Đại tướng Tô Lâm: nhân vật trung tâm sau khi ông Vương Đình Huệ mất chức
Chính trường Việt Nam đang chứng kiến một thời kỳ xáo trộn khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ được Trung ương Đảng Cộng sản cho thôi chức, chỉ hơn một tháng sau khi cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bị miễn nhiệm.
Trong bối cảnh này, một số nhà phân tích cho rằng công cuộc đấu đá nội bộ trước Đại hội Đảng lần thứ 14 (dự kiến diễn ra vào tháng 1/2026) sẽ ngày càng tăng nhiệt, trong đó Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã trở nên quyền lực hơn.
“Việc ông Vương Đình Huệ bị mất chức đã khiến khả năng Bộ trưởng Công an Tô Lâm trở thành Tổng Bí thư càng cao hơn. Ông ta đã nhanh chóng sử dụng sức mạnh của Bộ Công An để nhắm vào các đối thủ chính trị của mình,” Giáo sư Zachary Abuza từ trường National War College, Đại học National Defense (Mỹ) nhận định với BBC News Tiếng Việt ngày 26/4.
Giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an từ năm 2016, ông Tô Lâm, 66 tuổi, là người thực thi chính trong chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, 80 tuổi.
Chỉ tính riêng năm ngoái đã có ít nhất 459 đảng viên bị kỷ luật vì tham nhũng.
Tháng trước, ông Võ Văn Thưởng đã trở thành chủ tịch nước thứ hai từ chức trong vòng chưa đầy một năm sau khi người tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc nhận “trách nhiệm chính trị” về “những vi phạm và thiếu sót” liên quan đến hai vụ án tham nhũng.
Không lâu sau khi ông Thưởng từ chức, ông Lâm đã kêu gọi các cơ quan “tăng cường” điều tra các vụ tham nhũng lớn và tiếp tục giảm 5% tội phạm “trật tự xã hội”.
“Mọi ánh mắt đều đổ dồn vào ông Lâm. Điều ông ta có mà các đối thủ không có là quyền điều tra rộng lớn của Bộ Công an.”
“Ông ta có thể đào sâu vào các giao dịch kinh doanh của bất kì ai, mà tất cả các lãnh đạo cấp cao đều có giao dịch kinh doanh. Ông ta có thể nhìn vào cuộc sống cá nhân của họ,” Giáo sư Abuza giải thích.
Ứng viên sáng giá?
Một bài phân tích mới đây của Bloomberg cho rằng ông Tô Lâm được đánh giá là ứng cử viên sáng giá kế nhiệm cho vị trí của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đang có vấn đề về sức khỏe.
Tên của Đại tướng Tô Lâm cũng một lần nữa được nhắc đến như một khả năng cho chức vụ Chủ tịch nước sau khi ông Võ Văn Thưởng từ chức vào tháng trước vì những vi phạm không xác định, dù không rõ ông Lâm có muốn đảm nhận chức vụ chủ yếu mang tính nghi thức này hay không.
Trả lời BBC, ông Carl Thayer, giáo sư danh dự của Đại học New South Wales (Úc), nhận định nếu ông Tô Lâm được bầu làm Chủ tịch nước, "một cánh cổng số hai sẽ phải mở ra, để ông ấy tiếp tục phục vụ thêm một nhiệm kì 5 năm nữa”.
“Trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội, số phiếu bầu tín nhiệm cao cho ông Tô Lâm nếu so với những người nhận nhiều phiếu nhất trong gần 500 thành viên Quốc hội thì kém 100 phiếu. Và nếu xét những người nhận nhiều phiếu tín nhiệm thấp nhất, ông Tô Lâm xếp thứ 43,” ông dẫn chứng.
Theo chuyên gia này, kết quả phiếu bầu cho thấy có những người thực sự lo ngại về ông Tô Lâm, nên ông này là một ứng viên gây chia rẽ.
“Đảng Cộng sản Việt Nam thường muốn hướng tới sự ổn định và đồng thuận, điều này gây bất lợi cho ông ta,” Giáo sư Thayer nhận định.
Theo nhà quan sát lâu năm về chính trị Việt Nam, khả năng cao là Thường trực Ban bí thư Trương Thị Mai sẽ ngồi vào chiếc ghế chủ tịch nước thay ông Thưởng, phục vụ đến tháng 5/2026 rồi nghỉ hưu.
Giáo sư Abuza cho rằng ông Tô Lâm “không sạch sẽ hơn các nhà lãnh đạo khác”.
Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam cũng từng dính vào vụ bê bối khi video ông ăn bò dát vàng do đích thân bếp nổi tiếng "Thánh rắc muối" Salt Bae phục vụ tại nhà hàng ở London (Anh) vào năm 2021.
Theo công bố của Chính phủ Việt Nam, lương bộ trưởng Công an tính tới năm 2020 là 16,64 triệu đồng/tháng, trong khi mỗi phần bò này có giá hơn 850 bảng Anh (gần 27 triệu đồng), chưa tính 15% phí phục vụ và các món ăn kèm. Cả ông Tô Lâm và Chính phủ Việt Nam đều chưa từng bình luận về video này.
“Cách phòng thủ tốt nhất của ông ta là tấn công và rõ ràng là ông ta đã tham gia vào chiến dịch đốt lò của ông Trọng. Ông ấy đã hạ gục hết nhà lãnh đạo này tới nhà lãnh đạo khác, doanh nhân này nối tiếp doanh nhân khác, và ông ta thực sự đang ở một vị trí không thể bị tấn công,” Giáo sư Abuza nói với BBC.
Tuy nhiên, cũng theo Giáo sư Abuza, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hiện nay vẫn là người có quyền lực và ảnh hưởng đáng kể. Nếu Ủy ban Kiểm tra Trung ương bắt đầu cuộc điều tra về ông Tô Lâm thì bản thân ông cũng không thể ngăn cản việc đó. Mặc dù vậy, chuyên gia này cho rằng một cuộc điều tra ông Lâm sẽ không xảy ra vào lúc này.
Trong một diễn biến khác, vào năm 2017, ông Tô Lâm từng có chuyến công du tới Slovakia. Bộ Nội vụ nước này sau đó đã quan ngại việc chuyến thăm có thể bị "lợi dụng" cho những mục đích vượt ra ngoài phạm vi hợp tác và hữu nghị song phương.
Vụ việc diễn ra sau khi truyền thông Đức nói rằng Slovakia "có thể đã có dính líu" vào vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh hồi 7/2017 tại Berlin.
Chính phủ Đức khẳng định, sau 11 tháng đến Đức xin tỵ nạn, ông Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt cóc tại Berlin vào ngày 23/7/2017 để đưa về Việt Nam.
Theo tài liệu của tòa án Đức, ông Thanh sau đó đã được đưa sang Slovakia, và đi cùng ông trên chiếc máy bay đang chờ là Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam, một ngôi sao đang lên trong Đảng Cộng sản cầm quyền: Tô Lâm.
Ông Lâm chưa công khai thừa nhận có liên quan đến vụ việc. Nhà chức trách Việt Nam thì luôn khẳng định rằng ông Trịnh Xuân Thanh đã chủ động về "đầu thú" tại Việt Nam.
Sau khi bị đưa về Việt Nam, ông Trịnh Xuân Thanh đã nhiều lần phải ra tòa và lãnh hai án chung thân.
Vụ bắt cóc đã gây ra căng thẳng ngoại giao, khi Đức tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với quốc gia Đông Nam Á, gọi vụ bắt cóc là “sự vi phạm trắng trợn và chưa từng có” đối với luật pháp Đức và quốc tế.
Slovakia cũng được cho là đã đe dọa đóng băng quan hệ với Việt Nam một thời gian vì vụ việc này.
Đại tướng Tô Lâm là ai?
Ông Tô Lâm sinh ngày 10/7/1957 tại Xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Sự nghiệp của ông Lâm trong ngành công an Việt Nam đến nay đã kéo dài 5 thập niên.
Ban đầu, ông là học viên của Học viên Đại học An ninh nhân dân vào năm 1974 rồi trở thành cán bộ Cục Bảo vệ Chính trị I, Bộ Công an vào năm 1979.
Ông Lâm chính thức được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1982, thăng tiến qua các cấp bậc để trở thành ủy viên Bộ Chính trị vào năm 2016, và tiếp tục thêm một nhiệm kỳ ủy viên Bộ Chính trị nữa vào năm 2021.
Tháng 4/2016, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam cho đến nay.
Ông Lâm được thăng cấp đại tướng vào năm 2019 khi Tổng Bí thư Trọng kiêm thêm chức chủ tịch nước sau cái chết của Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào năm 2018.
Năm 2017, ông Lâm xuất bản cuốn sách 471 trang nhan đề: Quần chúng nhân dân - Nhân tố quyết định thắng lợi cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hợp tác kinh tế quốc tế và áp dụng các bài học về mô hình an ninh quốc gia của Trung Quốc như phương tiện bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Năm 2021, ông Tô Lâm trở thành Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Trong cùng năm, video quay cảnh ông Lâm ăn món bò dát vàng xa hoa do đích thân đầu bếp nổi tiếng "Thánh rắc muối" Salt Bae phục vụ đã khiến dư luận trong nước sục sôi.
Trong quá trình ông Lâm làm Bộ trưởng Công an, thứ hạng của Việt Nam về Chỉ số nhận thức tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã được nâng lên từ vị trí thứ 113 năm 2016 lên vị trí thứ 83 vào năm 2023.
Bộ của ông cũng soạn thảo một nghị định an ninh mạng gây tranh cãi, khi yêu cầu các công ty nước ngoài lưu trữ dữ liệu và mở văn phòng ở Việt Nam để nắm chủ quyền trên dữ liệu của người Việt Nam và có quyền tài phán đối với các công ty này.
Dưới thời ông Lâm đứng đầu ngành công an, nhiều nhà hoạt động dân chủ, môi trường đã bị bắt. Hoạt động của các tổ chức phi chính phủ được đánh giá là bị siết chặt.
Nhận xét
Đăng nhận xét