Đánh “đồng chí X”: chơi mà thực – thực mà chơi
Nguyễn Quang Duy (Danlambao) - Dưới thể chế độc tài toàn trị khó mà đoán được những chủ đích của tầng lớp cầm quyền. Sự nhượng bộ có thể chỉ là giai đoạn, lời hứa thường không được tôn trọng. Vì thế cái giá của cuộc chơi thường phải trả cao hơn. Nhưng kết quả sẽ giá trị hơn, như trận đánh tham nhũng là trận đánh sống còn giữa đảng Cộng sản và dân tộc Việt Nam. Muốn có dân chủ thì phải tham gia cuộc chơi, càng nhiều người chơi thì cái giá càng giảm cho mỗi người và kết quả càng thể hiện rõ rệt...
*
Lý thuyết trò chơi là một ngành khoa học nghiên cứu các phản ứng chiến thuật giữa các người chơi khi họ chọn những hành động khác nhau để đạt được kết quả tối đa. Khởi đầu lý thuyết được dùng phân tích và dự đoán chiến thuật quân sự và ngoại giao góp phần đánh đổ thể chế cộng sản Âu Châu. Đến nay nó được ứng dụng vào mọi ngành khoa học thực dụng, như việc thiết kế người máy hay vận động tranh cử Tổng Thống Hoa Kỳ. Sự hữu dụng của lý thuyết đã được chính thức công nhận với 8 học giả đoạt giải Nobel kinh tế và năm nay giải lại vừa được trao cho hai học giả Alvin Roth và Lloyd Shapley.
Lý thuyết trò chơi thường dựa trên năm yếu tố cơ bản: người chơi (players); giá trị gia tăng (added values); quy tắc hay luật chơi (rules); chiến thuật (tacties) và phạm vi trò chơi (scope). Bài viết xin bám sát 5 yếu tố cơ bản nói trên giúp bạn dễ dàng tham gia cuộc chơi đánh tham nhũng để thấy “Chơi Mà Thực – Thực Mà Chơi”.
Người Chơi (Players)
Hai nhân vật khởi đầu cuộc chơi là Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang. Cả hai cùng đều là người miền Nam, đều là đàn em của Võ vVăn Kiệt, đều rất thực tế và trước đây cả hai đều nhắm đến cái ghế Thủ Tướng.
Nguyễn Tấn Dũng được đồn là xuất thân từ một gia đình cộng sản chính gốc, có tầm nhìn và tài lãnh đạo hơn hẳn các lãnh đạo cộng sản khác. Trương Tấn Sang được tiếng là lì đòn, chịu đấm ăn xôi, thường nói xuôi nói ngược chiều lòng người, nhưng lại vướng vào tham nhũng Nam Cam và đông thê nhiều thiếp. Vì thế Nguyễn Tấn Dũng được Võ Văn Kiệt thu xếp để hai lần làm Phó Thủ Tướng rồi đưa lên Thủ Tướng.
Đến Đại Hội Đảng lần thứ 11, Trương Tấn Sang muốn giành chức Tổng Bí Thư, nhưng Nguyễn Tấn Dũng tìm mọi cách ngăn cản. Ông Sang ngấm ngầm đưa ra một hình ảnh Nguyễn Tấn Dũng vừa tham nhũng vừa yếu kém trong việc điều hành quốc gia. Nhờ vậy có lúc dư luận tin rằng Trương Tấn Sang sẽ nắm chức Tổng Bí thư để cân bằng quyền lực ngày càng gia tăng của Nguyễn Tấn Dũng.
Cuối cùng các phe cánh trong đảng Cộng sản trao chức Tổng Bí Thư cho Nguyễn Phú Trọng. Ông Trọng một nhà khoa bảng nắm lý thuyết cộng sản nhưng xa rời hiện thực. Ông nói như thuộc và trả bài, nói và làm như không hiểu thực tế đảng mà ông đang sinh hoạt, thực tế xã hội và thực tế thế giới mà ông đang sống. Ông xa cách thực tế đến độ không ai hiểu ông ta muốn nói điều gì vì thế bà con Hà Nội đặt ông là Trọng Lú.
Ông Trọng lại bị bệnh tim và ngay sau Đại Hội 11 có tin đồn ông sẽ chỉ làm nửa Nhiệm kỳ 5 năm, nghĩa là giữa năm 2013 sẽ có người thay thế chức Tổng Bí Thư. Việc đảng Cộng sản thu xếp đưa ông Trọng lên cho thấy cuộc khủng hoảng lãnh đạo bắt đầu. Dấu hiệu Đại Hội 11 là Đại Hội cuối cùng của đảng Cộng sản Việt Nam.
Trương Tấn Sang thì được thu xếp làm Chủ tịnh nhà nước một chức vụ lễ nghi hình thức. Vì không trực tiếp cầm quyền, không được nắm tài sản của quốc gia nên dễ cho ông Sang tuyên bố tham nhũng như sâu và “một con sâu đã nguy hiểm huống gì một bầy”. Câu tuyên bố nhằm ám chỉ ông Dũng và phe cánh. Nhưng khi tuyên bố như trên ông Sang quên rằng đàn sâu tham nhũng đã được sinh ra và được thể chế chính trị mà ông đang đại diện nuôi dưỡng.
Tham nhũng theo định nghĩa được nhiều người chấp nhận là những hành vi cố tình không tuân thủ các nguyên tắc công minh nhằm trục lợi cho cá nhân hoặc cho những kẻ có liên quan tới hành vi đó. Bản chất của thể chế toàn trị cộng sản chính là mầm mống phát sinh và nuôi dưỡng tham nhũng.
Trong thể chế cộng sản Chính Phủ, Quốc Hội, Tư Pháp và tất cả đoàn thể chính trị, các cơ sở kinh tế đều dưới sự kiểm soát và quản lý của đảng Cộng sản. Để xây dựng và củng cố thể chế, đảng Cộng sản cần một tầng lớp cai trị lấy sự trung thành với đảng làm căn bản cho việc phân phối phúc lợi tập thể, quyền lực và tài sản quốc gia. Khi đảng Cộng sản phải chấp nhận kinh tế thị trường thì sự yếu kém về mặt chính trị bộc lộ. Các hoạt động bao che, bè phái, ràng buộc gia đình, dòng họ, bạn bè,... dẫn đến tình trạng tham nhũng xâu xé đất nước như hiện nay.
Tháng 11-2009, Đại biểu Quốc Hội Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) chất vấn Nguyễn Tấn Dũng vì sao “các báo cáo của Chính phủ năm 2008 và năm 2009 cho thấy còn trên 250 vụ việc tham nhũng kéo dài đã có ý kiến của Thủ tướng và 380 vụ việc đã có kết luận của các bộ, ngành nhưng chưa được các cơ quan và ủy ban nhân dân các cấp thực hiện”. Ông Dũng bó tay thú nhận họ là người của đảng Cộng sản của hệ thống chính trị và “hơn 3 năm nay làm Thủ tướng tôi cũng chưa xử lý kỷ luật một đồng chí nào, tôi cũng muốn học theo đồng chí Phạm Văn Đồng”. Ông Dũng gián tiếp thú nhận cá nhân và nhà nước do ông đại diện thiếu thực quyền để xử lý cán bộ đảng.
Nói rõ ra phương cách để giới hạn và kiểm soát tham nhũng phải là tam quyền phân lập, là công khai, minh bạch, là nêu rõ trách nhiệm, là tự do báo chí, là tự do chính trị, là đa nguyên đa đảng. Những điều trên khi khai mạc Hội Nghị lần thứ 5 Nguyễn Phú Trọng đã công khai bác bỏ. Nhưng điều ông Trọng bác bỏ lại chứng tỏ ngay trong guồng máy cầm quyền đã có những người nhận ra bản chất tham nhũng và phương cách kiểm soát tham nhũng.
Ngược lại Nguyễn Phú Trọng lại tin vào phương cách “phê và tự phê” và muốn lấy Nguyễn Tấn Dũng làm con dê tế thần. Thế cờ đưa ra Hội Nghị 6 với kết quả thê thảm đến độ Nguyễn Phú Trọng tủi thân nức nở xin các đồng chí thứ lỗi. Ông Sang thiếu tâm lý vì nếu ông Dũng bị xử lý thì nhiều người rồi cũng sẽ bị mang ra xét xử. Ông buộc các Ủy viên Trung Ương phải làm một cuộc “đảo chánh cung đình” phủ nhận quyết định của Bộ Chính Trị.
Trương Tấn Sang thua nhưng không chị bỏ cuộc, ngay sau đó lại xúi cử tri (đảng viên thuộc phe cánh?) đánh “đồng chí X”. Ông Sang tuyên bố nếu không dẹp được “đồng chí X” thì về quê đuổi gà coi vịt. Dấu hiệu cho thấy trò chơi sẽ còn nhiều sôi nổi.
Việc ông Trọng và ông Sang không dám nêu đích danh ông Dũng trước công chúng cho thấy họ vẫn xem tham nhũng chính là lỗi của ông Dũng và là chuyện nội bộ đảng Cộng sản. Có đảng viên đã lên tiếng kêu gọi triệu tập Đại Hội giữa kỳ gồm các đại biểu tham dự Đại Hội 11. Biết đâu Đại Hội này là để biểu quyết chọn lựa giữa đồng chí X, hai đồng chí Sang Trọng.
Nguyễn Tấn Dũng quyền biến hơn, trong đảng ông âm thầm thuyết phục trách nhiệm không phải tại riêng ông mà của toàn Bộ Chính Trị và của những người đi trước ông để lại. Ông chỉ là người thừa hành trách nhiệm đảng giao, bản thân ông không muốn xử lý bất cứ ai. Ra ngoài ông còn vượt xa hơn một bước là nghiêm túc nhận trách nhiệm và “...xin nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân” và hứa sẽ khắc phục. Nếu nhìn từ phía những kẻ cầm quyền ông Dũng xứng đáng là người lãnh đạo.
Về phía người dân ai dám tin khi cũng chính ông Dũng trong lễ nhậm chức Thủ Tướng đã ngẩng cao đầu tuyên bố "Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu tôi không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức ngay." Khủng hoảng lãnh đạo và khủng hoảng niềm tin chính là hiện trạng Việt Nam.
Tham nhũng không phải chỉ là lỗi mà là tội trước pháp luật và khi tham nhũng cấu kết với ngoại bang là tội phản quốc. Tham nhũng trực tiếp ảnh hưởng đến mọi tầng lớp vì thế nhiều người đã nhập cuộc đấu tranh. Thí dụ như câu chuyện về đồng chí X qua tin đồn đã loan truyền khắp nơi. Người đưa tin người truyền tin chính là những người trực tiếp tham gia cuộc chơi. Việc dư luận đòi ông Dũng từ chức đã thành một sức ép bắt ông Dũng và đảng Cộng sản phải nhận lãnh trách nhiệm.
Trò chơi đã chuyển từ thế tiêu cực chống tham nhũng sang một thế tích cực đánh tham nhũng. Ý thức của người dân không chỉ giới hạn trong việc đánh đồng chí X, mà là đánh đổ tham nhũng, đánh đổ cái thể chế tạo ra và nuôi dưỡng tham nhũng. Như thế trò chơi đánh đồng chí X sẽ là trò chơi cho tất cả mọi người quan tâm đến sự sống còn của dân tộc.
Có tin cho rằng bạn Nguyễn Phương Uyên vừa bị an ninh bắt vì phân phát truyền đơn “Vì Danh Dự Dân Tộc Chống Giặc Tầu, Vì Tương Lai Đất Nước Chống Tham Nhũng”. Việc đánh tham nhũng của bạn Nguyễn Phương Uyên là tấm gương cho mỗi người chúng ta noi theo học hỏi.
Nguyễn Phương Uyên sinh viên 20 tuổi lên tiếng kêu gọi tham gia đánh tham nhũng.
Giá trị gia tăng (Added values):
Khai mạc Hội nghị lần thứ 4, Nguyễn Phú Trọng đã long trọng tuyên bố chỉnh đốn Đảng vì sự sống còn của đảng, của chế độ. Nghĩa là chống tham nhũng là trận chiến sống chết của đảng Cộng sản Việt Nam.
Việc đập thủy điện Đakrông, Quảng Trị vỡ để lộ ra bê tông xen lẫn đất và gỗ mục. Đập Sông Tranh 2 thì bị rỉ khi chưa hoạt động. Rồi các vụ động đất liên tục xảy ra xung quanh khu vực Trà My - Quảng Nam. Nếu các đập thủy điện bị bể sẽ nhấn chìm hàng triệu sinh mạng trong vùng hạ lưu ba tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Tình trạng cho thấy tham nhũng đã đến mức xem thường mạng sống của hàng triệu con người. Tình trạng này cần dứt khoát không thể tiếp diễn xảy ra.
Đánh tham nhũng về phía người dân không còn gì để mất. Càng đánh tham nhũng người dân càng ý thức được những gì họ đã bị đảng Cộng sản cướp đi và càng thấy đảng Cộng sản cuống cuồng vừa phải xin lỗi vừa phải lo sợ về sự sống còn.
Giá trị của cuộc đánh tham nhũng vô cùng to lớn càng tham dự thì càng nhận rõ giá trị trận đánh. “Vì Danh Dự Dân Tộc Chống Giặc Tầu, Vì Tương Lai Đất Nước Chống Tham Nhũng” khẩu hiệu ngắn gọn nhưng nêu rõ giá trị của cuộc đấu tranh sống còn giữa đảng Cộng sản và dân tộc Việt Nam.
Quy tắc hay luật chơi (Rules)
Trò chơi nào cũng có luật của nó. Đảng Cộng sản đang độc quyền cai trị vì thế luật đảng được ứng dụng vào cuộc chơi. Khởi đầu Nguyễn Tấn Dũng được mang ra Bộ Chính Trị, rồi mang ra Trung Ương và có thể là Đại Hội giữa kỳ.
Như đã trình bày bên trên luật chơi của đảng Cộng sản đã có từ lâu nhưng cách hai ông Sang Trọng chơi lại không đúng luật. Như ông Trọng lạm dụng quyền hành gấp rút triệu tập Hội Nghị 6. Hay như ông Sang ngay sau Hội Nghị lại tiếp tục công kích “đồng chí X” và tuyên bố chơi tới cùng. Điểm mạnh của đảng Cộng sản là bí mật nội bộ và kỷ luật sắt. Các điểm mạnh này nay không còn nữa. Chơi không đúng luật chơi là dấu hiệu đổ vỡ từ bên trên đảng Cộng sản Việt Nam.
Khai mạc Quốc hội 20-10-2012 - Kẻ thắng "hồ hởi" người thua "âu sầu".
Nguyễn Tấn Dũng biết nắm quyền lực, nắm tâm lý tầng lớp cầm quyền và biết trong đảng không có người thay thế nên dầu biết bị chơi xấu nhưng vẫn chưa thực sự phản đòn. Trên thực chất đây là một cuộc tranh chấp quyền lực giữa đảng và nhà nước nên chiến thuật của ông Dũng là nhắm đến sự tồn tại của thể chế. Chiến thuật của ông có phạm vi rộng hơn sẽ nêu ra ở phần tới.
Ngoài luật của đảng còn có luật pháp quốc gia. Nhưng luật pháp quốc gia lại chỉ áp dụng cho người dân hay cho cán bộ cấp thấp. Ngay cả khi người dân lên tiếng chống tham nhũng họ phải lãnh một hậu quả khó lường. Nhà báo Hoàng Khương vì dàn cảnh hối lộ mà lãnh 4 năm tù. Hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải cũng bị 4 năm tù vì đưa tin vụ án PMU 18. Khoản 4 điều 101 của dự luật Phòng Chống Tham Nhũng còn quy định: “Cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng”. Trong việc chống tham nhũng báo chí vốn đã câm không được nói, nay khoản dự luật sẽ được áp dụng xem như bịt miệng không cho báo chí ú ớ.
Giới báo chí mà còn bị tù tội nói gì đến người thường. Lấy trường hợp bạn Nguyễn Phương Uyên vừa bị an ninh bắt vì phân phát truyền đơn “Vì Danh Dự Dân Tộc Chống Giặc Tầu, Vì Tương Lai Đất Nước Chống Tham Nhũng” làm một thí dụ điển hình.
Trên thực tế, ngoài luật đảng và luật pháp, còn có luật tự nhiên. Theo luật tự nhiên điều gì càng bị che giấu thì lại càng được nhiều người muốn biết muốn nghe qua dạng tin đồn. Một đồn thành Mười. Mười đồn thành Trăm... Đồn xong đến Đoán. Đồn Đoán trở thành tin chính thức. Tin chính thức trở thành kỳ vọng.
Như trong thời gian họp Hội Nghị 6 cả nước đồn rùm Nguyễn Tấn Dũng ít nhất phải từ chức hay phải vào tù... đến lúc Nguyễn Phú Trọng mếu máo loan tin thì kỳ vọng trở thành thất vọng mọi người xoay sang bình luận về tài nghệ của hai ông Trọng Sang... Trong lý thuyết trò chơi tin đồn là luật của tự nhiên. Muốn kiểm soát tin đồn phải xây dựng niềm tin bằng công khai và minh bạch.
Luật của tin đồn mạnh vô cùng. Việt Nam Cộng Hòa nhanh chóng sụp đổ do tin đồn. Cộng sản tung tin mất tỉnh này tỉnh kia. BBC chụp tin và loan tin mất tỉnh này tỉnh nọ. Thế rồi quân đội phải rút, dân bỏ chạy, cộng sản cứ thế mà tiếp thu. Đến 30 tháng 4 Tổng Thống Dương Văn Minh phải tuyên bố tan hàng.
Xưa cộng sản chủ động tung tin thì nay trong trận đánh tham nhũng họ hoàn toàn bị động. Nguyễn Tấn Dũng và cả một guồng máy cộng sản phải điên đầu vì không kiểm soát được tin đồn.
Cuối cùng muốn chơi thì phải biết người và muốn thắng thì phải biết ta. Biết người biết ta trăm trận trăm thắng là quy tắc bất biến. Có biết luật chơi này thì mới có thể phân biệt đối phương và đồng minh cũng như mới nhận ra chiến thuật của những người tham dự.
Chiến Thuật (Tactics)
Chiến thuật là phương cách đánh.
Đến đây bạn có thể thấy Nguyễn Phú Trọng liên tiếp giữ thế công, không để đối phương ngừng nghỉ, và chỉ muốn cuộc chiến thu gọn trong nội bộ đảng Cộng sản. Cả một guồng máy đảng và nhà nước cộng sản đã phải ngừng nghỉ 15 ngày mà không được kết quả gì. Ngược lại nó làm chính ông mệt mỏi và không ít người trong Trung Ương Đảng bất mãn xem thường khả năng lãnh đạo của ông.
Trong bài “Trương Tấn Sang Qua Vụ Bầu Kiên”, người viết nhận xét ông Sang sử dụng chiến thuật “con lật đật”. Chiến thuật này không có gì là rõ rệt, lúc thì ngã sang bên này lúc ngã sang bên kia, nói nhiều nhưng hành động thì ít. Dường như ông đang đeo đuổi một vai trò hạ hỏa trung gian hơn là thực tâm đánh tham nhũng. Khi còn Nguyễn Phú Trọng để đối chọi Nguyễn Tấn Dũng, thì chiến thuật con lật đật của ông Sang còn có chút giá trị. Nhưng nếu ông Trọng nghỉ chơi không có người khác thay thế ông Sang sẽ phải thay đổi chiến thuật. Xét ra ông Sang muốn mở rộng cuộc chơi vượt ra ngoài phạm vi đảng Cộng sản và sẽ dễ dàng ngả về phe thắng thế.
Nguyễn Tấn Dũng là người nắm nhà nước, nắm thực quyền nên chiến thuật của ông có phần khác. Lấy thí dụ khi biết rõ kinh tế đang suy giảm và đối thủ muốn mang ông ra làm con vật tế thần, ông cho loan tin tàu Trung cộng cắt cáp tàu Bình Minh để lái dư luận quên đi các thất bại kinh tế và nạn tham nhũng bất trị. Hay khi Hoa Kỳ thay đổi chiến lược hướng về Biển Đông ông cũng gởi những dấu hiệu khá tích cực là ủng hộ lập trường của Hoa Kỳ. Qua bài “Theo Mỹ Cứu Đảng?” người viết đã trình bày các chiến thuật ông Dũng khá chi tiết. Ông Dũng còn nắm được khá nhiều tin tức của các đối thủ chính trị nhưng chưa đem ra sử dụng chứng tỏ ông còn rất sung sức trong cuộc chơi và có khả năng để tung những thế đánh một cách bất ngờ.
Về phía người dân, số lượng người tham dự càng ngày càng cao, khả năng của các tay chơi càng ngày càng cao. Mặc dù chưa có tổ chức nhưng tính đa dạng, uyển chuyển, thích ứng với tình huống và tự nguyện phân công công tác, tạo cuộc chơi càng ngày càng thuận lợi bắt buộc các phe cánh trong đảng Cộng sản phải thực sự quan tâm.
Vì chưa có tổ chức và thực lực nên phía dân chủ phải biết người biết ta để phân biệt đối phương và đồng minh cũng như mới nhận ra chiến thuật của những người tham gia. Hiện nay phía dân chủ còn trong thế đỡ hoặc đánh theo để bẻ gãy chiến thuật để bắt đối phương phải thay đổi chiến thuật. Để kết liễu trò chơi, phía dân chủ đang chủ động hơn tung ra các chiến thuật bắt đối phương phải bị động thay đổi chiến thuật.
Phạm vi của Trò Chơi (Scopes)
Thật ra trò chơi đánh tham nhũng chỉ là một phần trong trò chơi rộng hơn do Hoa Kỳ chủ động: trò chơi mang dân chủ đến cho mọi dân tộc.
Thật vậy mọi biến động tại Việt Nam đều có thể trở thành biến động cho Trung cộng. Trung cộng dứt khoát không muốn Việt Nam trở thành một Miến Điện. Trung cộng muốn các bè phái trong đảng Cộng sản tiếp tục đấm đá để họ dễ tạo ảnh hưởng và kiểm soát các tay chơi. Còn Hoa Kỳ thì đã công khai đưa ra chiến lược dân chủ hóa toàn cầu và chiến lược quân sự quay về biển Đông. Các quốc gia khác cũng thế đều quan tâm đến các thay đổi tại Việt Nam để hành động mang lại kết quả tốt nhất cho quốc gia mình.
Tới đây hy vọng bạn đã nhận ra trò chơi không phải chỉ tóm gọn trong đảng Cộng sản, nó ảnh hưởng đến mọi người Việt Nam, và ảnh hưởng đến toàn thế giới.
Trên chỉ là 5 yếu tố cơ bản. Bạn có thể thấy các yếu tố này uyển chuyển hỗ tương nhau tạo cho cuộc chơi mỗi lúc một phức tạp hơn. Ngoài ra cuộc chơi còn bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bất ngờ như Nguyễn Phú Trọng đứng tim chết hay chiến tranh thình lình xảy ra.
Trò chơi còn đòi hỏi người chơi phải sáng suốt không để lâm vào tình trạng bi thảm. Như tức nước vỡ bờ, người dân đứng dậy, khi ấy người nổi dậy có thể lôi Nguyễn Tấn Dũng ra đường bằm xé hay người xấu có thể thay nhau hành hạ Nguyễn Thanh Phượng con gái ông Dũng. Vì trong trò chơi ông Dũng và cô Phượng là hai nhân vật bị lên án dữ nhất. Cuộc chơi vì thế luôn cần sự sáng suốt từ mọi phía.
Kết Luận
Trong thể chế dân chủ tính công khai và tranh luận cởi mở gởi các thông điệp rõ ràng và khả tín về các mục tiêu và thành quả cuộc chơi. Nhưng nếu chúng ta không tham dự, như theo dõi các cuộc tranh luận để chọn người đại diện, nếu chúng ta không tham gia các đảng chính trị thì việc thua thiệt là tại chúng ta.
Còn dưới thể chế độc tài toàn trị khó mà đoán được những chủ đích của tầng lớp cầm quyền. Sự nhượng bộ có thể chỉ là giai đoạn, lời hứa thường không được tôn trọng. Vì thế cái giá của cuộc chơi thường phải trả cao hơn. Nhưng kết quả sẽ giá trị hơn, như trận đánh tham nhũng là trận đánh sống còn giữa đảng Cộng sản và dân tộc Việt Nam. Muốn có dân chủ thì phải tham gia cuộc chơi, càng nhiều người chơi thì cái giá càng giảm cho mỗi người và kết quả càng thể hiện rõ rệt.
Bài viết hy vọng đã gợi ý bạn đọc “chơi mà thực thực mà chơi” không chơi thì đừng trông mong có tự do có dân chủ có hòa bình và thịnh vượng.
Nhận xét
Đăng nhận xét