Giới quan sát: Vương Đình Huệ từ chức cho thấy dấu hiệu khủng hoảng chính trị thượng tầng
Giới quan sát nhận định rằng việc Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từ chức càng làm tăng thêm tình trạng bất ổn trong nước, giữa lúc chiến dịch bài trừ tham nhũng đang diễn ra làm rung chuyển giới chính trị thượng tầng và giới doanh nghiệp tại đất nước do Đảng Cộng sản cai trị.
Ông Huệ, 67 tuổi, trở thành Chủ tịch Quốc hội vào tháng 3/2021. Trong suốt thời gian qua ông được giới quan sát đánh giá là “người kín tiếng”, “ít va chạm”, từng được xem là nhân vật có khả năng trở thành người kế nhiệm chức tổng bí thư đầy quyền lực.
Nhưng những tin đồn về số phận của chủ tịch Vương Đình Huệ đã lan truyền trên mạng xã hội trong thời gian qua, và sự sụp đổ của ông gần như không thể tránh khỏi vào đầu tuần này khi trợ lý của ông bị bắt giam với cáo buộc “lợi dụng chức vụ và quyền hạn để trục lợi” do dính líu đến công ty Thuận An, ông Dương Quốc Chính, một nhà quan sát tình hình chính trị ở Hà Nội, nêu nhận định với VOA.
“Việc ông Huệ từ chức cũng không quá bất ngờ vì người ta cũng đồn đoán mấy hôm nay rồi. Hơn một tuần rồi có rất nhiều tin đồn, nên tôi cũng không quá bất ngờ”, ông Chính bày tỏ.
Tuy nhiên, ông Chính nhận định rằng ông Huệ là người khá kín tiếng trong công việc, nên khá nhiều người cũng bất ngờ về những “mối quan hệ làm ăn” của ông ấy sau vụ trợ lý Phạm Thái Hà của ông bị bắt.
“Nhưng khi Bộ Công an tiến hành việc bắt giam này, khiến cho nhiều người bất ngờ, do công ty Thuận An chỉ là công ty nhỏ, dường như chỉ là sân sau”, vẫn lời ông Chính.
Một cư dân sống ở đồng bằng sông Cửu Long, yêu cầu không nêu tên vì lý do an ninh, chia sẻ với VOA rằng ông không bất ngờ về việc Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từ chức, nhấn mạnh rằng đây chỉ là việc đấu đá nội bộ để loại trừ đối thủ trong bộ máy cầm quyền.
“Việc này cũng không có gì ngạc nhiên. Tôi nghĩ mấy ổng không thống nhất nhau nên loại nhau là chuyện bình thường”. Người này nói thêm rằng lãnh đạo ở cấp địa phương cũng đấu đá như vậy nhưng không nêu rõ bằng chứng.
Bất ổn thượng tầng chính trị
Hôm 26/4, Trung ương Đảng đã họp hội nghị bất thường để xem xét cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác của ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội.
Ông Huệ trở thành nhân vật thứ hai trong nhóm lãnh đạo “tứ trụ” từ chức trong vòng chưa đầy hai tháng qua, sau khi cựu Chủ tịch Võ Văn Thưởng bị mất chức vào giữa tháng 3.
Hai vụ từ chức này diễn ra sau khi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và hai phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, cũng bị mất chức vào tháng 1/2023.
Giới quan sát cho rằng việc từ chức này, không ảnh hưởng lắm đối với các vấn đề chính sách trước mắt, nhưng đó là một tình trạng hỗn loạn chính trị thượng tầng gây sốc cho người dân trong nước và cộng đồng quốc tế vì Việt Nam vốn là một quốc gia luôn tự hào về sự ổn định chính trị.
“Khi người nước ngoài nhìn vào chắc họ sẽ lo lắng và bất ngờ, vì có lẽ cũng chưa có nước nào như Việt Nam đã xử lý đến ngần đấy vụ trong một khoảng thời gian ngắn. Chắc chắn họ có những lo ngại về chính trị thượng tầng”, ông Chính nói.
Hãng tin AP hôm 26/4 dẫn lời nhà quan sát Nguyễn Khắc Giang thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore nhận định rằng việc từ chức của ông Huệ “cho thấy sự bất ổn cực độ trong một môi trường chính trị thường được ca ngợi về sự ổn định, khi ba nhà lãnh đạo hàng đầu đã bị mất chức chỉ trong một năm qua”.
Một cuộc khảo sát với hơn 650 lãnh đạo doanh nghiệp do phòng thương mại nước ngoài tại Việt Nam thực hiện và công bố vào tháng 3 cho thấy các công ty nước ngoài quyết định đến làm ăn ở đất nước này chủ yếu vì sự ổn định chính trị.
Nhà phân tích Giang nhận xét rằng ông Huệ từng được coi là người có khả năng kế nhiệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông nói: “Sự sụp đổ của ông ấy sẽ chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tìm nhân vật kế nhiệm ở Việt Nam”.
Báo chí nhà nước bị bịt kín?
Tương tự như những vụ từ chức trước, các trang báo Việt Nam hôm 26/4 không nói rằng ông Huệ có dính líu đến tham nhũng, nhưng đồng loạt dẫn tuyên bố của Ủy ban Kiểm tra Trung ương phán xét rằng ông Huệ đã ‘vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên và chịu trách nhiệm người đứng đầu’.
“Những vi phạm, khuyết điểm của ông Vương Đình Huệ đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông”, thông cáo của ủy ban này viết.
Giới quan sát nhận định rằng qua các vụ từ chức ở Hà Nội và những lý do đằng sau đó cho thấy nền báo chí Việt Nam chưa làm tròn nhiệm vụ cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời và chính xác cho người dân, khiến người dân phải trông chờ vào các thông tin rò rỉ từ mạng xã hội.
“Khi nói về những sân sau này, báo chí chính thống Việt Nam rất nhạy cảm, họ chỉ dám đăng những tin mà Bộ Công an cung cấp, chứ không như phương tây – họ có kênh điều tra hoàn toàn độc lập với công an và pháp lý", ông Chính nêu nhận định. "Báo chí Việt Nam gần như 100% phải bắt buộc đăng tin do Bộ Công an cung cấp”.
Ông Chính chia sẻ rằng ông biết nhiều nhà báo có một số thông tin khá nhạy cảm nhưng họ không được phép đăng. “Như vậy, hầu như người Việt Nam phải dựa vào những thông tin phi chính thống” trên mạng xã hội, ông Chính nói.
Luật sư Lê Quốc Quân ở Mỹ viết trên trang Facebook cá nhân hôm 26/4 nhận định về việc ông Huệ từ chức: “Chưa bao giờ chính trường Việt Nam mâu thuẫn căng thẳng và xung đột gay gắt như bây giờ. Cũng chưa bao giờ báo chí bị bịt kín thông tin, nhân dân chỉ biết đứng ngoài xem vị chủ tịch của ‘Cơ quan quyền lực cao nhất’ bị hạ bệ một cách bí mật, như bây giờ”.
“Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ đi vào lịch sử như một lực lượng chiếm đóng trong một giai đoạn trên đất nước Việt Nam, nơi người dân và cả các đảng viên cấp dưới hoàn toàn không biết và không được tham gia vào công cuộc quản trị đất nước”, ông Quân viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét