Không phải đồ chơi đắt tiền, trường xịn, bác sĩ tâm lý chỉ cách "không đồng" giúp trẻ thông minh nhưng bố mẹ hay "quên" - https://eva.vn/alo-bac-si
Theo TS.BS Đinh Thạc, mỗi ngày, cha mẹ dành thời gian ngồi chơi cùng con, tương tác tốt với con sẽ không chỉ giúp trẻ phát triển trí não mà còn tránh được nhiều bệnh.
Mẹ dành những điều tốt nhất cho con nhưng lại bỏ lỡ việc đơn giản
Chị Diệp Lam (34 tuổi), đang sống và làm việc tại Nhật Bản, có con gái 3 tuổi tên Nhím. Chị cho biết, bé Nhím 10 tháng tuổi đã biết nói những từ đơn giản như cha cha, ba ba, me me… và có các cử chỉ đáng yêu như hôn gió, tạm biệt. Do công việc bận, chị gửi con về Việt Nam cho ông bà nội chăm giúp và thuê giáo viên riêng dạy cho con tại nhà và nghĩ như vậy là an tâm.
Khi con gái 24 tháng tuổi, công việc rảnh hơn, chị Lam đón con sang Nhật ở cùng ba mẹ. Nhưng khác với trước đây, bé Nhím không nghe, không có cảm xúc khi mẹ gọi, nói chuyện cùng. “Tôi nghĩ con bị điếc nên lấy điện thoại mở bài “Baby shark” thì con đi tìm điện thoại, không nói gì, cũng không có cảm xúc gì với mẹ”, chị Diệp Lam chia sẻ.
Theo TS.BS Đinh Thạc, cha mẹ hãy dành thời gian cho con nhiều hơn. Ảnh minh họa.
Đưa con đi khám tâm lý 3 nơi khác nhau, chị Diệp Lam chết lặng khi nơi nào cũng đều có kết luận, bé Nhím bị rối loạn phổ tự kỷ. “Tôi làm mẹ của 4 đứa con rồi, mà giờ con như thế này, tôi không biết phải bắt đầu từ đâu. Thương con bao nhiêu, tôi giận mình bấy nhiêu”, người mẹ 4 con nói buồn.
Hiện chị Diệp Lam muốn dành nhiều thời gian cho con hơn và sớm giúp con được là đứa trẻ bình thường như trước đây. Tuy nhiên, chị không biết dùng phương pháp nào là tốt nhất.
Mới đây, con trai 4 tuổi của chị Hoàng Yến phải nghỉ học bán trú ở trường vì bé chưa nói được. Khi nghe bác sĩ khuyến cáo, con trai đang có dấu hiệu của rối loạn phổ tự kỷ kiến chị Yến rất lo lắng, hối hận vì trước đó lo làm việc mà không có nhiều thời gian bên con. Hiện chị quyết định nghỉ việc không lương để ở bên con, dạy con học nói, học chữ cái, nhận biết màu sắc và cảnh vật xung quanh… Điều làm chị nản chí là con không hợp tác với mẹ và thường xuyên quậy phá, ném đồ dùng…
Hãy ngồi dưới sàn nhà cùng con làm một việc lặp đi lặp lại
TS.BS Đinh Thạc, trưởng Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết từng khám cho nhiều trẻ mắc các vấn đề về thận kinh, chậm nói và học chậm… Có một nghịch lý là, khi khám cho các trẻ này, bác sĩ Thạc luôn hỏi: “một ngày cha mẹ dành thời gian cho con bao nhiêu”? thì hầu hết phụ huynh đều nói rất ít, chỉ giao tiếp vài từ với con, có khi bận quá mở tivi, điện thoại cho con xem để mình còn làm việc. Bác sĩ Thạc nhận thấy, nếu như cha mẹ muốn con tốt lên mà không sẵn sàng, không kiên nhẫn, không dành nhiều thời gian cho con "là thua".
TS.BS Đinh Thạc nói chuyện với một người mẹ có con tự kỷ trong Chương trình "Ôm con vào lòng".
“Thời gian cha mẹ dành cho con không chỉ quan trọng với trẻ tự kỷ mà còn với trẻ mắc các rối loạn khác và cả những trẻ đang có sức khỏe bình thường”, bác sĩ Thạc nói.
Theo bác sĩ Thạc, với trẻ chỉ cần được người lớn tương tác, quan tâm, tiếp xúc càng nhiều càng tốt. Nhất là khi trẻ đang trong giai đoạn tuổi ấu thơ thì có 2 hoạt động chính là giao tiếp bằng ngôn ngữ và trò chơi để trẻ phát triển. Trong y khoa đã có những trò chơi trị liệu để giúp trẻ vận động và để kéo trẻ ra khỏi trạng thái một mình. Lúc này, cha mẹ và người thân trong đình gần gũi với trẻ sẽ đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy, cha mẹ cần dành nhiều thời gian cho con nhưng không đặt nặng áp lực lên trẻ, mà phải trân trọng từng phút giây, xem trọng sự cố gắng của trẻ.
Bác sĩ Thạc cho biết, hiện nay, phương pháp ngồi dưới sàn nhà được xem là rất tốt khi cha mẹ dành thời gian cho con và có thể áp dụng cho mọi trẻ em nhằm giúp trẻ phát triển hệ tư duy, cải thiện trí não. Phương pháp này có nghĩa là, khi ở bên con, cha mẹ hãy bỏ hết thói quen không tốt hàng ngày như xem tivi, điện thoại… mà hãy ở trọn vẹn bên con, chơi theo các trò chơi của con, làm sao cho trẻ biết được có sự hiện diện của mình. Lúc này, trẻ sẽ là người bày ra các trò chơi, cha mẹ sẽ chơi cùng con, chơi theo trò chơi của con. Cha mẹ có thể vừa chơi vừa nói chuyện với con, cũng có thể dạy cho con màu sắc của đồ chơi, cách nhận biết gọi tên các đồ chơi của con…Từ đó, giúp trẻ tập nói, học được nhiều thứ và hình thành trí nhớ.
Trường hợp con thích vẽ tranh, cha mẹ cũng hãy vẽ tranh cùng con. Ban đầu là cùng con vẽ các nét đơn giản, khi con vẽ tốt hơn thì vẽ nhiều nét, vẽ hình thù các con vật, cây cối, hoa lá… Trong quá trình vẽ, cha mẹ giúp con gọi tên bức tranh, nhận biết màu sắc trong tranh, hay gọi tên các đồ dùng, con vật, cây cối trong bức tranh… Nếu trẻ thích chơi trò xếp hình, cha mẹ cũng có thể ngồi xếp cùng. Bộ chơi xếp hình sẽ có nhiều màu sắc, nhiều loại hình, có khi có cả hình người, trái cây, ngôi sao... Đây là lúc cha mẹ dạy con học nói, học nhận biết… rất hiệu quả.
Hay nếu muốn dạy chữ cái, chữ số cho con, cha mẹ hãy mua các bộ dụng cụ này về rồi dạy cho con. Thông thường, các bộ chữ cái, chữ số có nhiều màu sắc, hình dáng đa dạng, có khi có hình ảnh các con vật đồ dùng, cây cối… Vì vậy, ngoài dạy chữ cái, chữ số cha mẹ cũng có thể dạy các điều khác cho con.
Nguyên tắc đúng của phương pháp này là áp dụng từ từ, lặp đi lặp lại nhiều lần và thật vui vẻ, gắn kết nhưng cần kiên trì, dành hoàn toàn tình thương cho trẻ. “Cha mẹ chỉ cần mua một bộ tranh có đầy đủ con vật rồi dạy cho con. Một ngày chỉ cần dạy cho con một con vật, phát âm tên con vật cho chuẩn, to và nhiều lần để trẻ làm quen dần. Nhiều lần như vậy, trẻ sẽ không chỉ học được chữ, con vật mà bắt đầu làm quen được với những người xung quanh. Sau đó, khi cha mẹ hỏi con vật đó tên gì trẻ sẽ trả lời được. Hoặc sau vài tuần, nếu được hỏi lại trẻ sẽ biết được và trả lời. Đây là phương pháp giúp trẻ có sự tương tác với người lớn được ngành y tế đánh giá giúp trẻ phát triển trí não rất tốt”, bác sĩ Thạc chia sẻ.
Theo TS.BS Đinh Thạc, cha mẹ hãy dành thời gian bên con thật vui vẻ, kiên trì. Ảnh minh họa.
Nguyên tắc đúng thứ hai của phương pháp này là, nếu muốn trẻ làm tốt thì cha mẹ hãy xem trẻ giống như người bạn đồng hành. Điều này có thể thể hiện qua việc khen ngợi khi trẻ làm được điều gì đó, hoặc có thể thưởng cho trẻ một món quà dù nhỏ cũng sẽ làm trẻ vui và muốn cố gắng làm thêm những việc khác.
Nguyên tắc đúng thứ ba là cha mẹ không nên nản chí. Trẻ em rất vô tư, hồn nhiên và như một tờ giấy trắng nên cần được yêu thương, vỗ về. Có lúc trẻ rất ngoan nhưng cũng có lúc trẻ, quậy phá, quấy khóc. Vì vậy, cha mẹ hãy kiên trì và đừng nản chí. “Muốn trẻ phát triển tốt thì cần phải có sự yêu thương hết mực, dành những gì tốt nhất và thời gian cho trẻ thì nhất định trẻ sẽ có cơ hội để cải thiện được”, bác sĩ Thạc nhấn mạnh.
Trong trường hợp không có quá nhiều thời gian cho con, cha mẹ cũng có thể tận dụng 2-3 giờ/ngày dành cho con. Thời gian còn lại ngoài trẻ ăn, ngủ, đi học thì hãy nhờ người thân trong gia đình hỗ trợ trong việc tương tác, giao tiếp với trẻ. Tuy nhiên, cần phải gửi trẻ cho những người thật sự yêu thương trẻ.
Nhận xét
Đăng nhận xét