‘Mất mát quá lớn, Đào Nguyên Khôi ơi!’
(PLO)- PGS.TS Đào Nguyên Khôi, người nhận giải Quả cầu vàng, qua đời khi chỉ mới 39 tuổi, để lại bao tiếc thương về một nhà giáo, nhà khoa học tài năng và tận tâm.
Đến hôm nay, 29-5, sau hơn một ngày, nhiều đồng nghiệp, bạn bè và các thế hệ học trò vẫn chưa hết bàng hoàng khi biết tin PGS.TS trẻ và tài năng Đào Nguyên Khôi qua đời.
Nói về công việc liên tục suốt 3 ngày trước khi mất
PGS.TS Đào Nguyên Khôi (39 tuổi) mất sau một thời gian chống chọi với bệnh ung thư máu và được gia đình đưa về và tổ chức lễ tang tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
PGS.TS Đào Nguyên Khôi là giảng viên cao cấp, Trưởng Khoa Môi trường tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM). Anh được biết đến là một nhà khoa học trẻ, tài năng và có nhiều thành tích đáng nể trong lĩnh vực nghiên cứu về các vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu. Trong học tập và nghiên cứu, PGS.TS Đào Nguyên Khôi luôn là một người giàu nỗ lực, kiên trì và đam mê.
Tối 29-5, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) lác đác mưa bay. Dù thời tiết bất lợi nhưng bà con xóm giềng đến khá đông để thắp nhang, chia buồn với gia quyến PGS.TS Đào Nguyên Khôi. Ngồi thẫn thờ trước linh cữu con trai, ông Đào Thanh Việt (68 tuổi, cha ruột PGS.TS Đào Nguyên Khôi), không giấu được vẻ đau xót.
Theo ông Việt, trước khi mất, con trai ông nói liên tục về công việc suốt ba ngày. Có lúc, con nói quá nhiều, ông lo và dặn con trai nên chú tâm sức khỏe, công việc để tính sau. Vậy nhưng, PGS.TS Đào Nguyên Khôi không nghe lời cha, còn đòi xuất viện về để đi làm.
“4 giờ 30 ngày 28-5, con tôi nấc lên vài tiếng. Linh cảm có chuyện chẳng lành, tôi đặt tay vào tim con thì thấy tim con ngừng đập. Tôi hoảng hốt gọi bác sĩ…nhưng con tôi đã mất”, giọng người cha lạc đi.
Cũng lời ông Việt, PGS.TS Đào Nguyên Khôi là người ham học, ham việc. Từ năm 18 tuổi đến nay, PGS.TS Đào Nguyên Khôi đã xa quê, ít khi ghé về nhà. “Mỗi dịp hè, vợ tôi nhớ con, kêu con sắp xếp về. Nhưng tính nó lo công việc, cứ về được vài bữa lại đi. Có khi con dẫn sinh viên lên Đắk Lắk thực tập, chỉ tạt qua nhà vài chục phút rồi lại chào cha mẹ để về TP. HCM”, ông Việt kể.
Một người hàng xóm có mặt tại đám tang của PGS.TS Đào Nguyên Khôi, cho biết anh là người hiền lành, có tiếng ham học từ nhỏ. “Nó tài năng, sống tình cảm nhưng bạc mệnh, xóm giềng ai cũng thương”, người này nói.
Cha mẹ của PGS.TS Đào Nguyên Khôi đều làm công chức nhà nước tại Đắk Lắk và Đắk Nông. Gia đình anh có hai anh em, trong đó PGS.TS Đào Nguyên Khôi là con đầu.
Tài năng, giản dị và sống biết ơn
Chia sẻ về PGS Khôi, Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính (Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho hay, PGS Khôi là người nhiệt huyết, tận tâm với công việc, luôn hỗ trợ đàn em và sinh viên.
PGS Khôi luôn giản dị, hiền lành và hòa đồng với mọi người nhưng trong công việc, anh lại rất quyết đoán. Anh luôn lo cho sự phát triển của đơn vị, luôn đề xuất những điều có lợi cho khoa, trường. Ngay cả khi đang bệnh, PGS Khôi vẫn tập trung cho chuyên môn, đồng thời còn viết xong 2 cuốn sách chuyên khảo và làm hồ sơ đăng ký đạt chuẩn Giáo sư năm 2024.
Ngay sau khi biết PGS.TS Khôi qua đời, GS Phan Thanh Sơn Nam (công tác tại ĐH Quốc gia TP.HCM) đã có chia sẻ cảm xúc khá dài về người đồng nghiệp vắn số trên Facebook cá nhân.
GS Nam viết: “Với bạn (PGS.TS Khôi – PV), mình dùng một chữ thương. Không phải vì bạn giỏi, không phải vì bạn thành công, cũng không phải vì bạn nổi tiếng. Người giỏi thì nhiều, người thành công cũng nhiều, người nổi tiếng cũng không ít. Mình dành cho bạn một sự đồng cảm, vì khi bạn chạm được tay vào thành công, bạn vẫn còn nhớ và nhắc đến tên những người thầy đầu tiên của bạn trên con đường làm khoa học. Sống hơn nửa đời người, đi nhiều, thấy nhiều, mới thấy thương những người như bạn”
Mình quý bạn, vì bạn có những suy nghĩ đơn giản như mình, là ngày xưa được thầy cô tận tình dẫn dắt thế nào thì giờ này sẵn sàng trao lại cho thế hệ trẻ tiếp nối mà không cần toan tính thiệt hơn điều gì…
Đang giữa độ tuổi chín muồi về tài năng, bạn vướng vào căn bệnh trời kêu ai nấy dạ. Cách đây một năm, nhận được tin dữ về bạn. Giữa xứ người, mưa thu lạnh buồn thê thiết, nhìn lá thu úa vàng rụng gần hết, mình vẫn cầu mong có một phép màu để chiếc lá cuối cùng đừng bao giờ rụng…”.
Mất mát quá lớn!
Không giấu được sự nghẹn ngào, chị Huỳnh Thị Hải Quyên (cựu sinh viên Lớp 03MT, Khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học tự nhiên) chia sẻ rằng: Khôi là người hiền lành, rất hiền, điềm đạm, vô cùng dễ thương.
Khi học chung ĐH, Khôi đã chứng tỏ là người giỏi trong các nghiên cứu. Đó là bước đệm để Khôi tiến xa hơn, giỏi hơn, khẳng định mình trên con đường mà Khôi đã chọn. Lớp 03MT (Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học tự nhiên) luôn luôn tự hào về Khôi và ngưỡng mộ Khôi vô cùng về những thành quả mà Khôi đã đạt được.
Khi nhận tin Khôi phát hiện bệnh, cả lớp 03MT vô cùng buồn. Các bạn cố gắng động viên và giúp đỡ Khôi trong những ngày tháng điều trị bệnh. Và rồi chuyện gì đến cũng đến, sáng ngày 28-5 nhận tin Khôi mất, cả lớp bàng hoàng, xót xa vô cùng, các bạn nữ như chúng tôi cứ nghẹn ngào khi xem lại hình của Khôi. Chúng tôi như mất một cái gì đó quá lớn. Xót xa vô cùng!.
Không ai bảo ai, bạn bè ai sắp xếp phụ được gì thì phụ, sắp xếp đi lên nhà Khôi ở Buôn Mê Thuột để trực và ở lại đưa tiễn Khôi đoạn đường cuối này. Khôi ơi! Lớp 03MT luôn tự hào và luôn nhớ về Khôi.
Còn với chị Trần Thị Tú Linh đến giờ vẫn còn bất ngờ và không tin thầy Đào Nguyên Khôi đã ra đi. Chị Linh cho biết chị là học viên lớp cao học khóa K29 Quản lý tài nguyên môi trường. Chị được thầy Khôi giảng dạy và hỗ trợ trong quá trình làm luận văn tốt nghiệp.
Thầy luôn tận tâm, tận tụy, hỗ trợ không chỉ môn của thầy mà cả các môn học khác. Đến giai đoạn làm luận văn tốt nghiệp dù mỗi người đều có một giảng viên hướng dẫn chi tiết nhưng thầy luôn hỗ trợ và chia sẽ kinh nghiệm cũng như hướng dẫn cho từng học viên.
“Hồi biết tin thầy bệnh, thấy thầy cạo tóc mà thương thầy lắm nhưng lúc nào thầy cũng cười, giọng nói nhẹ nhàng và luôn hỏi tôi “Làm xong đề tài chưa, lẹ kẻo trễ nhé, gắng đi còn một đoạn ngắn nữa là xong.
Hồi tháng 12-2023, thầy trò cùng các thầy trong khoa còn gặp gỡ nhau vui mừng vì hoàn tất hồ sơ luận văn. Dự định tháng 6 này làm lễ nhận bằng, thầy trò ăn mừng một bữa. Vậy mà, thầy ơi! Nghe tin thầy mà chúng tôi bàng hoàng, thật sự được học tập và quen biết thầy là may mắn trong cuộc đời tôi”.
Cũng là một học trò của PGS.TS Đào Nguyên Khôi, Quốc Việt chia sẻ: “Thầy đã cống hiến hết mình và đóng góp thật nhiều cho cả xã hội cũng như là sự nghiệp giáo dục của khoa của trường. Vẫn luôn thấy thầy tích cực và vui tươi cho những ngày tháng gần đây, thật sự là một tấm gương rất đáng trân trọng trong cuộc sống”.
Những dấu ấn đáng nể của PGS.TS Đào Nguyên Khôi
PGS.TS Đào Nguyên Khôi (sinh năm 1985), quê quán tại Đắk Lắk.
Anh tốt nghiệp ĐH năm 2007 chuyên ngành Tin học môi trường tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và tốt nghiệp thạc sĩ năm 2011 cũng tại trường ĐH này. Sau đó, anh tốt nghiệp tiến sĩ năm 2013 tại ĐH Yamanashi ở Nhật Bản và trở về công tác giảng dạy, rồi được bổ nhiệm các vị trí quản lý ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Năm 2014, anh được tôn vinh là Nhà giáo trẻ tiêu biểu.
Năm 2019, PGS.TS Đào Nguyên Khôi đạt chuẩn chức danh Phó giáo sư. Đồng thời, anh đạt Giải thưởng khoa học công nghệ thanh niên Quả cầu vàng và được vinh danh Công dân trẻ tiêu biểu của TP.HCM.
Từ năm 2019 đến nay, còn là Ủy viên phân ban thủy văn của Hiệp hội Khoa học Địa chất Châu Á, Châu Đại Dương (AOGS).
Năm 2020, được giao phụ trách Trưởng bộ môn Quản lý và tin học môi trường của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên.
Năm 2022, được bổ nhiệm Trưởng Khoa Môi trường.
Đến nay, PGS.TS Đào Nguyên Khôi đã công bố hơn 60 bài báo khoa học trên các tạp chí và tuyển tập hội nghị trong và ngoài nước (trong đó có 17 bài báo trong danh mục ISI và 6 bài báo trong danh mục SCOPUS); hai đề tài nghiên cứu cấp quốc gia, 6 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ/tỉnh, 9 đề tài cấp ĐHQG/cơ sở
Phó giáo sư trẻ và tài năng Đào Nguyên Khôi qua đời ở tuổi 39
(PLO)- PGS.TS Đào Nguyên Khôi (sinh năm 1985) từng là một trong những người có tuổi đời trẻ nhất được phong hàm phó giáo sư năm 2019.
Nhận xét
Đăng nhận xét