Nỗ lực vận động gia tăng trước cuộc kiểm điểm nhân quyền UPR của VN
Luật sư Nani Jansen, cố vấn luật cao cấp của Tổ chức Sáng kiến Bảo vệ Pháp lý Truyền thông
27.01.2014
Mục đích chính của hội thảo là thu hút sự chú ý của quốc tế về thực trạng nhân quyền tại Việt Nam. UPR là sự kiện kiểm điểm, đánh giá nhân quyền rất quan trọng
Một buổi hội thảo mang tên “Trách Nhiệm của Việt Nam trong vai trò thành viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc” do liên minh các tổ chức phi chính phủ (NGO) gồm Hội Văn Bút Quốc Tế, Tổ chức bảo vệ Tự do Ngôn luận Article 19, Ủy ban Thụy Sĩ-Việt Nam COSUNAM, Tổ chức Sáng kiến Bảo vệ Pháp lý Truyền thông, Tổ chức Giám sát Liên hiệp quốc, Tổ chức Nhân quyền cho Việt Nam PAC, và đảng Việt Tân phối hợp tổ chức vào ngày 4/2 tại Geneva để vận động quốc tế thúc đẩy Việt Nam nghiêm túc cải thiện nhân quyền.
Luật sư Nani Jansen, cố vấn luật cao cấp của Tổ chức Sáng kiến Bảo vệ Pháp lý Truyền thông, nói với VOA Việt ngữ rằng bà kỳ vọng nỗ lực này sẽ đánh động sự quan tâm của thế giới, giúp tình hình nhân quyền Việt Nam thay đổi.
Luật sư Jansen: Mục đích chính của hội thảo là thu hút sự chú ý của quốc tế về thực trạng nhân quyền tại Việt Nam. UPR là sự kiện kiểm điểm, đánh giá nhân quyền rất quan trọng. Chúng tôi, các tổ chức NGO cổ súy nhân quyền trên thế giới, họp mặt một ngày trước khi Việt Nam ra trước Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc kiểm điểm nhân quyền trong kỳ UPR năm nay để cho quốc tế biết rõ tất cả các vi phạm nhân quyền tiếp diễn nhưng thường bị phớt lờ tại Việt Nam.
VOA: Tham gia buổi hội thảo này, tổ chức Sáng kiến Bảo vệ Pháp lý Truyền thông muốn nói gì với chính quyền Việt Nam nhân kỳ kiểm điểm nhân quyền UPR của Hà Nội trước thế giới?
Luật sư Jansen: Chúng tôi muốn nói rằng Việt Nam phải tuân thủ các nghĩa vụ bảo vệ nhân quyền theo các Công ước quốc tế mà họ đã ký với thế giới trong đó có Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị đòi hỏi các nước phải tôn trọng các nhân quyền căn bản trong đó có quyền tự do ngôn luận của công dân. Chính phủ Việt Nam đã phớt lờ các nghĩa vụ của mình một cách có hệ thống. Chúng tôi đã và đang bênh vực cho nhiều trường hợp bị vi phạm nhân quyền trầm trọng tại Việt Nam. Trong số này có các blogger, các nhà tranh đấu bảo vệ nhân quyền, và những người khẳng khái chỉ trích nhà nước bị nhà cầm quyền bỏ tù. Chúng tôi muốn Việt Nam phải khắc phục và chấm dứt thực trạng này. Tại buổi hội thảo, các tổ chức NGO chúng tôi sẽ bày tỏ quan ngại của mình về thành tích nhân quyền tệ hại của Việt Nam và cố gắng thông tin liên lạc với các thành phần tham gia quá trình kiểm điểm UPR, yêu cầu họ chất vấn Hà Nội về những vi phạm đang diễn ra trong nước cũng như buộc nhà cầm quyền Việt Nam phải cam kết chứng tỏ cải thiện cụ thể.
VOA: Đây là lần đầu tiên tổ chức Sáng kiến Bảo vệ Pháp lý Truyền thông tham gia vào nỗ lực vận động nhân quyền Việt Nam trước sự kiện UPR, bà có những kỳ vọng như thế nào?
Luật sư Jansen: Chúng tôi hy vọng sẽ có những báo cáo quan trọng và sâu sắc từ cuộc kiểm điểm nhân quyền UPR lần này của Việt Nam vào ngày 5/2, nêu bật các khía cạnh mà nhà cầm quyền Hà Nội chưa làm đúng trách nhiệm bảo vệ nhân quyền cũng như đề ra các khuyến nghị cụ thể để có thể kiểm tra mức độ thực thi của Việt Nam khi Hà Nội trở lại kỳ UPR lần tới vào 4 năm sau. Tôi hy vọng các áp lực không ngừng gia tăng với nhà cầm quyền Việt Nam sẽ mang lại sự thay đổi. Dù trong 4 năm qua kể từ đợt UPR đầu tiên của Việt Nam tới nay chưa có một sự cải thiện đáng kể nào, nhưng chúng tôi mong rằng các nỗ lực liên tục cộng với các áp lực nhất quán trong việc phơi bày ra công luận quốc tế những vi phạm nhân quyền của Việt Nam sẽ giúp thay đổi tình hình tồi tệ hiện nay.
Bấm vào nghe bài tường trình và cuộc phỏng vấn luật sư Jansen
Nội dung chính được thảo luận bao gồm nạn bạo hành của công an với người dân, việc trù dập các blogger và đe dọa quyền tự do Internet, tình trạng bắt giam tù nhân chính trị và giới hạn các quyền dân sự căn bản của công dân.
Buổi hội thảo ngày 4/2 của liên minh các NGO nằm trong loạt chương trình vận động bao gồm các cuộc gặp với giới chức Liên hiệp quốc và các nước thành viên bắt đầu từ ngày 28/1 để đề nghị một quy trình khảo sát nhân quyền Việt Nam hiệu quả hơn.
Khác với 4 năm trước, đợt kiểm điểm UPR của Việt Nam lần này chứng kiến sự phối hợp vận động của nhiều hội nhóm và tổ chức tranh đấu nhân quyền cả trong và ngoài nước, đặc biệt có sự trình bày của các nhân vật đến từ Việt Nam.
Một buổi thuyết trình và hội thảo tương tự do các nhóm dân sự độc lập tại Việt Nam cùng với VOICE, tổ chức thiện nguyện quốc tế của người Việt hải ngoại, phối hợp tổ chức cũng sẽ diễn ra tại trụ sở Liên hiệp quốc ở Geneva vào ngày 30/1.
Đoàn vận động đến từ Việt Nam bao gồm đại diện của Mạng lưới Blogger Việt Nam, No-U Việt Nam, Dân làm báo, Con đường Việt Nam, Phật giáo Hòa Hảo truyền thống, và Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị-Tôn giáo.
Đây là chuỗi hoạt động nối tiếp sau khi phái đoàn kết thúc chuyến vận động tại Hoa Kỳ.
Các nỗ lực kêu gọi nhân quyền cho Việt Nam trước thềm UPR được thực hiện sau khi Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc từ đầu năm nay.
Hội Đồng này duyệt lại tình hình nhân quyền của mỗi quốc gia thành viên trong phiên họp Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát 4 năm một lần. Kỳ UPR của Việt Nam năm nay rơi vào ngày 5/2.
Giới vận động nói rằng Hà Nội phải chứng tỏ xứng đáng với chiếc ghế trong Hội đồng Nhân Quyền Liên hiệp quốc trên hết bằng việc tôn trọng các nguyên tắc căn bản, phổ quát về quyền con người ngay từ trong nước.
Nhận xét
Đăng nhận xét