Trung Quốc truy quét lĩnh vực tài chính: từ thu nhập rủng rỉnh trở thành 'lũ chuột nhắt'

 Hình minh họa doanh nhân Trung Quốc

Nguồn hình ảnh,Getty Images

Chụp lại hình ảnh,Trung Quốc đã tiến hành trấn áp các doanh nghiệp từ bất động sản, công nghệ cho đến tài chính
  • Tác giả,Fan Wang
  • Vai trò,BBC News

"Giờ trong đầu tôi xuất hiện suy nghĩ, bản thân mình rõ ràng đã chọn sai nghề."

Tiêu Thâm*, một người đang làm việc cho một công ty quản lý tài sản tư nhân ở Thượng Hải, trung tâm tài chính của Trung Quốc, cho biết anh đã trải qua một năm khó khăn.

Trong năm đầu tiên đi làm, anh cho biết đã nhận được gần 750.000 nhân dân tệ (hơn 2,6 tỷ đồng). Tiêu Thâm chắc chắn là mình sẽ sớm đạt đến cột mốc 1 triệu nhân dân tệ (3,5 tỷ đồng).

Ba năm sau, anh chỉ kiếm được một nửa số tiền mà mình từng nhận được. Tiền lương của anh bị đóng băng vào năm ngoái và tiền thưởng hằng năm, vốn chiếm phần lớn trong thu nhập, cũng bị bốc hơi.

Ánh hào quang của ngành công nghiệp tài chính trở nên mờ dần, anh cho biết. Nghề này từng khiến anh "cảm thấy thật hào nhoáng".

Nhưng giờ đây, anh chỉ là "một con chuột nhắt tài chính", một tên gọi mà anh cùng những người cùng ngành bị mỉa mai trên mạng.

Một nền kinh tế từng rất thịnh vượng của Trung Quốc, với viễn cảnh tươi sáng, hiện đang bị trì trệ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trở nên quan ngại về vấn đề tài sản cá nhân và thách thức về bất bình đẳng ngày càng trở nên sâu sắc.

Các cuộc trấn áp các tỷ phú và doanh nghiệp, từ bất động sản đến công nghệ, tài chính đã và đang được tiến hành kèm theo các thông điệp kiểu xã hội chủ nghĩa về chịu đựng gian khó và phấn đấu vì sự thịnh vượng của Trung Quốc. Thậm chí những người nổi tiếng cũng được yêu cầu bớt khoe của trên mạng.

Người dân được tuyên truyền rằng lòng trung thành với Đảng Cộng sản và đất nước quan trọng hơn tham vọng cá nhân, nhân tố vốn đã giúp tạo sự chuyển biến cho xã hội Trung Quốc trong vài thập kỷ qua.

Lối sống sang chảnh của Tiêu Thâm hẳn đã bị ảnh hưởng từ sự thay đổi 180 độ này. Anh đã thay đổi kỳ nghỉ từ châu Âu sang lựa chọn rẻ hơn: Đông Nam Á.

Và anh cho biết bản thân "thậm chí không dám suy nghĩ" về việc tiếp tục mua đồ hàng hiệu như "Burberry hay Louis Vuitton".

Nhưng ít ra thì những nhân viên bình thường như anh lại ít gặp rắc rối với luật pháp. Hàng chục quan chức tài chính và quản lý ngân hàng đã bị bắt giữ, bao gồm cựu chủ tịch của Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China).

Hôm thứ Năm 10/10, cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân (tức Ngân hàng Trung ương) Phạm Nhất Phi đã bị kết án tử hình, với 2 năm được hoãn thi hành án, theo truyền thông nhà nước.

Ông Phạm bị buộc tội nhận hối lộ hơn 386 triệu nhân dân tệ (hơn 1.365 tỷ đồng).

Lĩnh vực tài chính-ngân hàng đang chịu nhiều áp lực. Trong khi rất ít công ty công khai thừa nhận điều này, việc cắt giảm lương trong lĩnh vực ngân hàng và các công ty đầu tư đang là chủ đề được bàn luận sôi nổi trên mạng xã hội Trung Quốc.

Các bài đăng trên mạng xã hội về giảm lương đã thu hút hàng triệu lượt xem trong những tháng gần đây. Và các hashtag như "rời lĩnh vực tài chính để kiếm việc khác" và "nghỉ việc tài chính" đã thu hút hơn 2 triệu lượt xem trên nền tảng mạng xã hội đông người dùng Tiểu Hồng Thư.

Một số người làm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đã bị giảm thu nhập kể từ khi đại dịch Covid bùng phát, nhưng nhiều người cho rằng có một bài đăng được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội đã tạo ra bước ngoặt.

Vào tháng 7/2022, một người dùng mạng xã hội Tiểu Hồng Thư đã gây bức xúc sau khi khoe rằng người chồng 29 tuổi của cô có mức lương tháng 82.500 nhân dân tệ (hơn 287 triệu đồng) ở một công ty dịch vụ tài chính hàng đầu, đó là Tập đoàn Vốn quốc tế Trung Quốc (China International Capital Corporation).

Mọi người ngỡ ngàng về chênh lệch thu nhập vô cùng lớn giữa thu nhập của họ với mức lương của một nhân viên tài chính.

Mức lương tháng trung bình tại Thượng Hải, thành phố giàu nhất của Trung Quốc, chỉ hơn 12.000 nhân dân tệ (hơn 42 triệu đồng).

Điều này đã tái kích hoạt một cuộc tranh luận về thu nhập trong lĩnh vực tài chính, vốn đã được khơi ra từ một người dùng mạng xã hội khoe mức lương trước đó cùng năm.

Những bài đăng trên mạng xã hội ấy xuất hiện chỉ vài tháng sau khi ông Tập Cận Bình hô hào "cộng đồng phú dụ" (thịnh vượng chung) - một chính sách nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.

Hồi tháng 8/2022, Bộ Tài chính Trung Quốc đã ra các quy định mới yêu cầu các công ty "tối ưu hóa phân bổ thu nhập nội bộ và thiết kế một cách khoa học hệ thống tiền lương".

Năm tiếp theo, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chỉ trích các ý tưởng về "giới tinh hoa tài chính" và cách tiếp cận "chỉ có tiền mới quan trọng", biến tài chính trở thành một đích ngắm rõ ràng trong chiến dịch chống tham nhũng đang được triển khai tại quốc gia này.

Shanghai skyline.

Nguồn hình ảnh,Getty Images

Chụp lại hình ảnh,Thượng Hải là trung tâm tài chính và là thành phố giàu nhất của Trung Quốc

Những thay đổi này xuất hiện nhanh nhưng cũng thật kín kẽ, theo Alex*, quản lý một ngân hàng do nhà nước chi phối ở thủ đô Bắc Kinh.

"Mệnh lệnh không được ghi bằng giấy trắng mực đen đâu - mà dù có tài liệu [chính thức] thì cấp như chúng tôi cũng không thể xem được. Nhưng ai cũng biết là hiện nay người ta đã đặt mức [lương] trần. Tôi chỉ không biết mức trần ấy là bao nhiêu."

Alex nói các chủ doanh nghiệp cũng đang chật vật trong việc đối phó với mức độ trấn áp này: "Ở nhiều ngân hàng, các mệnh lệnh có thể thay đổi nhanh một cách bất ngờ."

"Họ ban hành hướng dẫn thường niên vào tháng 2 và trước tháng 6 hoặc tháng 7, rồi họ sẽ nhận ra việc chi trả lương đã vượt yêu cầu. Tiếp đó họ sẽ nghĩ ra cách để thiết lập các chỉ tiêu để trừ lương nhân viên."

Tiêu Thâm nói khối lượng công việc của anh đã bị giảm đáng kể khi số công ty niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán sụt giảm. Đầu tư nước ngoài đã giảm ở Trung Quốc và các doanh nghiệp trong nước cũng trở nên thận trọng - do hệ quả của hoạt động truy quét và tiêu dùng yếu.

Trong quá khứ, công việc của Tiêu Thâm bao gồm các dự án mới, giúp mang lại tiền cho công ty của anh. Hiện giờ thì ngày ngày anh chủ yếu làm việc lặt vặt như sắp xếp dữ liệu từ các dự án trước đây.

"Tinh thần làm việc của cả đội xuống rất thấp, bàn tán sau lưng sếp hầu hết đều tiêu cực. Mọi người nói với nhau về chuyện không biết sẽ làm gì sau 3 đến 5 năm nữa."

Thật khó để ước lượng liệu số người rời bỏ lĩnh vực tài chính lớn hay không, mặc dù đã xảy ra các vụ sa thải hàng loạt. Việc làm hiện đang trở nên khan hiếm tại Trung Quốc, vì thế dù phải làm trong lĩnh vực tài chính với mức lương thấp hơn nhưng vẫn có người phải bám trụ.

Thế nhưng, sự nản chí ngày càng hiển lộ. Một người dùng trên mạng xã hội Tiểu Hồng Thư đã ví von chuyện đổi việc cũng giống đổi ghế ngồi vậy - nhưng "nếu đứng lên một chặp rồi quay lại có khi ghế đã không còn", người này viết.

Tiêu Thâm nói không chỉ nhà chức trách không còn mặn mà với nhân viên trong lĩnh vực tài chính, mà nói chung là cả xã hội Trung Quốc đều như vậy.

"Không ai thèm chúng tôi, ngay cả trong các cuộc hẹn hò giấu mặt. Nếu nghe tôi làm việc trong lĩnh vực tài chính thì người ta sẽ bảo tôi đừng có đến nữa."

*Tên của những nhân viên trong lĩnh vực tài chính đã được thay đổi để bảo vệ danh tính của họ.

Chụp lại video,75 năm Quốc khánh: Trung Quốc ngày nay cộng sản như thế nào?

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Cô gái 16 tuổi tìm lại con trai mới sinh sau khi bỏ rơi trước quán cà phê