Âm nhạc dân tộc mất dần chỗ đứng

Vũ Hoàng, phóng viên RFA

2013-09-22

Dàn nhạc dân tộc Việt Nam (thuộc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội (2010)
Dàn nhạc dân tộc Việt Nam (thuộc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội (2010)
Courtesy vnam.edu

Nghe bài này
Nghệ thuật dân tộc đang trở nên bơ vơ, lạc lõng trước cơ chế thị trường, xu hướng sính nhạc ngoại, quay lưng với âm nhạc dân tộc của phần lớn giới trẻ ngày càng đáng báo động…hay nhạc dân tộc thưa vắng người nghe, mất dần bản sắc, biến dạng và mất chất… đang là những điều trăn trở suy nghĩ của nhiều nhà nghiên cứu và thẩm định âm nhạc tại Việt Nam.
Trách nhiệm về ai
Những điều tâm huyết này đã được chia sẻ trong hội thảo khoa học “Âm nhạc dân tộc với cuộc sống hôm nay” do Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc tổ chức hồi tháng 8 vừa qua tại TPHCM.
Nếu nhìn vào thực trạng của âm nhạc Việt Nam, người ta thực sự lo lắng khi thấy đa số thanh thiếu niên hiện giờ rất sành điệu với các trào lưu pop, rock, nhạc Hàn, nhạc Hoa, anh Ngữ mà đang quay lưng lại với chính âm nhạc dân tộc, âm nhạc dân tộc đang mất dần vị trí trong thị hiếu nghe nhìn trong giới trẻ Việt. Liệu đó là lỗi của họ, của những người nghệ sĩ làm nhạc dân tộc hay xét rộng ra là lỗi của một chính sách bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam? Câu hỏi hẳn không dễ trả lời phải không thưa quí vị?
Tính cho đến thời điểm này, Việt Nam đã có 5 di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến âm nhạc được UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu nhân loại, đó là: nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Ca trù, Quan họ và Hát Xoan Phú Thọ. Nhưng vì sao giới trẻ ngày càng thờ ơ lãnh đạm với âm nhạc dân tộc, vì sao nhiều năm trời, dòng nhạc dân tộc không có tác phẩm nào thực sự xứng tầm… Chia sẻ với chúng tôi những băn khoăn, trăn trở của dòng nhạc dân tộc, G.S, T.S Trần Quang Hải, người bỏ tâm huyết nghiên cứu nhạc dân tộc nhiều chục năm qua, tỏ rõ lo âu:
Vấn đề bảo tồn dân ca người ta đã nói rất nhiều, nhưng đến khi thực hiện lại không có gì hết. Thí dụ về ca trù...ca trù được tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể do UNESCO phong tặng năm 2009...bây giờ tại Việt Nam, tôi thấy những nghệ sĩ lớn tuổi không được giúp đỡ, bồi dưỡng, còn những người trẻ thì lại hướng về nhạc ngoại lai, nhạc Hàn, nhạc Tây phương
G.S, T.S Trần Quang Hải



Vấn đề bảo tồn (dân ca) người ta đã nói rất nhiều, nhưng đến khi thực hiện lại không có gì hết. Tôi lấy một thí dụ về ca trù. Kể từ khi ca trù được tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể do UNESCO phong tặng năm 2009. Theo luật của UNESCO, khi được đưa vào danh sách của di sản văn hóa phi vật thể cần được khẩn cấp cứu trợ, trong vòng 4 năm phải làm kiến nghị báo cáo đưa ra tất cả những gì cho thấy rằng bảo tồn có được chính phủ lưu ý tới cũng như vấn đề phát triển và phát triển như thế nào. Sau 4 năm, bây giờ tại Việt Nam, tôi thấy những (nghệ sĩ) lớn tuổi không được giúp đỡ, bồi dưỡng, còn những người trẻ thì lại hướng về nhạc ngoại lai, nhạc Hàn, nhạc Tây phương, hip hop, techno, rap rồi nhạc pop.

Hát then đàn Tính. daibieunhandan.vn
Hát then đàn Tính. daibieunhandan.vn


Thưa quí vị, theo giáo sư Trần Quang Hải, những người đi học về đàn tranh hay các nhạc cụ cổ truyền khi ra trường rất khó kiếm được việc làm mưu sinh, còn những người đi học ca trù thì tương lai cũng không biết làm sao cả, trong khi những nghệ sĩ này phải bỏ ra 5 – 7 năm để học tập, chưa kể điều kiện học tập còn nhiều thiếu thốn. G.S Trần Quang Hải chia sẻ thêm:

Còn những loại khác như quan họ, hát xoan… chúng ta có rất nhiều, nói rất nhiều, ai nấy cũng đều muốn truyền thống âm nhạc của tỉnh, của làng mình phát triển và kêu gọi, để sao cho loại nhạc đó được phát triển đúng theo đường lối của ông cha ta để lại. Thế nhưng, bây giờ càng ngày càng đi xa, mang lên sân khấu, pha trộn với những điệu vũ vào trong đó, thí dụ, hát quan họ giờ không còn hát chay, hát mộc nữa mà là phải hát có nhạc đệm, thành ra tất cả những điều đó hoàn toàn đi sai hết so với những gì mà UNESCO đưa ra để giúp cho những truyền thống đó được bảo tồn một cách chính xác.

Tìm giải pháp

Dưới góc nhìn của một người đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về âm nhạc dân tộc, cũng như đã từng góp ý nhiều cho nghệ thuật dân gian nước nhà trong những đợt xét tặng của UNESCO cho các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam, G.S Trần Quang Hải cho rằng, một mặt nhờ có phong tặng của UNESCO mà các thể loại dân ca truyền thống của VN được bè bạn quốc tế biết đến nhiều hơn, nhưng mặt tiêu cực lại là ý thức của những người khai thác và sử dụng các giá trị văn hóa này, họ đã khiến cho các truyền thống đó bị đi sai lệch:

Chúng ta cần phải nhận thức rằng những báu vật sống ngày càng ra đi và để lại một lỗ trống rất lớn, không có một chương trình giáo dục nào đưa nhạc cổ truyền vào trong trường học và phải khuyến khích làm sao để có được những chỗ cho những người đi học nhạc cổ truyền có nơi dạy, học và phát triển
G.S, T.S Trần Quang Hải

Tôi thấy UNESCO đã tôn vinh những loại nhạc đó không phải là để đem lại một sự ích lợi, mà rốt cuộc lại làm cho những truyền thống đó càng ngày càng đi sai lệch, vì thế đó là một điều rất hại và Việt Nam đã tốn rất nhiều tiền để được một danh hiệu của UNESCO. Rồi từ đó, họ lại khai thác, lợi dụng dùng vào trong du lịch, dùng vào trong chiều hướng hoàn toàn đi phản lại đường lối của nhạc cổ truyền. Thành ra, tôi thấy rằng điều đó càng ngày càng làm cho nhạc cổ truyền càng ngày càng đi vào chỗ bế tắc và sẽ không bao giờ có thể thoát ra được.
Vậy không lẽ, dân ca Việt Nam sẽ đi vào chỗ bế tắc khi người làm nghệ thuật dân ca thì không ý thức được hết cách bảo tồn, trong khi, giới thưởng thức trẻ tuổi thì không mặn mà với truyền thống dân tộc. Câu hỏi mang tính giải pháp nào cho nhạc dân tộc Việt Nam được chúng tôi đưa ra và G.S Trần Quang Hải bộc bạch:
Chúng ta cần phải nhận thức rằng những báu vật sống ngày càng ra đi và để lại một lỗ trống rất lớn, không có một chương trình giáo dục nào đưa nhạc cổ truyền vào trong trường học và phải khuyến khích làm sao để có được những chỗ cho những người đi học nhạc cổ truyền có nơi dạy, học và phát triển. Đồng thời, làm sao phải bồi dưỡng cho những báu vật sống có đủ kinh tế để sống, từ đó, họ mới có thể truyền lại và những người học nhạc cổ truyền mới thấy được đó là phương pháp, điều kiện có thể sinh sống được, chứ không phải chỉ học chơi. Vì vậy, đó không phải chỉ là một vấn đề cho một vài người trong chúng ta kêu gọi được, mà đây là cả một đường lối chung của một chính phủ, cơ quan giáo dục, để từ đó, tạo nên một sự hợp tác chung của tất cả các nghệ nhân trên khắp Việt Nam.
G.S Trần Văn Khê, cha ruột G.S Trần Quang Hải từng nhận định “nếu để mất âm nhạc truyền thống thì ngàn vàng không thể mua lại được, mọi hành động quay lưng với văn hóa là có tội với tổ tiên.” Hi vọng rằng, với sự chung tay góp sức của các cơ quan phụ trách văn hóa, các nghệ sĩ âm nhạc dân ca tâm huyết, và hơn hết là ý thức bảo tồn các giá trị truyền thống của mỗi chúng ta, mà nghệ thuật âm nhạc dân tộc sẽ mãi trường tồn như một minh chứng cho sự phong phú và giàu có của nền âm nhạc Việt Nam cổ truyền.
Xin hẹn quý vị trong chương trình kỳ tới

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?