VN theo sát vụ kiện TQ ở Biển Đông
Cập nhật: 14:59 GMT - thứ bảy, 27 tháng 4, 2013
Việt Nam nói họ theo dõi sát tiến trình vụ Philippines kiện TQ
về chủ quyền tại Biển Đông sau khi Tòa án quốc tế về Luật Biển đã chỉ định đủ
trọng tài viên cho Tòa Trọng tài của LHQ.
Tòa án này là cơ quan hành pháp được thành lập thể theo Phụ Lục VII của Công
ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển.Bấm Website của Bộ Ngoại Giao Việt Nam dẫn lời Người Phát ngôn Lương Thanh Nghị nói "Là quốc gia ven biển có các quyền và lợi ích quốc gia hợp pháp và chính đáng ở Biển Đông, Việt Nam quan tâm và theo dõi sát tiến trình của vụ kiện này".
"Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình ở Biển Đông.
"Việt Nam đề nghị các bên liên quan nghiêm túc thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc, Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 15 kỷ niệm 10 năm DOC và mong muốn các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc sớm tiến hành đàm phán chính thức xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)", ông Nghị nói thêm.
Trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay ngày 24/4/2013, Chánh án Tòa án quốc tế về Luật Biển đã chính thức chỉ định các trọng tài viên cho Tòa Trọng tài được thành lập theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Vào tháng Một năm nay, Philippines đã ra thông báo và tuyên bố khởi kiện Trung Quốc về chủ quyền lãnh hải tại Biển Đông.
Việc Philippines kêu gọi đưa ra trọng tài giải quyết tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông gần đây đã được thúc đẩy thêm, với việc Nghị viện Âu châu ra nghị quyết ủng hộ sáng kiến của Manila.
Nghị viện Âu châu đã ra nghị quyết hôm 14/3 theo đó thông qua một bản phúc trình có nội dung ủng hộ sáng kiến trọng tài của Philippines theo Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc 1982 (UNCLOS), nhằm làm rõ các quyền trên biển của nước này tại Biển Đông.
Bản phúc trình cũng kêu gọi Trung Quốc "tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế trong việc theo đuổi các mục tiêu ở nước ngoài".
Bộ Ngoại giao của Philippines trong một tuyên bố đã hoan nghênh nghị quyết này là một "cột mốc" trong các nỗ lực của Philippines trong việc thu hút chú ý tới chuyện xử lý bất đồng về chủ quyền ở các vùng đang có tranh cãi trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình như đưa ra trọng tài.
'Chiếm tạm thời'
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói ba tàu của Trung Quốc vẫn ở trong vùng ngoại vi Bãi cạn Scarborough và hù dọa ngư dân địa phương.
Ông được các hãng thông tấn dẫn lời nói Trung Quốc đang cố chiếm đóng theo kiểu "chiếm tạm".
Trung Quốc vốn nhiều lần phản đối việc mang tranh chấp quanh bãi cạn Scarborough ra tòa quốc tế, nói đây là chủ đề song phương giữa Trung Quốc và Philippines.
Tình hình quanh bãi cạn mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham căng thẳng từ năm ngoái, khi Bắc Kinh gửi nhiều tàu thuyền tới đây.
Các lãnh đạo ASEAN tới dự họp ở Brunei tuần qua hy vọng là Trung Quốc sẽ sớm đồng ý bắt đầu các cuộc đàm phán về một thỏa thuận kiềm chế nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra đụng độ lớn tại các vùng lãnh thổ có tranh chấp, điều có thể gây tổn hại cho các nền kinh tế trong khu vực.
Thế nhưng Trung Quốc đến nay vẫn không hề ra một chỉ dấu rõ rệt về việc khi nào Bắc Kinh sẽ đồng ý thương thuyết về Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông này.
"Mọi người đều quan tâm một giải pháp hòa bình và cũng đều lên tiếng quan ngại về tình trạng gia tăng tranh chấp trên biển," AP trích lời Tổng thống Philippines Benigno Aquino III nói với các phóng viên sau khi ông và các vị lãnh đạo quốc gia khác có bữa ăn tối truyền thống hôm 24/04.
Tháng 6/2012, Manila đã phải rút tàu của mình về và vào tháng ngày 22/1 năm nay, ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói Philippines "đã cạn kiệt tất cả các giải pháp chính trị và ngoại giao nhằm giải quyết thông qua đàm phán hòa bình với Trung Quốc".
Ông cũng nói ông hy vọng tòa án quốc tế sẽ đưa lại giải pháp lâu bền cho tranh chấp
Nhận xét
Đăng nhận xét