Bi quan về biển Đông
Tháng tư năm 2015, một Trung tâm nghiên cứu các vấn đề Quốc tế được thành lập tại trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn Thành phố HCM. Trung tâm này gồm nhiều nhà nghiên cứu trẻ tuổi và có nhiều quan sát, nghiên cứu về biển Đông.
Thạc sĩ Nguyễn Thành Trung, tốt nghiệp khoa chính trị học Đại học Virginia, Hoa Kỳ, và Đại học Phúc Đán, Trung Quốc, hiện làm việc tại Trung tâm, dành cho Kính Hòa buổi trao đổi về những leo thang quân sự của Trung Quốc ở biển Đông trong thời gian qua.
Kính Hòa: Ông đánh giá thế nào về những động thái gần đây của Trung Quốc, quân sự hóa biển Đông? Có phải điều này có nguyên nhân từ sự thúc đẩy chuyển trục sang châu Á của người Mỹ hay không?
Thạc sĩ Nguyễn Thành Trung: Năm 2016 này là năm bầu cử Tổng thống ở Mỹ, tôi nghĩ là nước Mỹ sẽ hạn chế những hành động có thể gây đối đầu với Trung Quốc, và tôi nghĩ là Trung Quốc sẽ lợi dụng điều này, quân sự hóa biển Đông vì nghĩ rằng không có nước nào cản trở họ.
Kính Hòa: Quân sự hóa biển Đông ngày càng mạnh bạo. Người ta nói là họ có hai chiến thuật, một là tằm ăn dâu, lấn từ từ, còn hai là mới đây Alexander Vuving có nói về một chiến thuật lắt léo. Ông có nhận định gì về hai cách đánh giá đó không?
Thạc sĩ Nguyễn Thành Trung: Theo tôi nghĩ thì Trung Quốc không chỉ có hai phương cách như vậy mà họ có nhiều phương cách áp dụng trên vùng biển Đông. Không chỉ là tằm ăn dâu, mà các học giả phương Tây gọi là Salami Slicing, mà Trung Quốc còn áp dụng cách tạo hiện trạng trên vùng biển Đông như là cải tạo đảo. Rồi Trung Quốc sử dụng các tàu ngư dân của mình thay thế các tàu quân sự mà nhiều người gọi là chính sách ngoại giao tàu cá. Họ sử dụng tàu cá như những tàu quân sự để áp đặt quyền lợi của mình ở biển Đông. Tôi nghĩ họ không chỉ có hai mà có rất nhiều cách, kể cả chuyện quân sự hóa.
Kính Hòa: Hành động mạnh bạo mới nhất của Trung Quốc là triển khai tên lửa và máy bay tại Hoàng sa. Theo ông thì nó ảnh hưởng thế nào đến các Quốc gia Đông Nam Á nói riêng và Đông Á nói chung?
Thạc sĩ Nguyễn Thành Trung: Hiện nay Mỹ và Úc đã lên tiếng về việc Trung Quốc đặt tên lửa ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng sa. Sau đó tôi nghĩ Nhật sẽ có hành động cụ thể hơn. Nhưng với các Quốc gia Đông Nam Á, với vị thế nhỏ bé của mình sẽ chỉ phản ứng bằng con đường ngoại giao hơn là những hành động cụ thể, và Mỹ hiện nay cũng chỉ nói miệng mà thôi đối với việc Trung Quốc lắp đặt tên lửa ở Hoàng Sa.
Kính Hòa: Tức là như ông nói lúc đầu là do năm bầu cử của Mỹ, vậy sau năm này thì liệu nước Mỹ có phản ứng mạnh hơn không?
Thạc sĩ Nguyễn Thành Trung: Năm đầu tiên thì Tổng thống mới cũng chú trọng nhiều hơn vào Quốc nội hơn là ngoại giao. Tôi nghĩ là năm 2017 nước Mỹ sẽ có thái độ mềm mỏng với Trung Quốc hơn là có một chính sách ngoại giao cứng rắn. Và nếu như bà Hillary Clinton thắng cử thì bà sẽ tăng cường sự có mặt của Mỹ ở Đông Nam Á và Đông Á, như là bà đã phát biểu vào năm 2010.
Hiện nay tôi nghĩ là Trung Quốc mất kiên nhẫn với chương trình hạt nhân của Bắc Hàn, và họ nghĩ là một trong những cách để kiểm soát Bắc Hàn là hợp tác với Mỹ.
- Thạc sĩ Nguyễn Thành Trung
Kính Hòa: Có nhiều người hy vọng rằng sự hung hăng của Trung Quốc đã đánh thức nước Nhật dậy, và nước Nhật sẽ là một quốc gia quan trọng trong việc kềm chế Trung Quốc ở biển Đông nói riêng và Đông Á nói chung. Ông thấy điều đó thế nào?
Thạc sĩ Nguyễn Thành Trung: Theo quan điểm của tôi thì đây không chỉ là đánh thức nước Nhật mà còn là cơ hội của nước Nhật tìm kiếm đồng minh của mình ở Đông Nam Á. Các Quốc gia Đông Nam Á thì ngoài Mỹ họ đang cần nước Nhật để tạo nên vị thế đối chọi cân bằng với Trung Quốc, và tôi nghĩ là nước Nhật sẽ không để lỡ cơ hội này.
Kính Hòa: Liên quan đến những sự kiện lớn trong thời gian một hai tuần gần đây thì ngoài biển Đông, còn có chuyện thử hỏa tiễn của Bắc Hàn. Mỹ và Trung Quốc đã đạt được một thỏa thuận kềm chế Bắc Hàn. Cũng có ý lo ngại là có sự trao đổi giữa hai cường Quốc này và Mỹ sẽ nhân nhượng, hoặc nhắm mắt làm ngơ những việc Trung Quốc làm ở biển Đông?
Thạc sĩ Nguyễn Thành Trung: Tôi không thấy thuyết phục bởi quan điểm này. Khi tôi còn ở Trung Quốc, tôi có tiếp xúc với các giáo sư và học giả Trung Quốc thì họ không cảm thấy hài lòng với chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn. Đối với họ thì Bắc Kinh chỉ cách Bình Nhưỡng 1000 cây số đường chim bay, nằm trong tầm đạn bắn của Bắc Hàn, và vì thế Trung Quốc cũng lo ngại. Hiện nay tôi nghĩ là Trung Quốc mất kiên nhẫn với chương trình hạt nhân của Bắc Hàn, và họ nghĩ là một trong những cách để kiểm soát Bắc Hàn là hợp tác với Mỹ. Còn chuyện đổi chác thì tới giờ này tôi không thấy thuyết phục.
Kính Hòa: Trở lại với biển Đông thì có vẻ là khuynh hướng của giới học giả nói chung, và nhiều người Việt Nam thì có vẻ như sự thể đã rồi, tức là Trung Quốc sẽ thống trị biển Đông trong một tương lai không xa?
Thạc sĩ Nguyễn Thành Trung: Tôi cũng bi quan với viễn cảnh như vậy khi Trung Quốc ngày càng hung hăng ở biển Đông. Chưa có nước nào áp đặt được Trung Quốc vào khuôn khổ Quốc tế, vì vậy tôi cảm thấy bi quan.
Kính Hòa: Xin ông cho câu hỏi cuối là với kinh nghiệm sống và học tập ở Trung Quốc, ông cảm thấy tương quan giữa giới học giả Trung Quốc về biển Đông với giới học giả Việt Nam hiện nay?
Thạc sĩ Nguyễn Thành Trung: Tôi có tiếp xúc nhiều với học giả Trung Quốc bên Trung Quốc và khi nghiên cứu ở Mỹ, thì tôi thấy là học giả Trung Quốc được chính phủ Trung Quốc đầu tư rất nhiều để mà họ có thể tìm chứng cứ, họ cố gắng tìm những chứng cứ lịch sử, cố gắng viết nhiều bài bằng tiếng Anh, … để chứng minh chủ quyền Trung Quốc ở biển Đông.
Nói một cách thực lòng thì lực lượng học giả Việt Nam có thể chứng minh chủ quyền Việt nam ở biển Đông, kể cả chất lượng lẫn số lượng vẫn còn thua kém nhiều so với Trung Quốc. Và điều này có thể do nhiều nguyên nhân.
Kính Hòa: Xin cảm ơn ông
Nhận xét
Đăng nhận xét