Gặp Peaky Blinders - đội máy bay không người lái của Ukraine bảo vệ vùng trời Kharkiv
- Jonathan Beale
- Phóng viên quốc phòng ở Kharkiv
Trong ngôi làng Lyptsi, lực lượng Ukraine dường như đã chặn được cuộc tấn công bất ngờ của Nga.
Cách đây vài tuần, quân Nga đã nhanh chóng tiến về Kharkiv. Nhưng với sự giúp đỡ của quân tiếp viện, Ukraine đang dần ngăn được thế tiến công của Nga.
Tuy nhiên, mối đe dọa từ phía bắc vẫn chưa biến mất. Lyptsi vẫn là mục tiêu.
Chúng tôi phóng xe qua những đường phố bị tàn phá và bỏ hoang cùng với một đơn vị tinh nhuệ của Ukraine giữa lúc những quả đạn pháo nổ đinh tai nhức óc xung quanh.
Hai người trong đội chĩa súng ra ngoài cửa sổ. Họ quét khắp bầu trời để tìm thiết bị bay không người lái cảm tử. Chúng đã trở thành một trong những vũ khí hữu hiệu nhất của cuộc chiến.
Đơn vị Ukraine này cũng sắp sử dụng chúng. Họ tự gọi mình là Peaky Blinders (dịch nghĩa: Những gã mù nhợt nhạt), theo tên bộ phim truyền hình tội phạm ăn khách.
Oleksandr, thủ lĩnh của nhóm, cho biết khi chiến tranh bùng nổ, họ đã xuất hiện để bảo vệ đường phố của mình bằng súng và mặc quần áo dân sự. Anh nói rằng điều này giống như một phân cảnh trong bộ phim ăn khách kể trên.
Nhưng họ không còn là một nhóm tình nguyện viên lôi thôi lếch thếch nữa. Giờ đây, họ đã được tôi luyện qua chiến đấu và được lực lượng đặc biệt của phương Tây huấn luyện.
Giờ đây, họ là những Peaky Blinders công nghệ cao, sử dụng thiết bị bay không người lái nhỏ được sản xuất hàng loạt với giá rẻ.
Tuy nhiên, họ vẫn giữ nguyên tên và đội mũ rằn ri, có thêu khẩu hiệu sau lưng - “Tìm và Diệt”.
Trong vài tuần qua, Oleksandr đã thực sự chiến đấu cho ngôi nhà của mình.
Anh từng làm nông trên những cánh đồng gần hầm trú ẩn của họ - ẩn mình dưới một hàng cây. Trước chiến tranh, anh trồng dâu tây ở nơi này. Giờ đây, anh đang đặt bom.
Kể từ khi cuộc tấn công bắt đầu, đội Peaky Blinders cho biết họ đã giết chết hoặc làm bị thương hơn 100 binh sĩ Nga.
Họ hoạt động giống như một lực lượng không quân nhỏ với hàng chục máy bay không người lái và một kho bom – một loại để tiêu diệt xe tăng, một số khác nhằm vào các nhóm bộ binh hoặc từng binh sĩ.
Họ có thể thả bom hoặc sử dụng máy bay không người lái cảm tử, bay thẳng vào mục tiêu. Chúng còn được gọi là máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV).
Vào ngày chúng tôi đến thăm, họ đang cố gắng tìm kiếm mục tiêu mới.
Đây là bằng chứng họ đang đạt được một số thành công. Lính Nga đang trốn.
Để giết thời gian, họ sử dụng một trong những máy bay không người lái lớn hơn để lấy vũ khí của những binh sĩ mà họ đã tiêu diệt được.
Được trang bị một chiếc móc, cuối cùng họ đã giật được một khẩu tiểu liên bên cạnh một người lính Nga đã bỏ mạng.
Họ không chỉ giết mà còn lấy cả vũ khí.
Máy bay không người lái đã chuyển đổi cuộc chiến này ở một mức độ nào đó.
Nhưng Anton, anh trai của Oleksandr, biết rằng họ không đủ sức để đánh bại quân Nga.
Anh nói: “Chúng tôi có thể cầm chân chúng bằng thiết bị bay không người lái và gây tổn thất cho chúng, nhưng không may là chúng tôi không thể giành chiến thắng bằng vũ khí này.”
Ông nói rằng các loại vũ khí tầm xa hơn đánh thẳng vào hoạt động tập hợp quân của Nga tại biên giới “có thể đã ngăn chặn cuộc tấn công này”.
Cũng giống như họ, quân Nga cũng đã tìm ra cách gây nhiễu tín hiệu bằng khí tài điện tử.
Khi Peaky Blinders cuối cùng tìm thấy một mục tiêu mới, tín hiệu của họ bị chặn lại trước khi họ có thể lao vào tiêu diệt mục tiêu. Họ có thể mất bốn hoặc năm thiết bị bay không người lái trong một ngày.
Mặc dù vấp phải những trở ngại, Oleksandr nói rằng cuộc tấn công Kharkiv đã mang lại cho những người lính mỏi mệt của đội anh một luồng gió mới. Trước đây, họ lo ngại thế giới đang mất dần sự quan tâm về cuộc chiến. Nhưng anh biết đó vẫn còn là một nguy cơ, khi chưa thể thấy điểm kết thúc cuộc chiến.
Anh dự đoán cuộc xung đột sẽ kéo dài trong một thời gian rất dài, "có thể vài năm hoặc thậm chí hàng thập kỷ". Anh nói rằng không bên nào có đủ sức mạnh để tung ra một đòn dứt điểm. Để đẩy quân Nga trở lại biên giới, anh nói Ukraine cần sự hỗ trợ "khổng lồ" từ phương Tây.
Nhưng hiện tại, cuộc tấn công mới nhất này của Nga đang bị đánh bật lại.
Oleh Syniehubov – người đứng đầu ban quân quản Kharkiv – tin rằng kế hoạch ban đầu là tiến công thẳng tới thành phố Kharkiv. Ông nói với BBC rằng những người lính Nga bị bắt gần đây đã tiết lộ mục tiêu của họ là chiếm thị trấn Vovchansk trong hai ngày và tới thành phố Kharkiv trong vòng năm ngày.
Tổng thống Putin phủ nhận việc chiếm thành phố này là một phần trong kế hoạch.
Trưởng ban quân quản Syniehubov tin rằng cuối cùng quân Nga có thể bị đẩy lùi về biên giới – giống như năm 2022. Nhưng ông nói thêm: “Giải phóng lãnh thổ chỉ là một nửa trận chiến. Nửa còn lại là giữ vững được thế trận."
Cuộc tấn công mới của Nga ở khu vực Kharkiv một lần nữa đặt ra câu hỏi liệu Ukraine có thể thực sự giành chiến thắng trong cuộc chiến này hay không.
Cuộc chiến hẳn đã làm nổi rõ sự thiếu hụt trong chi viện của phương Tây và những căng thẳng trong lực lượng vũ trang kiệt sức của Ukraine - những lực lượng đã bị dàn trải, bị áp đảo về quân số và hỏa lực.
Ngay cả khi Ukraine có thể vượt qua được cơn bão mới nhất này, nước này vẫn đang mất đi lãnh thổ trải dài 800 dặm (1.300 km) dọc chiến tuyến. Ukraine cũng không thể sánh được với cỗ máy chiến tranh được hồi sinh của Nga – với khả năng tuyển quân mới và khả năng tái vũ trang.
'Phương Tây sợ Nga'
Ukraine cho rằng phần lớn trách nhiệm thuộc ở quyết tâm của các đồng minh.
Tuần qua, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã bày tỏ sự thất vọng của mình về những hạn chế trong sự hỗ trợ của phương Tây.
Ông cáo buộc các đồng minh "sợ Nga thua cuộc chiến" và chỉ muốn Ukraine "thắng sao cho Nga không thua".
Ukraine đã chỉ ra sự trễ nải gần đây trong viện trợ quân sự của Mỹ. Trung tướng Ihor Romanenko, cựu Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Ukraine, nói với BBC rằng Mỹ đã "tạo ra một thời gian thuận lợi kéo dài sáu tháng cho người Nga".
Oleksandr Merezhko, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Ukraine, cho biết những sự chậm trễ như vậy cũng cho thấy rõ chia rẽ trong chính sách đối ngoại của phương Tây.
Ông nói: "Tôi thấy dường như một số nước đã đồng ý với việc chia cắt Ukraine."
Ông nói rằng phương Tây dường như có chính sách cố gắng tránh thất bại hoàn toàn cho Ukraine, đồng thời không tham gia vào một cuộc xung đột trực tiếp với Nga - "khi theo đuổi cả hai mục tiêu này, nó sẽ khiến người ta mất đi sự quyết tâm," ông nói.
Trung tướng Romanenko thẳng thừng hơn khi nói: "Phương Tây sợ Nga. Điều này cần phải được khắc phục."
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Ukraine nói với BBC rằng gói viện trợ quân sự mới nhất của Mỹ sẽ chỉ đủ để họ tiếp tục các hoạt động phòng thủ cho đến cuối năm nay.
Nói cách khác, nó không đủ để tiến hành một cuộc tấn công tốn kém và đầy khó khăn để giành lại lãnh thổ.
Oleksandr Merezhko cho biết gói viện trợ quân sự mới nhất của Mỹ "chỉ cho chúng tôi cơ hội sống sót và giữ vững phòng tuyến". Ông nói điều Ukraine cần là cam kết hỗ trợ lâu dài và xuyên suốt.
Tình trạng thiếu vũ khí càng trở nên trầm trọng hơn vì phương Tây do dự trong việc tính toán xem cung cấp thứ gì.
Trung tướng Romanenko nói rằng lực lượng không quân của Ukraine đáng lẽ phải được trang bị các máy bay tiêm kích F-16. Ông gọi sự chậm trễ này là "hèn nhát".
Có những nỗi thất vọng tương tự về việc sử dụng vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp. Mỹ không muốn chúng được bắn vào lãnh thổ Nga. Ông Merezkho nói: "Nếu chúng tôi chỉ được sử dụng chúng trong lãnh thổ của mình, chúng tôi sẽ chỉ có đổ máu thêm."
Ông tin rằng cục diện của cuộc chiến chỉ thay đổi khi Nga cảm nhận được những hậu quả của chiến tranh ngay trên đất nước mình.
Trở lại tiền tuyến, Anton nói rằng Ukraine đã quan sát thấy sự tập hợp lực lượng của Nga bên kia biên giới. Anh nói nếu nhằm bắn vào đấy sớm hơn, "chúng tôi có thể đã ngăn chặn được cuộc tấn công này."
Cuộc chiến sẽ kết thúc như thế nào?
Ngay trong nội bộ Ukraine, ngày càng có nhiều người thừa nhận rằng họ có thể không giành chiến thắng trong cuộc chiến này chỉ bằng biện pháp quân sự.
Nghị sĩ Oleksandr Merezhko thừa nhận điều đó đang gây ra tổn thất rất lớn.
"Chúng tôi biết chúng tôi đang tổn thất, một nửa lưới điện của chúng tôi đã bị phá hủy và một phần ba nền kinh tế bị tàn phá. Chúng tôi đang mất mát nhân mạng và không có gì đảm bảo rằng trong một năm nữa chúng tôi sẽ có vũ khí cần thiết."
Ông Merezkho không tin có thể có những cuộc đàm phán hòa bình với Putin. Nhưng ông không còn loại trừ các cuộc đàm phán ngừng bắn nữa.
Ông không chấp nhận việc chia cắt Ukraine nhưng thừa nhận rằng việc lấy lại lãnh thổ bị chiếm đóng hiện có thể là một quá trình lâu dài. Ông mô tả đất nước của mình là "mệt mỏi và giận dữ, nhưng không buông xuôi".
Trung tướng Romenenko cũng tin rằng việc giành lại vùng đất đã mất của Ukraine có thể diễn ra dần dần và sẽ đòi hỏi cả “công tác quân sự lẫn ngoại giao”.
Ukraine vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ cuộc chiến này. Nhưng ngày càng có nhiều người thừa nhận rằng ở một giai đoạn nào đó, họ có thể phải cân nhắc những cách khác để chấm dứt nó.
Tinh thần bất khuất và ý chí chiến đấu của Ukraine vẫn chưa bị dập tắt - ngay cả với những thất bại mới nhất. Kharkiv không phải là một đòn trí mạng đối với họ. Thực tế, điều đó một lần nữa cho thấy Ukraine có thể vượt qua mọi khó khăn - ngay cả khi yếu nhất.
Nhận xét
Đăng nhận xét