Có gì trong báo cáo nhân quyền của LHQ khiến Việt Nam phản ứng?

 Nguyễn Lân Thắng,

Chụp lại hình ảnh,Các nhà hoạt động nhân quyền và blogger hiện đang bị chính quyền Việt Nam giam giữ. Hàng trên từ trái sang phải: Hoàng Thị Minh Hồng, Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Đoan Trang. Hàng dưới: Phạm Chí Dũng, Cấn Thị Thêu, Nguyễn Lân Thắng

Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc vừa công bố báo cáo mới nhất về tình hình nhân quyền tại Việt Nam trong giai đoạn bốn năm qua.

Báo cáo này là bản tổng hợp dựa trên các báo cáo đệ trình từ những bên có liên quan khác (gồm cả các tổ chức xã hội dân sự) trước kỳ kiểm điểm nhân quyền phổ quát (UPR) chu kỳ 4 đối với Việt Nam vào ngày 7/5/2024 tại Geneva.

Trước đó, hôm 11/4, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã "bày tỏ sự thất vọng vì báo cáo riêng của các cơ quan Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam theo cơ chế UPR chu kỳ 4 có nhiều nội dung sai sự thật, không kiểm chứng".

Tuy nhiên, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam không nói cụ thể những nội dung đó là gì.

Báo cáo của LHQ nói gì?

Trụ sở tòa án tại Việt Nam

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,Tình hình nhân quyền Việt Nam năm qua được giới bảo vệ nhân quyền quốc tế nhận định là "u ám"

Một số nội dung chính trong báo cáo của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc về tình hình nhân quyền của Việt Nam trong thời gian qua:

  • Việt Nam đã không gia hạn lời mời đối với báo cáo viên đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền LHQ. Một số yêu cầu thăm Việt Nam của báo cáo viên đặc biệt của LHQ vẫn chưa được phía Việt Nam hồi đáp. Báo cáo viên đặc biệt về quyền phát triển đã đến thăm Việt Nam từ ngày 6-15/11/2023.
  • Án tử hình vẫn được áp dụng tại Việt Nam đối với 18 tội danh, bao gồm các tội liên quan đến ma túy. Dữ liệu về các bản án tử hình và các vụ hành quyết được coi là bí mật nhà nước. LHQ khuyến nghị Việt Nam tạm dừng thi hành án tử hình và sửa đổi Bộ luật Hình sự để giảm hơn nữa số tội danh có thể áp dụng hình phạt tử hình, nhằm xóa bỏ hình phạt tử hình đối với tất cả các tội. LHQ cũng khuyến nghị Việt Nam công khai dữ liệu về tất cả các tội phạm tử hình.
  • LHQ khuyến nghị Việt Nam thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để xóa bỏ tra tấn và ngược đãi. Ủy ban chống tra tấn của LHQ bày tỏ quan ngại sâu sắc về các báo cáo về tình trạng tra tấn và ngược đãi tràn lan, đặc biệt là trong thời gian tạm giam trước khi xét xử, đôi khi dẫn đến tử vong trong khi bị giam giữ.
  • Ủy ban Nhân quyền LHQ bày tỏ quan ngại về việc Việt Nam sử dụng thuật ngữ hết sức mơ hồ trong luật chống khủng bố, đặc biệt là tội “Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” tại Điều 113 Bộ luật Hình sự, vốn có phạm vi rộng và có thể dẫn đến bắt giữ và kết tội tùy tiện. Ủy ban khuyến nghị Việt Nam đảm bảo rằng luật chống khủng bố hoàn toàn phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và chỉ giới hạn ở những tội rõ ràng có thể coi là hành động khủng bố và định nghĩa những hành động đó một cách chính xác và chặt chẽ.
  • Ít nhất 150 nhà báo độc lập, những người bảo vệ nhân quyền và các nhà hoạt động dân chủ, đất đai và tôn giáo vẫn bị giam giữ vì thực thi một cách ôn hòa các quyền cơ bản của họ về các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, quyền của người thiểu số và phát triển dân chủ. Nhiều người đã bị giam giữ và kết án tù dài hạn theo những quy định mơ hồ của Bộ luật Hình sự. Nhóm quốc gia của Liên Hợp Quốc khuyến nghị Việt Nam bãi bỏ các điều khoản của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự không phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế và trả tự do ngay lập tức cho tất cả những người bị giam giữ tùy tiện vì thực hiện các quyền tự do cơ bản của họ một cách ôn hòa.
  • Trong khi Bộ luật Tố tụng Hình sự có các nguyên tắc như suy đoán vô tội, tiếp cận luật sư,v.v.., thì hệ thống tư pháp Việt Nam nhìn chung vẫn mang tính chất thẩm tra. Bộ luật Tố tụng Hình sự cũng hạn chế thủ tục tố tụng hợp pháp, cho phép biệt giam cá nhân bị cáo buộc phạm tội về an ninh quốc gia trong thời gian dài mà không cần xét xử hoặc không được tiếp cận luật sư bào chữa.
  • Quyền tự do ngôn luận và tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin vẫn bị hạn chế. Nhiều tội liên quan đến phát ngôn có thể phải chịu án tù dài hạn theo Bộ luật Hình sự. Luật Báo chí năm 2016 vẫn đặt báo chí dưới sự quản lý của Nhà nước và Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công dân. Luật An ninh mạng năm 2018 hạn chế quyền tự do ngôn luận trên mạng bằng những điều khoản mơ hồ, không xác định rõ những gì có thể vi phạm “lợi ích quốc gia” hay “truyền thống tốt đẹp”.

Chuyên gia nhân quyền quốc tế nói gì?

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á của HRW

NGUỒN HÌNH ẢNH,PHIL ROBERTSON

Chụp lại hình ảnh,Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á của HRW

Trước phản ứng của Việt Nam, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Nhân quyền Quốc tế (HRW), nói rằng ông “hoàn toàn không ngạc nhiên”.

“Toàn bộ phản ứng của Hà Nội đối với UPR có thể tóm gọn trong một từ, đó là phủ nhận. Ở mỗi bước của quá trình này, chính phủ Việt Nam đều phủ nhận những hành vi lạm dụng, tấn công những người chỉ trích và làm các vấn đề nhân quyền trong nước trở nên u ám."

“Chính phủ Việt Nam rõ ràng tin rằng họ có thể làm giảm sức mạnh các chỉ trích từ Liên Hợp Quốc bằng sự kết hợp giữa sự kiêu căng và phản bác, vì vậy có thể thấy rằng phản ứng này là một phản ứng cố ý, mang tính chiến lược của các nhà lãnh đạo tại Hà Nội nhằm làm dịu những chỉ trích mà họ, rốt cuộc, sẽ nghe tại Geneva,” ông Robertson cho hay.

Ông Robertson nói rằng sẽ có rất nhiều vấn đề nhân quyền được đề cập tại phiên họp UPR với Việt Nam tại Geneva.

Ông khuyến nghị chính phủ các nước nên tập trung sự chú ý vào “những nỗ lực có hệ thống của Hà Nội nhằm bóp nghẹt các quyền tự do dân sự và chính trị, như tự do ngôn luận, lập hội và biểu tình ôn hòa”.

Theo ông, những điều này mâu thuẫn trực tiếp với nghĩa vụ của chính phủ Việt Nam với tư cách là quốc gia phê chuẩn Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị.

Ông nhận định rằng chính phủ Việt Nam đã ưu tiên bắt giữ và bỏ tù những người chỉ trích, với hàng chục trường hợp các nhà hoạt động và bất đồng chính kiến bị đưa vào tù trong bốn năm qua kể từ phiên họp UPR gần đây nhất về Việt Nam.

“Nói thẳng ra, thực sự không có diễn biến tích cực nào về nhân quyền ở Việt Nam trong năm qua. Thay vào đó, ngày càng có nhiều sự đe dọa và bắt giữ những người chỉ trích, luật pháp hà khắc hơn và một cuộc truy quét rộng rãi hơn đối với các nhà hoạt động môi trường và các nhóm xã hội dân sự."

“Chính phủ Việt Nam thực sự đã tập trung vào việc đối phó với các chỉ trích trên mạng về các chính sách và hoạt động của họ, vì vậy việc đăng bài trên Facebook thậm chí cũng trở nên nguy hiểm. Tóm lại, năm nay đã là một năm rất tồi tệ đối với nhân quyền tại Việt Nam,” ông Phil Robertson nói với BBC News Tiếng Việt.

Cơ chế kiểm điểm Định kỳ Phổ quát là gì?

Bốn nhà hoạt động (từ trái qua): Mai Phan Lợi, Đặng Đình Bách, Bạch Hùng Dương, Ngụy Thị Khanh cùng chịu án tù. Trong số này, bà Khanh và ông Lợi đã được trả tự do.
Chụp lại hình ảnh,Bốn nhà hoạt động (từ trái qua): Mai Phan Lợi, Đặng Đình Bách, Bạch Hùng Dương, Ngụy Thị Khanh cùng chịu án tù. Trong số này, bà Khanh và ông Lợi đã được trả tự do.

Theo Ủy ban Luật gia Quốc tế, thông qua một cơ chế gọi là Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát, Hội đồng Nhân quyền LHQ kiểm điểm, trên cơ sở định kỳ, việc mỗi thành viên trong số 193 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc thực thi các nghĩa vụ và cam kết nhân quyền của họ.

Bản kiểm điểm một nhà nước căn cứ vào ba tài liệu: một báo cáo quốc gia do Nhà nước bị kiểm điểm nộp; một hồ sơ thông tin của Liên Hợp Quốc về nhà nước đó, do Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) soạn thảo; và một bản tóm tắt các thông tin được nộp từ những bên có liên quan khác (gồm cả những người hoạt động xã hội dân sự), cũng được OHCHR chuẩn bị.

Bản thân cuộc kiểm điểm diễn ra tại Geneva trong một phiên họp của Nhóm Làm việc về UPR, bao gồm 47 quốc gia thành viên của Hội đồng Nhân quyền.

Kiểm điểm có hình thức một cuộc đối thoại tương tác kéo dài ba tiếng rưỡi giữa nhà nước được kiểm điểm và các nước thành viên, quan sát viên của Hội đồng.

Một vài ngày sau buổi đối thoại tương tác, Nhóm Làm việc sẽ thông qua bản báo cáo của cơ chế này.

Một hồ sơ đầu ra cuối cùng, chứa báo cáo của nhóm làm việc và quan điểm của quốc gia bị kiểm điểm về các khuyến nghị được đưa ra, sẽ được thông qua vào phiên họp toàn thể tiếp sau đó của Hội đồng Nhân quyền, vài tháng sau kỳ kiểm điểm.

Tại phiên họp định kỳ, tiếp sau việc Hội đồng Nhân quyền thông qua hồ sơ đầu ra UPR là đến phiên thảo luận chung về kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát. Đôi khi, các nhà nước được kiểm điểm theo cơ chế UPR sẽ cung cấp thông tin cập nhật về tiến bộ họ đạt được trong việc thực hiện các cam kết mà họ từng đưa ra và những khuyến nghị mà họ từng chấp thuận trong quá trình bị kiểm điểm theo cơ chế UPR.

Mỗi kỳ UPR được tiến hành sau mỗi 4 năm.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tin Xã Hội - https://kienthuc.net.vn

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?