Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từ chức: thêm một cơn địa chấn chính trị
Trong vòng 17 tháng qua, Việt Nam đã có hai phó thủ tướng, hai chủ tịch nước, một trưởng ban Kinh tế Trung ương và một chủ tịch Quốc hội bị mất chức.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trở thành ủy viên thứ 5 trong Bộ Chính trị bị mất chức kể từ tháng 12/2022.
Hôm 26/4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đồng ý cho Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, Chủ tịch Quốc hội khóa 15, nhiệm kỳ 2021-2026.
Cũng như ông Võ Văn Thưởng, thông báo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng sau cuộc họp ngày 26/4 không cho biết ông Huệ “chịu trách nhiệm người đứng đầu” do sai phạm nào và của ai.
Cả ông Võ Văn Thưởng và ông Vương Đình Huệ trước đó đều được một số nhà quan sát chính trị nói với BBC là hai ứng viên sáng giá cho vị trí tổng bí thư kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng sau Đại hội Đảng lần thứ 14.
Như vậy, "Tứ Trụ" đã trở thành "Nhị Trụ" với hai vị trí trống là chủ tịch nước và chủ tịch quốc hội.
Bộ Chính trị khóa 13 đầu khóa có 18 người, nay thêm sự ra đi của ông Huệ, con số này chỉ còn 13, hao hụt mất năm người.
'Chưa từng có tiền lệ'
Giáo sư Zachary Abuza từ trường National War College, Đại học National Defense (Mỹ), đánh giá với BBC News Tiếng Việt vào ngày 26/4 rằng chính trường Việt Nam chứng kiến một thời kỳ xáo trộn chính trị "chưa từng có tiền lệ".
"Trong 30 năm theo dõi chính trị Việt Nam, tôi chưa từng thấy thời kỳ nào mà đấu đá nội bộ lại mạnh và quy mô rộng khắp như thế này. Tôi chưa từng thấy nhiều người bị xử lý đến như vậy."
Trước đó, những đồn đoán về việc ông Huệ từ chức đã râm ran trên mạng xã hội trong những tuần qua từ khi Tập đoàn Thuận An bị điều tra và bùng phát mạnh nhất khi trợ lý thân tín của ông Huệ là ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, bị bắt giữ hôm 22/4.
BBC News Tiếng Việt đã có bài viết phân tích Quy định 41 năm 2021 của Bộ Chính trị, trong đó nêu rõ trách nhiệm người đứng đầu của ông Huệ khi có thuộc cấp bị khởi tố.
Bình luận với BBC vào ngày 26/4, Tiến sĩ Nguyễn Quang A từ Hà Nội đánh giá có thể những tin đồn thời gian qua là "chủ ý của một bên nào đó" và cũng phần nào xuất phát từ "tính không minh bạch của Đảng Cộng sản Việt Nam".
Ông nói:
"Trước kia cũng có những cuộc cạnh tranh, đấu đá nội bộ như thế, nhưng vì mọi thứ được giấu kín và không được lan truyền nhanh như khi có mạng xã hội như bây giờ. Khi đó người dân chỉ có nguồn duy nhất là Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam. Đảng nói như thế nào thì họ chỉ biết như vậy. Nay tin đồn nảy sinh ra không biết từ đâu, có thể là chủ ý của một bên nào đó. Tin đồn không có lửa làm sao có khói."
"Vì quy trình người kế nhiệm của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam không minh bạch, nên ai cũng muốn leo lên vị trí đó. Việc cạnh tranh là tốt, lành mạnh, không có gì đáng chê, nhưng nếu cạnh tranh theo quy trình lành mạnh, chứng minh được tôi thỏa mãn các tiêu chí đó, thì đó là một quy trình làm cho việc kế vị rõ ràng, minh bạch, và người dân thấy rõ lúc đó không có chuyện đồn đoán. Tiếc là vài năm trở lại đây chuyện này nở rộ. Vì bây giờ công nghệ cho phép sự đồn đoán này lan ra nhanh chóng," Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định.
Bầu chủ tịch Quốc hội hay chủ tịch nước trước?
Quy định 214-QĐ/TW năm 2020 của Bộ Chính trị nêu tiêu chuẩn làm chủ tịch Quốc hội: "Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên; trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định."
Giáo sư Zachary Abuza và Tiến sĩ Nguyễn Quang A đều nhận định Thường trực Ban Bí thư, bà Trương Thị Mai, rất có thể trở thành tân chủ tịch Quốc hội.
"Đủ tiêu chuẩn nhất để vào ghế chủ tịch Quốc hội là bà Trương Thị Mai. Theo tôi nên loại trừ những ông bên quốc phòng và công an vì vào Quốc hội thì danh nghĩa là được lên 'Tứ Trụ' nhưng quyền lực thì không bằng bên ngoài," Tiến sĩ Nguyễn Quang A đánh giá.
Từ năm 2007 đến 2016, bà Trương Thị Mai là ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa 12, 13.
"Bà Trương Thị Mai hầu như chắc chắn sẽ trở thành tân chủ tịch Quốc hội. Vị trí chủ tịch Quốc hội quan trọng và cần có người thay thế, trong khi vị trí chủ tịch nước thì ít quan trọng hơn," Giáo sư Zachary Abuza đánh giá.
Trước câu hỏi về việc sẽ bầu chủ tịch nước hay chủ tịch Quốc hội trước, Giáo sư Zachary Abuza nhận định Việt Nam sẽ cần bầu Chủ tịch Quốc hội trước.
"Vị trí chủ tịch Quốc hội rất quan trọng đối với tính chính danh của Đảng Cộng sản Việt Nam, quan trọng đối với cộng đồng kinh doanh và nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi chủ tịch nước đóng vai trò nghi thức, trên giấy tờ, không phải vị trí rất quyền lực."
Kỳ họp thường kỳ sắp tới của Quốc hội khóa 15 là kỳ họp thứ 7, được ấn định vào ngày 20/5.
Nhiều nhà quan sát đã nhận định với BBC rằng chức danh chủ tịch nước có thể chính thức được đưa ra để Quốc hội Việt Nam xem xét trong kỳ họp này nếu không có cuộc họp bất thường nào khác diễn ra trước thời điểm 20/5.
Sau khi ông Huệ từ chức thì các ứng cử viên hàng đầu cho vị trí chủ tịch nước được cho là Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang.
Cũng có ý kiến cho rằng ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP HCM, Ủy viên Bộ Chính trị, là một ứng viên cho chức chủ tịch nước. Tuy nhiên, ông Nên không phải là đại biểu Quốc hội, mà theo quy định thì Quốc hội sẽ bầu một đại biểu Quốc hội làm chủ tịch nước. Cũng cần lưu ý rằng, tất cả các sắp xếp này đều do Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng Bộ trưởng Công An Tô Lâm là một ứng viên cho ghế chủ tịch nước, nhưng có thể ông Lâm không muốn ngồi vào chiếc ghế có "dớp" này.
"Có thể ông Tô Lâm không muốn vị trí chủ tịch nước. Bà Mai hoặc những người khác có thể có khả năng hơn. Các vị ấy có thể ngại ngồi vào vị trí chủ tịch nước vì thấy có ‘dớp’," ông đánh giá.
Bộ trưởng Tô Lâm 'không có đối thủ' để trở thành tổng bí thư?
Giáo sư Zachary Abuza cho rằng ông Vương Đình Huệ đã được đo ni đóng giày cho vị trí tổng bí thư, sau khi đã nắm giữ các chức vụ Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Tài chính, Phó Thủ tướng, Bí thư Thành ủy Hà Nội và Chủ tịch Quốc hội.
"Việc ông Huệ bị mất chức đã khiến chuyện Bộ trưởng Công an Tô Lâm trở thành tổng bí thư càng thêm có khả năng hơn," Giáo sư Zachary đánh giá.
Ngoài ông Tô Lâm thì theo Giáo sư Zachary Abuza, còn hai ứng viên có khả năng khác trở thành tổng bí thư là bà Trương Thị Mai, người cũng có thể trở thành tân Chủ tịch Quốc hội, và Thủ tướng Phạm Minh Chính.
"Cả bà Mai và ông Chính đều có những lợi thế nhất định, nhưng cả hai cũng có điểm yếu và ông Tô Lâm đã nhanh chóng sử dụng sức mạnh của Bộ Công An để nhắm vào các đối thủ chính trị của mình," Giáo sư Zachary Abuza nói.
Nếu tính ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính, thì trong số 13 ủy viên Bộ Chính trị hiện nay thì có đến 4 người đã hoặc đang là quan chức Bộ Công an.
Cụ thể, ngoài ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính, còn có ông Phan Đình Trạc, cựu Giám đốc Công an Nghệ An và ông Nguyễn Hòa Bình, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng, Bộ Công an.
Với viễn cảnh ông Tô Lâm làm chủ tịch nước hoặc tổng bí thư, ấn tượng về nhà nước "công an trị" càng nổi bật hơn, theo một số nhà quan sát.
David Hutt, nhà nghiên cứu từ Viện Trung Âu về Nghiên cứu châu Á (CEIAS) và cây bút cho trang The Diplomat, hôm 26/4 nhận định với BBC như sau:
"Giới công an đang thâu tóm quyền lực. Đây không phải là một điều gì tốt đẹp cho người dân Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp và cơ chế kiểm soát và cân bằng quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản. Quan ngại của tôi là về chuyện xảy ra sau Đại hội Đảng năm 2026 nếu cuộc thanh trừng cứ tiếp diễn. Chính những người như ông Tô Lâm, những người sẽ lên đỉnh cao quyền lực, bản thân cũng không phải trong sạch. Liệu cuộc thanh trừng này có khiến Đảng Cộng sản Việt Nam tự diệt chính mình - liệu chiếc bình sẽ bị vỡ khi ném chuột - hay chiến dịch chống tham nhũng sẽ bị khựng lại, đồng nghĩa nhiều quan chức tham nhũng có thể thoát tội."
Trong khi đó, ngày 27/4, bình luận với BBC News Tiếng Việt, Giáo sư Alexander L Vuving từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (Daniel K. Inouye Asia-Pacific Center for Security Studies) thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đánh giá:
"Sự xáo trộn lớn ở thượng tầng chính trị Việt Nam hẳn sẽ không gây một tác động lớn nào đến chính sách đối ngoại và kinh tế của Việt Nam. Không thấy có điểm thay đổi lớn nào trong chương trình nghị sự của các ứng viên cho vị trí lãnh đạo cao nhất. Sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại và kinh tế của Việt Nam sẽ hầu như có thể xuất phát từ mối quan hệ với các quốc gia láng giềng. Một bước ngoặt như vậy có thể được kích hoạt khi Trung Quốc vượt qua lằn ranh đỏ ở Biển Đông, hoặc mối quan hệ Việt Nam và Campuchia bị xấu đi nhanh chóng."
Cuộc chiến giành ghế tổng bí thư tiếp tục 'nóng'
Trả lời BBC, Tiến sĩ Nguyễn Quang A từ Hà Nội cho rằng quy trình chọn người kế nhiệm trong quốc gia độc đảng như Việt Nam luôn gay cấn vì tính chất "không minh bạch".
"Có thể nói chính sách kế thừa của người đứng đầu Đảng Cộng sản đã hoàn toàn thất bại. Đáng tiếc là Đảng Cộng sản đã không tạo ra một quy trình minh bạch, chí ít là trong nội bộ đảng. Nói là đảng cầm quyền, của dân, do dân, vì dân, thì phải minh bạch cho bàn dân thiên hạ rõ. Rất tiếc là không có quy trình này."
Giáo sư Zachary Abuza cho rằng "cuộc đấu đá nội bộ" từ nay đến Đại hội Đảng lần thứ 14 vào tháng 1/2026 sẽ ngày càng tăng nhiệt
"Công tác quy hoạch cán bộ chính thức cho đại hội đảng đã bắt đầu, với hai cuộc họp về nhân sự và văn kiện đã được tổ chức.
"Nhưng Ban Chấp hành Trung ương Đảng hầu như gặp thế bế tắc liên quan đến vấn đề nhân sự. Chỉ còn 19 tháng nữa và cuộc nội đấu này dường như ngày càng dữ dội hơn."
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nêu các kịch bản trong thời gian sắp tới:
"Trong kịch bản thứ nhất, đấu đá tiếp diễn, nền chính trị càng mất sự ổn định, người dân càng ngày càng mất niềm tin vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Hoặc tệ hơn là hậu quả vượt khỏi tầm kiểm soát, tiềm ẩn mối nguy hại rất lớn trong nền kinh tế vốn phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn FDI như Việt Nam."
Kịch bản thứ hai, mà ông gọi là "nửa vời", là nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ có sự tự thỏa hiệp, chỉ "giật gấu vá vai", để đợi đến năm 2026 có được sự thay đổi nào đó. Ông đánh giá kịch bản này không tốt cho đất nước và nhân dân Việt Nam.
Kịch bản tốt nhất cho dân và đất nước, theo ông, là Đảng sẽ thay đổi, tuy nhiên xác suất không cao.
'Đốt lò' thất bại?
Trong 13 năm làm tổng bí thư tính đến nay, ông Nguyễn Phú Trọng đã đặt cuộc dịch chống tham nhũng ở trung tâm chương trình hành động của mình.
Giáo sư Zachary Abuza nhận xét chiến dịch "đốt lò" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho đến nay "là một thất bại".
"Đại dịch tham nhũng vẫn hoành hành. Không có báo chí tự do và cơ chế giám sát thì sẽ luôn xảy ra tham nhũng trong một hệ thống mà phần lớn nền kinh tế nằm dưới sự kiểm soát không bị giám sát của nhà nước. Đất đai, nguồn vốn và trợ cấp của nhà nước đều chủ yếu do đảng và nhà nước kiểm soát. Chiến dịch khiến hàng ngàn quan chức bị xử lý nhưng không chấm dứt được nạn tham nhũng."
"Quan trọng hơn, những gì đã thực hiện rõ ràng là để củng cố tính chính danh của Đảng Cộng sản vốn đang ngập trong tham nhũng. Tuy nhiên, điều này chỉ càng khiến đảng mất tính chính danh trong mắt người dân, khi họ chứng kiến tham nhũng ở cấp lãnh đạo cao nhất."
"Cuối cùng, đấu đá chính trị nội bộ có thể dẫn đến sự tê liệt về chính sách," chuyên gia khoa học chính trị từ Hoa Kỳ đưa ra cảnh báo.
Việt Nam đang ra sức trấn an các nước và làm nhẹ sự nghi ngại của các nhà đầu tư nước ngoài về sự bất ổn chính trị khi chỉ trong hơn một năm đã có hai chủ tịch nước, một chủ tịch Quốc hội bị mất chức. Gần đây, sức hấp dẫn của Việt Nam còn bị lung lay thêm khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bơm 24 tỷ USD trong nỗ lực cứu Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) sau đại án Vạn Thịnh Phát.
Trong năm 2023, đóng góp của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào GDP Việt Nam chiếm khoảng 22%, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê.
Vài ngày sau khi ông Võ Văn Thưởng từ chức thì Việt Nam đã ra sức trấn an Mỹ về việc những biến động nhận sự sẽ không gây ảnh hưởng tới chính sách kinh tế và đối ngoại của Việt Nam và đề cập tới hệ thống lãnh đạo và hoạch định chính sách mang tính tập thể.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng có quan điểm khá tương tự về công cuộc mà ông gọi là "đốt lò quá tay" của ông Nguyễn Phú Trọng
"Nhà đầu tư nước ngoài không quan tâm lắm đến chính trị nội bộ, miễn là ổn định, và họ đầu tư có lời. Trong khi đó, những diễn biến cấp tập trong hơn một năm trở lại đây, với chiến dịch đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng, động đến đâu ta thấy bê bối đến đó. Từ chuyến bay giải cứu đến test kit Việt Á, vụ Vạn Thịnh Phát, Hậu Pháo, Tập đoàn Phúc Sơn."
"Tôi nghĩ để khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư thì Đảng Cộng sản Việt Nam phải có các chính sách dứt khoát và tốt nhất là có những chính sách cởi mở hơn, minh bạch hơn."
"Đốt lò quá tay, quá xa. Tôi cho rằng "đốt lò" thất bại hoàn toàn. Ý định chống tham nhũng là rất tốt nhưng cách làm là hoàn toàn sai. Phải là bắt trúng vào bệnh gốc của nó, chứ không phải bắt 1, 2 hay 100 người, bỏ tù 1 ông ủy viên trung ương, 10 ông tướng quân đội, 7 hay 8 ông tướng công an, hạ bệ hết ông nọ đến ông kia..."
"Vì sao hệ thống này sinh ra tham nhũng? Vì không có hệ thống pháp quyền. Nhiều người, nhiều tổ chức ngồi xổm trên pháp luật. Cần phải có một nền báo chí độc lập, nhất là báo chí điều tra. Nhân dân phải có các tổ chức hoạt động động lập, các tổ chức do nhà nước lập ra, ăn ngân sách nhà nước, nhưng không phụ thuộc vào chính phủ, chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật."
Nhận xét
Đăng nhận xét