Syria : Nga-Mỹ hiệp đầu hòa 1-1

Đàm phán Nga-Mỹ sang thứ Bảy 14/09/2013, Genève.

Đàm phán Nga-Mỹ sang thứ Bảy 14/09/2013, Genève.
REUTERS/Larry Downing

Tú Anh
Thỏa thuận Mỹ-Nga giải trừ vũ khí hóa học của Syria chứng tỏ Washington và Matxcơva ưu tiên bảo vệ quyền lợi song phương của mình trước đã. Mỗi bên đều ghi được một bàn thắng, nhưng nghi kỵ vẫn tồn tại và hai kẻ cựu thù của chiến tranh lạnh vẫn tiếp tục thủ thế.


Sau ba ngày thương lượng tại Genève, hôm qua 14/09/2013, ngoại trưởng Nga và Mỹ đạt được thỏa thuận : từ nay cho đến giữa năm 2014, giải trừ kho vũ khí hóa học của Damas, do Matxcơva cung cấp từ thời Liên Xô cũ.
Cả hai ngoại trưởng John Kerry và Serguei Lavrov đều gọi đây là « một bước đột phá » và cùng ca ngợi « quyết tâm » của hai nước « phá hủy vũ khí hóa học của Syria một cách nhanh chóng nhất » và cùng « tham gia vào giải pháp ôn hòa » kết thúc nội chiến tại Syria.
Trong cuộc họp báo chung, hai ông John Kerry và Serguei Lavrov bày tỏ một vài cử chỉ “đồng lõa” và nhấn mạnh đến những quan điểm “tương đồng”.
Ngoại trưởng Nga khen đồng nhiệm Mỹ là một nhà thương thuyết « lỗi lạc », đổi lại một nhà ngoại giao Mỹ thẩm định phía Nga tỏ ra « rất chuyên nghiệp và nghiêm túc » trong việc đàm phán.
Trên thực tế, lập trường hai bên hoàn toàn đối đầu nhau : Nga ủng hộ chế độ Bachar al-Assad, còn Mỹ thì đứng sau lưng đối lập nổi dậy.
Nhiều nhà phân tích cho rằng Nga đã ghi bàn thắng trong cuộc đọ sức này. Chính Matxcơva đã gây bất ngờ, ngăn chận được kế hoạch của Mỹ và Pháp vào giờ phút quyết định tấn công bằng tên lửa vào Syria sắp được loan báo. Chuyên gia Mỹ Anthony Cordesman, thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS, thì Hoa Kỳ buộc phải chập nhận cho Nga một vai trò trong việc tìm kiếm một giải pháp tại Syria. Do vậy, Washington đã chấp nhận « ngậm bồ hòn làm ngọt » để lưu ý Nga là chiến tranh lạnh đã kết thúc mặc dù Mỹ chưa nuốt trôi được vụ Putin cưu mang cựu điệp viên CIA Edward Snowden, kẻ đã tiết lộ bí mật về khả năng tình báo điện tử của Mỹ.
Trong chiều hướng này, chuyên gia Nga Alexander Choumiline của Trung tâm Nghiên cứu xung đột ở Trung Đông cho rằng Putin hạ Obama một điểm. Chính tổng thống Nga đã tung đòn ngoạn mục. Vài giờ trước khi Kerry-Lavrov gặp nhau tại Genève, tổng thống Putin có một bài viết đăng trên báo New York Times hôm thứ tư 11/09 để đe dọa Hoa Kỳ trong trường hợp Mỹ đơn phương tấn công Damas.
Ngược lại, nhiều nhà quan sát lại cho rằng Hoa Kỳ đã thắng Nga một điểm, khi buộc Matxcơva chấp nhận đưa điều 7 trong hiến chương Liên Hiệp Quốc vào thỏa thuận giải trừ vũ khí hóa học của Damas. Điều 7 quy định các biện pháp chế tài từ trừng phạt kinh tế đến quân sự trong trường hợp Bachar al-Assad không tuân thủ. Điều 7 đã từng được thi hành trong chiến tranh Triều Tiên 1953, chiến tranh Irak 1991 và gần đây nhất biện minh cho chiến dịch can thiệp vào Libya năm 2011 khiến Nga bất lực thụ động.
Vậy thì tại sao Nga lại chấp nhận biện pháp cưỡng chế trong thỏa thuận với Mỹ về Syria ?
Một nhà ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc nhận xét đây là một « tiến bộ »: Matxcơva từ trước đến nay luôn chống can thiệp quân sự của Liên Hiệp Quốc nhưng lần này đã phải nhượng bộ. Một nhà ngoại giao Mỹ lý giải : « Ngoại trưởng Lavrov rất cần sự ủng hộ của Mỹ để đạt được thỏa thuận này » nhưng sẽ « tận lực » để không cho xuất hiện trên các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An « các biện pháp trừng phạt ».
Nói cách khác nước Nga của Putin khai thác cuộc chiến Syria để giành một vai trò chủ động trên trường quốc tế như thời vàng son của siêu cường quân sự Liên xô cũ.
Tại Damas, không ít người dân ủng hộ chế độ đã tỏ ra « an tâm vì có Nga che chở ».
Trong giới lập pháp Mỹ, hai Thượng nghị sĩ có thế lực nhất hiện nay là John Mc Cain và Lindsey Graham không che dấu thất vọng. Hai ông xem thỏa thuận Mỹ- Nga là một « thảm họa » là « bước đầu » dẫn đến bế tắc : không giải quyết được gốc rể của nội chiến tại Syria mà còn làm cho các nước đồng minh cũng như kẻ thù của nước Mỹ xem hiệp định này là biểu hiệu của thái độ thiếu cứng rắn của siêu cường.
Do vậy , theo AFP, dù đạt thỏa thuận tại Genève, hai nước không thể cải thiện được mối quan hệ hàm chứa đầy nghi kỵ.
Ngoại trưởng Nga đã cảnh báo là Matxcơva sẽ « kiểm chứng kỹ lưỡng » mọi lời tố cáo « Damas vi phạm thỏa thuận ». Washington cũng thận trọng không kém khi Tổng thống Obama tuyên bố không « nhẹ dạ » tin theo những phát biểu của Nga và Bachar al-Assad.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?