ĐIỂM BÁO PHÁP NGÀY 29-11-2014

media

Cư dân Ferguson biểu tình : Vụ Michael Brown cho thấy nước Mỹ đang bị chia rẽ sâu sắc - REUTERS /Lucy Nicholson

Bãi bõ kỳ thị chủng tộc : Giấc mơ tan vỡ

 
Theo RFI
Báo Libération dành hồ sơ lớn bình luận về cái chết của thanh niên da đen tại Ferguson, Mỹ. « Kỳ thị chủng tộc : Giấc mơ tan vỡ » là tựa trên trang nhất. « Tôi có một giấc mơ », lời phát biểu hùng hồn đầy hy vọng của mục sư Martin Luther King giờ đây trở nên xa vời, sau cái chết của thanh niên da đen Michael Brown và viên cảnh sát da trắng, thủ phạm của vụ việc này lại được trắng án, đã gây làn sóng giận dữ trong dân chúng. Sự việc trên cho thấy nước Mỹ đang bị chia rẽ sâu sắc.

Theo xã luận Libération đề tựa « bước ngoặc », đúng một năm sau thảm kịch tại Ferguson, ở Hoa Kỳ cũng như tại khắp nơi trên thế giới, ai ai cũng chợt nhận ra rằng không phải chỉ bầu ra một tổng thống da đen là có thể xóa bỏ được nạn kỳ thị chủng tộc.
Năm mươi năm sau khi bãi bỏ các đạo luật Jim Crow phân biệt màu da tại nước Mỹ, người dân Hoa Kỳ lại khám phá ra có đến hai thành phố Ferguson, một của người da trắng và một của người da đen và họ hiếm khi nào chạm mặt nhau.
Đặc biệt, có đến hai nước Mỹ, một nước Mỹ da trắng được sống trong những điều kiện tốt nhất và ít bị cảnh sát dòm ngó hơn nước Mỹ da đen. Thế tại sao vụ Micheal Brown lại trở nên ầm ĩ hơn các vụ việc trước đó ? Câu trả lời là vì Obama đã gây thất vọng cho dân chúng.
Vào năm 2014, tuổi thọ của người Mỹ gốc Phi kém hơn người da trắng đến 4 năm. Các hộ gia đình Mỹ trắng thu nhập trung bình 70% cao hơn người da đen, một khoảng cách lớn hơn cả tại Nam Phi, quốc gia nổi tiếng với nạn kỳ thị chủng tộc. Vừa sau cuộc bầu cử giữa kỳ với sự thất bại của đảng Dân chủ, nhiều người Mỹ đã lên bảng tổng kết những gì Tổng thống Obama đã làm được, người vốn được xem là mang lại nhiều kỳ vọng cho dân chúng Mỹ.
Giáo sư Andrew Diamond nhận xét : « ý chí chính trị đề cập đến vấn đề chủng tộc đã biến mất ». Tuy nhiên, tin vui là vụ Ferguson đã khơi lại vấn đề chủng tộc cần phải được tranh luận trong giới chính trị. Tin buồn là không thể trông chờ vào ông Obama để hàn gắn các vết rạn nứt chủng tộc trong xã hội.
Sau ông Obama, ai sẽ làm được điều đó. Tờ báo trả lới có thể đó là người luôn khắc cốt ghi tâm câu nói của mục sư Martin Luther King : « Bóng tối không thể xua tan bóng tối : chỉ có ánh sáng mới làm được điều đó. Hận thù không xua tan được hận thù mà chỉ có tình thương mới làm được ».

Giới chủ Nhật chia rẽ về chính sách phục hồi kinh tế

Liên quan đến Châu Á, mục kinh tế nhật báo Le Monde bình luận về phản ứng của giới chủ Nhật trước chính sách chấn hưng kinh tế của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Đối với nhiều doanh nhân Nhật, việc tăng thuế tiêu dùng TVA đã tiêu diệt những ích lợi của chính sách Abenomics.
Theo Le Monde, ngày 14/12 tới, người dân Nhật sẽ đi bầu quốc hội sớm và câu hỏi về sự thích đáng của chính sách Abenomics cũng được tranh luận rộng rãi. Ngày 21/11, khi giải tán Hạ viện, Thủ tướng Abe cũng tự hỏi : « Chính sách kinh tế hiện nay đúng hay sai ? Liệu có nên tiếp tục ? 
Phía giới chủ bắt đầu phát ra những tín hiệu trái chiều. Có người có cảm giác chính sách trên không mấy hoàn hảo, thậm chí một số không còn kiên nhẫn nữa. Tuy nhiên, trong giới tài chính, một số tỏ ra khá hài lòng về chính sách của Thủ tướng Abe. Thủ tướng Abe cho biết sẽ taọ thêm hơn một triệu việc làm và hồi hương một số xưởng sản xuất Nhật từng bị dời đi nơi khác.
Đối với một số khác, những giải pháp mà ông Abe đưa ra che lấp phần nào nỗi lo. Một doanh nhân nhận xét : « Chính sách Abenomics nhằm mục đích kích thích tiêu thụ nhưng việc tăng thuế TVA đã tiêu diệt hoàn toàn chính sách này. Nhiều doanh nghiệp cảm thấy ức chế khi cán cân thương mại vẫn không được cải thiện ». Nhật bị thâm hụt thương mại từ 27 tháng nay, đặc biệt do việc nhập khẩu ồ ạt than và khí đốt để sản xuất điện.
Về phía các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hay những tiểu thương, thái độ của hộ cũng găy gắt. Đồng yên hạ giá làm tăng các chi phí của họ do giá nhập khẩu các mặt hàng tăng mạnh.
Theo kết quả một nghiên cứu được công bố hồi tháng Mười, viện nghiên cứu Tokyo Shoko đánh giá, việc đồng yên hạ giá có thể kéo theo nhiều công ty vừa và nhỏ phá sản. Nguy cơ này có thể xảy ra trong bất cứ lãnh vực nào. Ví dụ, ngành sản xuất đậu phụ đang gặp khó khăn do giá nhập khẩu đậu tương tăng. Đồng yên hạ kéo theo hệ quả tăng giá điện và bất cứ tiểu thương nào cũng bị ảnh hưởng.

Khi Bắc Cực không còn băng

Tạp chí L’Express số ra tuần này quan tâm đến vấn đề băng tan do hiện tượng trái đất nóng lên. Khi các tảng băng biến mất, Bắc Cực trở thành một thách thức địa chính trị mới. Ngày càng nhiều tàu chở hàng đi qua ngã Bắc Cực, giúp rút ngắn đoạn đường đến 15 000 km, tức 2 tuần đi biển. Theo nhiều chuyên gia, Bắc Cực có thể trở thành biển Địa Trung Hải của thế kỷ XXII. Do đó, các cường quốc trên thế giới bắt đầu tranh cãi nhau về vấn đề « bản đồ và lãnh thổ ».
L’Express cho biết, tình trạng khí hậu nóng lên khá nhanh tại Bắc Cực : theo các chuyên gia trong nhóm Liên chính phủ về khí hậu gọi tắt là (Giec), nhiệt độ trung bình từ năm 1950 tại đây đã tăng 2,1% trong khi tại phần còn lại của hành tinh, nhiệt độ chỉ tăng 0,6%. Từ năm 1984, diện tích các tảng băng đã giảm 30% vào mùa hè và 8% vào mùa đông. Độ dày trung bình cũng giảm đi phân nữa, gần 1,5 mét.
Một nhóm nghiên cứu sinh vật học được gửi đến Bắc Cực để lấy các mẫu sinh vật dưới đáy đại dương. Người ta khám phá ra nào là sao biển, cầu gai, hải quỳ…và sao đó, họ đông đá chúng lại. Ngoài ra, L’Express còn cho biết, lái tàu trong vùng Bắc Cực khá nguy hiểm, vì khi gặp sự cố, nếu không được cứu hộ nhanh chóng thì cũng không có cảng để cập bến và phải lái đến tận Groenland hay Nga.
Theo luật quốc tế, không một quốc gia nào sở hữu Bắc Cực hay vùng Bắc Băng Dương. Tuy nhiên, bây giờ thì quốc gia nào cũng muốn sở hữu nó. Vào năm 2007, người Nga vốn nổi tiếng với chính sách ngoại giao lấn lướt, đã cắm một lá cờ bằng titan trên biển dưới Bắc Cực.
Hành động đầy biểu tượng trên, không hề mang mục tiêu khoa học đã gây nên một cuộc chiến địa chính trị giữa các đại cường trong khu vực : Mỹ có đảo Alaska , Nga, Canada, Đan Mạch (thông qua đảo Groenland và quần đảo Faroe), Na Uy và Ai Len.
Đa số các quốc gia kể trên đòi hỏi mở rộng lãnh hải của mình ra ngoài 200 hải lý vốn được quốc tế công nhận. Với việc khí hậu nóng lên, khu vực « sa mạc trắng » lại trở thành lãnh hải trù phú khi đốt, dầu hỏa, sắt, vàng, kim cương và nikel.
Năm 2013, cũng như Châu Âu và Singapore, Trung Quốc xin làm quan sát viên của Hội đồng Bắc Cực, một trong những công cụ quản lý khu vực này và đã nhận được danh hiệu đó. Bắc Kinh cũng muốn được chia một mẫu bánh ngon.
Theo một nghiên cứu sinh Trung Quốc nghiên cứu về khí mêthan, một loại khí gây hiệu ứng nhà kính chứa độc tố cao gấp 23 lần khí CO2 thì khí này có thể tìm thấy trong các tảng băng. Anh giải thích, băng càng tan thì hiệu ứng nhà kính càng làm nóng Bắc Băng Dương và băng càng tan, tạo thành một vòng luẩn quẩn mà các chuyên gia cũng chỉ bất lực chưa làm được gì.

Phải chăng Internet ngày càng đáng sợ hơn ?

Một cuộc nghiên cứu mới về tình trạng sách nhiễu, quấy rối trên mạng cho chúng ta thấy : Internet có thể là một không gian đáng sợ, nơi mà lòng hận thù, sự độc ác được tự do phơi bày. Tạp chí Le Courrier international số ra tuần này mở một hồ sơ lớn cho chủ đề trên qua các bài viết trên các tờ báo Hoa Kỳ và nước ngoài.
Tạp chí trích dịch bài viết trên tờ The Atlantic. Theo kết nghiên cứu được Pew Research Center tiến hành trên 2 839 cư dân mạng. ¼ phụ nữ trong độ tuổi 18-24 tuổi cho biết đã từng bị đeo đuổi truy bức, hoặc bị sách nhiễu tình dục trên mạng. Không dưới 2/5 trong số trên khẳng định đã từng là nạn nhân của một trong những hình thức quấy rối trên mạng.
Pew đã chỉ ra hai loại quấy rối như sau : quấy rối nhẹ như chửi rủa, xỉ vả, xúc phạm và làm người khác bối rối. Các hành vi cấp cao hơn như đe dọa tính mạng, quấy rối dài hạn, dồn người khác vào chân tường và sách nhiễu tình dục. Trong số các nạn nhân, đa phần là thanh niên hay phụ nữ trẻ.
Trước nạn sách nhiễu trên mạng, người ta cũng chỉ biết phản ứng một cách lạnh nhạt : « mạng internet mà ». Trên phương diện kỹ thuật, chấm dứt nạn quấy rối đã khó, song trên phương diện con người, để can thiệp làm thay đổi tác phong của con người càng khó hơn giải một bài toán đố, đặc biệt khi cư dân mạng dùng biệt danh, tên ảo hay vô danh.
Theo một bài viết khác trên tờ Financial Times được tạp chí Le Courrier international trích dịch, có nhiều động cơ gây sự khác nhau trên mạng. Trước hết là có một số thành phần chỉ tìm cách chọc giận người khác. « Loại người này chỉ hành động do nhàm chán, chẳng có việc gì làm và họ không hề ý thức được hậu quả mà họ gây ra. Cách đề phòng tốt nhất là không cần quan tâm những gì họ nói », theo lời một chuyên gia phân tích.
Một loại người khác là chuyên bảo vệ những ý kiến mà đa số ai cũng cho là đầy tai tiếng và không chấp nhận được như vấn đề kỳ thị chủng tộc, bài đồng tính …và thành phần quấy rối này cảm thấy ức chế cần phải bày tỏ thái độ của mình trên mạng, một cách tương đối an toàn. Cuối cùng là một mẫu người chuyên tìm cách biến cuộc đời người khác thành địa ngục.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?