Trung Quốc cáo buộc Philippines hợp pháp hóa việc « chiếm đóng » các đảo tranh chấp


Người Philippines biểu tình đòi tàu Trung Quốc phải rút khỏi bãi cạn Scarborough.

Người Philippines biểu tình đòi tàu Trung Quốc phải rút khỏi bãi cạn Scarborough.
REUTERS/Cheryl Ravelo/Files

Thanh Phương
Hôm nay, 26/04/2013, Trung Quốc cáo buộc Philippines là đã hợp pháp hóa việc « chiếm đóng » các đảo mà hai nước đang tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, nhắc lại là Bắc Kinh không bao giờ chấp nhận đưa vấn đề này ra trước tòa án quốc tế.

Tháng Giêng vừa qua, Philippines đã đệ đơn kiện bản đồ « đường lưỡi bò » của Trung Quốc ra trước tòa án của Liên Hiệp Quốc, để yêu cầu tòa án này ra lệnh cho Bắc Kinh chấm dứt những hoạt động mà Manila cho là vi phạm chủ quyền của Philippines trên bãi Scarborough, mà Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham. Hành động này của Manila đã khiến Bắc Kinh giận dữ.
Hôm qua, Philippines cho biết tòa án trọng tài của Liên Hiệp Quốc đã lập một tòa án để nghe đơn kiện của Manila, nhưng Bắc Kinh cho đây là một mưu toan « cướp » lãnh thổ của Trung Quốc. Một tuyên bố đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay khẳng định : « Phía Philippines đang cố gắng dùng việc này để phủ nhận chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc và gắn vào một vẻ « hợp pháp » cho việc chiếm đóng trái phép các đảo và bãi đá của Trung Quốc ». Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Philippines rút ngay mọi nhân sự và cơ sở ra khỏi những đảo mà Bắc Kinh cho là Manila đang « chiếm đóng ». Bộ này nhắc lại quan điểm của Bắc Kinh là hai nước nên giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng trực tiếp.
Tại cuộc họp thượng đỉnh ở Brunei hôm qua, các lãnh đạo ASEAN đã gia tăng nỗ lực để thúc đẩy Trung Quốc thương lượng về một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, nhằm giải quyết những căng thẳng trên vùng biển này. Các lãnh đạo Đông Nam Á đồng ý sẽ họp lại để thống nhất lập trường trước các cuộc đàm phán với Trung Quốc dự trù vào cuối năm nay.
Năm ngoái, tại cuộc họp thượng đỉnh thường niên của ASEAN ở Phnom Penh, những nỗ lực của Philippines và Việt Nam nhằm thống nhất lập trường của khối này trên vấn đề Biển Đông đã không thành công, do sự chống đối của Cam Bốt, một đồng minh thân cận của Bắc Kinh và là chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm 2012.
Căng thẳng nội bộ do vấn đề này đã lên đến mức mà lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của ASEAN, cuộc họp các Ngoại trưởng ASEAN ở Phnom Penh tháng 7 năm ngoái đã không đưa ra được một thông cáo chung.
Trung Quốc, vốn vẫn muốn thương lượng trực tiếp với từng nước hơn là đàm phán với cả khối ASEAN, không hề tỏ thái độ muốn nhanh chóng thảo luận về bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông.
Tàu hải giám Trung Quốc lại xâm nhập Senkaku
Về tình hình biển Hoa Đông, hôm nay, ba chiếc tàu hải giám của Trung Quốc lại xâm nhập vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, trong khi Thủ tướng Nhật vừa cảnh báo là chính phủ Tokyo sẽ không dung thứ việc các tàu Trung Quốc đổ bộ lên quần đảo này.
Hôm thứ Ba, đã có đến 8 tàu hải giám của Trung Quốc xâm nhập vùng này, khiến Nhật Bản đã triệu đại sứ Trung Quốc ở Tokyo lên để phản đối. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?