Đà Nẵng 30/04, hai mặt của một thành phố
Uyên Nguyên, tường trình từ Việt Nam cho RFA
2013-04-29
Thành phố hào nhoáng…
29 tháng Ba năm 1975, quân đội Bắc Việt chiếm Đà Nẵng, sau đó một tháng, họ chiếm Sài Gòn, thủ đô của người miền Nam Cộng Hòa. Việt Nam bước sang một thời đại mới trong lịch sử mà ở đó, sự sợ hãi và những chuyến chạy trốn, rời bỏ quê hương, chấp nhận cuộc đời lưu vong cũng như một bộ mặt mới của Việt Nam nhếch nhác, bụi bặm và nghèo khổ cũng bắt đầu lộ ra. Nỗi lo toan về cái ăn, phải xếp hàng chờ đợi hoặc giành giật từng lạng gạo, gam thịt chẳng khác nào đời sống bầy đàn…
Ba mươi tám năm trôi qua, có nhiều thay đổi ở Việt Nam, các thành phố lớn phía Nam vĩ tuyến 17 như Sài Gòn, Cần Thơ, Đà Nẵng được thay da đổi thịt.
Nhưng, sự xuất hiện của hàng triệu biệt thự đồ sộ, hàng ngàn khu chung cư triệu đô và xe hơi hạng sang cũng là một ranh giới quá lớn giữa giàu và nghèo trên đất nước, một lổ hổng không thể bù đắp được bởi sự vong thân của bộ phận lớn lớp trẻ từ một nền giáo dục coi trọng vật chất và lạc hậu, sự băng hoại của bộ máy cầm quyền và sự mất dấu những giá trị văn hóa.
Đơn cử thành phố Đà Nẵng, một thành phố lớn bậc nhất miền Trung vào những năm trước 1975 với hệ thống cơ sở hạ tầng đầy đủ từ bến cảng, sân bay, nhà ga xe lửa cho đến bệnh viện đa khoa, bệnh viện tư của các cộng đoàn giáo hội Kito, trường học cấp 3, đại học, cầu cống… Nhìn chung, so với các nước khu vực trong những năm cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970, Đà Nẵng có thể ngang bằng, thậm chí lớn hơn đảo quốc Singapore. Nhưng không bao lâu sau đó, biến cố 1975 xẩy ra, thành phố này trở nên nhếch nhác, bẩn thỉu và nghèo khổ.
Mãi cho đến năm 1997, sau khi tách khỏi tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng, đứng riêng tên Đà Nẵng và thành đơn vị hành chính trực thuộc trung ương, với hàng loạt chính sách mở cửa kêu gọi đầu tư nước ngoài, thành phố Đà Nẵng khởi sắc, mùi nước hoa thay cho mùi cá kho dưa cải, những biệt thự mọc lên, bờ biển được qui hoạch, chia lô cho dịch vụ du lịch, nhiều cây cầu được xây dựng và có một sự thay đổi, xáo động lớn về mặt văn hóa, chính trị ở thành phố này.
Xóa sạch những giá trị văn hóa, tâm linh
Sự thay đổi, xáo trộn đáng kể trong đời sống người Đà Nẵng phải nói đến là thay đổi ngành nghề và chỗ ở. Với hàng loạt chính sách, dự án có liên quan đến đất đai nhằm xây dựng các công trình, trong đó gồm cả công trình nhà nước và công trình ăn chia giữa nhà cầm quyền với tư nhân, hàng chục ngàn hộ dân của thành phố bị buộc phải di dời nhà cửa, thay đổi ngành nghề, ruộng nương bị thu hồi đền bù và sau đó phân thành nhiều lô nhỏ để bán.
Nông dân dành dụm tiền mấy chục năm nay, nhận thêm tiền đền bù, chỉ đủ để mua lại một đến hai lô đất bán ưu tiên với giá cao gấp nhiều chục lần so với giá đất vườn và ruộng được đền bù. Kết quả, sau khi đền bù giải tỏa, dân lao động chỉ đủ khả năng mua đất và làm lại một căn nhà vừa đủ để ở, không còn ruộng, vườn để canh tác, nhiều người tuổi đã cao, không thể học nghề được nữa, phải đi làm thuê tứ xứ kiếm sống.
Kẻ được nhất trong những chính sách này là các quan chức và tư bản có mối quan hệ thân thiết với giới quan chức.
Phía sau gương mặt hào nhoáng và giàu có của Đà Nẵng là sự mất mát của nhiều thứ, trong đó, đáng kể nhất là lòng kính ngưỡng tôn giáo và những giá trị văn hóa, lịch sử.
Nếu như cầu Sông Hàn mọc lên, xóa sổ Cầu Vồng, tiếp theo là phiên tòa đầy man trá xử đại tá công Trần Văn Thanh mà theo người dân Đà Nẵng nhận định là nhằm đe nẹt, đánh phủ đầu những ai có ý định tố giác và phơi bày tham nhũng ra trước ánh sáng công luận.
Thì liền sau đó không bao lâu, trường Sao Mai bị đập phá, dọn bằng và vụ anh Phạm Thành Sơn tự thiêu vì oan ức chuyện đền bù đất đai diễn ra ngay trước cổng ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, cái chết của anh Sơn và sự mất dấu của trường Sao Mai, hay còn gọi là trường Trần Phú sau năm 1975 đều có liên quan đến cây cầu Rồng. Cây cầu mà theo các phương tiện truyền thông nhà nước đánh giá là có con rồng dài nhất thế giới nhưng trên thực tế, trên thế giới này chẳng có mấy nước lấy rồng làm biểu tượng, cũng như chẳng có mấy nước tự xem mình là con rồng cháu tiên như Việt Nam.
Và, giáo xứ Cồn Dầu, đây là câu chuyện đáng ghê sợ của một Đà Nẵng mạnh lên với sức mạnh quái thú, liếm sạch những gì chướng mắt nó.
Nghĩa trang Cồn Dầu, Giáo xứ Cồn Dầu và nếp văn hóa, tín ngưỡng lâu đời của đồng bào ở Cồn Dầu đang dần bị xóa sổ bởi bàn tay qui hoạch, giải tỏa đền bù. Những ngôi làng lâu đời khác ở Hòa Minh, Hòa Khương, Hòa Vang, Hòa Khánh đều đang rơi vào tay nhà tư bán để họ biến nó thành sản phẩm địa ốc đắt giá. Người dân đang đối diện với nạn thất nghiệp và ranh giới giàu nghèo hiện rõ trong từng nét mặt, bữa ăn, chỗ ở.
Sự phân hóa giàu nghèo
Sự giàu có, vương giả của nó hiện hữu đồng thời với những trại tế bần mà nhà cầm quyền gọi là trung tâm bảo trợ xã hội, những khu trại kín cổng cao tường, có bảo vệ và chó săn túc trực để sẵn sàng đánh mùi và bắt nhốt những ai trốn trại.
Nói về trại tế bần Đà Nẵng, người ta nghĩ ngay đến đường dây 05113505505 hoặc 05113550770. dành cho những ai nhìn thấy người ăn xin, lang thang cơ nhỡ và bán hàng rong ở trung tâm thành phố thì gọi nó, sẽ có công an cơ động chạy xe bịt bùng đến bắt họ về nhốt vào trại, cho đi lao động và cho ăn cơm theo giờ giấc đã qui định. Sở dĩ có sự hiện hữu của những khu trại nhốt người chẳng khác nào tù nhân với không khí ghê rợn này là do chính sách “5 không” do chủ tịch thành phố Nguyễn Bá Thanh đề xướng và thực hiện nhằm đảm bảo bộ mặt đẹp đẽ, sáng sủa và giàu có của thành phố.
Nếu đi xa hơn một chút về phía Đông Nam thành phố, bạn sẽ gặp một xóm trọ gọi là xóm ba-đờ-ghe lợp tôn cũ nát, một dãy chung cư trông xa giống như dãy chuồng ngựa trong phim kiếm hiệp Tàu và nếu bạn tiếp tục bước vào bên trong khu chung cư này, bạn sẽ hết sức ngạc nhiên trước một cuộc sống nghèo khổ, tồi tàn tưởng như đang ở một vùng quê hẻo lánh, đói khổ nào đó. Thực tế, nó chỉ cách trung tâm Đà Nẵng chưa đầy 5 cây số, nó chưa phải là ngoại ô Đà Nẵng.
Đứng từ khu chung cư tồi tàn này hoặc đứng từ Giáo xứ Cồn Dầu để nhìn về cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Sông Hàn hay cầu Thuận Phước, cảm giác như những cây cầu này rất gần, và nếu đứng ở khoản sân đầy cỏ và rác của khu chung cư ba-đờ-ghe để xem bắn pháo bông nhân ngày 30 tháng Tư, cảm giác như đóm pháo có thể rơi lên đầu bất kì giờ nào. Và không chừng, nó có thể rơi lọt những tấm tôn rách, gây cháy nổ cả khu chung cư nhếch nhác này.
Nhưng, đó là chuyện của năm cũ, sắp tới, khu chung cư này lại phải di dời để trả mặt bằng cho một công trình khác, những ngư dân xóm ba-đờ-ghe phải chạy vạy, xin xỏ nhà cầm quyền để họ thương tình cho cảnh nghèo, bán cho một căn hộ chung cư chật hẹp khác mà sống qua ngày.
Câu chuyện về Đà Nẵng còn rất dài, bài tường trình ngắn chỉ là một lát cắt nhỏ nhân dịp thành phố Đà Nẵng tổ chức lễ hội bắn pháo bông mừng 30 tháng Tư. Dịp mà sự phù hoa của bữa ăn vài chục triệu và nỗi nghèo khó kiếm từng đồng lẻ sống qua ngày ở Đà Nẵng được phơi bày rõ nét nhất. Mặc dù kẻ giàu có hay người nghèo khổ đều muốn giấu đi thân phận của mình vì dù sao, cũng phải treo cờ và ăn mừng. Ăn mừng là chuyện được nhà nước khuyến khích, treo cờ là chuyện nhà nước bắt buộc, nhưng giàu và nghèo là chuyện riêng của mỗi người, không liên quan gì đến sự reo hò và cờ xí sặc sỡ, rình rang…!
Uyên Nguyên, tường trình từ Đà Nẵng, Việt Nam.
Nhận xét
Đăng nhận xét