Mỹ trình LHQ biện pháp trừng phạt Bắc Hàn
Theo BBC
26 tháng 2 2016
Hoa Kỳ, được Trung Quốc hậu thuẫn, đệ trình một dự thảo nghị quyết đến Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhằm áp đặt lệnh trừng phạt cứng rắn hơn đối với Bắc Hàn.
Biện pháp trừng phạt nhằm đáp trả vụ phóng tên lửa tầm xa và thử nghiệm hạt nhân gần đây của Bình Nhưỡng.
Các biện pháp này sẽ lần đầu tiên yêu cầu các nước thành viên Liên Hiệp Quốc thanh tra tất cả hàng hóa đến hoặc đi từ Bắc Hàn.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, Samantha Power, cho hay đây sẽ là những biện pháp trừng phạt mạnh nhất được Hội đồng Bảo an ấn định trong hơn 20 năm.
Cuộc bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết được tổ chức vào cuối tuần này.
Vụ phóng tên lửa tầm xa tháng 2/2016 và vụ thử hạt nhân tháng 1/2016 của Bắc Hàn đã bị lên án rộng rãi như là sự vi phạm trắng trợn nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.
Các biện pháp trừng phạt được đề xuất là gì?
- Các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc sẽ kiểm tra tất cả hàng hóa đến hoặc đi từ Bắc Hàn
- Những tàu của Bắc Hàn bị nghi ngờ chở hàng bất hợp pháp sẽ bị cấm vào các cảng trên thế giới
- Một lệnh cấm vận vũ khí sẽ được mở rộng gồm các nguồn cung cấp vũ khí nhỏ
- Việc cung ứng nhiên liệu hàng không gồm nhiên liệu tên lửa cho Bắc Hàn cũng sẽ bị cấm
Trung Quốc lên án hành động của Bắc Hàn nhưng trước đó miễn cưỡng ủng hộ lệnh trừng phạt có thể đe dọa sự ổn định nước láng giềng.
"Lần đầu tiên trong lịch sử, tất cả hàng hóa đi vào và ra Bắc Hàn sẽ phải chịu sự kiểm tra bắt buộc", bà Power cho biết sau khi đệ trình dự thảo nghị quyết đến Hội đồng Bảo an.
"Các biện pháp trừng phạt, nếu được thông qua, sẽ gửi một thông điệp rõ ràng và kiên quyết đến Bình Nhưỡng. Thế giới sẽ không chấp nhận và sẽ có biện pháp đối với các hành vi thử hạt nhân của quý vị."
Stephen Evans, phóng viên BBC tại Seoul phân tích: 90% giao thương của Bắc Hàn là với Trung Quốc, nhưng các biện pháp trừng phạt đề xuất không cấm quan hệ giao thương đó.
Các biện pháp này có thể khiến cho việc giao thương của Bình Nhưỡng khó khăn hơn nếu việc thanh tra tàu Bắc Hàn được tiến hành quan liêu.
Lệnh cấm cung cấp nhiên liệu cho Air Koryo khi có hiệu lực sẽ làm khiến ngành du lịch Bắc Hàn lao đao, ảnh hưởng đến 30.000 khách du lịch Trung Quốc thăm nước này mỗi năm (dù Air China cũng bay đến Bình Nhưỡng).
'Không khoan nhượng'
Một câu hỏi lớn hơn là liệu các biện pháp trừng phạt là cách tốt nhất để đem lại thay đổi. Một giáo sư người Mỹ công tác tại đại học Hàn Quốc nhận định các biện pháp giống như "trừng phạt một kẻ khổ dâm".
Trung Quốc tán đồng quyết định trừng phạt của Hoa Kỳ bây giờ là vì họ thấy Bắc Hàn không ngừng thử vũ khí hạt nhân và Hoa Kỳ không khoan nhượng cho hành vi này.
Hơn nữa, Hoa Kỳ đang muốn triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tân tiến ở Nam Hàn. Hệ thống này sẽ giúp quan sát sâu vào không phận Trung Quốc. Có thể một số đàm phán đang diễn ra và Washington hứa hẹn với Bắc Kinh rằng họ sẽ trì hoãn hệ thống radar để đổi lại việc Trung Quốc tăng áp lực lên Bình Nhưỡng.
Thông báo hôm thứ Năm 25/2 được đưa ra tiếp theo sau nhiều tuần đàm phán giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc mà cao điểm là cuộc hội đàm tại Washington trong tuần này giữa
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Bắc Hàn khẳng định chương trình tên lửa của nó là hoàn toàn mang tính khoa học, nhưng Hoa Kỳ, Nam Hàn và thậm chí cả đồng minh Trung Quốc nói rằng vụ phóng tên lửa này nhằm mục đích phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Vụ thử nghiệm hạt nhân của Bắc Hàn tháng 1/2016 mà họ tuyên bố là thử nghiệm công nghệ bom nhiệt hạch, là vụ thứ tư từ năm 2006.
Nhận xét
Đăng nhận xét