Vụ bắt bà Trương Mỹ Lan: Dân Sài Gòn hoang mang rút tiền, tìm chỗ đầu tư

 

SCB

NGUỒN HÌNH ẢNH,BẠN ĐỌC GỬI

Chụp lại hình ảnh,

Chi nhánh SCB trên đường Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp - tình trạng đông kịt người giao dịch, lực lượng dân phòng và cảnh sát trật tự phải đến để hỗ trợ giảm ùn tắc.

Song May

Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ TP.HCM

Thứ bảy 8/10/2022 dân Sài Gòn rần rần bàn tán, khi trên mạng tràn ngập tin bà Trương Mỹ Lan bị bắt và các chi nhánh ngân hàng SCB đông nghẹt khách rút tiền trước hạn.

Chiều 7/10 đến ngân hàng SCB ở đường Nguyễn Thông (quận 3) để mở tài khoản, tôi ngán ngẩm vì chờ đợi quá lâu. Các quầy giao dịch và các hàng ghế ngồi chờ đều kín khách, nhiều người phải đứng. Một vị khách nữ ngồi gần tôi cầm trên tay vài cuốn sổ tiết kiệm SCB với vẻ nôn nóng. Nhận một cuộc gọi từ ai đó, cô ấy nói khẽ: “Đông lắm, đang chờ gọi tất toán”.

Tôi vẫn thấy sự đông đúc của SCB chiều 7/10 bình thường vì hồi tháng 5/2022 đến ngân hàng này tôi cũng phải chờ đợi rất lâu. Từ năm 2019 đến nay, SCB nổi tiếng là ngân hàng có lãi suất tiền gửi cao nhất, nên hầu hết những ai không dám đầu tư chứng khoán hoặc bất động sản thì đều dồn tiền gửi ở đây.

Sáng 8/10 đọc thông tin về bà Trương Mỹ Lan bị tạm giam và SCB gần như “thất thủ” vì lượng khách hàng rút tiền tăng cao, tôi mới hiểu ra vẻ nôn nóng của vị khách hàng tại SCB Nguyễn Thông.

Chiều 8/10, một người bạn đưa lên FB ảnh chụp màn hình điện thoại và than phiền không thể truy cập vào app SCB. Một người khác nói app này đã bị sập từ lúc trưa.

Vẫn có khách gửi tiền ở SCB bình thản

Tuy nhiên, vài người tôi quen có tiền gửi tại SCB tỏ ra bình thản. Một bạn trên 50 tuổi (mới nghỉ hưu) nói: “Chỉ còn hai tuần là đáo hạn, kệ, đến hạn rồi tính tiếp! Hồi trước em gửi bên ACB cũng bị hai lần nghe tin sắp phá sản! Em cũng chẳng rút, và mọi việc rồi cũng ổn”.

Một cô cháu (trên 30 tuổi, buôn bán) tính: “Thứ ba tuần sau tới hạn, cháu mới lên rút vì rút trước mất lãi”. Một bạn thương gia bình thản: “Cả nhân viên lẫn mình đều có tiền gửi tại SCB. Bản thân mình không rút, đợi tới hạn. Ngân hàng Nhà nước không dám cho ngân hàng phá sản đâu”.

Đúng là chưa có ngân hàng nào phá sản ở Việt Nam, cho dù sếp cao nhất bị bắt, chẳng hạn như Đông Á Bank năm 2015 bị mua 0 đồng, đến nay vẫn hoạt động. Thông cáo báo chí của Ngân hàng Nhà nước chiều ngày 8/10 đã khẳng định sẽ theo dõi sát tình hình để ngân hàng hoạt động bình thường và có chính sách bảo đảm quyền và lợi ích của người gửi tiền, giữ vững ổn định của SCB và hệ thống các tổ chức tín dụng.

Bình luận về thông tin này, ông Lâm Minh Chánh – chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân – ngày 9/10 có bài viết 'Trả lời nhanh một số thắc mắc chung quanh vụ TVSI, SCB, AN ĐÔNG, VẠN THỊNH PHÁT' trên trang Facebook cá nhân'.

“…có rất nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ mua lại SBC với giá 0 đồng. Tức là ngân hàng Nhà nước dùng ngân sách quốc gia để gánh nợ do SCB gây ra, nhằm cứu người gởi tiền tại SCB và ổn định 'an ninh tài chính' của Việt Nam…,” ông Chánh viết.

SCB

NGUỒN HÌNH ẢNH,BẠN ĐỌC GỬI

Chụp lại hình ảnh,

Chi nhánh SCB trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp đông khách sáng nay (10/10), bảo vệ, dân phòng phải phụ giúp điều phối để tránh tình trạng ùn tắc trước ngân hàng

Nhà đầu tư cổ phiếu SCB và trái phiếu An Đông mới phải lo?

Có vẻ như người gửi tiền có kỳ hạn ở SCB không phải lo, nhưng người mua cổ phiếu chưa lên sàn của SCB và mua trái phiếu của công ty An Đông thì đang phát “sốt”.

Thông tin từ các báo cho hay dù chưa chính thức niêm yết, SCB vẫn bán cổ phiếu. Trong cuộc họp báo chiều 8/10, ông Hoàng Minh Hoàn - Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành ngân hàng SCB cho hay, tính đến ngày 30/9/2022, SCB có 4.132 cổ đông, trong đó 7 cổ đông nước ngoài, sở hữu 27,91% vốn điều lệ; cổ đông trong nước là 4.125 cổ đông, trong đó 11 cổ đông tổ chức sở hữu 15,7% vốn điều lệ và 4.114 cổ đông cá nhân, sở hữu 56,11% vốn điều lệ.

Còn công ty CP tập đoàn đầu tư An Đông trực thuộc tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã có ba đợt huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, với trị giá gần 25.000 tỷ đồng (khoảng 1 tỷ USD), các lô trái phiếu đều có kỳ hạn 5 năm, đáo hạn ngày 10/9/2023 và 22/1/2024, theo Thanh Niên ngày 9/10.

Cũng trong cuộc họp báo chiều 8/10, được Tiền Phong đưa tin, ông Võ Minh Tuấn - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh TPHCM - khẳng định, khi người dân gửi tiền ngân hàng thì tiền gửi là tài sản và được bảo đảm quyền lợi, lợi ích hợp pháp khi rút tiền. Với nhà đầu tư trái phiếu, người có trách nhiệm trả tiền đầu tư là công ty phát hành trái phiếu, cụ thể ở đây là công ty CP tập đoàn đầu tư An Đông.

Trả lời một bạn đọc về nỗi lo vì đã mua trái phiếu của công ty chứng khoán Tân Việt (TVSI) thông qua ngân hàng SBC giới thiệu, chuyên gia Lâm Minh Chánh thẳng thắn: “Về trái phiếu doanh nghiệp, hầu như nhà nước chưa từng hỗ trợ cho khách hàng nào”

Cũng trong bài báo của Thanh Niên, TS. Đinh Thế Hiển trả lời: “Riêng về trái phiếu doanh nghiệp, những công ty đại chúng đã niêm yết trên sàn chứng khoán thường chỉ phát hành trái phiếu có lãi suất dao động từ 8 - 9%/năm thì cũng khá an toàn. Còn những công ty không đại chúng đẩy lãi suất lên cao hơn, từ 12 - 15%/năm thì rủi ro cao hơn. Nhà đầu tư chọn mua trái phiếu để hưởng lãi suất cao cũng phải chịu rủi ro cao hơn gửi tiết kiệm. Đó là nguyên tắc thị trường."

"Riêng đối với các trái chủ của An Đông, đây là một doanh nghiệp khá lớn nằm trong hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát nhưng không phải là công ty đại chúng, không niêm yết nên rủi ro khá cao. Sau khi ban lãnh đạo bị bắt tạm giam, trường hợp công ty phá sản thì các trái chủ sẽ là đối tượng sau cùng được nhận tiền, sau khi đã xử lý nợ theo trình tự ưu tiên như nợ ngân hàng, công nhân viên, nhà nước. Do đó, nếu như tài sản của An Đông vẫn còn để trả nợ thì trái chủ vẫn mất từ 10 - 50% số tiền đã mua trái phiếu.”

Trong số những người tôi quen, không ai đầu tư mua cổ phiếu SCB, trái phiếu TVSI hay trái phiếu An Đông. Một bạn coi việc đầu tư chứng khoán là nghề chính trong khoảng 4 năm nay nói với tôi: “Cổ phiếu chưa niêm yết trên sàn là em không bao giờ mua!”

Một bài học chưa cũ: sau khi nhà nước mua ngân hàng Đông Á với giá 0 đồng, kể từ ngày 14/8/2015, cổ đông của ngân hàng này bị cấm chuyển nhượng cổ phiếu EAB. Tháng 3/2021, cổ phiếu này được tìm mua trên sàn OTC với giá 2.000 đồng/cổ phiếu, bằng 20% mệnh giá, thấp nhất thị trường và cũng có cổ đông rao bán chui với giá 8.000 đồng/cổ phiếu nhưng không có giao dịch, theo Dân Trí.

SCB

NGUỒN HÌNH ẢNH,BẠN ĐỌC GỬI

Chụp lại hình ảnh,

Chi nhánh SCB trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp đông khách sáng nay (10/10), bảo vệ, dân phòng phải phụ giúp điều phối để tránh tình trạng ùn tắc trước ngân hàng

Có tiền giờ hoang mang tìm kiếm kênh đầu tư

Trong nhiều năm nay, cách đầu tư phổ biến nhất mà hàng xóm và người quen của tôi thường chọn là mua thêm một căn nhà để cho thuê – nhà trong chung cư hoặc nhà phố. Trước đại dịch, việc cho thuê cũng ổn vì Sài Gòn có nhiều du khách quốc tế, nhưng hiện nay, lượng khách giảm, lợi nhuận thu được hằng năm so với vốn đầu tư là rất thấp

Cách phổ biến thứ hai là đem tiền gửi tiết kiệm ngân hàng. Người kỹ tính thường chia nhỏ nhiều khoản để gửi vài ngân hàng khác nhau, đúng kiểu “không bỏ trứng vào một giỏ”. Tuy nhiên, cứ vài năm lại xảy ra chuyện một đại gia ngân hàng nào đó bị bắt, bị kết tội… thì e rằng ngân hàng nào ở Việt Nam cũng có rủi ro tiềm ẩn

Mặt khác, vài năm nay, vào bất cứ ngân hàng nào, nhân viên tư vấn cũng mời chào đủ thứ: mua chứng chỉ quỹ đầu tư, mua trái phiếu (như SCB chào bán trái phiếu TVSI), mua bảo hiểm nhân thọ… Ai ham lời và chịu liều, nghe nhân viên tư vấn quảng cáo lãi suất của trái phiếu hoặc chứng chỉ quỹ đầu tư cao hơn lãi suất ngân hàng thì ắt khó cầm lòng. Hoặc ai lớn tuổi, lắm bệnh tật, nghe rao: “Chỉ cần gửi ngân hàng 25 triệu đồng một năm là được gói bảo hiểm sức khỏe có mức tối đa trị giá 200 triệu đồng”… khó mà bỏ qua.

Ngân hàng đang trở thành kênh dẫn khách cho các công ty đầu tư tài chính, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm nhân thọ… mà trách nhiệm chẳng rõ như thế nào nếu chẳng may những khoản lãi (hoặc ưu đãi khám chữa bệnh) mà họ hứa hẹn với khách hàng không đúng hoặc bị xù.

Số ít người quen của tôi chọn đầu tư chứng khoán, nhưng kênh đầu tư này đang ảm đạm. Sáng 9/10, một chị bạn thừa nhận: “Chị đang lãi 45% giờ chỉ còn 4% thôi, vài hôm nữa chắc âm quá”. Một anh bạn khác xác định: Âm là chắc luôn. Anh bạn kể: “Năm 2020 tôi chơi lại chứng khoán sau 7 năm gián đoạn, ăn liên tục một năm trời, có lúc lãi lên đến 60%... rồi thị trường xuống từ từ, một tháng nay xuống đùng đùng, không biết đâu là đáy, tiền lời cũng hết sạch rồi”.

Anh bạn vốn cẩn thận, không mua theo phong trào mà có nghiên cứu, cũng không vay nợ để chơi, tự nhận đến giờ chưa lỗ là may. Anh thổ lộ: “Giờ chỉ còn cách đầu tư vào ngôi nhà mình đang ở, có lời là bán đi mua nhà khác, rồi lại đầu tư, rồi lại bán… coi bộ chắc ăn hơn!”.

Sau cùng, anh kết luận: “Kiếm tiền chưa bao giờ là việc dễ dàng. Gửi ngân hàng cũng sợ, cho bạn bè người thân mượn tiền… cũng chết, mất luôn bạn, mất luôn bà con. Đã né hết các loại tiền ảo, chỉ chơi chứng khoán trên sàn chính thức vì được nhà nước bảo vệ…mà thấy coi bộ cũng không được, chẳng hạn như ai có cổ phiếu của FLC sau khi đại gia Quyết bị bắt đang khóc ròng vì bị cấm giao dịch không biết đến bao giờ”.

Có một câu hỏi anh đặt ra mà tôi nghĩ ai cũng muốn có câu trả lời: “Sau khi bắt các đại gia, thanh lý tài sản khủng của các công ty, ngân hàng của họ… thì tài sản đó đi về đâu, rơi rụng vào tay ai? Những cổ đông của Đông Á Bank, của FLC… có lấy lại được tiền của họ không?”.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Tim đập nhanh gấp 3 lần bình thường, người phụ nữ trẻ phải đi cấp cứu