’’.  

Chiến lược răn đe hạt nhân được Mỹ đưa ra đúng vào lúc chính quyền Nga liên tục cáo buộc Ukraina sử dụng ‘‘bom bẩn’’. Kiev và các đồng minh lên án Nga lấy cớ để biện minh cho việc sử dụng các vũ khí hủy diệt hàng loạt chống lại Ukraina.  

Về Trung Quốc, tài liệu nói trên cũng lên án ‘‘những lời lẽ ngày càng mang tính khiêu khích và các hành động gây hấn của Trung Quốc chống lại Đài Loan, gây bất ổn định, làm gia tăng nguy cơ hiểu lầm, đe dọa hòa bình và ổn định tại khu vực eo biển Đài Loan’’. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc cũng nhấn mạnh là ‘‘một xung đột với Trung Quốc không phải là không thể tránh khỏi, và cũng không phải là điều đáng mong muốn’’. Chiến lược hạt nhân của Mỹ cũng khẳng định rõ Hoa Kỳ ‘‘chỉ xem xét việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong các tình huống cùng cực để bảo vệ các lợi ích sống còn của Mỹ, các đồng minh và các đối tác của nước Mỹ’’.

Riêng về Bắc Triều Tiên, bộ Quốc Phòng Mỹ cảnh báo: ‘‘mọi tấn công hạt nhân của Bắc Triều Tiên chống lại Hoa Kỳ hoặc các đồng minh, đối tác sẽ là điều không thể chấp nhận được, và sẽ dẫn đến sự cáo chung của chế độ này’’.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20221028-m%E1%BB%B9-s%E1%BA%BD-t%E1%BA%A5n-c%C3%B4ng-h%E1%BA%A1t-nh%C3%A2n-n%E1%BA%BFu-l%E1%BB%A3i-%C3%ADch-s%E1%BB%91ng-c%C3%B2n-c%E1%BB%A7a-hoa-k%E1%BB%B3-v%C3%A0-%C4%91%E1%BB%93ng-minh-b%E1%BB%8B-x%C3%A2m-ph%E1%BA%A1m

Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ: Trung Quốc vẫn là mối đe dọa hàng đầu

29/10/2022 – VOA News

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin.

Trung Quốc vẫn là thách thức hàng đầu đối với lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ, trong khi Nga vẫn là mối đe dọa ‘cấp tính’ trong lúc Moscow tiếp tục cuộc chiến tàn khốc ở Ukraine, theo Chiến lược Quốc phòng mới được công bố của Ngũ Giác Đài.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phát biểu với báo giới tại Ngũ Giác Đài hôm 27/10 rằng Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh duy nhất với ý đồ định hình lại trật tự quốc tế và ngày càng có sức mạnh để làm việc đó.

Một quan chức quốc phòng cấp cao không muốn nêu tên cho biết Trung
Quốc tiếp tục gầy dựng ‘khả năng thách thức Hoa Kỳ một cách có hệ thống
trên mọi mặt: quân sự, kinh tế, công nghệ và ngoại giao.’

Theo ông Austin, thách thức từ Trung Quốc đã dẫn đến việc tăng cường khả năng phòng thủ trên tất cả các lĩnh vực chiến tranh, đặc biệt là không gian và không gian mạng, để làm rõ cho bất kỳ đối thủ tiềm năng nào hiểu rằng cái giá phải trả cho hành động xâm lược Hoa Kỳ hoặc các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ lớn hơn bất kỳ lợi ích nào có thể mường tượng.

Báo cáo chiến lược này được đưa ra khi cả Trung Quốc và Nga đều leo thang gây hấn với láng giềng. Trung Quốc nhiều lần đe dọa sẽ kiểm soát Đài Loan bằng vũ lực nếu cần thiết, và Nga đã xâm lược Ukraine vào tháng 2 và tiếp tục tấn công các thị trấn và thành phố của Ukraine bằng tên lửa và thậm chí là bằng máy bay không người lái kamikaze do Iran sản xuất.

Một phiên bản mật của báo cáo đã được công bố cho Quốc hội vào đầu năm nay.

Một quan chức quốc phòng cấp cao khác cũng ẩn danh cho biết võ khí hạt nhân sẽ tiếp tục là nền tảng trong khả năng răn đe của quân đội Hoa Kỳ.

Theo quan chức này, chiến lược quốc phòng mới cho thấy Mỹ đang phải đối mặt với hai nước cạnh tranh có võ khí hạt nhân là Nga và Trung Quốc.

“Các năng lực phi hạt nhân khác có tiềm năng bổ sung nhưng không thể thay thế khả năng răn đe hạt nhân trong một số trường hợp,” quan chức này nói.

Các mối đe dọa lớn khác

Việc Nga gây hấn với Ukraine đề ra ‘mối đe dọa tức thì và sắc bén’, Bộ trưởng Austin nói, khiến Mỹ phải tăng cường hiện diện quân sự ở châu Âu từ khoảng 80.000 quân lên hơn 100.000 người.

Vẫn theo lời ông, khác với Trung Quốc, ‘Nga không thể thách thức Hoa Kỳ một cách có hệ thống về lâu dài.’

Vị quan chức cấp cao này nói thêm rằng “Nga tuyệt đối không được phép
tấn công NATO,” như Hoa Kỳ đã tuyên bố rõ ràng rằng họ sẽ bảo vệ từng
tấc lãnh thổ của NATO.

Tuy nhiên, quan chức này lo ngại rằng những thất bại của Nga trên chiến trường Ukraine có thể khiến nước này càng dựa dẫm hơn vào lực lượng hạt nhân trong tương lai.

Các mối đe dọa khác được đề cập trong Chiến lược Quốc phòng 2022 bao
gồm Triều Tiên, Iran và các phần tử cực đoan bạo lực toàn cầu.

Iran vẫn là một sự hiện diện gây bất ổn ở Trung Đông và là nhà tài trợ lớn nhất của chủ nghĩa khủng bố, trong khi vẫn tiếp tục phát triển các khả năng hạt nhân cho phép Tehran sản xuất vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, theo báo cáo, ‘Iran ngày nay không sở hữu võ khí hạt nhân’ và Mỹ ‘hiện tin rằng Iran không theo đuổi một võ khí hạt nhân.’

Triều Tiên cũng tiếp tục mở rộng khả năng hạt nhân và tên lửa để đe dọa các lực lượng Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong khu vực.

Chiến lược 2022 phần lớn là sự tiếp nối của Chiến lược Quốc phòng năm 2018 dưới thời cựu Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, vốn xoay trục cơ bản từ việc chủ yếu chống lại những kẻ cực đoan sang tập trung trước tiên vào một cuộc chiến tiềm tàng với một đối thủ cạnh tranh gần ngang hàng.

Năm ngoái, Hoa Kỳ đã kết thúc cuộc chiến kéo dài 20 năm ở Afghanistan. Hoa Kỳ vẫn còn một số quân ở Somalia, Iraq và Syria nhưng phần lớn đã chuyển khỏi các chiến dịch lớn chống khủng bố.

Chiến lược mới đòi hỏi nhiều tiến bộ hơn trong công nghệ từ võ khí siêu thanh đến trí tuệ nhân tạo. Bộ trưởng Austin cho biết ngân sách tài khóa 2023 bao gồm hơn 130 tỷ đô la cho nghiên cứu và phát triển quốc phòng, ngân sách nghiên cứu lớn nhất trong lịch sử của Bộ.

https://www.voatiengviet.com/a/chien-luoc-quoc-phong-moi-cua-my-trung-quoc-van-la-moi-de-doa-hang-dau/6810223.html

Trung Quốc: Hàng triệu người bị phong tỏa khi Bắc Kinh tăng cường hạn chế Covid-19

28 tháng 10 2022 – Yvette Tan –BBC News

Trung Quốc báo cáo ngày thứ ba liên tiếp có hơn 1.000 ca nhiễm
Chụp lại hình ảnh, Trung Quốc báo cáo ngày thứ ba liên tiếp có hơn 1.000 ca nhiễm

Hàng chục thành phố trên khắp Trung Quốc, bao gồm cả Vũ Hán, nơi virus corona lần đầu tiên được ghi nhận, đã rơi vào phong tỏa – khi đất nước theo đuổi chính sách zero-Covid của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình.

Hơn 800.000 người ở một quận của Vũ Hán được yêu cầu phải ở nhà cho đến ngày 30/10.Quảng cáo

“Chúng tôi cảm thấy chết lặng. Chúng tôi ngày càng cảm thấy tê liệt hơn”, một người dân địa phương nói với Reuters.

Thành phố Trịnh Châu, nơi có nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới, cũng bị ảnh hưởng.

Trung Quốc báo cáo ngày thứ ba liên tiếp có hơn 1.000 ca nhiễm.

Đầu tháng này, ông Tập ra hiệu rằng sẽ không nới lỏng chính sách zero-Covid, gọi nó là “cuộc chiến tranh nhân dân nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus”.

Tính đến ngày 24/10, khoảng 28 thành phố trên khắp cả nước đang thực hiện các biện pháp phong tỏa ở một số mức độ.

Trên khắp đất nước, khoảng 200 nơi đã bị phong tỏa trong những ngày gần đây – phần lớn trong số này là các cộng đồng bị đánh dấu là có nguy cơ cao hoặc trung bình.

Cư dân ở các khu vực khác nhau phải tuân theo các quy tắc khác nhau, tùy thuộc vào việc họ ở trong khu vực rủi ro thấp, trung bình hay cao.

Vũ Hán báo cáo có 25 ca nhiễm mới mỗi ngày trong tuần này, với hơn 200 ca trong hai tuần qua.

Tại Trịnh Châu, “một số ít nhân viên” của Foxconn – nhà sản xuất lớn cho Apple – bị “ảnh hưởng bởi đại dịch”, nhà sản xuất nói với BBC.

Đầu tuần này, việc học trực tiếp và ăn uống tại các nhà hàng đã bị tạm ngưng ở trung tâm miền nam Trung Quốc là tỉnh Quảng Châu – nơi báo cáo có 19 trường hợp nhiễm virus mới hôm thứ Năm (27/18).

China
Chụp lại hình ảnh, Một cộng đồng dân cư ở Thượng Hải bị đặt dưới tình trạng phong tỏa

Ngay cả các khu vực xa xôi hơn như Tây Tạng cũng bị ảnh hưởng, sau khi xuất hiện cảnh quay vào đầu tuần này cho thấy các cuộc biểu tình quy mô lớn hiếm hoi phản đối các biện pháp zero-Covid nghiêm ngặt ở thủ phủ Lhasa.

Thành phố này đã bị phong tỏa trong gần ba tháng khi chiến đấu với virus – các quan chức địa phương hôm thứ Năm cho biết tám trường hợp nhiễm Covid mới đã được báo cáo ở Lhasa.

Nhiều video trên mạng xã hội cho thấy hàng trăm người biểu tình và đụng độ với cảnh sát.

Họ được cho là chủ yếu là công nhân nhập cư gốc Hán.

Một người dân Lhasa xác nhận với BBC rằng cuộc biểu tình đã diễn ra trong thành phố hôm thứ Tư.

Mặc dù được coi là những đợt bùng phát tương đối nhỏ so với các nơi khác trên thế giới, Trung Quốc vẫn tuân thủ chính sách zero-Covid nghiêm ngặt, nơi các nhà chức trách cố gắng quét sạch các đợt bùng phát.

Việc tuân thủ chính sách được đưa ra bất chấp sự mệt mỏi và tức giận của công chúng ngày càng tăng về các đợt phong tỏa và hạn chế đi lại.

Kết quả là nền kinh tế của đất nước cũng bị ảnh hưởng – GDP giảm 2,6% trong ba tháng tính đến cuối tháng 6 so với quý trước.

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cx0ywnldj33o

(AFP) – Nga phải đối mặt với «cơn giận dữ lớn» nếu xóa bỏ thỏa thuận cho phép Ukraina xuất khẩu ngũ cốc. Đó là phát biểu của ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vào hôm qua 27/10/2022. Thỏa thuận ngũ cốc có thời hạn 4 tháng do Liên Hiệp Quốc đã ký với Matxcơva và Kiev hôm 22/07 cho phép ngũ cốc Ukraina trở lại thị trường thế giới. Trước đó, các cảng Ukraina bị chặn từ khi chiến tranh nổ ra ở nước này.

(AFP) – Nhật Bản dự tính mua tên lửa Tomahawk. Phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản hôm nay 28/10/2022 cho biết, Tokyo có ý định trang bị loại tên lửa này để chống lại các mối đe dọa ngày càng gia tăng trong khu vực, đặc biệt là từ Bắc Triều Tiên. Nếu hai bên thông qua thương vụ này, điều đó có thể gây ra tranh cãi ở một quốc gia có hiến pháp chủ hòa từ năm 1947 về việc hạn chế khả năng quân sự của xứ hoa anh đào.

(AFP) – Tập đoàn quân sự Miến Điện cảnh báo về những “hậu quả tiêu cực” nếu ASEAN tiếp tục gia tăng sức ép. Lãnh đạo ngoại giao của tập đoàn quân sự hôm qua 27/10 tuyên bố gây áp lực về lịch trình hành động sẽ ‘‘tiêu cực nhiều hơn tích cực’’. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang đe dọa sẽ có lập trường cứng rắn hơn đối với Miến Điện, nếu chính quyền quân sự không thực thi Thỏa thuận 5 điểm nhằm thoát khỏi khủng hoảng, trong đó có đối thoại với đối lập, và chấm dứt đàn áp.

(AFP) – AIEA sẽ khảo sát hai địa điểm của Ukraine bị nghi ngờ có bom bẩn ngay trong tuần. Tổng giám đốc AIEA Rafael Grossi hôm 27/10/2020 cho biết như trên, trong một phát biểu tại Liên Hiệp Quốc. Cơ quan này tái khẳng định đã kiểm tra một trong hai địa điểm ’’một tháng trước’’, nhấn mạnh rằng  “không có hoạt động hạt nhân nào được khai báo đã được tìm thấy ở đó’’. Nga gây áp lực để AIEA thanh tra trong thời hạn sớm nhất.

(Reuters) – Hoa Kỳ chuẩn bị viện trợ thêm 275 triệu đô la quân sự cho Ukraina. Một nguồn thạo tin cho biết vào hôm qua, 27/10/2022. Đạn dược và dàn pháo phản lực Himars, có khả năng tấn công sâu vào các vùng hậu cứ của Nga sẽ nằm trong số hàng dự kiến. Theo một nguồn tin gần gũi với hồ sơ này, đưa ra hôm qua 27/10.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20221028-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?