Hậu Hội nghị TƯ 6
Mon, 10/22/2012 - 08:30 — songchi
Song Chi.
Trong mấy ngày qua, đã có rất nhiều bài blog, bài báo bên ngoài hệ thống báo đảng phân tích, nhận định xung quanh kết quả Hội nghị lần thứ 6, khóa XI của Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam vừa kết thúc vào ngày 15 tháng 10.
Điều đầu tiên mà ai cũng thấy, đây là một hội nghị thất bại, thất bại thê thảm. Với kết quả “hòa cả làng”: Bộ chính trị, Ban Bí thư thành thật nhận lỗi trước Ban Chấp hành Trung ương nhưng…không ai bị kỷ luật cả!
Trong đó, nhân vật đứng đầu Chính phủ, chịu trách nhiệm chính trong việc điều hành quản lý kém cỏi dẫn đến tình trạng khủng hoảng trầm trọng của nền kinh tế VN hiện nay, cũng là nhân vật mang tai tiếng rất nhiều về tham nhũng, lộng quyền, dung túng cho người thân, tạo ra những “nhóm lợi ích” cùng nhau lũng đoạn kinh tế…là ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vẫn nhận được sự ủng hộ của đa số thành viên trong Ban chấp hành Trung ương đảng và tiếp tục tại vị.
Sự thất bại của Hội nghị hay của Bộ Chính trị theo BBC (“Bộ Chính trị “thất bại” tại Hội nghị 6”), hay của đảng cộng sản theo RFA (“Hội nghị trung ương 6: Sự thất bại của đảng?")… Cũng là sự thất bại của tất cả những cái gọi là phong trào phê và tự phê, công cuộc chỉnh đốn đảng, cuộc chiến chống tham nhũng… vừa qua.
Sự thất bại này một lần nữa, cho thấy bản chất của những người đang nắm giữ những vị trí cao nhất trong guồng máy đảng và nhà nước cộng sản VN. Dù có thể có những mâu thuẫn gay gắt giữa họ với nhau, nhưng điểm chung gắn kết họ với nhau là phải bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ. Theo nguyên tắc “còn đảng, còn mình”.
Như từ trước đến nay vẫn thế, đối với các thế hệ lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản VN.
Để bảo vệ sự ổn định của đảng, chế độ, thì mọi quyền lợi của đất nước, nhân dân đối với họ chưa và sẽ không bao giờ có nghĩa lý gì.
Và lần này, cũng với mục tiêu giữ vững sự ổn định chính trị (trên bề mặt) bằng mọi giá, họ sẵn sàng thỏa hiệp với nhau, với sự bất tài, nạn tham nhũng, sự lộng quyền, lợi ích nhóm, sự phá hoại…trong nội bộ đảng. Như chính ông Tổng Bí thư đã thừa nhận:
“Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận rất kỹ, cân nhắc toàn diện các mặt ở thời điểm hiện nay và đi đến quyết định không thi hành kỷ luật đối với tập thể Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị; và yêu cầu Bộ Chính trị có biện pháp tích cực khắc phục, sửa chữa khuyết điểm; không để các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá….”
Một lần nữa, bóng ma “các thế lực thù địch” lại được đem ra để đổ thừa cho mọi sai lầm, thất bại của từng cá nhân hay cả chế độ. Lần này, là đổ thừa cho lý do vì sao hội nghị kết thúc mà không kỷ luật một ai, hay nói cách khác, cho sự thất bại của hội nghị.
Nhưng nguyên nhân lớn hơn mà nhiều người cũng đã chỉ ra, là “lỗi hệ thống”, là cơ chế, là mô hình thể chế chính trị…cho phép đảng cộng sản nắm giữ tất cả quyền lực từ lập pháp, hành pháp, tư pháp, công an, quân đội và cả báo chí truyền thông mà lại không hề bị giám sát, khống chế như lâu nay.
Một khi mô hình thể chế chính trị này chưa thay đổi thì mọi cuộc chiến chống tham nhũng hay chỉnh đốn đảng sẽ không bao giờ có thể thực hiện được. Điều mà tất cả những ai tỉnh táo, có lương tri đều đã nhận ra từ lâu, nhưng 175 vị trong Ban chấp hành TƯ cộng 14 vị trong Bộ chính trị thì không muốn nhận ra và không bao giờ chịu thay đổi.
Trong khi người dân gọi thẳng tên “lỗi hệ thống”, thì các vị lãnh đạo vẫn khăng khăng đường lối mô hình xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng cộng sản là đúng, hoặc đảng không bao giờ sai, chỉ có vài cá nhân làm sai.
Tất cả những trò hề phê và tự phê, nào kiểm điểm phê bình nghiêm khắc, trong tình đoàn kết, thương yêu đồng chí, theo phương châm “trị bệnh cứu người”, giúp nhau cùng tiến bộ…rồi nào là thấm thía, day dứt…(Những từ ngữ được sử dụng trong bài phát biểu bế mạc hội nghị TƯ 6 của ông Tồng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) chỉ cho thấy thêm một thực chất: Giữa “các đồng chí” với nhau, nhất là với những người càng có chức có quyền, thì họ sử dụng “đức trị”, kiểm điểm, phê bình, bao nhiêu tội lỗi rồi cũng cho qua.
Còn với nhân dân thì đừng hòng. Là còng số 8, là thượng cẳng tay hạ cẳng chân, là những bản án mịt mù đường về, và cả những cái chết oan ức bởi muôn ngàn lý do, chẳng hạn như bị bạo hành ngay khi vừa bị bắt giam…Nghĩa là sử dụng bạo lực, “công an trị”. Nhưng dù “đức trị” hay “công an trị” thì cũng không có luật pháp, không phải là pháp trị.
Điều đáng nói hơn là hậu quả của sự thất bại lần này không sao lường hết được. Thứ nhất, những vấn đề nghiêm trọng nhất của đảng cộng sản VN không hề được giải quyết. Từ nạn tham nhũng. Sự lộng quyền. Sự tồn tại của những kẻ vừa không có tài vừa không có đức trên những vị trí cao nhất, cấu kết thành những nhóm lợi ích đua nhau hút máu nhân dân, phá nát nền kinh tế, phá hoại đất nước…
Sự phá hoại đó sau hội nghị sẽ ngày càng trắng trợn hơn. Bởi những kẻ phá hoại biêt rằng không ai bị trừng phạt gì cả, mặc dù có thể cũng phải chia chác, phân bổ lại quyền lực.
Thứ hai, những mâu thuẫn, bất hòa, đấu đá nhau trong nội bộ đảng vẫn còn đó. Bên ngoài tất cả vẫn cùng dính chặt vào nhau. Nhân danh sự ổn định chính trị. Nhân danh bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ. Bên trong, cuộc chiến giữa các phe nhóm vẫn tiếp tục chưa yên. Những kẻ bị sứt mẻ, bị “đánh” mà chưa chết lần này sẽ âm thầm củng cố lại lực lượng, chờ thời cơ đánh trả. Còn những ai giương cao ngọn cờ chống tham nhũng, chỉnh đốn đảng và phe ủng hộ họ nếu có, cũng sẽ “mất nhiệt” đi khi đã tốn công tốn sức đến thế mà vẫn chưa thắng được. Lại phải bày binh bố trận khác. Nhà cầm quyền vì vậy chẳng còn tâm trí đâu mà lo điều hành lãnh đạo đất nước.
Sau khi hội nghị kết thúc, tiếp xúc với cử tri thành phố Hà Nội, TP.HCM, các ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lại tiếp tục lên dây cót tinh thần cho người dân. Lại vẫn những cụm từ chung chung sáo mòn như hội nghị TƯ 6 đã đạt được những kết quả bước đầu, nhưng còn nhiều việc phải làm…Ổng Tổng Bí thư xoa dịu người dân:
“Có thể nói đây là lần đầu tiên trong lịch sử, TƯ chất vấn và nghe trả lời chất vấn các vấn đề cụ thể như Vinashin, Vinaline. Rồi đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Bộ Chính trị xin nhận kỷ luật trước TƯ. Kiểm điểm có nghiêm túc không, phải nói là làm rất nghiêm túc nhưng nói đạt chưa thì chưa đạt và phải làm tiếp. Làm phát sinh lại phải rút kinh nghiệm làm tốt hơn. Công tác này phải làm như rửa mặt hàng ngày. Mong người dân giám sát, góp ý kiến cho Đảng, QH thực hiện tốt hơn trách nhiệm của mình”
("Tổng Bí thư: "Phê và tự phê phải như rửa mặt hàng ngày", báo Giáo dục VN).
Một đảng cầm quyền suốt hơn 6 thập kỷ mà nay mới là lần đầu tiên trong lịch sử, Bộ Chính trị xin nhận kỷ luật trước TƯ. Vậy thì mất bao nhiêu lâu nữa Bộ Chính trị mới công khai xin nhận lỗi trước nhân dân? Và bao nhiêu lâu nữa thì sau khi nhận lỗi suông, thậm chí nghẹn ngào (như hình ảnh ông Tổng Bí thư lúc đọc bài phát biểu bế mạc mà cả tuần nay dư luận cũng bàn tán nhiều), những người làm sai hay có tội to lớn đối với đất nước, nhân dân mới chịu trách nhiệm cụ thể trước pháp luật bằng bao nhiêu năm tù, hoặc ít nhất cũng có vài thành viên chịu từ chức?
Ông Chủ tịch nước còn tỏ ra “tâm huyết” hơn, kêu gọi nhân dân cùng đồng hành chống tham nhũng:
“Chúng tôi có lỗi lớn, nhưng cô bác anh chị cũng phải nghĩ về trách nhiệm của mình, cùng hệ thống chính trị đấu tranh chống tham nhũng. Chúng tôi hiểu tình hình trù úm người tố cáo là rất ghê gớm. Nhưng vì sợ bị trù úm mà chúng ta không tố cáo thì đất nước này sẽ thế nào? Người ta có thể trú úm 1 người, 1 nhóm người nhưng không thể trù úm cả dân tộc này!”.
(“Chủ tịch nước: Sợ trù úm thì đất nước ra sao?”, báo VietnamNet).
Nhưng liệu ai còn tin các ông khi chính các ông quyền lực tột đỉnh trong tay còn không xử lý nổi nạn tham nhũng nói chung và một đồng chí trong Ủy viên bộ chính trị nói riêng, (theo cách nói của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng), đồng chí X (theo cách nói của ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang).
Về phía người dân, chỉ cần lướt qua hàng loạt trang blog cá nhân, các trang mạng xã hội…những ngày sau hội nghị TƯ 6 cũng đủ thấy tâm trạng của mọi người. Thất vọng, giận dữ, phẫn nộ rồi chán ngán đến cùng cực.
Một hậu quả nữa của hội nghị 6 đó là sau khi bị đảng và nhà nước lừa hết lần này đến lần khác, sau khi chịu đựng, chờ đợi, hy vọng rồi lại thất vọng hết lần này đến lần khác, thay vì phẫn nộ đủ để tự đứng lên giành lại quyền quyết định số phận đất nước, có vẻ như người dân VN sẽ tiếp tục chọn lựa cách thứ hai: chủ nghĩa MACKENO (mặc kệ nó)-một cụm từ được sử dụng quen thuộc từ lâu. Nghĩa là sẽ càng trở nên thờ ơ, buông xuôi với chuyện chính trị, với vận mệnh đất nước.
Và đây mới là hậu quả tệ hại nhất.
.
songchi's blog
Add new comment
.
Nhận xét
Đăng nhận xét