Khi Đảng lãnh đạo tự đặt mình ra ngoài pháp luật


Hồ Ngọc Nhuận

Theo Người Lót Gạch




Để trị vì trên thiên hạ theo chế độ gọi là dân chủ xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đặt ra một Hiến Pháp, với một số nguyên tắc và các định chế để thi hành Hiến Pháp. Như là Quốc Hội để làm luật, Chánh phủ để thi hành luật, hay hệ thống Tòa án để xử án theo luật, v.v… Dưới khẩu hiệu của mọi nền dân chủ đứng đắn… “của dân, do dân, vì dân”.

Và tất cả mọi người, từ đứa bé mới đẻ phải làm khai sanh, tới người bộ hành phải đi bên phải, tới cụ già xuống lỗ phải có giấy chứng tử…Tức sống, hay làm, hay không làm, đều phải theo luật. Ai không theo những cái “luật” đó thì phải chịu chế tài. Làm ra hay hành xử chế tài cũng phải theo luật.

Ở nhiều nước dân chủ người ta gọi đó là chế độ Nhà Nước Pháp Quyền. Nghĩa là luật pháp là trên hết, mọi người phải tuân theo, không trừ ai (thượng tôn pháp luật). Tất cả các cơ quan quyền lực, từ làm luật, thi hành luật tới kiểm sát luật đều phải độc lập với nhau. Người ta gọi đó là “tam quyền phân lập”, mà Quốc Hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất thay dân để làm luật, để thiết chế chế tài các định chế khác , cả người đứng đầu nhà nước. Trường hợp nào Quốc Hội không quyết, không duyệt thì phải trưng cầu ý dân… Báo chí quốc tế loan tin hằng ngày, nơi nầy nơi khác, tổng thống nầy, thủ tướng khác vi phạm luật pháp phải ra tòa hay từ chức là vì vậy, là vì mọi người phải tuân hành luật pháp. Cựu Thủ tướng Berlusconi nổi tiếng trùm thiên hạ của nước Ý cũng vừa phải ra tòa lãnh án 4 năm tù là vì nguyên tắc “luật pháp là trên hết”.

Ở Việt Nam cũng vậy, mà không phải vậy… Cũng vậy, là trong dân từ con đỏ cho tới cụ già dân đen nói chung là phải theo luật, từ nội dung câu chữ, cho tới hình thức trình tự, thủ tục. Nhưng không phải vậy, vì còn phải chờ một “nấc”, tuy phụ mà không phụ, là “nấc chỉ đạo của đảng”. Và còn nhiều “nấc” phụ khác nữa, tùy nhiều thế lực. Còn trong Đảng thì cũng vậy mà không phải vậy. Cũng vậy là vì cũng mấy cái tòa án nhân dân đó xử đảng viên thôi, nhưng không phải vậy là vì còn có cái gọi là xử lý nội bộ. Thường là phải xử nội bộ xong mới tới xử thường, có khi còn phải “xin phép” cấp trên trong Đảng rồi mới được xử ngoài tòa án nhân dân. Mà khi xử ở tòa án nhân dân, nếu cùng chung tội, thì đảng viên xử khác, dân thường, được coi là công dân loại hai, thì xử khác. Đảng viên, là công dân loại một, thì thường là án treo, hoặc án nhẹ, bởi vốn bị đám công dân hạng hai cám dỗ làm bậy, cho ăn kẹo độc bọc đường, nói theo lời một cố Tổng Bí Thư của Đảng. Không phải vậy còn vì đảng viên, tuy cùng là công dân loại một, nhưng cũng có nhiều cấp, nhiều hạng. Có số ít đảng viên ưa nói ngay, nói thẳng thì thuộc một loại khác nữa. Ngay cả các đại biểu Quốc Hội được gọi là đại biểu của dân thì ít ra cũng có hai hạng: hạng có chức vụ cao trong hệ thống chuyên chính, đứng đầu các tỉnh, thường là làm trưởng đoàn đại biểu, và hạng đại biểu trơn không được phát biểu “linh tinh”, hoặc phải phát biểu theo… đại biểu trưởng đoàn.

Sở dĩ ở Việt Nam có tình trạng “cũng vậy mà không phải vậy”, là vì ngoài các định chế dân chủ hiến định mà các nước dân chủ đều có, Việt Nam còn có định chế Một Đảng Duy Nhất Lãnh Đạo Tuyệt Đối Toàn Diện, với điều 4 được ghi trong Hiến Pháp.Cũng vậy mà không phải vậy, vì Đảng vận hành lãnh đạo không như các định chế khác. Các định chế khác đều có luật để triển khai hình thành và hoạt động. Tức là trong khuôn khổ của luật pháp. Còn Đảng lãnh đạo thì không cần luật hóa, hay thể chế hóa để hoạt động lãnh đạo. Mà chỉ cần có điều 4 Hiến Pháp là đủ. Để lãnh đạo tuyệt đối toàn diện toàn đảng, toàn nước, toàn dân. Vì chủ nghĩa, hay đường lối, chủ trương của Đảng là vô địch. Nghị quyết của Đảng là phải học. Học chớ không phải thảo luận. Lại còn phải chia ra nhiều cấp, nhiều vòng để học.
 Thỉnh thoảng cũng có người kiến nghị thể chế hóa điều 4 Hiến Pháp, để người dân đen biết Đảng “lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện” là như thế nào. Nhưng Đảng chỉ cười cho số ít người còn “yếu đức tin”. Và như ngầm nói: “Hiến Pháp còn bao nhiêu điều chỉ ghi để đó, sao không kiến nghị thể chế hóa? Nhất là về quyền làm dân, quyền con người. Điều nào được để nguyên không thể chế hóa tức đã được coi là “toàn diện tuyệt đối” như Điều 4 của Đảng, với Đảng rồi, còn kiến với nghị cái gì nữa? Có những điều đã thể chế hóa rồi đó, như cái Quốc Hội, cái Tòa án, hay như cái Mặt Trận Tổ Quốc cũng có luật rồi đó, mà có phải là đã tốt hết đâu. Lại cứ phải thêm luật nầy luật nọ để điều chỉnh. Hay như cái quyền tự do ngôn luận, báo chí đó, nó đã được thể chế hóa mấy lần rồi, mà… rốt lại báo chí là cái gì, là của ai, nếu không là của Đảng? Còn các nhà báo thì nằm trong tay ai? Và báo chí thì mặc áo có… qua khỏi đầu Đảng được không? Chỉ tốn công, tốn của để làm luật”.

Đảng phái ở các nước dân chủ, từ đảng cầm quyền đến đảng đối lập đều có luật chi phối và răm rắp tuân theo luật, vì dân chủ ở đó là loại “dân chủ trơn”. Còn ở Việt Nam thì là “dân chủ xã hội chủ nghĩa triệu lần hơn”. Cho nên mãi mãi cho tới muôn đời, dù nền dân chủ khắp nơi có phát triển tới trời, thì ở đây cũng duy nhất chỉ có một đảng duy nhất lãnh đạo, theo thuyết chính thống của các ông tổ xã hội chủ nghĩa ở bên Tàu.

Định chế Một Đảng Duy Nhất Lãnh Đạo Toàn Diện Tuyệt Đối, với Điều 4 Hiến Pháp cho phép Đảng trở thành một thứ Nhà nước trong Nhà nước, trên Nhà nước. Trong Nhà nước, vì Nhà nước có cái gì thì Đảng có cái nấy, cũng kinh tài, cũng nội chính, cũng quốc phòng, v.v… Trên Nhà nước, vì Nhà nước không kiểm soát được Đảng, còn Đảng thì kiểm tra kiểm soát nhà nước toàn diện, liên tục, qua các nhân sự, qua các cơ cấu, qua hệ thống các đảng đoàn, đảng bộ, đảng ủy lớn nhỏ ở khắp nơi. Đương nhiên là cả ở Quốc Hội, trên lý thuyết được gọi là cơ quan quyền lực cao nhất nước. Vì chính Nhà Nước nầy là do Đảng đẻ ra.
 Tóm lại là Đảng có toàn quyền để toàn trị.

Nhưng nay, với cái gọi là hội nghị Trung Ương 6 vừa qua thì tình hình đã bước sang một bước ngoặt hoàn toàn khác.

Với lời tuyên bố của ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, cho biết: “Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã nghiêm túc tự phê bình và thành thật nhận lỗi trước Ban Chấp hành Trung ương về những yếu kém, tồn tại trong công tác xây dựng Đảng, những suy thoái, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên như Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu. Để giữ nghiêm kỷ luật trong Đảng, góp phần giữ gìn uy tín, hình ảnh thiêng liêng của Đảng và làm gương trong toàn Đảng, Bộ Chính trị đã thống nhất 100% đề nghị Ban Chấp hành Trung ương cho được nhận một hình thức kỷ luật và xem xét kỷ luật đối với một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị. Nhưng Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận rất kỹ, cân nhắc toàn diện các mặt ở thời điểm hiện nay và đi đến quyết định không thi hành kỷ luật đối với tập thể Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị.”

Còn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thì nói: “…Ban Chấp hành Trung ương quyết nghị không thi hành kỷ luật, “Như vậy không có nghĩa là Bộ Chính trị không có lỗi, không phải là cá nhân đồng chí ‘X’ không có lỗi.”

Với hành động và tuyên bố công khai chánh thức như trên, trước bàng dân thiên hạ và thế giới, thì Đảng Lãnh Đạo Tuyệt Đối Toàn Diện, từ nay, dù biết tội, cũng không xử nhau, mà không theo một thứ luật thông thường nào hết. Hay chỉ theo một thứ luật dễ sợ của một “tập đoàn dễ sợ”: “luật của sự im lặng”. Cũng tức tình nguyện “tự tụt hạng”, với đôi chút nghẹn ngào.

Có người lại hỏi: Đảng đã như vậy từ khuya rồi mà? Từ trước tới nay có phải lúc nào Đảng cũng luôn đứng trong luật và làm theo luật đâu? Và theo công nhận của chính lãnh đạo Đảng thì “một bộ phận không nhỏ” người trong Đảng, với nhiều ưu quyền ưu đãi, có coi luật pháp là gì đâu, khi làm giàu bất chánh và làm nhiều cái bất chánh khác?

Xin thưa: Đảng như từ trước tới nay là “đứng trên luật”. Việc “đứng trên luật” là việc Cỗ Kim Đông Tây xưa nay không hiếm. Ở đâu có một chế độ mượn tên dân để đứng trên dân mà trị lại dân thì đó là đứng hay ngồi trên luật. Các chế độ vua quan xưa đều là vậy. Một số các chế độ khác trên thế giới ngày nay cũng na ná như vậy. Ở đây thì có chế độ “dân chủ xã hội chủ nghĩa”. Điều 4 “chễm chệ” trên Hiến Pháp là công chứng rõ ràng nhất cho việc Đảng đứng trên luật.

Xử một đứa nhỏ ăn trộm một con vịt, ăn cấp một ổ bánh mì phải đi tù mấy tháng, thì cũng đều giở luật mà xử, dù có thể là đứng trên luật: luật vua hay luật dân chủ xã hội chủ nghĩa cũng là luật, và phải thi hành, dù có kêu than. Xử một quan lại, một “công thần”, một cán bộ, một hoàng thân quốc thích được hưởng án treo hay phải về vườn thì cũng đọc luật mà xử. Dù ai đó có so bì hay dị nghị…

Đứng trên luật khác đứng ngoài luật. Đứng trên luật là độc quyền một mình một chợ tự mình nhào nắn luật pháp trong tay mình. Còn đứng ngoài luật là coi luât pháp là không có. Từ đó cũng phủ nhận mình như một thành viên có trách nhiệm của một xã hội có tổ chức luật pháp. Và từ đó cũng tự chối bỏ cả cái quyền lãnh đạo, hay trị nước, ngày nay gọi là quản lý đất nước, dù là tự phong, của chính mình bởi quyền phải đi cùng với trách nhiệm . Khi đã chối bỏ trách nhiệm thì còn mặt mũi nào để cầm quyền, thì sao có thể giữ quyền mà không xấu hổ?

Nhưng, có người lại hỏi, còn ông Thủ tướng và ông Chủ tịch Quốc Hội, nhứt là ông Thủ Tướng đã đứng ra nhận hết các lỗi lớn nhỏ về phần mình và xin lỗi Quốc Hội, thì sao? Thì có gì khác?

Vừa có khác, vừa không. Có khác là khi ông Thủ tướng dùng những “tiếng to”, như “nhận trách nhiệm chánh trị lớn”, như “nhận lỗi về tất cả những yếu kém, khuyết điểm…”, những thứ “tiếng to” khiến người nghe phải phát ngượng. Nhất là nếu có người nghe từ một nước đã từng làm cuộc Cách Mạng Dân Chủ Dân Quyền cách đây hơn 200 năm.
 Còn không khác, là vì đó cũng chỉ là cử động của “cái mũi thứ ba”, cụng vào “cái mũi thứ tư” và “hằng trăm cái mũi” khác của cùng một cái đầu.

Vậy thì bước tiếp sẽ là gì? Lại có người hỏi.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng đã hỏi như vậy, ông cho đó là “điều chưa xảy ra bao giờ” và nói: “…Đây là điều mà tôi thấy hiện nay chưa giải thích được, và chưa biết được rằng hệ quả sẽ như thế nào?”

Như thế nào thì câu trả lời phải chăng là đã nằm sẵn trong câu hỏi của Tiến sĩ? Hệ quả nào mà không theo luật nấy? Từ nay, từ trên xuống dưới, cứ theo “luật của sự im lặng” mà xử nhau. Những “hạt đậu” lớn nhỏ lâu nay người ta đã “sái thành binh”, nay mặc nhiên được buông ra, sẽ trở thành “tướng”, cũng có cánh, có vuốt, cũng bằng hay hơn nhà phù thủy đã “sái” ra chúng thì tha hồ mà hành xử lên xuống, và “hành xử” lẫn nhau …

Còn người dân thì sao? Nghĩ gì và sẽ ra sao?

Như để thay lời dân, Giáo sư Tương Lai đã nói: “…Diễn biến sắp tới thế nào phụ thuộc liệu người ta có nhận ra vở diễn vừa rồi đã thất bại và lòng tin của dân càng mất nhiều hơn. Cách tốt nhất là làm gì đó để lấy lại niềm tin. Cái gì đó không phải là nói suông mà là hành động.

Cách phân biệt chính tà lúc này là thái độ với kẻ xâm lược…Tôi tin vào sức mạnh của dân tộc. Dân tộc này không bao giờ cúi đầu trước thế lực cường quyền nào. Và bao giờ dân tộc này cũng tìm ra được giải pháp độc đáo cho những vấn đề gặp phải”.

Tôi cũng nghĩ như giáo sư. Dân tộc nầy không phải chỉ có một lần chịu những tai ách. Nhưng sau “nhẫn” là phải có một cái hay nhiều cái gì đó. Nhẫn mãi thì có ngày cũng tìm ra được biện pháp tương xứng để ít nhất là không phải nhẫn nữa.

Nhưng tôi cũng không thể bỏ qua lời nhắn của Chủ tịch Nước khi Chủ tịch đã đổ trách nhiệm lại cho dân: “Chúng tôi có lỗi lớn, nhưng cô bác anh chị cũng phải nghĩ về trách nhiệm của mình”. Đổ “trách nhiệm” chớ không “đổ quyền”. Chủ tịch lại sợ người dân ỉ lại mà mất cảnh giác nên không nói: “Dù sao chúng tôi cũng còn quyền,còn có công an, quân đội, còn có guồng máy quyền lực, chúng tôi sẽ hết sức mình cùng cô bác anh chị, dù phải, dù phải…” và đã lớn tiềng cảnh báo: “Chúng tôi hiểu tình hình trù úm người tố cáo là rất ghê gớm… Người ta có thể trù úm một người, một nhóm người nhưng không thể trù úm cả dân tộc này”.





Ba lãnh đạo cao cấp đều có các hoạt động sau hội nghị trung ương


Không biết “người ta” là ai mà ghê gớm đến như vậy. Ghê gớm đến mức những người đứng đầu Đảng lãnh đạo, đứng đầu Nhà nước xã hội chủ nghĩa cũng phải chùn bước, im lặng.

Dù sao cũng xin ghi nhận lời cảnh báo của Chủ tịch. Người dân chúng tôi biết cái giá phải trả cho nền độc lập tự chủ, cho nền dân chủ không có đuôi là không rẻ. Nhất là khi “người ta” nào đó vẫn nắm toàn quyền, vừa quyền tham nhũng, vừa quyền trù úm người tố cáo tham nhũng, không trừ khả năng trù úm cả dân tộc. Người dân chúng tôi cũng biết vừa phải chống giặc ngoài vừa phải chống giặc trong là nguy hiểm như thế nào./.

(27-10-2012, HNN)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?