Thủ tướng Việt Nam nhận lỗi trước Quốc hội


Việt-Long, RFA

2012-10-22
Ông Nguyễn Tấn Dũng nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ và nói ông xin thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành. Quốc tế nhận định ra sao?
presstv photo
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng báo cáo trước Quốc hội hôm thứ hai

Thành khẩn nhận lỗi

Thông tấn xã Reuters của Luân đôn cùng các hãng tin quốc tế khác đồng loạt loan tin Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã có hành vi hiếm hoi là xin lỗi trước Quốc hội Việt Nam vào hôm thứ hai.
Ông Dũng nhắc đến những vấn đề đã kềm hãm nền kinh tế và đề ra kế hoạch giải quyết. Ông kêu gọi đảng Cộng Sản cầm quyền cùng hành động chung với toàn dân để thực hiện đổi mới nhanh chóng hơn.
Tin báo chí Việt Nam cho hay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trước quốc hội rằng “Tập thể Ban cán sự Đảng, các bộ và từng thành viên Chính phủ" đã “thành khẩn nhìn nhận những yếu kém, khuyết điểm và chân thành cầu thị rút ra bài học thấm thía, sâu sắc nhất” trong công tác thực hiện các nhiệm vụ được giao cũng như trong toàn bộ quá trình công tác.
Vẫn theo tin trong nước, ông Nguyễn Tấn Dũng, với trọng trách Ủy viên Bộ Chính trị và Thủ tướng, đã nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ và nói ông xin thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành.
Báo chí cũng cho biết thêm, trong số những khuyết điểm, yếu kém nêu trên, ông đặc biệt nhấn mạnh tới những vấn đề trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, điển hình là Vinashin, Vinalines, dẫn đến vấn đề các đơn vị này sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, có nhiều sai phạm, gây tổn thất và hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt.
vinalines
Ông Dương Chí Dũng, Cục trưởng Hàng hải, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines đã phê duyệt vụ mua sắm ụ nổi 83M với giá lên tới 26,3 triệu USD (gấp đôi dự toán ban đầu)
Tin Reuters cho hay ông Dũng nói về sự thành công trong một số lãnh vực, nhưng ông nhận trách nhiệm về mọi khó khăn, kể cả mức tăng trưởng thấp nhất trong 7 năm nay.
Báo chí Việt Nam loan tin, trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ cũng như diễn văn khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các cơ quan chức năng đều thừa nhận nền kinh tế, mặc dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, nguy cơ trì trệ kinh tế hiển hiện, lạm phát tuy có giảm nhưng chưa vững chắc.

Không đạt những chỉ tiêu quan trọng

Mặc dù lạm phát được kiềm chế ở mức 8%, xuất khẩu tăng vượt chỉ tiêu (dự kiến 16,6%), cán cân thanh toán thặng dư khoảng 8 tỷ USD và dự trữ ngoại hối lên khoảng 11 tuần nhập khẩu… nhưng trong số 15 mục tiêu được Quốc hội phê duyệt cho năm 2012, Chính phủ cũng thừa nhận sẽ không hoàn thành 5 mục tiêu, trong đó có tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Sau 9 tháng, GDP cả nước chỉ tăng 4,73% và ước cả năm khoảng 5,2%. Con số này thấp hơn nhiều so với kế hoạch 6 - 6,5% của Quốc hội, tuy có diễn biến theo hướng quý sau cao hơn quý trước.
Về đề mục này, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ca ngợi chính phủ đã đạt 10 chỉ tiêu, nhưng cho rằng 5 chỉ tiêu không đạt đều là những chỉ tiêu quan trọng, phản ánh tính bền vững của nền kinh tế trong trung và dài hạn.
Cơ quan thẩm tra cũng đặt ra một số vấn đề, yêu cầu Chính phủ làm rõ như nguy cơ trì trệ của nền kinh tế, thanh khoản ngân hàng dư thừa nhưng doanh nghiệp không tiếp cận được vốn, tiến trình tái cơ cấu kinh tế còn chậm… Các vấn đề này sẽ tiếp tục được đại biểu Quốc hội mổ xẻ trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội dự kiến diễn ra giữa kỳ họp này.
Cơ quan thẩm tra còn đặt ra một số vấn đề, yêu cầu Chính phủ làm rõ, như nguy cơ trì trệ của nền kinh tế, thanh khoản ngân hàng dư thừa nhưng doanh nghiệp không tiếp cận được vốn, tiến trình tái cơ cấu kinh tế còn chậm… Các vấn đề này sẽ tiếp tục được đại biểu Quốc hội mổ xẻ trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội dự kiến diễn ra giữa kỳ họp này.

Hệ thống ngân hàng yếu kém nặng nề

Giới chuyên môn quốc tế nhận định ra sao về sự kiện gọi là “hiếm hoi” giữa chính phủ và Quốc hội Việt Nam ngày hôm nay?
Giám đốc cao cấp của Cơ quan lượng giá của Standard and Poor, ông Tan Kim Eng, cho rằng sự nhìn nhận của người đứng đầu chính phủ Việt Nam chứng tỏ Việt Nam đã học được bài học của chính họ. Từ Singapore, ông Tan nói sự kiện chính phủ đứng ra nhìn nhận họ có thể làm việc tốt hơn thế có thể được xem là một hành động tích cực, và trong khi tiến tới phía trước họ sẽ không lặp lại những lầm lỗi tương tự về chính sách.
S&P hồi tháng 6 đã duyệt lại hạng BB-trừ của công trái Việt Nam, và đánh giá uy tín tài chính Việt Nam từ tiêu cực lên ổn định. S&P cho rằng nguy cơ bất ổn của nền kinh tế vĩ mô và nền tài chính Việt Nam đã hạ giảm.
Tuy nhiên, công ty Moody’s vào tháng trước lại hạ uy tín tài chính của Việt Nam xuống hạng thấp nhất từ trước đến nay, phản ảnh tính cách bấp bênh của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Moody’s cho rằng hệ thống ngân hàng Việt Nam cần phải được yểm trợ một cách khác thường.
vinashin-ship
Quả đấm thép đấm ngã nền tài chính - tamnhin.net photo
Về lĩnh vực này, báo chí trong nước cho biết chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhận định kinh tế vĩ mô hiện vẫn chưa vững chắc, lạm phát có nguy cơ tăng trở lại. Sức khỏe ngân hàng còn yếu trong khi lãi suất tín dụng cao so với hiệu quả sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp khó khăn, tồn kho, giải thể - phá sản còn lớn. Quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước còn chậm trong khi đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.
Cả trong và ngoài nước đều hiểu trên thực tế hệ thống ngân hàng Việt Nam đã lung lay kẽo kẹt vì núi nợ xấu lên tới 15 tỉ 600 triệu đô la , chiếm tới 10% tổng nợ cho vay. Các tập đoàn quốc doanh như Vinashin chính là căn nguyên của phần lớn vấn đề. Tập đoàn đóng tàu này của Việt Nam suýt sụp đổ năm 2010 vì món nợ 4 tỉ rưỡi đô la. Giới quan sát lần này không nhắc đến vấn đề tham nhũng, một trong những vấn đề tác động gây nên sự thất bại của các tập đoàn Nhà nước.
Tại Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề ra 9 nhóm giải pháp: Thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt; Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; Bảo đảm an sinh xã hội; Chống tham nhũng và cải cách hành chính; Thông tin tuyên truyền tạo đồng thuận xã hội…
Về các giải pháp tiền tệ, Chính phủ xác định phải cơ bản hoàn thành việc cơ cấu lại các tổ chức tài chính, tín dụng yếu kém. Kiên quyết xử lý các vi phạm pháp luật trong tài chính, ngân hàng. Đẩy nhanh xử lý nợ xấu, rà soát các khoản nợ. Khôi phục thị trường bất động sản và nghiên cứu lập công ty xử lý nợ.
Thủ tướng Dũng cũng cho hay sẽ xử lý nợ giữa ngân sách với các DN, nợ chéo giữa các DN với nhau, Chính phủ cũng đồng thời có giải pháp giải quyết hàng tồn kho.
Ông Dũng không quên nhấn mạnh công tác đẩy mạnh kế hoạch tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, chú trọng tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh việc tái cơ cấu Vinashin và Vinalines.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?