Cuộc đua giành miếng bánh 100.000 tỷ USD từ những người giàu nhất thế giới
15:25 | 10/09/2023
Cơ hội khổng lồ
Giới siêu giàu thuê rất nhiều người để phục vụ cuộc sống của họ. Người làm vườn để cắt tỉa cây cỏ, người giúp việc dọn dẹp nhà cửa, bảo mẫu chăm lo cho trẻ con. Tuy nhiên, có lẽ không công việc nào quan trọng bằng vai trò của người quản lý tài sản, đó là bảo vệ tiền cho các ông bà chủ.
Các nhà cố vấn này hoạt động tại nhiều nơi như thành phố New York và Geneva, và được thuê với tư cách là người nhận ủy thác, tức là họ phải hành động vì lợi ích của khách hàng. Những người giàu có và nổi tiếng kể bí mật cho những vị cố vấn này để được nhận lời khuyên về đủ loại vấn đề, ví dụ như nên phân chia tài sản thừa kế cho một đứa con ngoài giá thú thế nào.
Những nhà cố vấn cũng giúp các gia đình phân bổ khoản đầu tư, cất giấu tiền mặt vào các hầm trú ẩn, lên kế hoạch nghỉ hưu, sắp xếp để chuyển giao khối tài sản khổng lồ cho con cháu và đáp ứng những nguyện vọng khác thường. Một nhà quản lý tài sản ở Singapore kể với tờ Economist rằng một khách hàng của ông yêu cầu đầu tư hơn 10% của cải gia đình vào “ngựa nòi”.
Trong hàng thập kỷ, quản lý tài sản là một lĩnh vực ngách, bị coi thường bởi những bộ phận khác của ngành tài chính. Nhưng giờ quản lý tài sản lại là lĩnh vực kinh doanh hấp dẫn nhất của tài chính. Các quy định về vốn và thanh khoản được đặt ra sau khủng hoảng tài chính 2007-2009 đã khiến việc vận hành các hoạt động quy mô lớn trở nên khó khăn và đắt đỏ, ví dụ như cho vay hay giao dịch chứng khoán.
Trong khi đó, cung cấp lời khuyên thì hầu như không cần đến vốn. Biên lợi nhuận dành cho những công ty có quy mô tương đối trong ngành quản lý tài sản thường ở mức 25%. Khách hàng gắn bó với các nhà cố vấn mà họ tin cậy, mang đến doanh thu ổn định và dễ đoán. Mức phí thông thường cho một nhà quản lý tài sản là 1% tài sản của khách, thu thường niên.
Điểm hấp dẫn khác của quản lý tài sản là tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Trong 20 năm qua, nền kinh tế thế giới đã tăng trưởng ở mức tạm ổn là 3%/năm. Nhưng tốc độ tăng của của cải thì lớn gấp hàng chục lần. Trong giai đoạn 2000-2020, của cải tăng từ 160.000 tỷ USD (gấp 4 lần sản lượng kinh tế toàn cầu) lên 510.000 tỷ USD (gấp 6 lần GDP thế giới).
Tuy phần lớn của cải gắn liền với bất động sản và những tài sản khác, lượng tài sản có tính thanh khoản tốt vẫn rất lớn, chiếm 25% tổng số. Công ty tư vấn Bain ước tính rằng lượng của cải có thanh khoản tốt sẽ tăng gần gấp đôi từ hơn 130.000 tỷ USD lên 230.000 tỷ USD vào năm 2030.
Nhờ đó, các nhà quản lý tài sản sẽ có cơ hội kiếm tiền từ khối của cải trị giá 100.000 tỷ USD này. Bain ước tính doanh thu của ngành quản lý tài sản toàn cầu sẽ tăng từ 255 lên 510 tỷ USD.
Những tay chơi lớn
Cuộc đua giữa các nhà quản lý tài sản sẽ được định hình bởi khu vực địa lý, nhân khẩu học và công nghệ. Các công ty quản lý tài sản lớn nhất đang cố gắng mở rộng khu vực hoạt động để phục vụ cho các gia tộc giàu có ở châu Á và Mỹ Latinh.
Công nghệ giúp làm giảm bớt những thách thức từng cản trở các nhà quản lý tài sản, cho phép họ phục vụ nhiều khách hàng với chi phí thấp hơn và giúp các công ty tự động hóa quá trình thu nhận khách hàng mới.
Những tiến bộ này sẽ cho phép các ngân hàng phục vụ cả những người “giàu bình thường” lẫn giới siêu giàu. Các doanh nghiệp đang mở rộng nhóm đối tượng phục vụ, từ những người có hàng triệu USD để đầu tư tới những người chỉ có khoảng 100.000 USD.
Công ty nào sẽ giành được phần thưởng 100.000 tỷ USD? Hiện tại, ngành quản lý tài sản đang bị phân mảnh. Các ngân hàng địa phương như BTG ở Brazil chiếm thị phần lớn trong nước. Các nhà băng lớn trong từng khu vực cũng sở hữu miếng bánh lớn, bao gồm Bank of Singapore và DBS ở châu Á.
Chỉ một số ít tổ chức tài chính cạnh tranh thực sự trên quy mô toàn cầu, bao gồm Goldman Sachs và JPMorgan Chase. Nhưng hai tay chơi lớn nhất là Morgan Stanley và UBS. Morgan Stanley hiện giờ quản lý khoảng 6.000 tỷ USD cho khách hàng, hơn UBS 500 tỷ USD.
Khi Willie Sutton, một tên trộm nổi tiếng ở Mỹ, được hỏi về lý do chọn cướp của ngân hàng, ông ta trả lời đơn giản “vì đó là nơi có tiền”. Đây cũng là lời giải đáp hữu ích cho việc các công ty Phố Wall đang gắng sức chạy đua để giành lấy cơ hội 100.000 tỷ USD trong lĩnh vực quản lý tài sản.
Nhận xét
Đăng nhận xét