'Chống tham nhũng, phải sửa lỗi hệ thống'
Giáo sư Tương Lai
Cựu Viện trưởng Viện Xã hội học
Cập nhật: 10:50 GMT - thứ sáu, 19 tháng 10, 2012
Facebook Twitter chia sẻGửi cho bạn bè In trang này .
Dư luận đang chú ý các lãnh đạo làm gì sau Hội nghị 6
Ngay từ đầu, tôi đã tiên liệu diễn biến Hội nghị Trung ương 6 sẽ như thế thôi, mặc dù rất nhiều người tranh luận, hy vọng sẽ có kết quả nào đó.
Mục tiêu của hội nghị, qua sự dọn đường dư luận trước đó của các trang mạng chính thức, phi chính thức như ‘Quan làm báo, Dân làm báo, Vua làm báo…’, như để cho một cuộc thanh toán quyết liệt. Người ta muốn hạ bệ một nhân vật mà vấ đề tham nhũng chính là vấn đề người dân dễ thấy nhất, bức xúc nhất. Dựa vào sự phẫn nộ của toàn dân,người ta cần chém tế cờ một người để lấy lại uy tín của những người lãnh đạo, để phần nào giữ lại niềm tin của dân. Nhưng điều đó đã không thực hiện được. Bộ Chính trị nhất trí 100%, nhưng Trung ương phủ quyết.
Các bài liên quan‘Công khai để lấy lại niềm tin của dân’'Về quê, trả lại nhà cho Đảng'Nếu tôi là ủy viên trung ương
Chủ đề liên quanChính trị Việt Nam
Dàn dựng vụng về
Ý định kỷ luật Bộ Chính trị cũng là sự dàn dựng vụng về, chủ yếu là tập trung kỷ luật cái ông ủy viên Bộ Chính trị mà họ nhập nhằng không nói tên mà ai cũng biết. Như vậy, một việc lẽ ra cần thanh thiên bạch nhật, cũng không dám nói rành rọt. Nó cho thấy tương quan lực lượng đấu đá nội bộ vẫn chưa phân ngã ngũ, vì thế kết quả đó, với những người thức thời, chẳng có gì ngạc nhiên.
Những người bức xúc, thực ra rất đáng trọng, họ muốn kỳ này trị anh tham nhũng. Tôi cũng muốn trị tham nhũng. Nhưng phân tích khách quan, tham nhũng nằm ngay trong cơ chế của thể chế chính trị này. Ví dụ, Vinashin, Vinalines là trách nhiệm rõ của Thủ tướng. Nhưng xác định kinh tế nhà nước chủ đạo, phải có nắm đấm quốc doanh để giữ Chủ nghĩa Xã hội, là đường lối chung của Đảng.
Các vụ cướp đất cho dự án gây phẫn nộ lớn, vẫn còn âm ỉ, đâu chỉ là Ecopark hay gì gì đấy, của một nhân vật nào. Gốc gác của nó là quan điểm đất đai sở hữu toàn dân. Mới họp cử tri tuần này, ông Tổng Bí thư còn hùng hồn nhắc lại.
Vụ Vinashin chỉ là một biểu hiện của khủng hoảng cơ chế?
Không thể chữa hiện tượng mà phải là bản chất. Phải thay đổi nhận thức về kinh tế thị trường, sở hữu toàn dân. Chính đó là nguồn gốc tham nhũng hiện nay.
Pháp luật như trò hề, muốn xử thế nào thì xử, là vì nhà nước pháp quyền này lại là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố không chấp nhận tam quyền phân lập, nhưng đó đâu phải là sản phẩm của nhà nước tư sản, mà là thành tựu của nền văn minh. Ông Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ, nên ngay trong Tuyên ngôn Độc lập, ông khẳng định về nội dung của Độc lập, Tự do, Hạnh phúc là mục tiêu phấn đấu của nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa khi trích dẫn tuyên ngôn của Hoa Kỳ và tuyên ngôn dân quyền của Cách mạng Pháp, đặt thể chế Việt Nam trong quỹ đạo chung của loài người. Không ai được ngồi trên pháp luật.
Nhưng những nội dung của Tuyên ngôn Độc lập đã bị vứt bỏ khi một nghị quyết Bộ Chính trị cũng thay đổi được vấn đề. Ví dụ chuyện quy hoạch Hà Nội hay phá Hội trường Ba Đình. Rồi thì tùy tiện bỏ tù những người không bạo động, chỉ phát biểu về tư tưởng.
Không xây dựng nhà nước pháp quyền, chính đó mới là nguồn cơn của tham nhũng, tùy tiện quy hoạch cướp đất của dân. Là nguồn cơn của các thế lực tài chính không khác gì mafia. Nếu không có tiếp tay của chính quyền thì không có mafia. Chính quyền ở đây là cả thể chế.
"Từ lâu người ta nói phê và tự phê là quy luật phát triển của Đảng. Nhưng tôi chứng kiến, chưa thấy quy luật đó phát triển như thế nào. Tôi chỉ thấy người ta ngồi vào hội nghị nói rất hay trước mặt nhau, nhưng ra khỏi Hội Nghị thì rồi vở kịch cũng hạ màn."
Tôi chả có cảm xúc gì về hội nghị vì tôi quá buồn, quá thất vọng vì dù sao cũng muốn nhen nhóm hy vọng về đổi mới, để giảm bớt bức xúc của người dân, trong đó có cá nhân tôi. Nhưng kết quả là số Không. Bây giờ ho chữa cháy bằng cách đi gặp cử tri, nói năng rất hay. Nói cạnh nói khóe nhau cũng có, nói công khai cũng có. Nhưng diễn kịch thì lại càng làm mất lòng dân hơn.
Từ lâu người ta nói phê và tự phê là quy luật phát triển của Đảng. Nhưng tôi chứng kiến, chưa thấy quy luật đó phát triển như thế nào. Tôi chỉ thấy người ta ngồi vào hội nghị nói rất hay trước mặt nhau, nhưng ra khỏi Hội Nghị thì rồi vở kịch cũng hạ màn.
Trước đây, tôi có bài đăng trên báo chính thống, với tựa Đạo đức là sự bất lực đưa ra hành động. Tôi viết khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn lời Ludwig Andreas Feuerbach, nói rằng người sống trong lâu đài nghĩ khác người ở trong nhà tranh. Tôi nhắc lại rằng chính C. Mác đã từng phê phán đạo đức do L. Foiơbach đề xướng: “Đạo đức là sự bất lực đưa ra hành động”! Vì vậy tôi không nói gì thêm về câu hỏi phê và tự phê của anh nữa.
Lấy lại lòng tin?
Diễn biến sắp tới thế nào phụ thuộc liệu người ta có nhận ra vở diễn vừa rồi đã thất bại và lòng tin của dân càng mất nhiều hơn. Cách tốt nhất là làm gì đó để lấy lại niềm tin. Cái gì đó không phải là nói suông, mà là hành động.
Cách phân biệt chính tà lúc này là thái độ với kẻ xâm lược. Biển Đông dậy sóng như thế, Trung Quốc mừng Quốc khánh tại Tam Sa, lãnh thổ của ta, đó là nỗi nhục và đau đớn cho những người Việt có lương tri. Khi lãnh đạo biết phát động tinh thần dân tộc, cổ vũ lòng yêu nước, đấy là cách lấy lại niềm tin của dân, và từ đó thay đổi hành xử với dân.
Nếu không, đất nước này sẽ tìm giải pháp khác. Tôi xin dẫn lại lời một kiến trúc sư người Pháp nói với tôi cách đây 16, 17 năm. Ông Edouard De Penguilly: "Lịch sử cổ xưa và hiện đại của các anh cho thấy một điều kỳ diệu là bao giờ dân tộc Việt Nam cũng tìm được những giải pháp độc đáo cho những vấn đề gặp phải.” Tôi tin vào sức mạnh của dân tộc. Dân tộc này không bao giờ cúi đầu trước thế lực cường quyền nào. Và bao giờ dân tộc này cũng tìm ra được giải pháp độc đáo cho những vấn đề gặp phải.
Bình luận của Giáo sư Tương Lai được ghi lại dựa trên cuộc phỏng vấn với BBC ngày 18/10/2012.
Nhận xét
Đăng nhận xét