Tiền và lòng tự trọng


Tiền và lòng tự trọng

Đào Tuấn

Theo blog Đào Tuấn


Không thể có một nền khoa học công nghệ hiệu quả, ở sự phụng sự, nếu như các giáo sư tiến sĩ thiếu đi phẩm chất tối thiểu của một nhà khoa học, một “kẻ sĩ”: Lòng tự trọng.

Một ngày trước khi Luật Khoa học công nghệ được trình bày tại Quốc Hội, báo Tuổi trẻ đưa ra con số: Việt Nam có tới 24.300 tiến sĩ, trong đó 7.924 tiến sĩ đang làm việc trong các trường đại học và cao đẳng. 24.300 tiến sĩ! Và cùng với khoảng 9.000 GS, PGS. Việt Nam có lẽ là một trong những quốc gia bằng cấp nhất thế giới.

Tuy nhiên, con số khủng này được đưa kèm với một con số còn khủng (khiếp) hơn: Với 7.924 tiến sĩ này, mỗi năm nền khoa học giáo dục Việt Nam chỉ công bố được trên dưới 2 bài nghiên cứu về giáo dục theo chuẩn quốc tế. Và nói đến nghiên cứu khoa học, không thể không nói về một con số xấu hổ: “Tỉ lệ trích dẫn trên mỗi bài báo (nghiên cứu) của Việt Nam đứng hạng 13/14, chỉ hơn Campuchia”.

Câu hỏi “vì sao”, đối với nền khoa học giáo dục nói riêng, cũng như nền khoa học công nghệ nói chung, được người nông dân đặt ra mỗi khi loay hoay chọc tô vít sửa chiếc máy cày “made in China”. Được những vị phụ huynh ngửa mặt hỏi giời khi mỗi vài năm Sách Giáo Khoa lại “điều chỉnh” một lần. Và, có lẽ, được chính các giáo sư tiến sĩ hỏi nhau.

Và câu hỏi đó, sáng nay, được giải thích là vì tiền.

Mức đầu tư cho Khoa Học - Công Nghệ được ấn định ở mức 2% tổng chi ngân sách nhà nước, tương đương 0,5-0,6% GDP. Con số quy tiền, năm 2012, vào khoảng hơn 13.168 tỷ. Con số này tuy chưa nhiều nhưng bảo ít cũng không hẳn là ít. Nó chỉ ít ở con số thực xuống với khoa học, ít ở những đồng tiền thực tế đầu tư cho khoa học - Điều mà TS Phạm Bích San gọi “nôm na là cách trả tiền cho những người làm công tác khoa học”. “Trả tiền bình quân như nhau cho tất cả mọi người sẽ không còn khoa học” - ông nói. Nhưng đó chỉ là một thực tế rất nhỏ, trong một thực trạng ngành tài chính quyết định, “một cách hết sức chân tay”, từ mức chi, sự “thế nào là hợp lý” và cả cách trả tiền bất biết nó có đủ hay không, có kịp hay không và thậm chí, nó được sử dụng như thế nào.

Thôi thì cũng coi như có cớ để kỳ vọng chuyện tiền khi Dự thảo Luật Khoa học công nghệ sửa đổi được trình bày trước Quốc hội đã nói đến việc tháo gỡ các vướng mắc trong công tác kế hoạch, đầu tư, tài chính, đặc biệt là cơ chế cấp phát, thanh quyết toán kinh phí cho các hoạt động khoa học và công nghệ.

Nhưng vấn đề hiệu quả của nghiên cứu khoa học công nghệ không hẳn chỉ có nguyên nhân từ tiền. Khi được hỏi “cảm nghĩ” khi đi dự các hội thảo quốc tế trong khi mặt bằng nghiên cứu, sáng chế của ta đang ở mức thấp như vậy. TS Phạm Bích San đã trả lời trên Tuổi trẻ: Nói thật là tôi rất xấu hổ.

Hình như ít người dám nói tới chuyện xấu hổ như ông San. Những vị tiến sĩ đã cóp nhặt của người khác trong báo cáo đánh giá về động đất ở dự án thủy điện Sông Tranh, để đến nỗi tác giả phải kêu lên “Họ liều thật”, là một ví dụ.

Không thể có khoa học nếu như cách trả tiền không khoa học.

Nhưng cũng không thể có một nền khoa học công nghệ hiệu quả, ở sự phụng sự, nếu như các giáo sư tiến sĩ thiếu đi phẩm chất tối thiểu của một nhà khoa học, một “kẻ sĩ”: Lòng tự trọng, mà biểu hiện đầu tiên là biết xấu hổ.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?