Kaesong, biểu tượng duy nhất của hợp tác liên Triều, bị đóng cửa


Công nhân một hãng Hàn Quốc  bốc dỡ sản phẩm làm tại khu công nghiệp Kaesong (trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên).

Công nhân một hãng Hàn Quốc bốc dỡ sản phẩm làm tại khu công nghiệp Kaesong (trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên).
REUTERS/Lee Jae-Won

Đức Tâm
Kể từ hôm nay, 29/04/2013, khu công nghiệp Kaesong không còn bóng người. Những nhân viên Hàn Quốc cuối cùng rút khỏi nơi đây. Sự kiện chưa từng thấy này làm dấy lên lo ngại là dự án biểu tượng cho hợp tác liên Triều sẽ vĩnh viễn ngừng hoạt động, do các căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên.

Seoul đã quyết định rút toàn bộ số nhân viên Hàn Quốc ra khỏi Kaesong, khu công nghiệp nằm sâu khoảng 10 km trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng bác bỏ đề nghị đối thoại nhằm tìm lối thoát cho dự án này.
Thứ Bẩy, 27/04, 126 người, trong đó có một người Trung Quốc, đã qua Bàn Môn Điếm, khu vực biên giới chung, để trở về Hàn Quốc. Khoảng năm chục người còn lại, chủ yếu là các nhân viên Nhà nước quản lý dự án và các kỹ sư viễn thông và điện, hồi hương sáng nay.
Chính quyền Bình Nhưỡng, lại một lần nữa, quy trách nhiệm cho Seoul gây ra khủng hoảng trong quan hệ và đe dọa sẽ đưa ra « những biện pháp quyết định và quan trọng, nếu Hàn Quốc tiếp tục tìm cách làm cho tình hình thêm nghiêm trọng ».
Từ năm 2010, bang giao liên Triều trở nên căng thẳng, khu công nghiệp Kaesong vẫn mở cửa, ngoại trừ một vài lần hiếm hoi phải ngừng hoạt động trong thời gian rất ngắn.
Thế nhưng, ngày 03/04, Bắc Triều Tiên ra lệnh cấm nhân viên Hàn Quốc ra vào khu công nghiệp này. Đến ngày 08/04, Bình Nhưỡng rút 53.000 nhân viên Bắc Triều Tiên ra khỏi Kaesong vào lúc tình hình trở nên rất căng thẳng với việc Bình Nhưỡng đe dọa tấn công hạt nhân Hàn Quốc và Hoa Kỳ.
Ngoại trưởng Hàn Quốc hôm nay tuyên bố về dự án Kaesong là « cánh cửa đối thoại vẫn để ngỏ », và nếu Bắc Triều Tiên chấp nhận nói chuyện thì cần phải làm nhanh, vì không nên để các máy móc ngừng hoạt động quá lâu, cũng như vì nguy cơ bị mất khách hàng.
Theo giáo sư Yang Moo-Jin, thuộc đại học Nghiên cứu Bắc Triều Tiên, ở Seoul, sau khi rút hết nhân viên, Hàn Quốc sẽ cắt điện. Ông dự báo : « Một khi khu công nghiệp chết hẳn, Bắc Triều Tiên chắc chắn sẽ triển khai binh sĩ ở đây và tình hình quân sự sẽ quay trở lại giống như trước khi thành lập dự án Keasong ».
Khu công nghiệp này ra đời trong bối cảnh, từ năm 1998 đến 2008, Hàn Quốc thực thi chính sách « ngoại giao vầng thái dương », nhằm khuyến khích tiếp xúc giữa hai miền Bắc - Nam, vốn vẫn ở trong tình trạng chiến tranh, vì cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953) chấm dứt với việc ký kết thỏa thuận đình chiến, chứ không phải là hiệp đình hòa bình.
Khi Kim Jong Un lên cầm quyền thay người cha Kim Jong Il qua đời, (12/2011), một số nhà phân tích đưa ra những dự báo hy vọng có những thay đổi, vì tân lãnh đạo Bắc Triều Tiên trẻ tuổi, ăn học ở phương Tây, thay vì tập trung phát triển vũ khí nguyên tử thì chú trọng đến phát triển kinh tế, đưa đất nước ra khỏi cảnh đói nghèo triền miên… Song, cộng đồng quốc tế đã thất vọng và khó hiểu về động cơ thực sự của Kim Jong Un, trong lúc Bắc Triều Tiên đang ngày càng bị cô lập.
Bình Nhưỡng đã công khai tuyên bố đối đầu với Seoul và Washington, sau khi Liên Hiệp Quốc thông qua một loạt biện pháp trừng phạt mới do việc Bắc Triều Tiên thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ ba, hồi tháng Hai vừa qua.
Khu công nghiệp Kaesong bị đóng cửa và có nguy cơ phá sản, trong lúc doanh thu của dự án này lên tới 469,5 triệu đô la trong năm 2012. Dự án tạo ra hàng chục ngàn việc làm cho Bắc Triều Tiên, tăng nguồn thu thuế và ngoại tệ mà Bình Nhưỡng đang rất cần.
Thế nhưng, đối với Bắc Triều Tiên, điều quan trọng hơn cả là duy trì sự sống còn của chế độ họ Kim.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?