Trung Quốc khiến cả châu Á lao vào cuộc chạy đua vũ trang

 Bình luận của Hà Lệ Chi

2024.04.29
Share
Trung Quốc khiến cả châu Á lao vào cuộc chạy đua vũ trangXe quân sự trở tên lửa liên lục địa DF-5B tham gia diễu binh ở quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh hôm 1/10/2019 (minh họa)
 AFP

Ngân sách quân sự của Trung Quốc nói lên điều gì?

Ngày 5/3/2024, Trung Quốc đã công bố tăng ngân sách quân sự - ngân sách lớn thứ hai thế giới sau Mỹ - thêm 7,2% trong năm 2024, bằng tỷ lệ của năm 2023. Sự gia tăng này được nêu trong báo cáo hoạt động của chính phủ công bố bên lề hoạt động của kỳ họp Lưỡng hội theo mệnh lệnh của nhà cầm quyền.[1]

Bắc Kinh dự chi 1.665,5 tỷ nhân dân tệ (231,4 tỷ USD) cho quốc phòng, ít hơn ba lần so với Mỹ. Theo Lâu Cần Kiệm (Lou Qinjian), người phát ngôn của kỳ họp Quốc hội, “người khổng lồ châu Á” đã duy trì “tăng trưởng hợp lý” đối với ngân sách quân sự nhằm “bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của mình”.[2]

Trong nhiều thập kỷ vừa qua, Trung Quốc đều tăng chi tiêu quân sự với tốc độ tương đương với tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này. Xu hướng này bị Mỹ, Australia, Ấn Độ và Philippines, những quốc gia mà Trung Quốc đang cạnh tranh quyền kiểm soát các đảo nhỏ và rạn san hô ở Biển Đông, nhìn nhận với đầy sự nghi ngại. Nó cũng làm dấy lên lo ngại ở Đài Loan, hòn đảo 23 triệu dân và diện tích lãnh thổ bằng nước Bỉ, mà Trung Quốc luôn tuyên bố chủ quyền và hy vọng sẽ “thống nhất” bằng vũ lực khi cần thiết.

Mặc dù Mỹ vẫn là quốc gia có ngân sách quốc phòng lớn nhất, với 877 tỷ USD vào năm 2022, theo số liệu mới nhất.[3] Tiếp sau là Trung Quốc (232 tỷ), Nga (86,4 tỷ), Ấn Độ (81,4 tỷ), Saudi Arabia (75 tỷ), Vương quốc Anh (68,5 tỷ), Đức (55,8 tỷ), Pháp (53,6 tỷ), Hàn Quốc (46,4 tỷ) và Nhật Bản (46 tỷ).[4] Tuy nhiên, việc tăng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc cho thấy sự tương phản kỳ lạ với cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có làm rung chuyển đất nước này trong mấy năm gần đây. Theo các nhà phân tích phương Tây, điều này thể hiện quyết tâm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong việc theo đuổi nỗ lực chiến tranh bằng mọi giá. Vả lại, số tiền chính thức cho chi tiêu quân sự của đất nước này thường luôn thấp hơn nhiều so với thực chi, sự mập mờ quen thuộc ở Trung Quốc cộng sản khó có thể đánh lừa các nhà quan sát về đất nước này.

Chi tiêu quân sự là trọng tâm của ngân sách Trung Quốc, chiếm khoảng 40% tổng chi tiêu của chính quyền trung ương. Khoản chi này gấp 10 lần chi tiêu dành cho giáo dục và gấp gần năm lần chi tiêu dành cho khoa học và công nghệ. Chính phủ Trung Quốc khẳng định: Chi tiêu quân sự là “một ưu tiên”, trong khi chi tiêu cho các lĩnh vực khác đều được điều chỉnh giảm “phù hợp với nhu cầu tiết kiệm ngân sách”.

Mối đe doạ từ vũ khí của Trung Quốc

Tháng 9/2023, Thượng nghị sĩ Mỹ Dan Sullivan, thành viên Ủy ban Quân sự Thượng viện ở Washington, tuyên bố rằng ngân sách quân sự “thực sự” của Trung Quốc trên thực tế là gần 700 tỷ USD.[5] Theo ông Sullivan, con số này dựa trên phân tích do cơ quan tình báo Mỹ thực hiện. Nếu chính xác, số tiền này cao hơn gấp ba lần so với ngân sách chính thức được Bắc Kinh công bố.

Chính phủ Trung Quốc không cung cấp bất kỳ chi tiết nào về việc phân bổ chi tiêu quân sự, nhưng theo một số nhà phân tích phương Tây, phần lớn liên quan đến lĩnh vực hạt nhân quân sự. Bắc Kinh đang cố gắng bắt kịp Mỹ trong lĩnh vực này.

Theo Akiyama Nobumasa, giáo sư Trường chính sách công và quốc tế thuộc Đại học Hitotsubashi của Nhật Bản, Trung Quốc có thể sở hữu 400 đến 500 đầu đạn hạt nhân trong thời gian ngắn, kho vũ khí có thể tăng lên 1.500 đầu đạn vào năm 2035. Ông nói: “Kho vũ khí này rất nguy hiểm, điều này gây quan ngại cho tất cả những ai ủng hộ phi hạt nhân hóa”, đồng thời nói thêm rằng Trung Quốc đang đa dạng hóa kho tên lửa hạt nhân với các tên lửa tầm xa có khả năng tấn công bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ Mỹ.[6] Bắc Kinh cũng đã trình làng nhiều tên lửa hạt nhân tầm trung có thể tấn công Nhật Bản, Philippines, Guam và các nước khác trong khu vực. Và điều này khiến các quốc gia láng giềng lo ngại. “Khuynh hướng tăng cường kho vũ khí hạt nhân, mà Trung Quốc nói là chỉ để đáp lại mối đe dọa đến từ Mỹ, đặt ra câu hỏi: vậy thì tại sao Trung Quốc lại phát triển các tên lửa tầm trung có thể tấn công các mục tiêu gần hơn như Nhật Bản?”.[7]

000_1U04V1.jpg
Quân đội Trung Quốc diễu tinh ở Quảng trường Đỏ (Nga) nhân lễ kỷ niêm 75 năm quân Xô Viết chiến thắng Phát xít hôm 24/6/2020 (minh họa). AFP

Chạy đua vũ trang ở châu Á

Theo dữ liệu mới nhất của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), trong khi hoạt động chuyển giao vũ khí toàn cầu giảm nhẹ, thì nhập khẩu vũ khí của châu Á và châu Đại Dương vẫn ở mức đáng kể, được dẫn dắt bởi những lo ngại về tham vọng khu vực của Trung Quốc.

Ở châu Á, nhập khẩu vũ khí đã tăng mạnh, trong đó Nhật Bản, Australia và Ấn Độ đang ở vị trí dẫn đầu.

 Nhập khẩu vũ khí của hai quốc gia láng giềng Đông Á của Trung Quốc là Nhật Bản và Hàn Quốc cũng lần lượt tăng 155% và 6,5%.

Chuyên gia nghiên cứu cấp cao của SIPRI Wezeman nhấn mạnh rằng, các giao dịch này “phần lớn được thúc đẩy bởi một yếu tố chính: lo ngại về tham vọng của Trung Quốc”. Ông nói thêm: “Không còn nghi ngờ gì nữa, mức nhập khẩu vũ khí cao và kéo dài của Nhật Bản cũng như các đồng minh và đối tác khác của Mỹ ở châu Á và châu Đại Dương phần lớn được thúc đẩy bởi một yếu tố chính: lo ngại về tham vọng của Trung Quốc. Mỹ (quốc gia có chung nhận thức về mối đe dọa từ Trung Quốc) cũng là nhà cung cấp vũ khí ngày càng nhiều hơn cho khu vực”.[8]

Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, Đô đốc John C. Aquilino, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ (INDOPACOM), đã nhấn mạnh Trung Quốc là mối đe dọa an ninh quốc gia đáng kể nhất đối với Mỹ kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.[9] Ông lưu ý đến các hành động ngày càng hiếu chiến của Trung Quốc và các yêu sách rõ ràng của nước này đối với các vùng lãnh thổ như Bãi Cỏ Mây, coi đó là những vùng lãnh thổ có chủ quyền của Trung Quốc.

Việt Nam phải làm gì?

Là quốc gia láng giềng, Việt Nam có chung cả biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc, thậm chí, với cái gọi là Đường lưỡi bò, Trung Quốc muốn chiếm đoạt gần như hết cả Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Chính vì vậy, Việt Nam cần phải có quân đội mạnh để có thể bảo vệ đất nước trước sự đe doạ từ người láng giềng khổng lồ.

Theo xếp hạng của Global Firepower năm 2023 về sức mạnh quân sự, Việt Nam đứng thứ 19.[10] Nhưng năm 2024 lại bị tổ chức này xếp thứ 22.[11] Điều này cho thấy Việt Nam cần phải cải thiện sức mạnh quân sự rất nhiều.

Số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy, từ năm 1995 đến năm 2022, tổng lượng nhập khẩu vũ khí của Việt Nam đạt 9,162 tỷ USD, trong đó Nga chiếm 7,471 tỷ USD (81,5%).[12]

Trong giai đoạn 2018-2020, chi tiêu quân sự của Việt Nam ước tính tăng trung bình hàng năm là 8,78% theo báo cáo do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) công bố.[13]

Theo Nghị quyết 70/2022/15 ngày 11/11/2022, Việt Nam dự kiến phân bổ 6,65 tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng thường xuyên, chiếm 12,3% dự toán chi nhà nước năm 2023. Báo cáo của GlobalData đầu năm 2022 cho thấy quân đội Việt Nam chi tiêu cho việc mua sắm là khoảng 1,1 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến tăng trưởng 8,1% hàng năm, đạt 1,8 tỷ USD trong giai đoạn 2023 – 2027. Về tổng chi tiêu quốc phòng, báo cáo dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng ở mức 8,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 8,5 tỷ USD vào năm 2027.[14]

Việt Nam đang hướng trọng tâm quân sự của mình vào các hoạt động liên quan đến an ninh hàng hải. Những nỗ lực này bao gồm các khả năng của lực lượng không quân, phòng không, mặt nước và dưới mặt đất. Các nhà cung cấp thiết bị quốc phòng và nhà thầu phụ có thể mong đợi nhu cầu ngày càng tăng đối với các chiến binh hải quân, hệ thống phòng không, hệ thống tình báo cũng như thiết bị giám sát và trinh sát (ISR).

Hầu hết lượng vũ khí hiện tại của Việt Nam có nguồn gốc từ Nga, nhưng vấn đề thứ nhất là Nga đang bị sa lầy trong chiến tranh xâm lược Ukraine, nên Nga không thể cung cấp vũ khí cho Việt Nam như trước được nữa.  Việc cung cấp bị hạn chế do Nga đang ưu tiên sản xuất vũ khí để duy trì sức mạnh trong cuộc chiến Ukraine, đồng thời việc Nga bị phương Tây trừng phạt và cấm vận sẽ ảnh hưởng đến việc vận chuyển và thanh toán khi mua vũ khí của Nga. Vấn đề thứ hai là vũ khí Nga trong chiến tranh Ukraine đã bộc lộ rất nhiều điểm hạn chế. Chính vì vậy, Việt Nam cần tìm những nhà cung cấp vũ khí khác trên thế giới và có thể nhận chuyển giao một số công nghệ trong công nghiệp quốc phòng.

Gần đây, Ian Storey trong một nghiên cứu đã cảnh báo Lực lượng Không quân của Việt Nam (VPAF) cần thay thế một nửa phi đội máy bay chiến đấu tiền tuyến, nhưng lực lượng này đang phải đối mặt với một môi trường không có nhiều lựa chọn tối ưu.

Hầu hết các máy bay diễn tập của Việt Nam đều là các máy bay phản lực Su-22 Fitters - máy bay ném bom chiến đấu được sản xuất ở Liên Xô và chuyển giao cho Việt Nam vào những năm 1980. Các máy bay chiến đấu đa năng mới hơn như Su-27 và các biến thể của Su-30 tạo nên sự cân bằng trong trật tự chiến đấu của lực lượng không quân. Khoảng 30 chiếc Su-22 của VPAF đã có tuổi thọ gần 40 năm sắp hết thời gian hoạt động. Trong vài năm qua, một số chiếc đã bị rơi, trong đó có một chiếc vào ngày 9 tháng 1 (may mắn là phi công đã thoát ra ngoài an toàn nên không có thiệt hại nhân mạng).[15]

Việt Nam cần phải tìm kiếm nguồn thay thế Su-22. Trung Quốc vẫn đang tiếp tục phô trương sức mạnh ở Biển Đông, và mặc dù Việt Nam không bao giờ có thể sánh được với hỏa lực của không quân Trung Quốc, một lực lượng nhỏ máy bay chiến đấu phản lực hiện đại có thể khiến Bắc Kinh phải chảy máu mũi nếu bị thúc ép. Theo một câu chuyện trên tờ New York Times, năm ngoái Việt Nam đã bí mật đồng ý mua vũ khí trị giá 8 tỷ USD của Nga bằng lợi nhuận từ liên doanh năng lượng chung của hai nước ở Bắc Cực, qua đó né tránh các lệnh trừng phạt tài chính của phương Tây đối với ngành công nghiệp quốc phòng Nga.

Nếu đúng, thỏa thuận đó có thể bao gồm các máy bay chiến đấu như Su-30 hoặc Su-35. Theo tính toán của Hà Nội, có lẽ đi theo con quỷ Nga mà nó biết rõ sẽ tốt hơn con quỷ Mỹ mà nó không biết rõ lắm.[16]

[1] China raises defense budget by 7.2% for 2024, “conducive to peace, stability” - Global Times. (2024). Globaltimes.cn. https://www.globaltimes.cn/page/202403/1308188.shtml

[2] China raises defense budget by 7.2% for 2024, “conducive to peace, stability” - Global Times. (2024). Globaltimes.cn. https://www.globaltimes.cn/page/202403/1308188.shtml

[3] DODs 2025 Budget Request Provides 4.5% Raise for Service Members. (2024). U.S. Department of Defense. https://www.defense.gov/News/News-Stories/Article/Article/3703751/dods-2025-budget-request-provides-45-raise-for-service-members/

[4] National Budget Archive. (2023). SIPRI. https://www.sipri.org/databases/national-budget-archive

[5] Chinas Real Military Budget Is Far Bigger Than It Looks. (2023, June 21). American Enterprise Institute - AEI. https://www.aei.org/op-eds/chinas-real-military-budget-is-far-bigger-than-it-looks/

[6] Marcos González Gava. (2024, March 4). Danger and Deterrence in Japans Security Environment. Thediplomat.com; The Diplomat. https://thediplomat.com/2024/03/danger-and-deterrence-in-japans-security-environment/

[7] Marcos González Gava. (2024, March 4). Danger and Deterrence in Japans Security Environment. Thediplomat.com; The Diplomat. https://thediplomat.com/2024/03/danger-and-deterrence-in-japans-security-environment/

[8] TOI News Desk. (2024, March 18). From India to Japan, how China is driving an arms race in Asia. The Times of India; Times Of India. https://timesofindia.indiatimes.com/india/from-india-to-japan-how-china-is-driving-an-arms-race-in-asia/articleshow/108588361.cms

[9] Stavros Atlamazoglou. (2024, March 25). U.S. Military Thinks China Is Biggest Threat Faced Since World War II. The National Interest. https://nationalinterest.org/blog/buzz/us-military-thinks-china-biggest-threat-faced-world-war-ii-210225

[10] MINH, G. (2023, May 28). Global Firepower xếp hạng sức mạnh quân sự 2023: Mỹ đứng đầu, Việt Nam thứ 19. TUOI TRE ONLINE; tuoitre.vn. https://tuoitre.vn/global-firepower-xep-hang-suc-manh-quan-su-2023-my-dung-dau-viet-nam-thu-19-20230528112747401.htm

[11] 2024 Vietnam Military Strength. (2024). Globalfirepower.com. https://www.globalfirepower.com/country-military-strength-detail.php?country_id=vietnam

[12] 75. (2024, January 30). Vietnam - Defense and Security Sector. International Trade Administration | Trade.gov. https://www.trade.gov/country-commercial-guides/vietnam-defense-and-security-sector

[13] 75. (2024, January 30). Vietnam - Defense and Security Sector. International Trade Administration | Trade.gov. https://www.trade.gov/country-commercial-guides/vietnam-defense-and-security-sector

[14] 75. (2024, January 30). Vietnam - Defense and Security Sector. International Trade Administration | Trade.gov. https://www.trade.gov/country-commercial-guides/vietnam-defense-and-security-sector

[15] Storey, I. (2024, February 5). Will Vietnam turn to Russia or America for its new jet fighter? ThinkChina - Big Reads, Opinion & Columns on China. https://www.thinkchina.sg/will-vietnam-turn-russia-or-america-its-new-jet-fighter

[16] Storey, I. (2024, February 5). Will Vietnam turn to Russia or America for its new jet fighter? ThinkChina - Big Reads, Opinion & Columns on China. https://www.thinkchina.sg/will-vietnam-turn-russia-or-america-its-new-jet-fighter

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

* Tác giả Hà Lệ Chi là một nhà nghiên cứu độc lập, đã tốt nghiệp ngành quan hệ quốc tế ở Úc. Hà Lệ Chi đã có thời gian làm việc tại Bộ Ngoại giao Việt Nam. hiện tác giả đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?