Nạn buôn người Việt vào nhà chứa ở Nga


Hà Mi

Cập nhật: 15:44 GMT - thứ năm, 25 tháng 4, 2013
Một Việt Kiều ở Mỹ cầm ảnh em gái, cô Huỳnh Thị Bé Hương, bị lừa vào nhà chứa tại Nga
Theo một tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Hoa Kỳ, trường hợp 15 phụ nữ Việt Nam bị buộc hành nghề mại dâm ở Moscow cho thấy một vấn đề rộng lớn hơn - nạn buôn người liên quan tới hàng nghìn người Việt tại Nga.
Nhiều nạn nhân đã bị cầm giữ bởi chính người Việt tại Nga, các nhóm điều hành hàng trăm xưởng thợ bóc lột lao động hoặc cả các ổ chứa ở Moscow và ngoại ô, theo tổ chức chống buôn lậu người mang tên 'Liên minh Bài trừ Nô lệ mới ở châu Á (CAMSA).
Tổ chức này gần đây mới tiết lộ cho biết về số phận của 15 phụ nữ là nạn nhân của đường dây buôn người từ Việt Nam sang Nga và bị buộc phải hành nghề mại dâm tại một nhà chứa.
Trả lời BBC Việt Ngữ, ông Nguyễn Đình Thắng, người đồng sáng lập CAMSA, cho biết vụ việc liên quan tới một phụ nữ tên Nguyễn Thúy An, mà CAMSA cáo buộc là chủ nhà chứa nói trên.
Được biết sau khi vụ việc bị lộ, bà Thúy An đã phải trả hộ chiếu cho những phụ nữ này và họ đã từng đợt được đưa về lại Việt Nam trong tháng Ba, mà người cuối cùng là cô Trang Thị Diệu, 25 tuổi, về tới Việt Nam hôm 19/4, ông Nguyễn Đình Thắng cho biết.
Tổ chức CAMSA còn cáo buộc hoạt động của nhà chứa nơi 15 phụ nữ này bị cầm giữ "đã được một vài nhân viên đang làm việc tại tòa đại sứ Việt Nam ở Moscow bao che".
Nhân viên ĐSQ VN ở Nga từ chối trả lời BBC
Ông Nguyễn Đông Triều từ chối trả lời BBC về cáo giác bao che cho đường dây buôn người và nạn nhân bị buộc hành nghề mại dâm ở Nga.
Bạn cần mở JavaScript lên và cài phần mềm Flash Player mới nhất để nghe/xem.
BBC Việt Ngữ đã liên lạc qua điện thoại với ông Nguyễn Đông Triều, Tham tán công sứ của Đại sứ quán Việt Nam ở Nga, để hỏi về cáo giác này nhưng ông đã từ chối không trả lời và yêu cầu BBC "hỏi cơ quan chức năng nào khác".
Ông Triều cũng nói:
"Tôi không có trách nhiệm trả lời nhà báo,"
"Những cái gì cứ gửi tới cơ quan có thẩm quyền."
Khi được hỏi ông làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam, và nếu Đại sứ quán Việt Nam không phải là cơ quan có thẩm quyền thì cơ quan thẩm quyền mà ông nói là cơ quan nào, ông Triều đã bỏ máy.

Phản hồi từ Phòng lãnh sự

Sau nhiều lần gọi điện, emails và cả gửi fax trong hai ngày 24 và 25 tháng Tư để có được thông tin kiểm chứng và phản hồi của tòa đại sứ Việt Nam ở Liên Bang Nga trước những cáo buộc của tổ chức CAMSA và trước lời kể của một số nạn nhân đã được đưa trở lại Việt Nam mới đây, hồi 16.24 chiều thứ Năm 25/4, BBC Việt Ngữ đã nhận được thư phản hồi, ký tên "Phòng lãnh sự, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga".
Các câu hỏi của BBC Tiếng Việt đã không được trả lời trực tiếp

Trong thư phản hồi này, Phòng lãnh sự đã không hề trả lời bất cứ câu hỏi nào của BBC để kiểm chứng thực hư của những cáo giác nói trên mà viết rằng:
"Mong BBC Việt ngữ khi đưa tin về các vụ việc liên quan đến người Việt Nam tại LB Nga cần tìm hiểu kỹ, xác minh để bảo đảm tính khách quan, chính xác, tránh theo ý kiến của một vài cá nhân có thể vì những lý do khác mà đưa tin thổi phồng, thậm chí làm chứng sai sự thật."

Không có tương lai

Theo ước tính của tổ chức CAMSA, tại Moscow có khoảng ba ngàn xưởng của người Việt, mỗi xưởng có thể thuê từ vài người tới hàng trăm nhân công, và nhiều người là nạn nhân của tình trạng lao động cưỡng bức.
Cũng tại thành phố này có “không ít” các nhà chứa do người gốc Việt làm chủ mà chủ yếu để phục vụ khách Việt Nam, theo CAMSA.
Tại đây các cô gái trẻ người Việt bị buộc phải làm gái mại dâm sau khi bị lừa sang Nga với hứa hẹn có công ăn việc làm.
"Các nạn nhân Việt của tình trạng buôn người ở Nga trên thực tế không có cơ hội tìm được tự do. Cơ chế hiện hành tại Nga khiến cho nạn nhân không thể tìm cách bỏ trốn hay tìm kiếm trợ giúp."
Nguyễn Đình Thắng, người đồng sáng lập CAMSA
Trả lời BBC Việt Ngữ, cô Duyên và cô Trang, hai trong số 15 phụ nữ đã được về lại Việt Nam sau một thời gian bị buộc phải hành nghề mại dâm dưới sự quản lý của bà Nguyễn Thúy An, cho biết họ được hứa hẹn sang Nga để làm nhà hàng.
Trước khi đi, họ cũng được hứa mỗi ngày sẽ nhận trên 100 đô la tiền công nhưng thực tế họ đã được đưa thẳng tới nhà chứa của bà An để đi khách.
Theo cô Duyên, khi mới tới đây, có khoảng 9-10 chị em phụ nữ đã ở đó rồi và dần dần con số này lên thành 15 người, sống trong căn hộ với hai phòng ngủ, không có giường.
Họ nói vật dụng là những tấm đệm mỏng, căng rèm, vừa là phòng ngủ của cả 15 người vừa là phòng để phục vụ khách luôn.
Cả hai chị cho biết tiền nong bà An đều nắm giữ và bị trừ các tiền chi phí, chưa kể các loại tiền phạt nếu họ không làm theo đúng các quy định do bà An đặt ra.
Ông Nguyễn Đình Thắng đã làm việc với sáu trường hợp liên quan tới khoảng 300 người Việt là nạn nhân của tình trạng buôn lậu người tại Nga trong năm ngoái.
“Nó khiến người ta phần nào biết được về tình trạng buôn lậu người phức tạp và tăm tối tại đất nước rộng lớn này,” ông Thắng nói tại buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ về nạn buôn lậu người hôm 11/4 vừa qua.
“Các nạn nhân Việt của tình trạng buôn lậu người ở Nga trên thực tế không có cơ hội tìm được tự do,” ông nói thêm.
“Cơ chế hiện hành tại Nga khiến cho nạn nhân không thể tìm cách bỏ trốn hay tìm kiếm trợ giúp."
Cho tới nay những người trong đường dây đưa người sang Nga và buộc họ trở thành nô lệ tình dục vẫn chưa bị bắt và cảnh sát Nga “rất chậm chạp” trong việc có phản ứng trước những vụ như thế này, ông Thắng nói.

Cảnh sát 'đồng lõa'

Khoảng một nửa số nạn nhân mà tổ chức CAMSA tìm cách giải cứu trong vòng 18 tháng qua vẫn đang bị những kẻ buôn lậu người cầm giữ.
Nhiều người trong số này bỏ trốn khỏi các xưởng lao động đã bị chính cảnh sát Nga, mà CAMSA nói “có quan hệ chặt chẽ với những kẻ buôn lậu người”, đem trả lại cho chủ người Việt, ông Thắng cho biết.
Trao đổi với BBC Việt Ngữ, ông Thắng nói: “Chính phủ Nga không quan tâm về vấn đề chống buôn lậu người.”
“Cảnh sát địa phương thì rất tham nhũng. Còn cảnh sát liên bang thì không đủ nhân sự và lại thiếu huấn luyện. Do đó có luật để trừng phạt kẻ buôn người nhưng phần lớn các vụ buôn người lại không được nhận diện là buôn người nên luật cũng không được áp dụng,” ông Thắng giải thích thêm.
Chính phủ Việt Nam ước tính 30% trong số 10 ngàn người Việt Nam đang làm việc tại Nga là đi theo chương trình xuất khẩu lao động chính thức, số còn lại là sang theo visa du lịch, có nghĩa là có khoảng 7 ngàn người lao động bất hợp pháp tại nước này.
Tuy nhiên tổ chức CAMSA ước tính con số thực có thể cao hơn rất nhiều.
Không chỉ là điểm đến của các tuyến đưa người lậu từ Việt Nam, Nga còn là nguồn và điểm trung chuyển nạn nhân buôn lậu người.
Về phía mình, Việt Nam cũng là cả điểm đến của nhiều nạn nhân được đưa lậu tới từ các nước Đông Nam Á khác, một số tổ chức nhân quyền cho biết.
Trong bản phúc trình toàn cầu thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ về buôn lậu người năm 2012, Nga được xếp hạng ở “Bậc 2 cần theo dõi” – nước có nguy cơ tụt xuống hạng 3, gồm các nước không tuân thủ các tiêu chuẩn chống buôn lậu người.
Việt Nam được nâng cấp từ “Bậc 2 cần theo dõi” lên “Bậc 2” trong bảng xếp hạng nói trên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Vụ 'bán phụ nữ Việt vào nhà chức tại Nga' cũng đã được một số Bấm báo Mỹ đăng tải.
BBC Việt Ngữ sẽ tiếp tục cập nhật thêm các thông tin liên quan tới số 15 phụ nữ đã được đưa về nước.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?