Pháp hoãn giao tàu cho Nga 'vô thời hạn'
Theo BBC
26 tháng 11 2014
Pháp vừa tuyên bố hoãn bàn giao một tàu chở trực thăng cho hải quân Nga "cho đến khi có thông báo mới".
Tổng thống Francois Hollande nói nguyên nhân của quyết định này là do xung đột hiện nay ở miền Đông Ukraine, nơi Nga bị cáo buộc đang hậu thuẫn quân ly khai trong cuộc chiến chống lại chính quyền Kiev.Nga nói nước này sẽ tiếp tục tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng.
Tàu Vladivostok lẽ ra đã được bàn giao hồi tháng trước trong một phần của hợp đồng trị giá khoảng 1,6 tỷ đôla.
Nga đã đặt mua hai tàu chiến lưỡng cư lớp Mistral trong thỏa thuận được ký dưới nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy hồi năm 2011.
Chiếc đầu tiên, mang tên Vladivostok, lẽ ra đã được bàn giao cho Nga vào giữa tháng 11. Chiếc thứ nhì, mang tên Sevastopol, được lên kế hoạch bàn giao vào cuối năm sau.
Pháp, dưới áp lực từ các đồng minh phương Tây, đã quyết định hoãn bàn giao chiếc đầu tiên hồi tháng Chín, với lý do tình hình hiện nay "không đáp ứng đủ các điều kiện" cần thiết.
Các lãnh đạo Liên Hiệp châu Âu đã cảnh báo Nga có thể sử dụng tàu này để đe dọa các nước láng giềng.
Chiếc tàu, với trọng tải tối đa 21.300 tấn, có thể chở 16 trực thăng và một phần ba một trung đoàn cơ giới.
Kể từ tháng Ba, EU và Hoa Kỳ đã áp đặt các lệnh trừng phạt lên các cá nhân và công ty Nga sau hành động sáp nhập bán đảo Crimea và xung đột bùng nổ tại các vùng Donetsk và Luhansk ở Đông Ukraine.
Tuy nhiên, Pháp đã tỏ ra lưỡng lự trong việc đóng băng thương vụ này vì khoản tiền phạt nếu vi phạm hợp đồng.
Kể từ cuối tháng Sáu, 400 thủy thủ Nga đã đóng tại cảng Saint-Naziare, nơi chiếc Vladivostock đang được neo đậu.
Cuối tháng trước, một quan chức cao cấp của Điện Kremlin nói nhà sản xuất đã phát giấy mời dự tham gia lễ bàn giao tàu.
Trong một thông cáo hôm 25/11, Tổng thống Hollande nói việc bàn giao chiếc tàu chiến đầu tiên vẫn chưa thể diễn ra do tình hình ở Đông Ukraine.
Hồi tháng trước, ông nói việc tuân thủ lệnh ngừng bắn ngày 5/9 là một trong các điều kiện cần thiết để bàn giao tàu.
Tuy nhiên hơn 1.000 người đã thiệt mạng kể từ khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực đến nay.
Ngoại trưởng Laurent Fabius nói với đài France Inter rằng "việc Nga có sự hậu thuẫn trực tiếp hoặc gián tiếp cho phe ly khai là không thể chấp nhận được".
Tuy nhiên ông cũng chỉ trích phát biểu của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hôm 24/11, trong đó nói ông muốn mở cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập Nato.
Mặc dù Nga trước đó đã cảnh báo Pháp về việc hoãn bàn giao tàu Vladivostok, Thứ trưởng Quốc phòng Yury Borisov nói với hãng thông tấn Ria Novosti rằng hải quân nước này sẽ tiếp tục tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng.
"Chúng tôi hoàn toàn hài lòng, nhưng nếu người Pháp không hài lòng, thì chúng tôi sẽ chờ đợi một cách kiên nhẫn," ông nói.
Tuy nhiên ông này lại bày tỏ quan điểm cứng rắn hơn trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Itar-Tass: "Nếu họ không bàn giao, chúng tôi sẽ kiện ra tòa và áp đặt các lệnh trừng phạt để trả đũa".
Trên lý thuyết, Pháp có thể trả tiền phạt và hoàn lại tiền cọc cho Nga, truyền thông Pháp cho biết.
Nhận xét
Đăng nhận xét