Việt Nam Tuần Qua


RFA 27.04.2013


IMG_1209-305.jpg
Tổng lãnh sự Hoa Kỳ Lê Thành Ân (thứ hai từ trái sang) và các tham tán và viên chức chính trị của tòa đại sứ Mỹ đến thăm và làm việc với UBND huyện Hoàng Sa tại Đà Nẵng, hồi chiều thứ ba 23 tháng Tư.
Courtesy danang.gov.vn


TLS Mỹ thăm UBND huyện đảo Hoàng Sa

Theo tin tức đăng tải trên trang web của Ủy ban nhân dân huyện đảo Hoàng Sa, trực thuộc thành phố Đà Nẵng, hôm thứ Năm tuần này, ông Lê Thành Ân – người Mỹ gốc Việt đầu tiên đảm nhận chức vụ đại diện ngoại giao của Hoa Kỳ, đã đến thăm và làm việc với chính quyền huyện đảo Hoàng Sa.
Trong cuộc gặp và nói chuyện với các lãnh đạo huyện đảo Hoàng Sa, Tổng lãnh sự Lê Thành Ân cho biết Hoa Kỳ ủng hộ giải pháp hòa bình đối với vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông; khẳng định sự cần thiết hợp tác để đảm bảo chủ quyền, đảm bảo hòa bình và an ninh, an toàn, tự do hàng hải, tự do thương mại bình thường trên Biển Đông, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982.
Được bổ nhiệm làm Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Việt Nam cách đây hơn 2 năm, thời gian gần đây ông Lê Thành Ân liên tục có nhiều hoạt động gây chú ý cho cộng đồng người Việt ở cả trong lẫn ngoài nước.
Trước khi thực hiện chuyến thăm chính quyền huyện đảo Hoàng Sa và công khai bày tỏ lập trường về vấn đề Biển Đông; ông Lê Thành Ân đã có chuyến thăm nhiều ý nghĩa tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, nơi chôn cất các tử sĩ quân đội Việt Nam Cộng Hòa hy sinh trong chiến tranh.
Cùng với chuyến thăm của Tổng lãnh sự Mỹ đến UBND huyện đảo Hoàng Sa – Đà Nẵng, Việt Nam Tuần Qua còn chứng kiến cuộc tập trận chống đổ bộ của quân dân huyện đảo Lý Sơn – Quảng Ngãi.

VN có chủ quyền với Hoàng Sa, Trường Sa

Trong hai ngày 21 và 22 tháng này, các lực lượng vũ trang ở đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp tổ chức một cuộc tập trận chống đổ bộ bằng đường biển lên vùng đất nơi có nhiều ngư dân Việt Nam đánh cá ở Biển Đông thường bị các tàu ngư chính và hải giám của Trung quốc đánh đuổi, tấn công bắn phá.
Cùng lúc đó tại Hà Nội, Bộ Ngoại Giao Việt Nam cũng lên tiếng phản đối việc Trung Quốc phát hành tấm bản đồ “quy hoạch phát triển sự nghiệp hải dương quốc gia 5 năm lần thứ 12”, trong đó bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Tuyên bố trong cuộc họp báo hôm thứ Tư 24 tháng 4, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Lương Thanh Nghị lặp lại rằng Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo Công ước LHQ về luật biển; đồng thời cho rằng việc Trung Quốc cho lưu hành bản đồ và công bố quy hoạch tại Biển Đông là vi phạm luật pháp quốc tế, không phù hợp với tinh thần thỏa thuận giải quyết các vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, gây căng thẳng và phức tạp tình hình ở Biển Đông.

Kinh tế hụt hơi


sieu-thi-ban-le-250.jpg
Một siêu thị bán lẻ hàng hóa ở Hà Nội. RFA photo.

Về kinh tế, các số liệu thống kê mới nhất cho thấy cả lạm phát và tăng trưởng kinh tế Việt Nam đều sụt giảm. Theo đó, tỷ lệ lạm phát tháng tư của Việt Nam xuống thấp nhất trong vòng 7 tháng qua, đồng thời cũng là mức thấp nhất trong vòng 9 năm qua.
Trong lúc đó, số liệu do Tổng cục thống kê Việt Nam công bố tuần này cũng thấy kinh tế Việt Nam đang dần hụt hơi.
Theo các chuyên gia kinh tế thì lạm phát đang giảm dần là do chính sách tiền tệ thắt chặt trước đây cũng như nhu cầu tiêu dùng nội địa đang giảm. Thêm vào đó là tình trạng xuống dốc không phanh của thị trường địa ốc cũng như cơn khủng hoảng nợ công – ngân hàng khiến cho nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, sau khi rơi vào tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong vòng 13 năm qua.

Nguồn nước mặt bị ô nhiễm

Trong lĩnh vực môi trường, tuần này các tổ chức bảo vệ môi sinh trên thế giới lên tiếng cảnh báo về tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại các sông hồ Việt Nam của Việt Nam.
Với mạng lưới sông ngòi chằng chịt, nguồn nước mặt của Việt Nam chiếm gần 2% tổng số dòng chảy của sông hồ trên toàn thế giới; nhưng việc khai thác quá mức nguồn nước mặt đang làm chất lượng cũng như số lượng tài nguyên ở các lưu vực sông chính như Sông Hồng, Sông Thái Bình và Sông Đồng Nai bị giảm đi rất nhiều.
Thêm vào đó, nhiều khu công nghiệp, nhà máy và các khu đô thị cũng xả nước thải trực tiếp vào sông hồ khiến nhiều vùng nước không thể tái sử dụng vì bị ô nhiễm nặng nề. Nước thải từ các khu công nghiệp cũng đang là một đe dọa nghiêm trọng đối với nguồn nước mặt của Việt Nam. Đồng thời, nông nghiệp VN cũng sử dụng rất nhiều đến nước, và đây cũng góp phần đáng kể vào ô nhiễm nguồn nước mặt.

30 tháng 4


APH2000042110790-250.jpg
Sài Gòn ngày 30-04-1975. AFP PHOTO.
Thời điểm này, 38 năm về trước, cuộc chiến Việt Nam chấm dứt với biết bao đau thương, chia rẽ….
Hơn nửa đời người nhìn lại, thế hệ những người Việt Nam trưởng thành sau chiến tranh nghĩ gì về biến cố 30/04/1975? Chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do, nhà văn nữ Thùy Linh ở Hà Nội tâm sự:
“Những người ở độ tuổi từ Linh trở xuống hầu như không còn ai nghĩ đến cái mà người ta gọi là thắng lợi của cuộc chiến. Cái cách nói của nhà cầm quyền không thu hút sự chú ý của phần đông dân chúng. Giới trẻ thì không quan tâm, còn giới công chức thì chỉ đơn thuần nghĩ đó là ngày nghỉ để đi chơi. Có rất ít người còn chiêm nghiệm lại cuộc chiến, chắc chỉ trừ những người lính”.
Trong khi đó, nhà văn nhà báo Andrew Lam, thuộc trong số hàng triệu người Việt bỏ nước ra đi sau biến cố 30/04/75, nay đã thành danh ở Mỹ, nhận xét:
“Có nhiều người đã trở về, có thể là họ không đồng ý với chính quyền, đường hướng thay đổi xứ sở thì mỗi người mỗi ý, nhưng cái ý niệm “Mất Nước” không còn nữa vì cái “Nước” nó vẫn còn đấy, và Việt Nam không phải là nơi mà người ta không thể quay về.”
Hai người cầm bút cách nhau đến hơn nửa vòng trái đất, được giáo dục và trưởng thành trong hai môi trường hoàn toàn khác nhau, nếu không muốn nói là đối lập nhau, nhưng đều có cùng chung một nhận định rằng 38 năm đã là một khoảng thời gian quá dài, và người Việt ở cả trong và ngoài nước, nhất là thế hệ sinh ra và lớn lên sau chiến tranh hầu như không còn nhiều khái niệm về cuộc chiến mà chỉ có chung một hoài bão về một quốc gia thịnh vượng, dân chủ, tự do và văn minh, tiến bộ.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?