'GDP của Việt Nam có thể giảm 1% nếu ông Trump tái đắc cử'

 Hình ông Trump trên một biển hiệu quảng cáo ở Hà Nội

Nguồn hình ảnh,Getty Images

Chụp lại hình ảnh,Hình ông Trump trên một biển hiệu quảng cáo ở Hà Nội

Một nhiệm kì tổng thống thứ hai của ông Donald Trump có thể dẫn đến tăng trưởng kinh tế thấp hơn đáng kể ở một số nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, trong đó Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam bị ảnh hưởng đặc biệt, theo cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch.

Trong kịch bản xấu nhất, GDP thực tế của Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc vào năm 2028 sẽ giảm đến 1% hoặc hơn so với mức dự kiến hiện tại của Fitch, nếu chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Mỹ tăng mạnh, tăng trưởng kinh tế yếu hơn và căng thẳng địa chính trị gia tăng trong một nhiệm kì tổng thống của Đảng Cộng hòa.

Trong các bài phát biểu vận động tranh cử vào Nhà Trắng 2024, ông Trump đã nêu kế hoạch áp thuế toàn diện từ 10% đến 20% lên hầu hết các mặt hàng nhập khẩu cũng như thuế từ 60% trở lên đối với hàng hóa từ Trung Quốc.

Phân tích của Fitch tập trung vào khả năng có những thay đổi chính sách lớn nếu ứng cử viên của Đảng Cộng hòa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay, nhưng không đánh giá chi tiết kế hoạch của đối thủ của ông là Phó Tổng thống Kamala Harris. Tuy vậy, cơ quan xếp hạng tín nhiệm có trụ sở tại New York đánh giá rằng bà Harris nhiều khả năng sẽ tiếp nối những chính sách của ông Biden nếu thắng cử.

Nhưng dù bất cứ ai thắng cử thì báo cáo Fitch nêu rằng rủi ro địa chính trị, đặc biệt xuất phát từ căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ, có thể là một yếu tố quan trọng đối với các quốc gia trong châu Á – Thái Bình Dương.

Kịch bản xấu nhất - chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Mỹ tăng mạnh - có thể dẫn đến một môi trường kinh tế toàn cầu biến động hơn và có khả năng gây áp lực tăng lên chi tiêu quốc phòng của các chính phủ, làm gia tăng thách thức trong việc cân đối tài khóa.

Đồ thị tác động tới tăng trương

Bản chất của chủ nghĩa bảo hộ thương mại là việc chính phủ một nước muốn bảo vệ sản phẩm trong nước bằng cách đánh thuế ở mức cao đối với các sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ bên ngoài.

Sau khi vào Nhà Trắng, trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, ông Donald Trump đã thực hiện chủ trương “Nước Mỹ trên hết”, gây ra một cuộc chiến thương mại gay gắt với Trung Quốc.

Theo đó, nhằm bảo vệ lợi ích của Mỹ, ông Trump đã đưa ra những quyết định gây sốc, rút Mỹ khỏi các thỏa thuận, các tổ chức khu vực và quốc tế, trong đó có rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); đàm phán lại Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA); rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA); ngừng đàm phán FTA với EU.

Tiếp đó là áp đặt thuế nhập khẩu khá cao đối với sản phẩm của nhiều nước như nhôm, thép; đặt ra yêu sách buộc Trung Quốc cắt giảm thặng dư thương mại với Mỹ bằng cách mở cửa thị trường nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ.

Khi chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng, các sản phẩm nhập khẩu phải chịu mức thuế cao nên khó cạnh tranh với các sản phẩm sản xuất ở trong nước, từ đó dẫn đến việc người tiêu dùng sẽ tìm đến các mặt hàng nội địa vì giá hấp dẫn hơn.

Nếu ông Trump tái đắc cử, báo cáo của Fitch dự đoán các quốc gia xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, ngoại trừ Ấn Độ, do nền kinh tế nước này ít phụ thuộc vào xuất khẩu hơn.

Chụp lại video,Bầu cử Mỹ 2024: Chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông Trump tái đắc cử?

Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam

Hiện tại, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đạt 97 tỷ USD và nhập khẩu từ Mỹ đạt 13,82 tỷ USD, xuất siêu hơn 83 tỷ USD.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan Việt Nam, sáu tháng đầu năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 55,1 tỷ USD, tăng 24% so với năm trước (chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam).

Chính phủ Việt Nam kì vọng Mỹ sẽ tiếp tục duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong sáu tháng cuối năm 2024. Đặc biệt, nếu kim ngạch thương mại Việt Nam-Mỹ đạt trên 100 tỷ USD sẽ là năm thứ 3 liên tiếp hai nước đạt mốc này.

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam

Nguồn hình ảnh,Getty Images

Chụp lại hình ảnh,Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam

Tuy vậy, báo cáo của Fitch dự đoán rằng nếu ông Trump tái đắc cử, Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất do chủ nghĩa bảo hộ thương mại tăng.

Trong thời kỳ ông Trump nắm quyền từ năm 2017 đến 2021, ông đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích Việt Nam xuất siêu hàng hóa vào Mỹ và thao túng tiền tệ.

Trong một bài phỏng vấn với Fox Business Network được phát vào ngày 26/6/2019, ông Trump đã cáo buộc Hà Nội lợi dụng cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc để thúc đẩy xuất khẩu sang Mỹ.

“Nhiều công ty đang chuyển sang Việt Nam, nhưng Việt Nam lợi dụng chúng tôi còn tệ hơn Trung Quốc,” ông Trump trả lời trong cuộc phỏng vấn khi đó.

Lúc đó, ông Trump cũng cho rằng Việt Nam là nước có tình trạng "lạm dụng thương mại với Mỹ" và nói rằng việc một số công ty Trung Quốc chuyển tới Việt Nam để né đòn áp thuế của Mỹ là hiện tượng "đáng quan ngại".

Khi được hỏi có muốn đánh thuế Việt Nam không, ông Trump đã không bác bỏ.

"Chúng tôi đang thảo luận với Việt Nam. Việt Nam nhỏ hơn Trung Quốc nhiều, nhưng họ gần như là kẻ lợi dụng tệ nhất."

Vào ngày 28/6/2019, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chính thức phản hồi tuyên bố của ông Trump trong vấn đề thương mại song phương được nêu ra trong cuộc phỏng vấn nói trên.

"Với quan điểm hai nền kinh tế có thể bổ trợ cho nhau, Việt Nam chủ trương thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với Mỹ theo hướng tự do, công bằng trên cơ sở đôi bên cùng có lợi," bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao lúc bấy giờ, nói.

Cùng ngày, Chính phủ Việt Nam cho biết rằng Bộ Thương mại sẽ ký một biên bản ghi nhớ với Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, bao gồm việc mua khối lượng lớn khí đốt hóa lỏng từ Mỹ.

Ngày 27/2/2019, Tổng thống Donald Trump và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chứng kiến lễ ký các thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Việt Nam

Nguồn hình ảnh,Getty Images

Chụp lại hình ảnh,Ngày 27/2/2019, Tổng thống Donald Trump và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chứng kiến lễ ký các thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Việt Nam

Kể từ khi Hà Nội và Washington nâng cấp quan hệ ngoại giao thành Đối tác Chiến lược Toàn diện trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden vào tháng 9/2023, chính phủ Việt Nam đã tăng cường vận động hành lang để Mỹ xem xét việc nâng cấp Việt Nam từ nền kinh tế phi thị trường.

Nhưng vào đầu tháng 8/2024, Mỹ đã ban hành kết luận chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến quyết định này, trong đó có việc nhà nước vẫn can thiệp sâu vào mọi khía cạnh của nền kinh tế, ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với hệ thống tư pháp và tệ tham nhũng.

Đây được coi là một bước thụt lùi đối với nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu sang Mỹ - thị trường quan trọng nhất của Việt Nam.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Cô gái 16 tuổi tìm lại con trai mới sinh sau khi bỏ rơi trước quán cà phê