Xứ Thái trôi về đâu?
.. nếu vị Thủ tướng giai nhân tuyệt sắc với đầu óc thông minh ấy còn trở về chiếc ghế Thủ tướng thì ta đừng mong nhưng hãy chờ thêm những rối loạn nhận chìm xứ Thái...
Việt-Long - RFA
2014-01-30
2014-01-30
Một bước thắng thế
Chính phủ Yingluck Shinawat sẽ tổ chức bầu lại quốc hội vào ngày chủ nhật này, mùng ba tết, ngày 2 tháng 2, 2014. Đây là một bước thắng thế của đảng cầm quyền, trong khi phe đối lập cương quyết phản đối cuộc bầu cử sớm như vậy, vì họ tin là đảng Vì người Thái của bà Yingluck Shinawat lại thắng cử.Tình hình chính trị Thái Lan như vậy sẽ ra sao?
Các viên chức chính phủ Thái Lan hôm thứ tư cho hay 10 ngàn nhân viên cảnh sát sẽ được điều động để bảo vệ an ninh cho cuộc bầu cử, không để thành phần biểu tình gây rối. Một viên chức khác nói từ thứ hai tuần tới quân đội và cảnh sát sẽ mở cửa lại các cơ quan chính phủ đang bị người biểu tình chiếm giữ. Nên cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong biến động, có thể có xung đột giữa cảnh sát với phe áo vàng, nhưng cuộc bầu cử vẫn được hoàn tất. Lý do là vì quân đội tuy vẫn không ra mặt trên đấu trường chính trị Thái Lan, tính đến nay, nhưng hồi tháng 12 bốn tướng lãnh tự lệnh các quân bỉnh chủng và tướng Tư lệnh tối cao đã tỏ ý ủng hộ cuộc bầu cừ sớm này. Quân đội ủng hộ thì cuộc bầu cử sẽ được hoàn tất.
Phe đối lập nói sẽ tẩy chay bầu cử, nhưng nếu họ có đi bầu chăng nữa thì đảng đương quyền “Vì Người Thái” cũng vẫn thắng cử. Đảng Thai Rak Thai ngày trước của cựu Thủ tướng Thaksin được quần chúng nông thôn Thái Lan ủng hộ nhiệt thành, nên đã thắng cử trong quốc hội và ông Thaksin trở thành Thủ tướng. Về sau họ thành lập Mặt trận Dân chủ, được gọi là phe áo đỏ, từng tổ chức biểu tình chiếm giữ thủ đô Bangkok hồi năm 2010, và bị đàn áp vào tháng 5 năm ấy, tới nay họ vẫn đòi đưa nghị sĩ cựu phó thủ tướng Thaugsuban ra tòa về tội đàn áp đó. Nay đảng Thai Rak Thai đã biến thể thành đảng Pưa Thái của em ông Thaksin là bà Yingluck, và vẫn được khối quần chúng nông thôn ủng hộ không khác trước kia, nên đảng này sẽ lại thắng cử lần nữa.
Vị thủ tướng khôn ngoan
Khối quần chúng gọi là phe áo đỏ đến nay vẫn gần như án binh bất động trong khi phe áo vàng hoạt động dữ dội, chiếm cả các trụ sở chính phủ. Phe áo đỏ chỉ tập trung ở 1 sân vận động để biểu dương lực lượng, và bị tấn công, có người thiệt mạng nữa, nhưng vẫn không quyết liệt đối đầu trực tiếp. Như vậy khi nào họ mới bước ra sân khấu chính trị của Bangkok?Mặt trận Dân chủ chống độc tài, gọi là phe Áo đỏ, sẽ xuống đường bảo vệ chính phủ một khi phe áo vàng gây bạo loạn để chiếm chính quyền. Thêm nữa, tới nay phía chính quyền tuy nhẫn nhịn khi để cho phe đối lập chiếm giữ các trụ sở chính phủ, nhưng vẫn chưa lung lay, và còn nhiều lá bài để tung vào cuộc đấu.
Bà Thủ tướng Yingluck rất khôn ngoan khi kiềm chế những người ủng hộ bà trong Mặt trận Dân chủ chống độc tài, để tình hình không trở thành xung đột. Thêm vào đó, bà cũng không cho lực lượng cảnh sát đàn áp người biểu tình, cũng không cương quyết chống lại họ khi họ chiếm các tòa nhà chính phủ. Làm như thế là để không gây nên cớ sự cho phe áo vàng gây bạo loạn. Vì thế có thể các lãnh tụ phe áo đỏ thấy chưa cần tới trận quyết chiến để bảo vệ chính quyền mà họ ủng hộ, trong khi Thủ
tướng Yingluck có thể cũng đã kín đáo kiềm chế họ để tránh xung đột.
Quân đội đang chờ xem
Một lực lượng chính trị rất quan trọng của Thái Lan là quân đội. Lần này quân đội tuyên bố đứng ngoài cuộc tranh chấp. Đó là một hành động đúng đắn, đáng ca ngợi của các tướng lãnh Thái Lan. Tuy nhiên quân đội vẫn không ủng hộ hay nâng đỡ chính phủ của bà Yingluck cũng như ông anh bà là Thaksin Shinawat trước đây, mà có thể còn nghiêng về phía Đảng Dân chủ, mà lực lượng hành động chính trị của đảng này là Liên minh nhân dân vì dân chủ, với những thành viên mặc áo vàng. Quân đội đãđảo chính lật đổ Thủ tướng Thaksin và dàn dựng đưa chính phủ của đảng Dân chủ lên nắm chính quyền cho tới khi đảng naỳ bị đánh bại qua cuộc tuyển cử công minh năm 2011.
Trong tình hình này quân đội sẽ có lý cớ để can thiệp một khi những người biểu tình thuộc phe áo vàng bị đàn áp mạnh tay, gây nhiều thương vong đến một mức nào đó. Đó cũng là lý do khiến bà Thủ tướng Yingluck có hành động được gọi là khôn ngoan, khi bà hết sức tránh để xảy ra xung đột.
Thành phần chính trị quan trọng mà đứng ngoài cuộc tranh chấp lần này chính là quốc vương Bhumibol Adulyadej, mặc dù ở bề trong sâu xa nhiều người cho rằng hoàng gia không ủng hộ các chính phủ của anh em ông Thaksin và bà Yingluck
Xứ Thái trôi về đâu?
Dựa trên giả thuyết đảng đương quyền thắng cử, sẽ có hai hệ luận mâu thuẫn. Thứ nhất là đảng Pưa Thái sẽ bầu lại bà Yingluck làm Thủ tướng, và thứ hai là ngược lại, một người khác, ngoài gia đình Shinawatra, sẽ được chọn làm người lãnh đạo chính phủ.Có ý kiến nghiêng về nhận định cho rằng bà Yingluck đã đến lúc phải ra đi. Nếu bà còn nắm níu quyền lực thì còn gây rối loạn cho hệ thống chính trị Thái Lan. Là người lãnh đạo một đảng và một chính phủ được đa số công dân Thái Lan ủng hộ, bà Yingluck đã có hành động đáng trách là tìm cách cho ra đời luật ân xá cho ông anh, là ông Thaksin; tuy bà không thành công, nhưng vì thế đã gây nên bao nhiêu rối loạn cho chính trường Thái Lan. Người dân Thái Lan có trình độ văn hóa và chính trị khá cao, đảng Pưa Thái sẽ nhìn thấy vấn đề đó và có thể không đồng tình cho bà Yingluck ngồi ghế Thủ tướng thêm một nhiệm kỳ nữa.
Ngược lại ý kiến khác cho là bà Yingluck không chắc sẽ ra đi. Bà đáng trách khi tìm cách ra luật ân xá, nhưng vị Thủ tướng này chưa làm một điều gì trái hiến pháp và luật pháp Thái Lan. Chính sách yểm trợ người nghèo của cựu Thủ tướng Thaksin mà bà tiếp tục thi hành là chính sách được lòng đa số người dân. Ông Thaksin bị truy tố với cáo buộc tham nhũng, nhưng bà Yingluck không làm điều gì sai, ngay cả trong lúc tình hình rối loạn như ngày nay.
Trong khi đó đảng Dân chủ của nghị sĩ cựu phó Thủ tướng Thaugsuban tung ra một chiến dịch toàn những hành động vi hiến và phạm pháp. Trong một nước dân chủ mà đi chiếm trụ sở chính phủ, đòi lập Hội đồng nhân dân ở mọi cấp để Thủ tướng chính phủ phải từ chức, đó chính là một hành vi đạp lên hiến pháp để lật đổ chính phủ, hầu đứng ra lãnh đạo theo lối riêng của những cá nhân đối kháng. Người ta cho rằng đảng Pưa Thái không có lý do nào để mời bà Yingluck ra đi.
Thế nhưng, nếu vị Thủ tướng giai nhân tuyệt sắc với đầu óc thông minh ấy còn trở về chiếc ghế Thủ tướng thì ta đừng mong nhưng phải chờ thêm những rối loạn nhận chìm xứ Thái trong khủng hoảng chính trị không thấy lối ra.
Nhận xét
Đăng nhận xét