Suy ngẫm về chủ nghĩa xã hội và con đường cải cách thế chế ở Việt Nam
Trần Văn Tùng
Việc gắn chủ nghĩa xã hội (CNXH) và thị trường lại với nhau đã trải qua một thời kỳ dài. Kinh nghiệm của Trung Quốc, Việt Nam và việc nghiên cứu lịch sử thực tế của hai nước này có thể giúp cho việc nghiên cứu quan hệ giữa hai khái niệm CNXH và thị trường. Nội dung của bài viết này là làm rõ một số khái niệm và sau đó đưa ra các khuyến nghị cải cách thể chế tại Việt Nam.
1. Bàn luận thêm về CNXH
Khái niệm về thị trường có sự đồng thuận cao đã được các nhà kinh tế học như Ricardo, Mill Walras trình bày trước đây. Thị trường được hiểu là cơ chế phục vụ cho sự điều phối các hoạt động của con người, sự tổ chức tích hợp của xã hội. Thị trường không phải là cơ chế điều tiết duy nhất, mà còn có các cơ chế điều tiết khác mà mọi người từng hiểu là cơ chế quan liêu mệnh lệnh của các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN), đặc biệt được vận dụng tại Việt Nam trước đây. Điều tiết quan liêu và thị trường khác nhau về các khía cạnh như tập trung hay phân tán, bản chất các quá trình thông tin, cơ chế khuyến khích. Điều tiết thị trường và điều tiết quan liêu chỉ là hai trong số nhiều loại điều tiết do lịch sử tạo ra, tuy nhiên chúng có vai trò đặc biệt quan trọng. Cải cách kinh tế tại Trung Quốc và Việt Nam, bên cạnh những thay đổi khác đã mang lại sự chuyển đổi xa rời ưu thế của điều tiết quan liêu sang ưu thế điều tiết thị trường. Muốn hiểu bản chất của kinh tế thị trường định hướng XHCN thì cần phải bàn luận thêm về khái niệm CNXH, bởi vì nó là một khái niệm cho tới nay theo tôi vẫn không rõ ràng.
Có nhiều cách giải nghĩa về CNXH, nếu xem xét một cách có hệ thống, chúng ta sẽ thấy có sự khác biệt, thậm chí là đối lập nhau về các cách giải nghĩa một khái niệm. Có thể còn nhiều cách giải nghĩa khác nhau, nhưng có thể mô tả chúng bằng cách kết hợp, chọn lọc các đặc điểm chính và phân loại ra năm cách giải nghĩa.
1.1. Quan niệm chủ nghĩa xã hội của Marx
Ông không phải là người đầu tiên sử dụng cụm từ CNXH. Trước ông, đã có Saint-Simon, Owen, Fourier sử dụng cụm từ này, nhưng rất tiếc trong các sách giáo khoa của các nước có đảng cộng sản lãnh đạo luôn cho rằng các nhà tiền bối đó là những nhà XHCN không tưởng, đối lập với khái niệm CNXH khoa học được cho là của Marx.
Marx đã mở ra một chương mới trong lịch sử tư tưởng XHCN, và học thuyết của ông đã có ảnh hưởng suốt một thời kỳ dài, đến ngày nay vẫn còn có những ảnh hưởng đến tư duy và hành động chính trị tại một số nước. Thực chất là Marx đã cố gắng mô tả hệ thống XHCN trong tương lai theo cách tiếp cận phủ định, ngược lại với đặc điểm của chủ nghĩa tư bản mà ông căm ghét. Hệ thống XHCN của Marx được xây dựng dựa vào các trụ cột sau:
- Cơ cấu chính trị: Marx đã không vạch ra một kế hoạch hay phương hướng rõ ràng về chế độ chính trị của CNXH là như thế nào. Nhưng ta có thể tìm thấy các ý tường của ông. Không nghi ngờ gì, Marx không coi trọng nền dân chủ tư sản, coi chúng là tư tưởng chính trị rỗng tuếch. Ông lên tiếng bảo vệ chính quyền vô sản, và tin chính quyền đó dẫn tới hệ thống cộng sản chủ nghĩa đã phát triển hoàn toàn. Marx ảo tưởng, cho rằng khi đó mọi nhu cầu được thoả mãn, nhà nước bắt đầu teo lại và cuối cùng sẽ biến mất và chỉ còn bộ máy tự quản cộng đồng. Rõ ràng là Marx không khuyến khích thiết lập một nhà nước tàn bạo, áp bức toàn trị kiểu Leninist – Stalinist – Maoist. Nhưng, có thể nói rằng ông đã coi nền chuyên chính là tương hợp với những hình dung riêng của ông. Ít nhất là trong thời kỳ quá độ, với độ dài không xác định để dẫn tới chủ nghĩa cộng sản.
- Sở hữu: Trong hệ thống tư bản chủ nghĩa, tư bản sản xuất thuộc sở hữu của các nhà tư bản, họ điều khiển, kiểm soát việc sử dụng tư bản của họ. Giai cấp tư sản bóc lột giai cấp vô sản, không phải vì họ tàn bạo mà bởi họ là chủ sở hữu hợp pháp tư bản. Theo Marx, phải thay đổi thế giới, đã đến lúc “đi tước đoạt những kẻ đi tước đoạt”. Từ cách tư duy đó có thể suy ra rằng Marx và Engels trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848) đã lên tiếng ủng hộ chế độ công hữu. Giai cấp vô sản sẽ sử dụng quyền lực chính trị, từng bước chiếm đoạt tất cả tư bản của giai cấp tư sản, để tập trung mọi công cụ sản xuất vào tay nhà nước, tức là vào trong giai cấp vô sản (chương II, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản). Trong khi đó, Marx không nêu rõ, con đường nào dẫn đến việc tất cả các tư liệu sản xuất tập trung hoàn toàn vào tay nhà nước và cũng không nêu ra thiết chế của chế độ công hữu
- Cơ cấu điều tiết: Marx đã dành ra ba cuốn trong bộ Tư bản luậnđể nghiên cứu kinh tế thị trường. Quan tâm của ông là xem xét thị trường hoạt động như thế nào. Các nhận xét, tổng hợp của Marx đối lập gay gắt với các quan điểm của Adam Smith (điều tiết nhờ bàn tay vô hình). Marx cho rằng kinh tế thị trường dẫn tới trạng thái vô chính phủ, lãng phí. Có vẻ như những kết luận của ông dựa vào trực cảm, bột phát.
Các tư tưởng của ông liên quan đến CNXH hệt như những hình dung của ông về chế độ chính trị của CNXH, dựa vào cách tiếp cận phủ định. Cơ chế điều tiết của CNXH không có gì khác ngoài ngược lại với cơ chế điều tiết thị trường của chủ nghĩa tư bản.
- Hệ tư tưởng: Marx là một trong những nhà khoa học xã hội đầu tiên nhận rõ vai trò của hệ tư tưởng. Có lẽ Marx sẽ bối rối, nếu như ông nhìn thấy các nhóm quyền lực chính trị đã làm những gì sau hơn 100 năm dưới ngọn cờ chủ nghĩa Marx.
1.2. Quan niệm của Léon Walras về CNXH
Cách giải thích này được phát triển trong môi trường của thế giới hàn lâm. Người đi tiên phong dựng lên lối tư duy lý thuyết XHCN đầu tiên là nhà kinh tế học người Italia, Enrico Barone, học trò của Pareto. Tiếp theo sau đó là Léon Walras, Oskar Lange.
Mô hình lý thuyết của Lange nhà kinh tế học Ba Lan ăn khớp chặt chẽ với khuôn khổ lý thuyết của nhà kinh tế học Walras. Trong mô hình của Lange, CNXH có nghĩa là công hữu và đây là điều kiện cần và đủ cho một hệ thống nào đó được gọi là CNXH. Lange không làm rõ bên trong toàn thể các quyền sở hữu và vị trí chính xác của công hữu là gì. Liệu công hữu chiếm toàn bộ hay một phần của nền kinh tế? Có thể hiểu khu vực công hữu thoát ly hoàn toàn khỏi các phần khác của nền kinh tế. Như vậy thì chủ nghĩa xã hội thị trường của Lange là một nền kinh tế dựa trên công hữu và do thị trường điều tiết. Theo ông hai hình thái kết hợp này là phù hợp với nhau.
Cách giải thích của Lange đã làm bùng nổ các cuộc tranh luận sôi nổi. Đầu tiên, Hayek (1935) đã bác bỏ quan điểm của Lange. Lập luận của Hayek là không thể thu thập, lưu trữ và sử dụng khối lượng thông tin kiến thức khổng lồ trong một trung tâm duy nhất. Không thể thiếu các khuyến khích phân tán để thúc đẩy việc sử dụng và tích tụ thông tin kiến thức. Thị trường và sở hữu tư nhân tạo ra sự khuyến khích này và kết hợp các khuyến khích và tích tụ thông tin một cách tự động. Làn sóng tấn công thứ hai, nổ ra có liên quan tới cải cách của các nền kinh tế Xô Viết và Đông Âu. Lập luận của Hayek về các khuyến khích thông tin được ủng hộ bằng kinh nghiệm. Rất ít khả năng để tạo ra một cách khuyến khích thành công nhằm tối đa hoá lợi nhuận hoặc tối thiểu hoá chi phí trong các doanh nghiệp nhà nước bị ràng buộc ngân sách. Thực ra là không thể gắn một cấu trúc quyền sở hữu được chọn một cách tuỳ tiện với một cơ chế điều tiết cũng được chọn một cách tuỳ tiện.
Một lập luận khác liên quan đến lĩnh vực chính trị và hệ tư tưởng là sự hoạt động của thị trường theo Lange sẽ là không có vướng mắc nếu có bầu không khí thân thiện với thị trường. Lập luận đã không có chỗ đứng vững chắc ở những nước mà chính trị gia chỉ huy đất nước không đội trời chung với chế độ phân quyền thì thị trường không thể là cơ chế điều tiết tốt cho nền kinh tế hoạt động. Sau khi các nước XHCN sụp đổ, ở một vài nơi đã xuất hiện tư tưởng XHCN thị trường, cùng với việc hình dung tạo lập ra con đường thứ ba khác, thế nhưng ý tưởng đó đã bị thực tiễn bác bỏ. Các nước Đông Âu đi theo thể chế kinh tế thị trường tự do.
1.3. Quan niệm của Lênin về CNXH
Trong thời gian chiến tranh thế giới lần thứ I, với sự lãnh đạo của Lênin, đã hình thành nên đảng cộng sản. Quyền lực của đảng cộng sản được củng cố, đây là giai đoạn mà Kornai (2007) gọi là CNXH cổ điển, với sự cai trị tiếp theo của Stalin. Sau khi đã hoàn thành giai đoạn cách mạng, giành chính quyền, nhà nước Xô Viết đã quốc hữu hoá và tập thể hoá mọi cơ sở hoạt động sản xuất tư nhân hình thành từ thời Sa Hoàng. Có thể tóm tắt các đặc điểm chính về quan điểm CNXH của Lênin như sau:
- Cơ cấu chính trị: Bác bỏ nền dân chủ, thực hiện chế độ chuyên chế của giai cấp vô sản. Đây là chế độ, mà đảng cộng sản có quyền chính trị hoàn toàn, loại bỏ các lực lượng chính trị ganh đua, trấn áp các lực lượng chính trị đối lập khác.
- Sở hữu: Tất cả các tư liệu sản xuất thuộc về công hữu. Việc tịch thu tài sản tư nhân, quốc hữu hoá và tập thể hoá trở thành yếu tố then chốt của cương lĩnh cách mạng trước và sau khi giành được chính quyền. Khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn sống sót, nhưng hầu như vai trò của nó là không đáng kể. Lập trường của chủ nghĩa Lênin đối lập gay gắt với sở hữu tư nhân, ông cho rằng sản xuất hàng hoá nhỏ và với quy mô hàng loạt sinh ra chủ nghĩa tư bản.
- Điều tiết: Chỉ huy tập trung thay thế ưu thế thị trường. Hình thức điều tiết được gọi là kế hoạch hoá tập trung với các đặc điểm quan liêu, kiểm soát tập trung và mệnh lệnh.
- Hệ tư tưởng: Coi chủ nghĩa Marx, sau này là chủ nghĩa Marx-Lênin là bất khả xâm phạm, linh thiêng. Dù rằng không chiếm vị trí độc tôn trong tư duy của mọi người, nhưng nó chiếm vị trí độc quyền trong giáo dục, trong xuất bản phẩm hợp pháp, trong các phương tiện thông tin, truyền thông đại chúng. Hệ tư tưởng chính thống này bác bỏ mọi hệ tư tưởng thân thiện với chủ nghĩa tư bản, với sở hữu tư nhân và kinh tế thị trường. Hệ thống này là hệ thống duy nhất, được các nước XHCN, có đảng cộng sản lãnh đạo gọi là CNXH.
1.4. Quan niệm xã hội dân chủ về CNXH
Phong trào dân chủ xã hội đã có quá trình phát triển khá dài, nhưng nhiều học giả thường chú ý tới các trào lưu xuất hiện trong thập niên 1980. Các mô hình xã hội dân chủ được chú ý nhiều nhất là Thuỵ Điển, các nước Bắc Âu, sau đó là Tây Đức và một số quốc gia Tây Âu khác. Dầu phong trào này có nắm quyền lãnh đạo hay thất bại trong các cuộc bầu cử, họ vẫn tuân theo các nguyên tắc.
- Cơ cấu chính trị: Chấp nhận nền dân chủ đại nghị. Khác với các đảng cộng sản muốn giành chính quyền bằng bạo lực thì các nhà dân chủ xã hội muốn thực hiện CNXH theo cách riêng của họ, khi mà đa số nhân dân ủng hộ cương lĩnh của họ và bỏ phiếu ủng hộ cho đảng của họ. Đảng dân chủ xã hội sẵn sàng từ bỏ quyền lực của họ, nếu kết quả bầu cử cho thấy họ mất đi sự ủng hộ của đa số nhân dân và họ kiên trì chờ cơ hội khác. Sự chia rẽ giữa những người Leninist và những người dân chủ xã hội bắt đầu bằng cuộc tranh luận nảy lửa xoay quanh các vấn đề chế độ chuyên chế, cạnh tranh chính trị, vai trò của quốc hội và bầu cử. Cho đến tận ngày nay, đây là các tiêu chuẩn để phân biệt khái niệm về CNXH theo cách giải thích thứ ba và thứ tư.
- Sở hữu: Từ chối sở hữu tư nhân, các nhà dân chủ xã hội theo lối cũ bác bỏ việc tịch thu tài sản tư nhân. Nhưng, thực tế nhiều quốc gia sau khi quốc hữu hoá tài sản tư nhân, các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả. Trước thực tế đó, các nhà dân chủ xã hội đã từ bỏ các kế hoạch quốc hữu hoá và chấp nhận sở hữu tư nhân. Lĩnh vực được tiếp tục duy trì sở hữu công là y tế, giáo dục.
- Điều tiết: Các nhà dân chủ xã hội không do dự khi chấp nhận thị trường là cơ chế điều tiết chính các hoạt động kinh tế, nhưng không tin hoàn toàn vào thị trường tự do nếu không có sự can thiệp nào khác. Ngược lại họ dùng quyền lực nhà nước cho việc tái phân phối thu nhập. Thành quả vĩ đại thể hiện qua thuế luỹ tiến, giáo dục và dịch vụ y tế không mất tiền, hệ thống hưu bổng rộng khắp, bảo hiểm thất nghiệp và hỗ trợ cho người nghèo được chính phủ quan tâm. Quy mô của nhà nước phúc lợi đã làm cho tình hình ngân sách trở nên khó khăn nhưng các nhà dân chủ xã hội cố gắng duy trì, bởi vì đây là cam kết của họ trong cuộc đấu tranh chính trị sau khi thắng trong cuộc bầu cử.
Các nhà dân chủ xã hội không muốn tạo ra một hệ thống XHCN mới, khác với chủ nghĩa tư bản, mà họ cố cải tạo hệ thống tư bản chủ nghĩa đang tồn tại. Nói khác đi là muốn biến hệ thống tư bản chủ nghĩa theo sát với lý tưởng chính trị và đạo đức của họ. Đồng thời tìm mọi cách khắc phục những khó khăn đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn mà nhà nước phúc lợi phải gánh vác như tình trạng nghèo đói, áp lực cạnh tranh toàn cầu, thay đổi nhân khẩu học.
- Hệ tư tưởng: Các lý tưởng và giá trị của mục tiêu dân chủ xã hội gắn liền với nhà nước phúc lợi và quá trình chính trị dân chủ. Hơn 100 năm trước đây đã diễn ra một cuộc tranh luận giữa hai nhà sáng lập của nước Nga và nước Đức, một bên là Lênin, một bên là Karl Kautsky, khi cả hai bên đều dẫn chứng các quan điểm của Marx để bảo vệ các quan điểm của riêng mình. Thời gian trôi đi, các nhà dân chủ xã hội ngày càng xa rời Marx hơn và sau chiến tranh thế giới lần thứ II, họ xa rời ý thức hệ của Marx mà trước đây họ trung thành. Các nhà dân chủ xã hội tại hội nghị ở Bad Godesberg (Cộng hoà Liên bang Đức) năm 1959 đã khởi xướng trào lưu mới của họ, công khai từ bỏ chủ nghĩa Marx và loại bỏ biện pháp quốc hữu hoá khỏi cương lĩnh của mình.
1.5. Quan điểm của Trung Quốc và Việt Nam về CNXH
Nếu như đem so sánh các quan điểm của Trung Quốc và Việt Nam về CNXH ta thấy không giống với bốn quan điểm đã giải thích ở trên.
So sánh với cách lý giải thứ nhất, thì Marx luôn lên tiếng phản đối sở hữu tư nhân, biểu lộ sự hoài nghi đối với thị trường. Ngược lại ở Trung Quốc và Việt Nam khu vực kinh tế tư nhân đang phát triển nhanh, đóng góp tỷ lệ xứng đáng cho GDP, trong khi tỷ lệ của khu vực kinh tế nhà nước đang có xu hướng giảm. Thể chế kinh tế thị trường cũng được áp dụng tại hai nước này mặc dầu vẫn còn sự can thiệp của nhà nước. Nếu soi vào các quan điểm của Marx thì Trung Quốc và Việt Nam không còn là chế độ XHCN nữa.
Với cách lý giải thứ hai, Trung Quốc và Việt Nam cũng không thể xem là có các đặc điểm CNXH của Lange. Trong các quan điểm của Lange, các tư liệu sản xuất thuộc sở hữu công và Lange đã nỗ lực chứng minh rằng thị trường có khả năng điều tiết mà không cần phải có sở hữu tư nhân. Thực sự thì tại Trung Quốc và Việt Nam ngày nay, thị trường đóng vai trò điều tiết chính. Trạng thái hiện thời ở hai nước này không có quan hệ gì với mong ước của trường phái CNXH thị trường phác hoạ.
Liên quan tới cách giải thích thứ ba ta thấy Trung Quốc và Việt Nam vẫn duy trì một đặc điểm quan trọng của CNXH theo quan niệm của Lênin. Cơ cấu chính trị không thay đổi, đảng cộng sản vẫn độc quyền lãnh đạo. Do đó có thể trấn áp, dẹp bỏ các quan điểm đối lập, ý kiến khác biệt. Mặt khác, cơ cấu sở hữu đã trải qua nhiều thay đổi căn bản, cả hai nước đều từ bỏ cơ chế kế hoạch hoá tập trung, giảm mạnh sự điều tiết của nhà nước thay vào đó là cơ chế điều tiết của thị trường. Hệ thống này đã xa rời hệ thống XHCN cổ điển và đang tiệm cận với hệ thống tư bản chủ nghĩa. Ý thức hệ chính trị cũng trải qua những thay đổi lớn, đảng cộng sản truyền thống luôn đối kháng với sở hữu tư nhân và thị trường, nhưng ngày nay trở nên thân thiện hơn với các định chế này. Thế giới quan chống lại tư bản chủ nghĩa gay gắt trước kia đã chuyển theo hướng tiệm cận tới các giá trị cơ bản của chủ nghĩa tư bản. Các đảng cộng sản của hai nước này cũng thân thiện với chủ nghĩa tư bản, mặc dầu vậy cương lĩnh của hai đảng vẫn giương cao khẩu hiệu trung thành với chủ nghĩa Marx- -Lênin, tư tưởng của Mao (trường hợp của Trung Quốc) và tư tưởng Hồ Chí Minh (trường hợp Việt Nam).
Đối chiếu với cách giải thích thứ tư sẽ thấy thiếu vắng hai đặc điểm cơ bản của nền dân chủ xã hội thực sự. Trước hết, duy trì chế độ chuyên chế, độc đảng và bác bỏ khả năng bầu cử cạnh tranh quyền lực chính trị. Thứ hai, chế độ cộng sản theo kiểu cũ nỗ lực xây dựng nhà nước phúc lợi thể hiện qua việc chăm sóc y tế, đầu tư cho giáo dục, lương hưu, phúc lợi cho những người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước. Khi nền kinh tế sa sút, thì khó bảo đảm phúc lợi ích mọi người trong số lĩnh vực chính nêu trên. Nhà nước sau đó đã rút lui khỏi các dịch vụ phúc lợi, cho phép khu vực tư nhân hoạt động cạnh tranh với khu vực của nhà nước. Vì mục tiêu cân bằng ngân sách, thì tình hình tái phân phối giảm, bất bình đẳng và khoảng cách giàu nghèo tăng nhanh.
So sánh với bối cảnh giải thích về CNXH thì liệu Trung Quốc và Việt Nam có thể gọi là CNXH nữa không? Nếu CNXH là nhằm đạt được mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh thì chắc có sự đồng thuận lớn trong dân chúng và đó cũng là mục tiêu mà nhiều quốc gia theo đuổi. Tên gọi XHCN hay CNXH không quan trọng, miễn là phải bám vào mục tiêu trên và tìm mọi cách thực hiện mục tiêu đó. Sự giằng co về mặt lý luận ở Việt Nam hiện nay là giữa hai lực lượng. Những người trung thành với chủ nghĩa Marx-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của các doanh nghiệp nhà nước, có lúc muốn quay trở lại cách quản lý kế hoạch hoá tập trung. Một lực lượng khác thì muốn cải cách triệt để, loại bỏ vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước (tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò chủ đạo). Sự giằng co này đã dẫn đến việc đề xuất và thực thi các chính sách không nhất quán. Nhà nước đi kinh doanh là không nên, nhà nước phải là bên thứ ba, khuyến khích các doanh nghiệp cạnh tranh, hoạt động minh bạch, có trách nhiệm giải trình và đứng ra giải quyết các tranh chấp, các hành vi phạm pháp xảy ra trong cơ chế thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Theo tôi nên hiểu kinh tế thị trường định hướng XHCN là có những đặc điểm giống với cách giải thích thứ tư nêu trên hoặc là tiệm cận tới cách giải thích này.
Câu chuyện ông Lê Hiếu Đằng và ông Hồ Ngọc Nhuận đề nghị thành lập đảng dân chủ xã hội là bình thường thể hiện nguyện vọng của nhiều người. Bởi vì, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đánh mất niềm tin ở người dân, khi tham nhũng tràn lan, nhóm lợi ích nở rộ, khoảng cách giàu nghèo gia tăng, nông dân mất đất, mất ruộng dẫn đến kết cục xuất hiện các hiện tượng ĐoànVăn Vươn, Đặng Ngọc Viết. Cho nên Đảng Cộng sản Việt Nam phải thấy trách nhiệm của mình góp sức vào cải cách thể chế hướng tới một đảng theo mô hình dân chủ xã hội mà các nước Bắc Âu đã thực hiện để giải quyết các xung đột xã hội.
T. V. T.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hayek, F.A (ed.) (1935). Collectivist Economic Planning. London: George Routledge & Sons.
2. Kornai, Janos (2007). Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư bản, dân chủ và thay đổi hệ thống. Bản dịch của Nguyễn Quang A. Sắp xuất bản.
3. Kornai, Janos (2001), Con đường dẫn tới nền kinh tế thị trường. Hà Nội: Hội Tin học Việt Nam.
4. Kornai, Janos (2002). Hệ thống xã hội chủ nghĩa. Hà Nội: Văn hoá Thông tin.
5. Kautsky, Karl (1910). The Social Revolution. Chicago: Charler H.Kerr & Company.
6. Lange, Oskar (1936). “On the Economic Theory of Socialism”. Review of Economic Studies, v. 4, no1, 53-71.
7. Landes, David (1998). The Wealth and The Poor of Nations. New York: W. W. Norton & Company.
8. Lênin, V. I. (2005). Nhà nước và cách mạng. Trong Lênin, Toàn tập, tập 33. Hà Nội: Chính trị Quốc gia.
9. Lênin, V.I. (1977). Cách mạng vô sản và tên phản bội Cauxky. Trong Lênin, Toàn tập, tập 37. Moscow: Tiến bộ.
10. Marx, Engels (1995), Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Trong C. Mác & P. Ăngghen, Toàn tập, tập 4. Hà Nội: Chính trị Quốc gia.
11. Sen, Amatya (2002). Phát triển là quyền tự do. Hà Nội: Thống kê.
12.Nguyễn Quang A (2010). “Tính tất yếu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Bài đọc tại hội thảo do Viện Triết học tổ chức, Chương trình cấp bộ năm 2009-2010.
13. Trần Văn Tùng, Vũ Đức Thanh (2011). Thể chế yếu tố quyết định tăng trưởng. Hà Nội: Đại học Quốc gia Hà Nội.
Việc gắn chủ nghĩa xã hội (CNXH) và thị trường lại với nhau đã trải qua một thời kỳ dài. Kinh nghiệm của Trung Quốc, Việt Nam và việc nghiên cứu lịch sử thực tế của hai nước này có thể giúp cho việc nghiên cứu quan hệ giữa hai khái niệm CNXH và thị trường. Nội dung của bài viết này là làm rõ một số khái niệm và sau đó đưa ra các khuyến nghị cải cách thể chế tại Việt Nam.
1. Bàn luận thêm về CNXH
Khái niệm về thị trường có sự đồng thuận cao đã được các nhà kinh tế học như Ricardo, Mill Walras trình bày trước đây. Thị trường được hiểu là cơ chế phục vụ cho sự điều phối các hoạt động của con người, sự tổ chức tích hợp của xã hội. Thị trường không phải là cơ chế điều tiết duy nhất, mà còn có các cơ chế điều tiết khác mà mọi người từng hiểu là cơ chế quan liêu mệnh lệnh của các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN), đặc biệt được vận dụng tại Việt Nam trước đây. Điều tiết quan liêu và thị trường khác nhau về các khía cạnh như tập trung hay phân tán, bản chất các quá trình thông tin, cơ chế khuyến khích. Điều tiết thị trường và điều tiết quan liêu chỉ là hai trong số nhiều loại điều tiết do lịch sử tạo ra, tuy nhiên chúng có vai trò đặc biệt quan trọng. Cải cách kinh tế tại Trung Quốc và Việt Nam, bên cạnh những thay đổi khác đã mang lại sự chuyển đổi xa rời ưu thế của điều tiết quan liêu sang ưu thế điều tiết thị trường. Muốn hiểu bản chất của kinh tế thị trường định hướng XHCN thì cần phải bàn luận thêm về khái niệm CNXH, bởi vì nó là một khái niệm cho tới nay theo tôi vẫn không rõ ràng.
Có nhiều cách giải nghĩa về CNXH, nếu xem xét một cách có hệ thống, chúng ta sẽ thấy có sự khác biệt, thậm chí là đối lập nhau về các cách giải nghĩa một khái niệm. Có thể còn nhiều cách giải nghĩa khác nhau, nhưng có thể mô tả chúng bằng cách kết hợp, chọn lọc các đặc điểm chính và phân loại ra năm cách giải nghĩa.
1.1. Quan niệm chủ nghĩa xã hội của Marx
Ông không phải là người đầu tiên sử dụng cụm từ CNXH. Trước ông, đã có Saint-Simon, Owen, Fourier sử dụng cụm từ này, nhưng rất tiếc trong các sách giáo khoa của các nước có đảng cộng sản lãnh đạo luôn cho rằng các nhà tiền bối đó là những nhà XHCN không tưởng, đối lập với khái niệm CNXH khoa học được cho là của Marx.
Marx đã mở ra một chương mới trong lịch sử tư tưởng XHCN, và học thuyết của ông đã có ảnh hưởng suốt một thời kỳ dài, đến ngày nay vẫn còn có những ảnh hưởng đến tư duy và hành động chính trị tại một số nước. Thực chất là Marx đã cố gắng mô tả hệ thống XHCN trong tương lai theo cách tiếp cận phủ định, ngược lại với đặc điểm của chủ nghĩa tư bản mà ông căm ghét. Hệ thống XHCN của Marx được xây dựng dựa vào các trụ cột sau:
- Cơ cấu chính trị: Marx đã không vạch ra một kế hoạch hay phương hướng rõ ràng về chế độ chính trị của CNXH là như thế nào. Nhưng ta có thể tìm thấy các ý tường của ông. Không nghi ngờ gì, Marx không coi trọng nền dân chủ tư sản, coi chúng là tư tưởng chính trị rỗng tuếch. Ông lên tiếng bảo vệ chính quyền vô sản, và tin chính quyền đó dẫn tới hệ thống cộng sản chủ nghĩa đã phát triển hoàn toàn. Marx ảo tưởng, cho rằng khi đó mọi nhu cầu được thoả mãn, nhà nước bắt đầu teo lại và cuối cùng sẽ biến mất và chỉ còn bộ máy tự quản cộng đồng. Rõ ràng là Marx không khuyến khích thiết lập một nhà nước tàn bạo, áp bức toàn trị kiểu Leninist – Stalinist – Maoist. Nhưng, có thể nói rằng ông đã coi nền chuyên chính là tương hợp với những hình dung riêng của ông. Ít nhất là trong thời kỳ quá độ, với độ dài không xác định để dẫn tới chủ nghĩa cộng sản.
- Sở hữu: Trong hệ thống tư bản chủ nghĩa, tư bản sản xuất thuộc sở hữu của các nhà tư bản, họ điều khiển, kiểm soát việc sử dụng tư bản của họ. Giai cấp tư sản bóc lột giai cấp vô sản, không phải vì họ tàn bạo mà bởi họ là chủ sở hữu hợp pháp tư bản. Theo Marx, phải thay đổi thế giới, đã đến lúc “đi tước đoạt những kẻ đi tước đoạt”. Từ cách tư duy đó có thể suy ra rằng Marx và Engels trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848) đã lên tiếng ủng hộ chế độ công hữu. Giai cấp vô sản sẽ sử dụng quyền lực chính trị, từng bước chiếm đoạt tất cả tư bản của giai cấp tư sản, để tập trung mọi công cụ sản xuất vào tay nhà nước, tức là vào trong giai cấp vô sản (chương II, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản). Trong khi đó, Marx không nêu rõ, con đường nào dẫn đến việc tất cả các tư liệu sản xuất tập trung hoàn toàn vào tay nhà nước và cũng không nêu ra thiết chế của chế độ công hữu
- Cơ cấu điều tiết: Marx đã dành ra ba cuốn trong bộ Tư bản luậnđể nghiên cứu kinh tế thị trường. Quan tâm của ông là xem xét thị trường hoạt động như thế nào. Các nhận xét, tổng hợp của Marx đối lập gay gắt với các quan điểm của Adam Smith (điều tiết nhờ bàn tay vô hình). Marx cho rằng kinh tế thị trường dẫn tới trạng thái vô chính phủ, lãng phí. Có vẻ như những kết luận của ông dựa vào trực cảm, bột phát.
Các tư tưởng của ông liên quan đến CNXH hệt như những hình dung của ông về chế độ chính trị của CNXH, dựa vào cách tiếp cận phủ định. Cơ chế điều tiết của CNXH không có gì khác ngoài ngược lại với cơ chế điều tiết thị trường của chủ nghĩa tư bản.
- Hệ tư tưởng: Marx là một trong những nhà khoa học xã hội đầu tiên nhận rõ vai trò của hệ tư tưởng. Có lẽ Marx sẽ bối rối, nếu như ông nhìn thấy các nhóm quyền lực chính trị đã làm những gì sau hơn 100 năm dưới ngọn cờ chủ nghĩa Marx.
1.2. Quan niệm của Léon Walras về CNXH
Cách giải thích này được phát triển trong môi trường của thế giới hàn lâm. Người đi tiên phong dựng lên lối tư duy lý thuyết XHCN đầu tiên là nhà kinh tế học người Italia, Enrico Barone, học trò của Pareto. Tiếp theo sau đó là Léon Walras, Oskar Lange.
Mô hình lý thuyết của Lange nhà kinh tế học Ba Lan ăn khớp chặt chẽ với khuôn khổ lý thuyết của nhà kinh tế học Walras. Trong mô hình của Lange, CNXH có nghĩa là công hữu và đây là điều kiện cần và đủ cho một hệ thống nào đó được gọi là CNXH. Lange không làm rõ bên trong toàn thể các quyền sở hữu và vị trí chính xác của công hữu là gì. Liệu công hữu chiếm toàn bộ hay một phần của nền kinh tế? Có thể hiểu khu vực công hữu thoát ly hoàn toàn khỏi các phần khác của nền kinh tế. Như vậy thì chủ nghĩa xã hội thị trường của Lange là một nền kinh tế dựa trên công hữu và do thị trường điều tiết. Theo ông hai hình thái kết hợp này là phù hợp với nhau.
Cách giải thích của Lange đã làm bùng nổ các cuộc tranh luận sôi nổi. Đầu tiên, Hayek (1935) đã bác bỏ quan điểm của Lange. Lập luận của Hayek là không thể thu thập, lưu trữ và sử dụng khối lượng thông tin kiến thức khổng lồ trong một trung tâm duy nhất. Không thể thiếu các khuyến khích phân tán để thúc đẩy việc sử dụng và tích tụ thông tin kiến thức. Thị trường và sở hữu tư nhân tạo ra sự khuyến khích này và kết hợp các khuyến khích và tích tụ thông tin một cách tự động. Làn sóng tấn công thứ hai, nổ ra có liên quan tới cải cách của các nền kinh tế Xô Viết và Đông Âu. Lập luận của Hayek về các khuyến khích thông tin được ủng hộ bằng kinh nghiệm. Rất ít khả năng để tạo ra một cách khuyến khích thành công nhằm tối đa hoá lợi nhuận hoặc tối thiểu hoá chi phí trong các doanh nghiệp nhà nước bị ràng buộc ngân sách. Thực ra là không thể gắn một cấu trúc quyền sở hữu được chọn một cách tuỳ tiện với một cơ chế điều tiết cũng được chọn một cách tuỳ tiện.
Một lập luận khác liên quan đến lĩnh vực chính trị và hệ tư tưởng là sự hoạt động của thị trường theo Lange sẽ là không có vướng mắc nếu có bầu không khí thân thiện với thị trường. Lập luận đã không có chỗ đứng vững chắc ở những nước mà chính trị gia chỉ huy đất nước không đội trời chung với chế độ phân quyền thì thị trường không thể là cơ chế điều tiết tốt cho nền kinh tế hoạt động. Sau khi các nước XHCN sụp đổ, ở một vài nơi đã xuất hiện tư tưởng XHCN thị trường, cùng với việc hình dung tạo lập ra con đường thứ ba khác, thế nhưng ý tưởng đó đã bị thực tiễn bác bỏ. Các nước Đông Âu đi theo thể chế kinh tế thị trường tự do.
1.3. Quan niệm của Lênin về CNXH
Trong thời gian chiến tranh thế giới lần thứ I, với sự lãnh đạo của Lênin, đã hình thành nên đảng cộng sản. Quyền lực của đảng cộng sản được củng cố, đây là giai đoạn mà Kornai (2007) gọi là CNXH cổ điển, với sự cai trị tiếp theo của Stalin. Sau khi đã hoàn thành giai đoạn cách mạng, giành chính quyền, nhà nước Xô Viết đã quốc hữu hoá và tập thể hoá mọi cơ sở hoạt động sản xuất tư nhân hình thành từ thời Sa Hoàng. Có thể tóm tắt các đặc điểm chính về quan điểm CNXH của Lênin như sau:
- Cơ cấu chính trị: Bác bỏ nền dân chủ, thực hiện chế độ chuyên chế của giai cấp vô sản. Đây là chế độ, mà đảng cộng sản có quyền chính trị hoàn toàn, loại bỏ các lực lượng chính trị ganh đua, trấn áp các lực lượng chính trị đối lập khác.
- Sở hữu: Tất cả các tư liệu sản xuất thuộc về công hữu. Việc tịch thu tài sản tư nhân, quốc hữu hoá và tập thể hoá trở thành yếu tố then chốt của cương lĩnh cách mạng trước và sau khi giành được chính quyền. Khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn sống sót, nhưng hầu như vai trò của nó là không đáng kể. Lập trường của chủ nghĩa Lênin đối lập gay gắt với sở hữu tư nhân, ông cho rằng sản xuất hàng hoá nhỏ và với quy mô hàng loạt sinh ra chủ nghĩa tư bản.
- Điều tiết: Chỉ huy tập trung thay thế ưu thế thị trường. Hình thức điều tiết được gọi là kế hoạch hoá tập trung với các đặc điểm quan liêu, kiểm soát tập trung và mệnh lệnh.
- Hệ tư tưởng: Coi chủ nghĩa Marx, sau này là chủ nghĩa Marx-Lênin là bất khả xâm phạm, linh thiêng. Dù rằng không chiếm vị trí độc tôn trong tư duy của mọi người, nhưng nó chiếm vị trí độc quyền trong giáo dục, trong xuất bản phẩm hợp pháp, trong các phương tiện thông tin, truyền thông đại chúng. Hệ tư tưởng chính thống này bác bỏ mọi hệ tư tưởng thân thiện với chủ nghĩa tư bản, với sở hữu tư nhân và kinh tế thị trường. Hệ thống này là hệ thống duy nhất, được các nước XHCN, có đảng cộng sản lãnh đạo gọi là CNXH.
1.4. Quan niệm xã hội dân chủ về CNXH
Phong trào dân chủ xã hội đã có quá trình phát triển khá dài, nhưng nhiều học giả thường chú ý tới các trào lưu xuất hiện trong thập niên 1980. Các mô hình xã hội dân chủ được chú ý nhiều nhất là Thuỵ Điển, các nước Bắc Âu, sau đó là Tây Đức và một số quốc gia Tây Âu khác. Dầu phong trào này có nắm quyền lãnh đạo hay thất bại trong các cuộc bầu cử, họ vẫn tuân theo các nguyên tắc.
- Cơ cấu chính trị: Chấp nhận nền dân chủ đại nghị. Khác với các đảng cộng sản muốn giành chính quyền bằng bạo lực thì các nhà dân chủ xã hội muốn thực hiện CNXH theo cách riêng của họ, khi mà đa số nhân dân ủng hộ cương lĩnh của họ và bỏ phiếu ủng hộ cho đảng của họ. Đảng dân chủ xã hội sẵn sàng từ bỏ quyền lực của họ, nếu kết quả bầu cử cho thấy họ mất đi sự ủng hộ của đa số nhân dân và họ kiên trì chờ cơ hội khác. Sự chia rẽ giữa những người Leninist và những người dân chủ xã hội bắt đầu bằng cuộc tranh luận nảy lửa xoay quanh các vấn đề chế độ chuyên chế, cạnh tranh chính trị, vai trò của quốc hội và bầu cử. Cho đến tận ngày nay, đây là các tiêu chuẩn để phân biệt khái niệm về CNXH theo cách giải thích thứ ba và thứ tư.
- Sở hữu: Từ chối sở hữu tư nhân, các nhà dân chủ xã hội theo lối cũ bác bỏ việc tịch thu tài sản tư nhân. Nhưng, thực tế nhiều quốc gia sau khi quốc hữu hoá tài sản tư nhân, các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả. Trước thực tế đó, các nhà dân chủ xã hội đã từ bỏ các kế hoạch quốc hữu hoá và chấp nhận sở hữu tư nhân. Lĩnh vực được tiếp tục duy trì sở hữu công là y tế, giáo dục.
- Điều tiết: Các nhà dân chủ xã hội không do dự khi chấp nhận thị trường là cơ chế điều tiết chính các hoạt động kinh tế, nhưng không tin hoàn toàn vào thị trường tự do nếu không có sự can thiệp nào khác. Ngược lại họ dùng quyền lực nhà nước cho việc tái phân phối thu nhập. Thành quả vĩ đại thể hiện qua thuế luỹ tiến, giáo dục và dịch vụ y tế không mất tiền, hệ thống hưu bổng rộng khắp, bảo hiểm thất nghiệp và hỗ trợ cho người nghèo được chính phủ quan tâm. Quy mô của nhà nước phúc lợi đã làm cho tình hình ngân sách trở nên khó khăn nhưng các nhà dân chủ xã hội cố gắng duy trì, bởi vì đây là cam kết của họ trong cuộc đấu tranh chính trị sau khi thắng trong cuộc bầu cử.
Các nhà dân chủ xã hội không muốn tạo ra một hệ thống XHCN mới, khác với chủ nghĩa tư bản, mà họ cố cải tạo hệ thống tư bản chủ nghĩa đang tồn tại. Nói khác đi là muốn biến hệ thống tư bản chủ nghĩa theo sát với lý tưởng chính trị và đạo đức của họ. Đồng thời tìm mọi cách khắc phục những khó khăn đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn mà nhà nước phúc lợi phải gánh vác như tình trạng nghèo đói, áp lực cạnh tranh toàn cầu, thay đổi nhân khẩu học.
- Hệ tư tưởng: Các lý tưởng và giá trị của mục tiêu dân chủ xã hội gắn liền với nhà nước phúc lợi và quá trình chính trị dân chủ. Hơn 100 năm trước đây đã diễn ra một cuộc tranh luận giữa hai nhà sáng lập của nước Nga và nước Đức, một bên là Lênin, một bên là Karl Kautsky, khi cả hai bên đều dẫn chứng các quan điểm của Marx để bảo vệ các quan điểm của riêng mình. Thời gian trôi đi, các nhà dân chủ xã hội ngày càng xa rời Marx hơn và sau chiến tranh thế giới lần thứ II, họ xa rời ý thức hệ của Marx mà trước đây họ trung thành. Các nhà dân chủ xã hội tại hội nghị ở Bad Godesberg (Cộng hoà Liên bang Đức) năm 1959 đã khởi xướng trào lưu mới của họ, công khai từ bỏ chủ nghĩa Marx và loại bỏ biện pháp quốc hữu hoá khỏi cương lĩnh của mình.
1.5. Quan điểm của Trung Quốc và Việt Nam về CNXH
Nếu như đem so sánh các quan điểm của Trung Quốc và Việt Nam về CNXH ta thấy không giống với bốn quan điểm đã giải thích ở trên.
So sánh với cách lý giải thứ nhất, thì Marx luôn lên tiếng phản đối sở hữu tư nhân, biểu lộ sự hoài nghi đối với thị trường. Ngược lại ở Trung Quốc và Việt Nam khu vực kinh tế tư nhân đang phát triển nhanh, đóng góp tỷ lệ xứng đáng cho GDP, trong khi tỷ lệ của khu vực kinh tế nhà nước đang có xu hướng giảm. Thể chế kinh tế thị trường cũng được áp dụng tại hai nước này mặc dầu vẫn còn sự can thiệp của nhà nước. Nếu soi vào các quan điểm của Marx thì Trung Quốc và Việt Nam không còn là chế độ XHCN nữa.
Với cách lý giải thứ hai, Trung Quốc và Việt Nam cũng không thể xem là có các đặc điểm CNXH của Lange. Trong các quan điểm của Lange, các tư liệu sản xuất thuộc sở hữu công và Lange đã nỗ lực chứng minh rằng thị trường có khả năng điều tiết mà không cần phải có sở hữu tư nhân. Thực sự thì tại Trung Quốc và Việt Nam ngày nay, thị trường đóng vai trò điều tiết chính. Trạng thái hiện thời ở hai nước này không có quan hệ gì với mong ước của trường phái CNXH thị trường phác hoạ.
Liên quan tới cách giải thích thứ ba ta thấy Trung Quốc và Việt Nam vẫn duy trì một đặc điểm quan trọng của CNXH theo quan niệm của Lênin. Cơ cấu chính trị không thay đổi, đảng cộng sản vẫn độc quyền lãnh đạo. Do đó có thể trấn áp, dẹp bỏ các quan điểm đối lập, ý kiến khác biệt. Mặt khác, cơ cấu sở hữu đã trải qua nhiều thay đổi căn bản, cả hai nước đều từ bỏ cơ chế kế hoạch hoá tập trung, giảm mạnh sự điều tiết của nhà nước thay vào đó là cơ chế điều tiết của thị trường. Hệ thống này đã xa rời hệ thống XHCN cổ điển và đang tiệm cận với hệ thống tư bản chủ nghĩa. Ý thức hệ chính trị cũng trải qua những thay đổi lớn, đảng cộng sản truyền thống luôn đối kháng với sở hữu tư nhân và thị trường, nhưng ngày nay trở nên thân thiện hơn với các định chế này. Thế giới quan chống lại tư bản chủ nghĩa gay gắt trước kia đã chuyển theo hướng tiệm cận tới các giá trị cơ bản của chủ nghĩa tư bản. Các đảng cộng sản của hai nước này cũng thân thiện với chủ nghĩa tư bản, mặc dầu vậy cương lĩnh của hai đảng vẫn giương cao khẩu hiệu trung thành với chủ nghĩa Marx- -Lênin, tư tưởng của Mao (trường hợp của Trung Quốc) và tư tưởng Hồ Chí Minh (trường hợp Việt Nam).
Đối chiếu với cách giải thích thứ tư sẽ thấy thiếu vắng hai đặc điểm cơ bản của nền dân chủ xã hội thực sự. Trước hết, duy trì chế độ chuyên chế, độc đảng và bác bỏ khả năng bầu cử cạnh tranh quyền lực chính trị. Thứ hai, chế độ cộng sản theo kiểu cũ nỗ lực xây dựng nhà nước phúc lợi thể hiện qua việc chăm sóc y tế, đầu tư cho giáo dục, lương hưu, phúc lợi cho những người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước. Khi nền kinh tế sa sút, thì khó bảo đảm phúc lợi ích mọi người trong số lĩnh vực chính nêu trên. Nhà nước sau đó đã rút lui khỏi các dịch vụ phúc lợi, cho phép khu vực tư nhân hoạt động cạnh tranh với khu vực của nhà nước. Vì mục tiêu cân bằng ngân sách, thì tình hình tái phân phối giảm, bất bình đẳng và khoảng cách giàu nghèo tăng nhanh.
So sánh với bối cảnh giải thích về CNXH thì liệu Trung Quốc và Việt Nam có thể gọi là CNXH nữa không? Nếu CNXH là nhằm đạt được mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh thì chắc có sự đồng thuận lớn trong dân chúng và đó cũng là mục tiêu mà nhiều quốc gia theo đuổi. Tên gọi XHCN hay CNXH không quan trọng, miễn là phải bám vào mục tiêu trên và tìm mọi cách thực hiện mục tiêu đó. Sự giằng co về mặt lý luận ở Việt Nam hiện nay là giữa hai lực lượng. Những người trung thành với chủ nghĩa Marx-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của các doanh nghiệp nhà nước, có lúc muốn quay trở lại cách quản lý kế hoạch hoá tập trung. Một lực lượng khác thì muốn cải cách triệt để, loại bỏ vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước (tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò chủ đạo). Sự giằng co này đã dẫn đến việc đề xuất và thực thi các chính sách không nhất quán. Nhà nước đi kinh doanh là không nên, nhà nước phải là bên thứ ba, khuyến khích các doanh nghiệp cạnh tranh, hoạt động minh bạch, có trách nhiệm giải trình và đứng ra giải quyết các tranh chấp, các hành vi phạm pháp xảy ra trong cơ chế thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Theo tôi nên hiểu kinh tế thị trường định hướng XHCN là có những đặc điểm giống với cách giải thích thứ tư nêu trên hoặc là tiệm cận tới cách giải thích này.
Câu chuyện ông Lê Hiếu Đằng và ông Hồ Ngọc Nhuận đề nghị thành lập đảng dân chủ xã hội là bình thường thể hiện nguyện vọng của nhiều người. Bởi vì, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đánh mất niềm tin ở người dân, khi tham nhũng tràn lan, nhóm lợi ích nở rộ, khoảng cách giàu nghèo gia tăng, nông dân mất đất, mất ruộng dẫn đến kết cục xuất hiện các hiện tượng ĐoànVăn Vươn, Đặng Ngọc Viết. Cho nên Đảng Cộng sản Việt Nam phải thấy trách nhiệm của mình góp sức vào cải cách thể chế hướng tới một đảng theo mô hình dân chủ xã hội mà các nước Bắc Âu đã thực hiện để giải quyết các xung đột xã hội.
T. V. T.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hayek, F.A (ed.) (1935). Collectivist Economic Planning. London: George Routledge & Sons.
2. Kornai, Janos (2007). Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư bản, dân chủ và thay đổi hệ thống. Bản dịch của Nguyễn Quang A. Sắp xuất bản.
3. Kornai, Janos (2001), Con đường dẫn tới nền kinh tế thị trường. Hà Nội: Hội Tin học Việt Nam.
4. Kornai, Janos (2002). Hệ thống xã hội chủ nghĩa. Hà Nội: Văn hoá Thông tin.
5. Kautsky, Karl (1910). The Social Revolution. Chicago: Charler H.Kerr & Company.
6. Lange, Oskar (1936). “On the Economic Theory of Socialism”. Review of Economic Studies, v. 4, no1, 53-71.
7. Landes, David (1998). The Wealth and The Poor of Nations. New York: W. W. Norton & Company.
8. Lênin, V. I. (2005). Nhà nước và cách mạng. Trong Lênin, Toàn tập, tập 33. Hà Nội: Chính trị Quốc gia.
9. Lênin, V.I. (1977). Cách mạng vô sản và tên phản bội Cauxky. Trong Lênin, Toàn tập, tập 37. Moscow: Tiến bộ.
10. Marx, Engels (1995), Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Trong C. Mác & P. Ăngghen, Toàn tập, tập 4. Hà Nội: Chính trị Quốc gia.
11. Sen, Amatya (2002). Phát triển là quyền tự do. Hà Nội: Thống kê.
12.Nguyễn Quang A (2010). “Tính tất yếu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Bài đọc tại hội thảo do Viện Triết học tổ chức, Chương trình cấp bộ năm 2009-2010.
13. Trần Văn Tùng, Vũ Đức Thanh (2011). Thể chế yếu tố quyết định tăng trưởng. Hà Nội: Đại học Quốc gia Hà Nội.
Nhận xét
Đăng nhận xét