Một điệp viên Mỹ tại Việt Nam

Ông William E. Colby

Ông William E. Colby đứng đầu văn phòng CIA tại Nam Việt Nam từ năm 1959-1962.
Theo BBC
Đối với nhiều người Mỹ thời đó, cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai trên thực tế, đã chấm dứt vào năm 1968.
Báo chí và công chúng tại Hoa Kỳ xem cuộc tấn công Tết Mậu thân là một thất bại lớn cho quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).
Vào năm 1968, phong trào phản chiến tại Hoa Kỳ đã lan rộng và thu hút nhiều nhân vật của chính phủ và các thành viên của tầng lớp trung lưu.
Sau năm 1968, cuộc chiến hầu như biến mất khỏi các trang nhất trên báo chí quốc gia.
Nhưng thực ra Tết Mậu thân là một thất bại quân sự lớn đối với người cộng sản miền Nam (Việt Cộng). Vì vậy mà khi thất bại xảy đến cho miền Nam Việt Nam vào năm 1975, nó đã được tiến hành thông qua một cuộc xâm lược của quân đội Bắc Việt mà không phải là một tấn công tổng nổi dậy, do Việt Cộng khơi mào.
Can dự tích cực của Mỹ vào cuộc chiến còn tiếp tục trong bốn năm nữa sau cuộc tấn công Tết Mậu Thân.

‘Thu phục nhân tâm’

Đến năm 1968, chính quyền Johnson từ bỏ phương pháp chiến tranh ‘tìm và diệt’ của Tướng William Westmoreland đi kèm việc ném bom bừa bãi.
Trong giai đoạn nửa sau của cuộc xung đột, Mỹ nhấn mạnh nỗ lực chống nổi dậy và bình định, dẫn đến chiến dịch của Mỹ và giới chức Nam Việt Nam nhằm chinh phục nhân tâm ở nông thôn.
Động lực đằng sau sự thay đổi này là William E. Colby, cựu đặc công Mỹ ở thế chiến II, dẫn dắt văn phòng CIA (Cục Tình báo Trung ương Mỹ) ở Sài Gòn từ năm 1959-1962 và là người đứng đầu Cục Viễn Đông của CIA từ 1963-1968.
Trong giai đoạn Tết Mậu thân, Colby được cắt cử đến Nam Việt Nam để lãnh đạo CORDS, chiến dịch khổng lồ chống nổi dậy/bình định được hợp tác giữa Hoa Kỳ - Nam Việt Nam, vốn được bắt đầu vào năm 1967.
Colby xuất thân từ nhóm xây dựng quốc gia/chiến tranh chính trị của CIA, mà không phải từ cánh gián điệp/phản gián của cơ quan này.
Trong khi làm việc ở Sài Gòn trên cương vị giám đốc phân nhánh CIA, Colby và các nhân viên của ông đã tổ chức các Lực Lượng Dân Sự Chiến Đấu (CIDG) trong những người Thượng gốc Rhađê. CIA vũ trang cho những người dân ở các buôn làng Tây Nguyên, bảo vệ họ tạm thời, rồi khuyến khích chiến đấu chống Việt Cộng. Lực lượng CIDG là nguyên mẫu cho chương trình Ấp Chiến Lược.
Trong thời gian nắm giữ chức Giám đốc Cục Viễn Đông, Colby là kiến trúc sư của cuộc chiến bí mật tại Lào. Tại đó CIA đào tạo và vũ trang cho các thành viên bộ tộc Hmong và gửi họ tới chiến đấu chống lại quân đội Pathet Lào cũng như quân đội Bắc Việt.
Colby tin rằng an ninh ở các vùng quê tại miền Nam Việt Nam chỉ là một phần của giải pháp cho vấn đề.
Ông Colby và George Bush (cha)
Nhiều ý tưởng của ông Colby từ cuộc chiến Việt Nam được áp dụng ở Iraq và Afghanistan, theo tác giả.
Những người Mỹ trên cơ sở quan hệ đối tác với các chuyên gia bình định miền Nam Việt Nam như Thiếu tá Trần Ngọc Châu phải phân tán vào các xóm làng ở Nam Việt Nam, sống với những người nông dân, giúp cải thiện đời sống của họ, vũ trang cho họ và khuyến khích họ đối phó lại cán bộ cộng sản.
Điều mà Colby và các đồng nghiệp của ông hình dung là một cuộc cách mạng từ “cơ sở”, từ “gốc” sẽ mang lại tự trị cho các tỉnh lỵ và trao quyền cho nông dân để bảo vệ chính mình.
Vấn đề là các chế độ quân sự khác nhau ở Sài Gòn lại coi bất kỳ các nhóm vũ trang có gắn kết về chính trị mà họ không kiểm soát được là mối đe dọa đến quyền lực của họ.

Thất bại

Chiến dịch chống nổi dậy và bình định (CORDS) là hoạt động kết hợp quân sự với dân sự đầu tiên và duy nhất trong lịch sử nước Mỹ.
CIA đã thành lập một trung tâm tại Vũng Tàu để đào tạo cán bộ chính trị và các nhóm chống khủng bố cho Nam Việt Nam.
Tại Washington, một Trung tâm Đào tạo Việt Nam cung cấp hỗ trợ, đào tạo ngôn ngữ suốt năm cho CIA, các sĩ quan quân đội Mỹ, các cán sự ngoại giao và nhân viên Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID).
Vào năm 1970, có người Mỹ nói tiếng Việt ở hầu như mỗi thôn xóm ở miền Nam Việt Nam.
Các sĩ quan chiến dịch CORDS và các đồng minh Nam Việt Nam đạt được một số tiến triển chống lại các hoạt động nổi dậy giải phóng của cộng sản ở các vùng nông thôn, mặc dù cộng sản tiếp tục có sự hiện diện lớn ở Đồng bằng Sông Cửu Long, Trung Bộ, và tại các khu vực thuộc mạn nam và đông của Sài Gòn.
Cuối cùng, Colby và các đồng nghiệp của ông đã thất bại.
Họ không thể vượt qua được uy tín dân tộc chủ nghĩa của đối thủ, bản chất áp bức và tham nhũng của chính quyền Sài Gòn, hoặc quyết tâm của chính quyền Nixon kết thúc chiến tranh.
Chiến dịch CORDS phần nào đã trở thành mô hình áp dụng cho người Mỹ chiến đấu ở Iraq và Afghanistan.
Colby trở thành lãnh đạo CIA từ 1973-1976. Tại đây ông hứng chịu cuộc khủng hoảng từ việc công bố "trang sức gia đình" của CIA, tức là những hoạt động bất hợp pháp như âm mưu ám sát nhắm vào các nhà lãnh đạo nước ngoài và việc theo dõi trong nước.
Là người chẳng mấy tin vào sự hợp tác và cởi mở với Quốc hội, Colby đã bị Tổng thống Gerald Ford sa thải vào năm 1976.
Bài viết do Randall B. Woods, giáo sư lịch sử tại Đại học Arkansas, gửi cho BBC. Ông là tác giả của cuốn "Shadow Warrior: William E. Colby and CIA" (tạm dịch: "Người chiến binh trong bóng tối: William E. Colby và CIA"), do Nhà xuất bản Basic Books, New York, ấn hành năm 2013.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?